Ngày Tết quây quần bên nồi bún nước lèo ngoại nấu
Với gia đình tôi, bún nước lèo không còn là một món ăn dân dã của người miền Tây, từ lâu nó đã trở thành một món ăn truyền thống của gia đình trong mỗi dịp lễ tết.
Bún nước lèo Trà Vinh được nấu bằng mắm bò hóc và cá lóc
Bún nước lèo là một đặc sản của người Khmer ở Tây đô và cũng chính là kết quả của sự giao thoa ẩm thực của người Khmer, người Hoa và người Việt.
Nói đến sự cộng cư của những dân tộc này thì có lẽ gia đình tôi là một điển hình: ông ngoại là người Việt gốc Khmer, bà ngoại là người Việt gốc Hoa. Từ những năm trước giải phóng, ông bà đã di cư từ Trà Vinh vào Sài Gòn, trở thành một trong những người mang đặc sản bún nước lèo Trà Vinh đến Sài Thành. Và hiển nhiên, tôi đã được mớm từng muỗng bún nước lèo từ khi mới biết nhai cơm.
Cùng một cái tên, nhưng bún nước lèo của mỗi vùng đất Tây đô lại có những mùi vị đặc trưng riêng. Chung quy có lẽ cũng là do làm từ nhiều loại mắm khác nhau. Riêng bún nước lèo Trà Vinh thì được làm từ mắm bò hóc – một loại mắm của người Khmer.
Ông ngoại nói: “Mắm bò hóc ngày xưa được làm từ các loại cá đồng như cá lóc, cá kèo, cá rô, cá sặc, … nhưng do cá đồng ngày càng hiếm nên bây giờ người ta dùng cả cá biển”.
Cách làm mắm nghe qua có vẻ đơn giản, nhưng đến nay cũng chỉ có người Khmer ở Trà Vinh mới làm được mắm bò hóc ngon. Bí quyết có lẽ nằm ở cách chọn cá, làm cá, tỉ lệ cá-muối-cơm-gia vị và độ nén các nguyên liệu trong vại. Ngay cả “con nhà tông” như ông ngoại, dăm ba tháng cũng phải nhờ bà con ở Trà Vinh gửi mắm bò hóc lên để nấu bún.
Nhắc đến mắm, phải xấu hổ nói rằng tôi không chịu được mùi mắm và không hề biết ăn bất kỳ loại mắm nào (ngoại trừ nước mắm nhĩ ! ). Song tôi lại ăn được món bún nước lèo do chính tay bà ngoại nấu. Chẳng biết bàn tay ngoại có phép thuật gì mà một món bún làm từ mắm chẳng còn tí mùi hôi tanh nào, mà lại có mùi thơm và vị rất đặc trưng.
Ngoại nói hồi xưa món bún nước lèo còn ngon hơn bây giờ, do được làm từ mắm bò hóc cá đồng, còn bún thì được làm kỹ tại nhà từ loại gạo ngon, dẻo và ngọt. Bây giờ thì ít ai tự làm bún mà mua bún có sẵn tại chợ, nhưng nếu chịu khó “đầu tư” công sức vào nồi nước lèo thì vẫn có được tô bún nước lèo thơm ngon khó cưỡng.
Bún nước lèo Trà Vinh “chính cống” được ăn với bún làm từ gạo ngon, dẻo và ngọt
Đầu tiên bạn phải chọn một con cá lóc to và tươi, cắt phần đầu và đuôi (phần này có thể để dành nấu canh chua hoặc làm món khác), chỉ lấy phần thân cá nhiều thịt. Sau khi luộc chín cá lóc, để riêng phần nước luộc cá làm nước dùng, cá lóc thì đem bỏ vào tô, rỉa xương thật kỹ. Ngoại nói ăn bún nước lèo là phải húp xì xụp, chỉ cần còn một miếng xương nhỏ, lỡ mắc xương là ăn tô bún chẳng còn ngon, cho dù nấu ngon đến độ nào.
Băm nhuyễn xả, ớt và một ít củ riềng rồi cho vào tô cá đã rỉa xương, cho thêm đường, bột ngọt và một ít nước mắm nhĩ. Lưu ý là chỉ cho một ít nước mắm thôi, nếu nhiều sẽ làm nước lèo bị chua. Sau đó, dùng chày quết nhuyễn hỗn hợp. Nhớ là “quết”, chứ không phải “đâm”. Bạn phải dùng chày nhấn mạnh vào hỗn hợp, vừa nhấn vừa kéo vừa trộn cho đến khi cá nhuyễn và hòa quyện đều cùng các loại gia vị.
Tiếp theo, bạn lấy ra một con mắm bò hóc, rã trong nước rồi đổ phần nước vào nồi nước dùng cá đun sôi. Lượt thêm vài lần (giống như cách lược me để nấu canh chua) để lấy hết mắm, bỏ phần phần xác mắm. Sau đó, bạn hớt bọt thật kỹ. Phần hớt bọt này khá quan trọng, nếu hớt bọt không kỹ, nước lèo sẽ đục và không ngon.
Ông ngoại đun lửa nấu nước lèo. Ông bà ngoại thường nấu món bún nước lèo cùng nhau. Ông bà ngoại nói phải nấu bằng lò củi mới ngon
Video đang HOT
Hớt bọt xong, đổ cá lóc đã quết nhuyễn vào nồi, khuấy đều rồi nêm lại một lần nữa là xong phần nước lèo.
Nói đến phần rau ghém. Rau của món bún nước lèo phải có đủ bắp chuối, giá sống và hẹ. Nhà ngoại có trồng chuối, nên bắp chuối được dùng là bắp chuối non mới cắt từ cây, rửa sạch rồi bào sợi (để nguyên phần vỏ đỏ), bào xong không rửa lại. Ngoại nói làm vậy để giữ lại nhựa chuối trong bắp, ăn sẽ ngon hơn. Hẹ thì phải chọn những cọng ốm, nhỏ và giòn, ngon nhất là hẹ hương. Giá sống phải tươi và cọng cũng không quá to.
Phải chọn heo quay loại ngon, thơm, vàng, da giòn và có tỉ lệ mỡ-thịt vừa phải,
Cuối cùng là phần thịt heo quay. Heo quay ăn với bún nước lèo phải là loại ngon, thơm, vàng ruộm, da giòn, có tỉ lệ mỡ-thịt vừa phải và phải chặt miếng vừa ăn, không quá to, không quá nhỏ. Tới đây thì tôi có thể hiểu vì sao người ta nói bún nước lèo Trà Vinh là sự giao thoa ẩm thực của các dân tộc sống ở Trà Vinh: mắm bò hốc của người Khmer, thịt heo quay của người Hoa và các loại rau thuần Việt.
Phải chọn heo quay loại ngon, thơm, vàng, da giòn và có tỉ lệ mỡ-thịt vừa phải
Mọi thứ gần như xong. Bây giờ bạn chỉ việc cho rau vào tô, rồi cho bún tươi vào, gắp thịt heo quay bỏ lên trên, chan nước lèo, cắt thêm vài lát ớt hiểm là có thể thưởng thức.
Cắt thêm ớt hiểm cho vào tô
Nhìn tô bún đủ màu đẹp mắt, ngửi qua mùi thơm đặc trưng của mắm bò hóc rồi lùa một đũa bún vào miệng, húp xì xụp nước lèo, cắn thêm miếng ớt, bạn sẽ hiểu vì sao món bún nước lèo Trà Vinh “vang danh thiên hạ”. Bao nhiêu tinh túy của mắm bò hóc như thấm vào từng sợi bún và từng muỗng nước lèo, bay qua mũi, trôi qua môi, lướt trên lưỡi rồi trôi tuột xuống dạ dày. Vị ngon như đánh thức các giác quan.
Gắp từng đũa bún, xì xụp húp nước lèo, cắn thêm miếng ớt, bạn sẽ hiểu vì sao món bún nước lèo Trà Vinh “vang danh thiên hạ”
Có lẽ vì vậy, với gia đình tôi, bún nước lèo không còn là một món ăn dân dã của người miền Tây, mà từ lâu đã trở thành một món ăn truyền thống của gia đình trong mỗi dịp lễ tết. Ngày Tết, khi con cháu tụ họp đông đủ, ngoài bánh chưng bánh tét, thịt kho tàu, khổ qua hầm thì chưa bao giờ bà ngoại quên nấu một nồi bún nước lèo to. Bánh chưng bánh tét, thịt kho, khổ qua còn có người thích người ngán, nhưng bún nước lèo thì khác. Dì, cậu, mợ, dượng, anh, chị, em như được trở về với tuổi thơ ngày xưa, cứ ngồi quanh nồi, mỗi người một, hai tô, một loáng là hết sạch!
Có lẽ hạnh phúc của ngoại chính là đây, nhìn thấy con cháu mình tề tựu và ăn ngon ngày Tết. Chợt giật mình nghiệm ra, đây chẳng phải là hiện thực của câu chúc năm mới no đủ, vui vẻ và sum vầy hay sao?
Theo VNE
Bí quyết để làm bánh chưng ngon ngày Tết
Bánh chưng là món ăn truyền thống trong ngày tết của mỗi người dân Việt Nam. thiếu bánh chưng, coi như ngày Tết không được trọn vẹn. Vậy, làm sao để nhà bạn có một nồi bánh chưng ngon, hãy tham khảo bí kíp dưới đây nhé!
Lá dong
Khâu đầu tiên là chọn lá dong. Lá dong chọn lá bánh tẻ (lá không non, cũng không già quá) và phải rửa thật kĩ, lau khô.
Lá dong được rửa sạch và để ráo nước. Nên chọn lá không to quá cũng không nhỏ quá. Lá không non quá mà cũng đừng già quá. Nhìn lá bóng, xanh đậm, cuống nhỏ. Khi chọn được lá ưng ý, đem rửa sạch sẽ, phơi chỗ thoáng gió. Không phơi quá khô mà chỉ cần ráo nước là được.
Muốn bánh chưng giữ được lâu thì khâu rửa lá là rất quan trọng. Thông thường bánh hay bị vữa, mốc là do vi khuẩn từ lá xâm nhập vào
Gạo nếp
Muốn chọn gạo ngon phải chọn loại nếp mùa, hạt bóng mẩy và đều nhau. Gạo ngâm khoảng 10 - 12 giờ bằng nước lạnh sau đó vo qua, để ráo nước và xóc muối trắng lượng vừa phải cho thêm vị đậm đà. Đặc chưng của bánh là vị mặn của gạo, vị thơm của đỗ, vị ngấy của thịt... vì vậy cần chú ý cho lượng muối vừa đủ với số lượng gạo và đồng đều với đỗ, thịt.
Để bánh chưng được xanh, có thể dùng lá riềng (hay lá dứa), giã rồi vắt lấy nước, trộn chung với gạo, như thế bánh sẽ có màu xanh tự nhiên. Xóc gạo với một chút muối, để khoảng 30 phút sau thì có thể gói được.
Nhân bánh
Đỗ xanh
Đỗ xanh phải chọn loại ngon, sau đó về tách vỏ, đỗ phải có mầu vàng óng.
Đỗ xanh nằm gần tâm của bánh. Đỗ xanh đã tách đôi, đem ngâm nước lạnh khoảng 8-10 tiếng, sau đó đãi cho sạch vỏ, để ráo nước. Nên dùng đỗ xanh còn nguyên vỏ để có độ thơm, ngon và vệ sinh. Tiếp theo cho đỗ vào chõ đồ, hoặc hấp lên cho chín. Để nguội sau đó nắm từng nắm nhỏ vừa đủ cho một chiếc bánh. Mầu vàng óng của hạt đỗ tượng trưng cho một năm mới tràn trề tài lộc, thịnh vượng.
Hành khô và thịt
Thịt ba chỉ thái miếng to đều. Thịt heo không nên chọn thịt nạc, vì thịt nạc sẽ xác và không thơm bánh. Nên chọn thịt ba chỉ (ba rọi) có cả mỡ lẫn nạc.
Hành khô bóc sạch vỏ, thái nhỏ. Hạt tiêu tự xay hoặc mua tại chợ.
Nhân bánh là thịt lợn có cả nạc và mỡ (thường là thịt ba chỉ). Mỡ để cho bánh béo ngậy như sự khỏe mạnh của gia chủ, nạc đỏ hồng mang nhiều niềm vui cho năm mới. Thịt thái miếng to đều, ướp gia vị vừa đủ, rắc ít hạt tiêu để thêm hương nồng nàn và đặc biệt sau khi bánh chín sẽ có mùi thơm và vị cay nhẹ.
Lạt buộc
Chọn những đốt giang dài từ 70-90 cm, cạo vỏ ngòai, sau đó chẻ từng miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, còn khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay, mềm và dễ buộc.
Cách gói bánh
Khi chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi là đến khâu gói bánh. Người có kinh nghiệm thì gói bằng tay, hoặc gói bằng khuôn. Một chiếc bánh cho khoảng 5 - 6 lá dong, còn gạo và nhân bánh tùy thuộc vào độ lớn của chiếc bánh cần gói.
Đặt 2 lá dong ở 2 góc so le, cho 1 bát ăn cơm gạo, lấy 1/2 nắm đậu xanh dàn mỏng đều lên gạo, xếp 2 miếng thịt vào giữa rồi tiếp tục cho nốt phần đậu xanh còn lại, phủ nốt gạo lên trên cùng, bẻ gập lá gói vuông, cao thành, buộc lạt chéo chữ thập.
Gói bánh theo công thức: 02 lần gạo nếp, 02 lần nhân đậu, 02 miếng thịt, hành ở giữa. Hòan thành chiếc bánh gói bằng tay
Khi bóc, bánh có màu xanh của lá dong, vị thơm ngon của đậu xanh, thịt, hạt tiêu, vị vừa ăn.
Luộc bánh
Luộc bánh đủ 12 tiếng. Luộc bánh là khâu quan trọng nhất vì luộc bánh mất nhiều thời gian và công sức. Chú ý khi luộc nhớ chèn chặt bánh để khỏi bị vỡ vì khi đun bánh nở ra.
Các lá bánh còn thừa cho cả vào nồi cho thêm hương và giữ nhiệt khi đun. Thường luộc bánh bằng củi sẽ thơm ngon và nhừ hơn bằng các loại khác. Nồi bánh phải đủ lửa để nước luôn sôi, không bao giờ được thiếu nước nên có thùng tiếp nước bên cạnh.
Bếp và nén bánh
Bánh luộc ra thơm và nghi ngút khói Đủ 12 giờ đun bếp củi thì bánh chín, đảm bảo sẽ không bị "lại gạo", bị sượng sau này. Bánh vớt ra nghi ngút khói, để nguội trong cái lạnh giao mùa, ngấm sương đêm và hương vị đất trời. Sau khi vớt bánh ra, xếp thành nhiều lớp, dùng một vật nặng để ép cho ra nước.
Thường dùng miếng gỗ phẳng, hoặc mâm đè lên các lớp bánh sau đó là dùng 1 vật nặng vừa phải để lên trên sẽ làm bánh được ép rền, phẳng, chắc mịn.
Ngày nay, dù cuộc sống vô cùng bận rộn, nhưng những món ăn cổ truyền vẫn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Bánh chưng, món ăn của dân tộc tuy mất nhiều thời gian và công sức để làm nhưng nó lại đem đến cho mọi người không khí xuân, không khí ngày Tết, gợi nhớ cho mỗi người tình cảm gia đình, sự gắn kết và đoàn tụ. Vào những ngày này, cả nhà cũng quây quần bên nhau làm bánh chưng thì không gì hạnh phúc và ấm áp bằng.
Theo PNO
Những món xôi đẹp mắt cho ngày Tết Thay vì nấu những món xôi truyền thống, hãy thử thay đổi với những món vừa lạ miệng vừa đẹp mắt này trong ngày Tết nhé. 1. Xôi mít lá cẩm Những múi mít vàng ươm, ngọt dịu, quyện lẫn với xôi dẻo thơm, có màu tím đẹp mắt sẽ lôi cuốn bạn khi lần đầu thưởng thức. Nguyên liệu:- 8-10 múi mít...