Nghe mẹ mất mà lòng mình trống rỗng
Nhận được tin đậu đại học, chưa kịp báo cho mẹ vui thì Nguyễn Duy Quang – tân sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng – nhận hung tin quá đớn đau: mẹ ra đi bởi COVID-19.
Nguyễn Duy Quang kể, đúng tối em nhận tin đỗ đại học thì ba cũng báo tin mẹ đã qua đời vì COVID-19 – Video: LÊ TRUNG – HUỲNH VY
“Mẹ Quang mất do COVID-19, giờ còn mình tôi chăm sóc cho các con ở TP.HCM. Tôi viết tâm thư kính mong ban giám hiệu của trường động viên con trong sự mất mát đau thương quá lớn và giúp em có điều kiện nhập học…” – đó là tin nhắn của ông Nguyễn Duy Tiên (44 tuổi), ba của Nguyễn Duy Quang, gởi thầy Lưu Hoài Nam – phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ( huyện Tiên Phước, Quảng Nam), khi ông vừa trải qua nỗi đau vợ mất vì COVID-19, một mình “gà trống nuôi con” nơi đất khách quê người.
Tin vui, tin buồn đến một lúc…
Chiều mưa tầm tã, trong căn nhà cấp 4 ở thôn 3, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, Quang lầm lũi cùng với ông bà nội trong nỗi đau xé lòng. Cậu bé 18 tuổi vừa đau đớn mất đi người mẹ yêu quý của mình. “Mình buồn lắm, tâm trạng rối bời. Nghe mẹ mất lòng mình như trống rỗng, không còn động lực để bước tiếp” – Quang nói.
Cuộc sống quê nhà khó khăn, mười mấy năm trước ba mẹ Quang vào TP.HCM làm lụng kiếm sống, gửi đứa con mới 2 tuổi cho ông bà nội chăm sóc, mỗi năm chỉ về quê vài lần thăm con. Ngày ngày ba làm thợ hồ, mẹ làm công nhân may, cật lực làm lụng tích cóp để nuôi các con và gửi tiền về nuôi Quang ăn học.
Tháng trước, mẹ Quang là bà Bùi Thị Vinh (39 tuổi) phát hiện nhiễm COVID-19 khi đang mang thai tháng thứ tám, phải nhập viện điều trị. Ba và hai đứa em của Quang trở thành F1, cách ly tại phòng trọ. Rồi đứa em 8 tuổi của Quang cũng nhiễm bệnh nên nhập viện. Cả gia đình Quang bị bủa vây bởi đại dịch, khốn đốn chồng chất.
Do mẹ của Quang đang mang thai tháng thứ tám, diễn biến nặng nên phải kết thúc thai kỳ sớm mổ lấy con, hôn mê sâu. Sau thời gian chống chọi trong đau đớn, tối 16-9 bà đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện. “Tối hôm đó cũng là lúc em vừa nhận được tin đỗ vào ngành kỹ thuật cơ khí Đại học Bách khoa Đà Nẵng với số điểm 25,2 (khối A00). Vui quá, định điện báo cho ba với mẹ thì mười mấy phút sau nghe ba điện về mẹ đã mất. Em đau quá, ngã quỵ xuống đất” – Quang nghẹn ngào nhớ lại.
Ông Nguyễn Thành Dâng (77 tuổi, ông nội của Quang) kể thấy thằng bé ngã quỵ xuống đất, hỏi ra mới biết mẹ vừa mất, người ông cũng run. “Tội nghiệp cháu tôi, sớm mồ côi mẹ. Biết ba mẹ cực khổ nên ngày đêm gắng học, cả 12 năm học đều là học sinh giỏi. Đến khi biết mình đậu đại học chưa kịp khoe thì lại nhận tin mẹ mất” – ông Dâng nấc nghẹn, trào nước mắt.
Nộp học phí bằng tiền làm thêm của chú!
Quang phụ bà nội ở kiôt bán hàng tạp hóa tại chợ – Ảnh: LÊ TRUNG
“Tôi mới nhận hũ tro cốt của mẹ nó sáng nay” – giọng mệt mỏi của ông Tiên qua điện thoại. Ông kể từ khi vợ nhập viện điều trị, một mình ông ở trọ lo cho hai đứa con, rồi đứa thứ ba bị COVID-19, khó khăn chồng chất khó khăn. Đứa bé gái út mới sinh chưa đầy một tháng phải gửi cho người em gái chăm sóc.
“Cả hai tháng nay được chính quyền, người dân trong này hỗ trợ thức ăn, thực phẩm, cả ba cha con cầm cự sống qua ngày, không đi làm được. Tôi mong muốn sắp tới được đem tro cốt của vợ về quê nhà mai táng” – ông Tiên tâm sự.
Ông nói rằng cùng lúc nhận được hai tin vui buồn lẫn lộn. “Tôi trong này đang quá ngặt nghèo, không biết thằng bé có vượt qua cú sốc lớn này không nữa. Rồi không biết nó nhập học sao đây, tiền đâu để ăn học những tháng ngày sinh viên” – bao nỗi lo, nỗi đau khiến ông Tiên bật khóc.
Cuộc sống của ông bà nội và Quang ở quê hiện giờ chỉ nương nhờ vào kiôt tạp hóa của bà nội ở chợ Tiên Thọ. Hằng ngày Quang phụ bà dọn dẹp hàng hóa, bán buôn kiếm sống. Bà Nguyễn Thị Cúc (64 tuổi, bà nội Quang) nói rằng từ nhỏ Quang đã sống cùng ông bà nội, thiếu đi tình thương, sự chăm sóc của ba mẹ.
“Nghe tin mẹ nó mất mà tôi rụng rời, mấy ngày nay hai vợ chồng chẳng đêm nào chợp mắt. Thương cho cháu mình từ nay thiếu đi tình thương của mẹ, tôi sợ nó hụt hẫng” – bà Cúc bộc bạch.
Nén đau thương, Quang cho biết sẽ cố gắng phấn đấu học tập, vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn trước mắt và thực hiện ước mơ thành một kỹ sư. Trước mắt khi ra TP Đà Nẵng, Quang sẽ kiếm việc làm thêm để có thể tự lo cho mình. “Mẹ chưa kịp nghe mình đỗ đại học, nhưng mình biết ở dưới suối vàng mẹ sẽ luôn dõi theo, phù hộ” – Quang tâm sự.
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển, Quang đã nộp tiền học phí 6,9 triệu đồng. Do Đà Nẵng đang dịch COVID-19 phức tạp nên Quang chưa ra nhập học mà học trực tuyến tại nhà. “Số tiền đó là của người chú mình đang học năm thứ 5 Trường ĐH Y dược TP.HCM làm thêm tích cóp được gửi về cho mình nộp để nhập học” – Quang kể.
Thầy cô, bạn bè bên cạnh Quang
Lúc chúng tôi đến nhà Quang cũng là lúc thầy Lưu Hoài Nam, phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đến thăm hỏi, động viên bạn cố gắng vượt qua nỗi đau, nỗ lực học tập vì tương lai.
Thầy cũng đại diện nhà trường trao số tiền hỗ trợ bước đầu cho Quang. “Nhà trường liên hệ với các tổ chức, cá nhân có thể giúp, tạo điều kiện học tập cho Quang sắp tới và cũng liên lạc với hội đồng hương, cựu sinh viên tại Đà Nẵng giúp đỡ chỗ ở cho Quang khi nhập học. Thầy cô, bạn bè bên cạnh em ngay lúc đau buồn nhất” – thầy Nam nói.
Nỗi lo sau giảng đường của đôi bạn mồ côi
Biết tin cả hai cùng đậu đại học, đôi bạn Phạm Hoàng Anh và Châu Thủy mừng reo, nhưng phía sau là nỗi lo dài mà cả hai đang phải đối mặt.
Đôi bạn từ làng SOS nắm tay nhau vào đại học - Video: ĐOÀN NHẠN - HOÀNG LONG - HUỲNH VY
Châu Thủy và Hoàng Anh giúp các em nhỏ trong Làng SOS học tập, chia sẻ với các em nhỏ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Khi cả hai rời Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, hành trình bước chân vào giảng đường đại học sẽ khó khăn bội phần. Một mình các em phải tự bươn chải để theo đuổi ước mơ.
Hai chị cả của các em mồ côi
Hoàng Anh có một ước mơ, nếu không theo ngành du lịch sẽ quay lại dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ khó khăn - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Một chiều Đà Nẵng mưa rả rích, trong mái nhà ấm áp ở Làng trẻ em SOS Đà Nẵng, nơi nhận nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi, đôi bạn Hoàng Anh và Châu Thủy đang kiên nhẫn dạy cho các em nhỏ học bài. Thoạt nhìn, ai cũng ngỡ mấy đứa nhỏ là em ruột của hai "cô giáo" bởi sự kiên nhẫn, tận tình của đôi bạn.
Những ngày cuối ở lại làng, Hoàng Anh và Thủy dành nhiều thời gian hơn cho mấy đứa nhỏ, chăm chỉ giúp đỡ các mẹ nuôi chăm sóc các em. Ít hôm nữa, khi tình hình dịch bệnh ổn hơn, cả hai phải khăn gói rời nơi đã cưu mang mình, ra ở trọ và bắt đầu cuộc sống tự lập.
Năm nay Hoàng Anh đậu vào ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế để thực hiện ước mơ được làm hướng dẫn viên du lịch. Còn Thủy vẫn một giấc mơ trở thành cô giáo mầm non, lên vùng cao dạy trẻ em nghèo.
Hoàng Anh bị cha mẹ bỏ rơi từ năm em 2 tuổi. Một người tốt bụng đã đưa em vào Làng trẻ em SOS Đà Nẵng. Từ đó Hoàng Anh bắt đầu có giấy khai sinh và được cưu mang như những đứa trẻ cùng cảnh.
Cô gái trầm tính, cả khi cười thì trong đôi mắt em cũng thoáng nét buồn. Hoàng Anh bảo rằng chưa lúc nào em thôi ước mơ có một gia đình hạnh phúc. Em tâm sự: "Em chỉ muốn mỗi lúc em buồn đều được có ba mẹ để tâm sự, kể hết lòng ra nhưng lần nào cũng là về phòng ngồi một mình. Chính bản thân phải trải qua cảm giác đó, nên em muốn mình sẽ là người lắng nghe các em trong làng tâm sự, giúp đỡ, chia sẻ những điều vui buồn nhỏ nhặt với các em".
Cuộc sống của cô bé mồ côi Hoàng Anh được tô thêm gam màu tươi sáng khi gặp Thủy. Vào cuối hè lớp 5, Hoàng Anh thấy Thủy khóc thút thít khi lần đầu đặt chân vào làng. Cả hai cùng tuổi, lại thấy người bạn mới đến cứ khóc suốt, thế là Hoàng Anh rắn rỏi đến động viên bạn. Sau này thân thiết, cùng chơi, cùng học và tâm sự. Đôi bạn cùng lớn lên từ sự đồng cảm, sẻ chia và vòng tay chở che của làng SOS.
Đôi bạn thân ở làng SOS luôn là điểm tựa tinh thần của nhau, cùng học tập, nỗ lực trong cuộc sống - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Học để giúp mình, giúp đời
Châu Thủy yêu trẻ con và luôn mong muốn sẽ được lên dạy học cho trẻ vùng cao - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Thủy quê ở Quảng Nam, được sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo gồm năm anh chị em. Khi em được ba tháng tuổi thì ba mẹ bị bệnh nặng và qua đời. Từ đó em sống với gia đình anh Bốn. Từ nhỏ, ý thức được gia cảnh anh Bốn khó khăn, hai vợ chồng anh chị cũng làm nông vất vả lại phải nuôi con nhỏ, nuôi em gái nên ngoài giờ học, Thủy lại đi giữ bò và phụ giúp chị dâu làm việc nhà.
Biến cố chưa dừng lại, năm Thủy học lớp 4 thì anh Bốn bị bệnh ung thư gan và qua đời. Chẳng nỗi đau nào bằng chịu cảnh lần lượt mất đi những người thân thiết khi còn quá nhỏ. Nhưng Thủy vẫn kiên cường một buổi học, một buổi giữ bò để nương tựa chị dâu.
Nhưng sau khi anh Bốn mất, sức khỏe của chị dâu không tốt, lại còn hai đứa con nhỏ, đèo thêm khoản nợ vay mượn để chạy chữa bệnh tình cho chồng khi anh còn sống nên chị đành gửi Thủy vào làng SOS, mong em có cuộc sống tốt hơn.
Thủy tâm sự, em luôn biết ơn người thân đã không bỏ rơi mình, càng biết ơn mái nhà thứ hai đã cho em cuộc sống mới. Lòng biết ơn đó luôn thôi thúc Thủy nỗ lực học tập và theo đuổi ước mơ.
Chia sẻ về ước mơ của mình, cô gái nói: "Em thấy hiện nay trên vùng cao có rất nhiều em nhỏ vẫn chưa được biết chữ. Em lại rất thích trẻ con nên luôn mong sau khi ra trường sẽ được lên vùng cao dạy học. Em mong là ở thế giới bên kia, ba mẹ và anh Bốn sẽ vui khi biết em đậu đại học, vui vì lựa chọn của em".
Ngoài giờ học, Hoàng Anh (trái) và Thủy lại phụ giúp việc nhà với các mẹ nuôi trong làng SOS - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Năm nay cả hai đã tròn 18, phải rời xa nhau, xa mái nhà cưu mang mình, những lo lắng lại bủa vây. Bốn năm đại học, làng sẽ hỗ trợ một phần rất nhỏ chi phí sinh hoạt, còn lại hai cô gái nhỏ phải tự bươn chải để lo cho sự học. Đôi bạn tính, khi tình hình dịch bệnh lắng xuống, việc đầu tiên phải làm là tìm ngay một công việc làm thêm để lo chi phí ăn ở và đóng học phí. Cùng với đó là đăng ký tham gia hoạt động tình nguyện giúp đỡ cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày xưa.
Thầy Bùi Hữu Tiên, nhân viên giáo dục của làng SOS, cho biết dù mồ côi từ nhỏ nhưng Hoàng Anh từng giành nhiều giải thưởng học sinh giỏi ở các môn học. Thủy cũng rất nỗ lực học hành. Cả hai cùng đậu đại học đúng ngành mà các em mong muốn là niềm vui lớn đối với các thầy cô giáo trong làng.
"Trước ngày nhập học, tôi đã kêu gọi hỗ trợ được một phần học phí cho Hoàng Anh nhập trường. Trước mắt em là cả hành trình dài đang đón đợi. Cả Hoàng Anh và Thủy để đến được với ước mơ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng tôi tin với nghị lực của hai em, chắc chắn sẽ làm được" - thầy Tiên nói.
Học bổng Tiếp sức đến trường 2021 - Video: TRẦN MẠNH
Tái chế rác thải thành đồ dùng dạy học Bằng ý tưởng sử dụng rác thải để tái chế thành đồ dùng, giáo cụ trong dạy học, thầy giáo Nguyễn Hữu Quyết, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) đã góp phần giúp học sinh tích lũy kiến thức cũng như giáo dục thái độ, hành vi bảo vệ môi trường của các em dễ dàng hơn. Ý...