Ngâm muối vào khẩu trang có diệt được virus nCoV?
Ngày 10/2, tại Hội nghị tập huấn công tác phòng chống dịch nCoV do Khoa Y dược – Đại học Quốc gia Hà Nội và Bệnh viện E phối hợp tổ chức, GS.TS Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, Chủ nhiệm khoa Y dược – Đại học quốc gia Hà Nội khẳng định, chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống virus nCoV theo các phương pháp dân gian như bôi dầu tràm, ngâm muối vào khẩu trang…
Theo GS.TS Lê Ngọc Thành, virus nCoV là một chủng virus mới hiện đang được nghiên cứu và đường lây chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp trong vòng bán kính gần, khoảng 2m. Mặc dù hiện nay đã phân lập được virus corona trong 24 – 48 giờ nhưng mới chỉ đang điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng mà chưa có thuốc đặc hiệu.
Vì thế, GS Thành khuyến cáo, các sinh viên y khoa cần phải cập nhật thông tin chính thống từ Bộ Y tế và cần nắm chắc các kiến thức khoa học để phổ biến kiến thức cho gia đình, hàng xóm và mọi người chung quanh.
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện E đã hướng dẫn sinh viên, giảng viên của Khoa Y dược cách đeo khẩu trang đúng cách
Trước một số câu hỏi của sinh viên, hiện nay nhiều người truyền tai nhau phương pháp đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang có diệt virus corona, GS.TS Thành khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống virus corona theo các phương pháp này.
Ngoài ra, những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như: Đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm… giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được virus corona. Một lần nữa, GS Thành khẳng định, những biện pháp hiện nay chỉ nhằm mục đích dự phòng. Nếu không có nguy cơ nhiễm, phơi nhiễm với người nhiễm, mọi biện pháp chỉ tăng sức đề kháng với nCoV.
“Việc đốt bồ kết giúp làm ấm không khí làm ngăn cản virus, ngậm muối để bảo vệ niêm mạc tại chỗ. Dân gian cũng hay uống nước gừng, quất mật ong, cánh hoa hồng… để bảo vệ niêm mạc, đỡ kích thích niêm mạc. Những phương pháp này giúp tăng sức đề kháng chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt virus corona” – PGS.TS Phạm Như Hải – Phó Chủ nhiệm khoa Y dược cũng chia sẻ.
Video đang HOT
Về đeo khẩu trang như thế nào đúng cách, ThS.BS Phạm Thị Kim Thoa – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện E cho hay, những nhân viên y tế thực hiện khám và điều trị cho bệnh nhân, người trực tiếp chăm sóc người bệnh nghi nhiễm hoặc nhiễm nCoV trong môi trường bệnh viện cần đeo khẩu trang y tế. Mọi người trong cộng đồng chỉ cần đeo khẩu trang vải và giặt hằng ngày, chưa cần tới mức đeo khẩu trang y tế tránh tình trạng khan hiếm như hiện nay.
Nhiều băn khoăn về việc, làm sao phân biệt cúm thông thường và người mắc virus corona để không xảy ra tình trạng kỳ thị với người có triệu ho, hắt hơi, sổ mũi, GS Thành khuyến cáo, nếu người dân có biểu hiện cúm mà đến từ vùng dịch, đi qua Trung Quốc, sân bay cần phải lưu ý sàng lọc cách ly. Đối tượng thứ hai là nhóm y, bác sĩ làm việc trong môi trường bệnh viện.
“Cúm thông thường sẽ có triệu chứng nhẹ. Nếu có diễn biến nhanh như sốt, khó thở, rối loạn khác thì cần phải lưu ý” – GS Thành nói.
Theo kinhtedothi
Phòng dịch nCoV: Chỉ đeo khẩu trang khi cần thiết
WHO chính thức công bố tình hình nhiễm nCoV ở tình trạng đáp ứng khẩn cấp toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Tedros Adhanom Ghebreyeus - Tổng Giám đốc WHO, đây không phải thời điểm để lo sợ, gây hoang mang, mà là thời gian để nhìn lại những dữ kiện một cách khoa học giúp chúng ta bình tĩnh hơn khi đối diện với vụ dịch.
Người dân nên đeo khẩu trang khi ở chỗ đông người. Ảnh: Trần Anh
Lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn
Thử điểm lại những vụ dịch do Coronavirus trước đây, chúng ta sẽ thấy nCoV có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với SARS-CoV và MERS-CoV. Thống kê cho thấy tỷ lệ tử vong của MERS-CoV là 34,4% (cho đến tháng 12/2019 có 2.499 trường hợp nhiễm bệnh, 861 trường hợp tử vong). Tỷ lệ tử vong do SARS trong vụ dịch 2003 theo WHO ước tính là từ 10,8%. Tỷ lệ tử vong của nCoV cho đến ngày 1/2 là 2,17 %.
Mức độ lây lan của nCoV nhanh hơn SARS và MERS-CoV, chỉ trong 2 tháng, số người nhiễm bệnh là hơn 12.000 người, vượt quá số người nhiễm SARS trong 9 tháng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là sự lây lan gần như khu trú tại Trung Quốc. Cho đến thời điểm hiện tại, 98,8% trường hợp nhiễm nCoV là ở Trung Quốc, gần 1/2 là ở tỉnh Hồ Bắc (43,6%), nghĩa là chỉ có khoảng 1,2% trường hợp nhiễm nCoV là ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, trong khi đó, ở vụ dịch SARS số trường hợp nhiễm ngoài Trung Quốc lên đến 36,7% trường hợp.
Trong đại dịch SARS, trường hợp đầu tiên (index case) đều dẫn đến chùm ca bệnh với tỷ lệ mắc bệnh trong nhân viên y tế (attack rate) từ 10 - 60% tùy theo mỗi quốc gia khác nhau, tại Việt Nam là 18%. Trong vụ dịch nCoV lần này, cho đến thời điểm hiện tại, các trường hợp bệnh đầu tiên (index case) gần như chưa gây ra một chùm ca bệnh nào trong bệnh viện. Các trường hợp lây lan tại Trung Quốc cho thấy, chủ yếu theo hộ gia đình trong cộng đồng.
Phòng ngừa và cảnh giác với dịch bệnh là cần thiết, nhưng không nên quá sợ hãi và áp dụng không đúng các biện pháp phòng ngừa. Dù truyền thông đã hướng dẫn rõ nhiều biện pháp ngăn ngừa nhiễm bệnh nhưng hầu như chúng ta đang chưa thực hiện đúng. Virus nCoV lây truyền chủ yếu qua đường tiếp xúc và giọt bắn. Lây qua đường tiếp xúc nghĩa là virus này có thể lây qua tay hoặc các bộ phận cơ thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với chất tiết người bệnh.
Lây qua đường giọt bắn nghĩa là virus được bắn ra ngoài người bệnh khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi và đi vào người đang đứng gần, thường trong khoảng dưới 1 mét. Do đó, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa phải thực hiện đồng bộ các biện pháp để ngăn ngừa lây truyền qua 2 đường này, bao gồm các biện pháp thông khí, làm sạch môi trường và phòng hộ cá nhân.
Rửa tay hiệu quả hơn dùng khẩu trang
Khi nói đến phòng hộ cá nhân, chúng ta đang chỉ tập trung vào việc lạm dụng khẩu trang mà quên đi các biện pháp phòng ngừa khác. Gần như mọi người bây giờ đều giữ sẵn khẩu trang trong mình nhưng lại rất ít người bỏ túi chai nước rửa tay, trong khi rửa tay là biện pháp hiệu quả nhất trong phòng các bệnh đường hô hấp. Các vụ dịch cúm trước đây đã chứng minh rửa tay có hiệu quả hơn khẩu trang trong phòng ngừa cúm.
Ở giai đoạn hiện tại, tại Việt Nam, khi nCoV chỉ đang khu trú lây nhiễm từ những người bệnh và người thân đến từ Vũ Hán, việc quan trọng là, nhận biết sớm, cách ly sớm người về từ vùng dịch, người có yếu tố dịch tễ. Tăng cường không khí môi trường xung quanh. Mở toàn bộ cửa sổ ra khi có thể, ngay cả trong bệnh viện, trong phòng hồi sức mà chưa có hệ thống khí chủ động.
Đặc biệt, mọi người chỉ nên mang khẩu trang y tế khi cần thiết, như khi đang bị ho, hắt hơi, sổ mũi, khi cần phải tiếp xúc với nhiều người trong phạm vi gần, khi đi vào chỗ đông người, chứ không phải mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi. Khẩu trang có hiệu lực lọc cao như N95 chỉ dùng trong các cơ sở y tế, khi tiếp xúc với người bệnh có làm thủ thuật tạo khí dung như xông khí dung, thở máy, hút đàm, nội soi...
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn về tình hình nhiễm nCoV, về đường lây truyền và cách phòng ngừa, áp dụng các biện pháp phòng ngừa đúng đắn hơn để ứng phó tốt hơn với dịch nCoV.
Dùng cồn 70% rửa tay hiệu quả, an toàn
Không chỉ có khẩu trang y tế mà hiện nay những loại dung dịch nước rửa tay khô để phòng ngừa bệnh viêm phổi do virus nCoV gây ra cũng đang trong tình trạng "cháy hàng", loạn giá.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nhất thiết phải tìm mua bằng được các loại nước rửa tay khô được quảng cáo ầm ĩ trên thị trường. Chỉ cần ra hiệu thuốc, mua lọ cồn 70 - 90 độ về để sát khuẩn tay sau khi rửa sạch tay. Bản chất của những loại nước rửa tay khô hiện nay chỉ hơn cồn ở chỗ có chất tạo mùi, chất làm mềm tay chứ không hơn ở khả năng sát trùng, khử khuẩn virus nên không cần thiết phải tốn quá nhiều tiền để đi tìm mua nước rửa tay khô.
Phòng thí nghiệm của Trung Quốc từng chia sẻ, dung dịch chứa cồn 75% giúp tiêu diệt virus nCoV hiệu quả. Còn theo bác sĩ Phí Văn Công - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, đa số các loại nước rửa tay nhanh trên thị trường hiện nay đều là cồn có nồng độ từ 70 - 75%. Việc sử dụng cồn 70% để sát khuẩn đối với cả người lớn và trẻ em đều an toàn. Tuy nhiên tuyệt đối không được uống. Riêng đối với trẻ em dưới 2 tháng tuổi thì không nên dùng.
Bác sĩ Công cũng khuyến cáo, sau khi vừa dùng cồn sát khuẩn tay xong không nên làm những việc tiếp xúc với lửa ngay như đun nấu bếp gas, dùng bật lửa vì cồn có tính chất gây cháy. Không dùng bàn tay vừa sát khuẩn bằng cồn đưa lên dụi mắt, cho vào mũi, miệng ngay. Cồn để dùng sát khuẩn ngoài da, là bước cuối cùng sau khi hoàn thành công đoạn rửa tay. Nếu tay có vết bẩn cần rửa sạch bằng nước thường và xà phòng rồi mới sát khuẩn bằng cồn. Sau khi sát khuẩn xong cần để tay khô tự nhiên, không lau rửa tùy tiện. - (Nam Trần)
Theo kinhtedothi
TP.HCM họp bàn giải pháp ngừa Corona bùng phát Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan liên quan phải dự báo nhu cầu khẩu trang ít nhất trong hai tuần nữa. Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dự báo nguy cơ dịch bệnh do virus nCoV gây ra có khả năng lan rộng trên địa bàn TP.HCM nếu không kiểm soát được dịch...