Nâng cao thể trạng từ bữa ăn bán trú
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng tới sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ con người. Tuy nhiên, tại các bữa ăn trong trường học – nơi rất cần sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng lại đang bị bỏ ngỏ.
Bữa ăn học đường hiện chưa được quan tâm đúng mức – Ảnh: Ngọc Thắng
Thiếu cả lượng và chất
“Theo tôi, giai đoạn tới, chúng ta tập trung tăng cường hơn nữa về truyền thông, giáo dục, cung cấp kiến thức, kỹ năng về dinh dưỡng, vận động hợp lý đến người dân. Đặc biệt, chúng ta quan tâm đến trẻ em lứa tuổi học đường, nam nữ tuổi sinh đẻ và bà mẹ mang thai. Nếu ta truyền thông, giáo dục kiến thức dinh dưỡng từ nhỏ để trẻ lớn lên có chế độ dinh dưỡng điều độ, lối sống lành mạnh thì sẽ có sức khỏe, thể chất tốt…”. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM
Tại Hà Nội, bữa ăn bán trú được các trường thực hiện phổ biến theo các hình thức: tự nấu, mua cơm hộp do các công ty cung cấp suất ăn hoặc thuê dịch vụ nấu ăn. Việc thả nổi, thiếu quản lý và giám sát chất lượng bữa ăn dẫn đến mối lo ngại về an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu dinh dưỡng cho các thế hệ tương lai.
Chị Hoàng Thị Bình, có con học tại Trường tiểu học Q.Đống Đa (Hà Nội), cho hay đã 3 năm nay, cứ vào năm học mới, chị lại lo lắng cho sức khỏe của cậu con trai. “Không hiểu sao, 3 tháng hè con ở nhà tăng 4-5 cân, nhưng hễ đi học là cháu lại sụt cân. Con đang tuổi ăn, tuổi lớn, chiều nào đi học về cháu cũng kêu đói, kêu cơm hộp ở trường ăn rất chán và không đủ no. Tính ra tiền ăn 25.000 đồng/ngày không phải là ít, nhưng có thể do chưa cân đối dinh dưỡng hợp lý nên các con ăn thiếu cả về lượng lẫn chất”, chị Bình bộc bạch.
Mặc dù đóng học phí cao hơn hẳn trường công, nhưng tại các trường tư thục, dinh dưỡng bữa ăn cũng chưa hợp lý. Chị Quỳnh Hoa, có con học trường tư thục tại Q.Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ: “Cả hai vợ chồng đều bận rộn nên gia đình chỉ ăn tối cùng nhau, còn lại bữa sáng và bữa trưa con đều ăn ở trường. Từ ngày đi học, con tăng cân nhanh, nhưng gần đây cháu rất khó ăn, nhiều hôm còn mang theo bánh ngọt về nhà. Hỏi thì cháu bảo thực đơn ở trường toàn là những món chiên, xào, nướng và béo… ăn nhiều về nhà ngửi mùi đã thấy sợ. Tôi đã kiến nghị với nhà trường cân đối lại dinh dưỡng bữa ăn, nhưng xem ra chưa cải thiện nhiều”.
Video đang HOT
210.000 tỉ đồng để nâng cao thể trạng trẻ em VN
Chất lượng bữa ăn của học sinh tại trường không chỉ là lo lắng của các bậc phụ huynh mà cả các chuyên gia dinh dưỡng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nguyên nhân quan trọng là chế độ ăn uống không đầy đủ các chất dinh dưỡng hoặc chất lượng quá kém, trong đó có bữa ăn tại trường học. “Hiện chưa có số liệu điều tra mang tính toàn quốc về dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi học đường. Tuy nhiên một số nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng quốc gia (DDQG) và Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM đều cho thấy vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tầm nhiều, chiều cao, cân nặng của trẻ em Việt Nam lứa tuổi mầm non, tiểu học luôn thấp hơn khuyến cáo của tổ chức quốc tế. VN vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất thế giới”, ông An cho biết.
“Chất lượng dân số của VN trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng nếu tiếp tục né tránh cung cấp thông tin sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên… Thanh thiếu niên phải được trang bị giáo dục giới tính phù hợp và toàn diện để trau dồi kiến thức và kỹ năng cần thiết để bảo vệ sức khỏe suốt đời”. Ông Arthur Erken, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam
Còn theo bà Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện DDQG, nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ ở lứa tuổi học đường cần glucid từ 61 – 70% tổng năng lượng, trong đó đường tinh chế không quá 10%. Nhu cầu chất xơ tối thiểu là 14 gr/1.000 kcal, nhu cầu các chất khoáng và vitamin như can xi (mg) là 700, sắt (mg) là 11,9, vitamin A (mcg) là 500, vitamin D (mcg) là 5…
“Với một khẩu phần ăn bình thường thì không thể đáp ứng được. Bằng chứng là có tới 28% học sinh bị thiếu máu do thiếu sắt, 3% bị thiếu i ốt, rất nhiều học sinh thiếu vitamin A. Vì vậy cần phải triển khai hoạt động can thiệp lồng ghép về dinh dưỡng và giáo dục dinh dưỡng – sức khỏe trong trường học”, bà Mai nói.
Ông Nguyễn Trọng An phân tích: “Sức khỏe là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học tập, sáng tạo và sự phát triển cũng như tương lai và cuộc sống của học sinh. Giai đoạn từ khi sinh ra đến 12 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao chủ yếu ở trẻ, đây là giai đoạn cần sự đáp ứng dinh dưỡng tối đa. Các vi chất dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển về thể lực và trí tuệ của học sinh. Điều tra về dịch tễ cho thấy trẻ em thường bị thiếu các vitamin A, E, can xi, sắt, kẽm, i ốt… Khi trẻ bị đói và thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ dẫn đến mệt mỏi, các em khả năng tiếp thu chậm. Về lâu dài, trẻ chán học, học hành sa sút. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến học tập mà còn ảnh hưởng đến nòi giống trong tương lai”.
Theo các chuyên gia, hiện nay chịu trách nhiệm về chất lượng bữa ăn học đường chủ yếu do ngành giáo dục quản lý, chưa có một cơ quan ban ngành chuyên môn nào của Chính phủ chịu trách nhiệm. Do vậy, thiếu các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai bữa ăn học đường tại các trường để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Trọng An, sang năm 2014, Bộ LĐ-TB-XH sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao thể trạng trẻ em VN. Kinh phí đến năm 2020 khoảng 210.000 tỉ đồng. Mục tiêu dự kiến của đề án là chiều cao trung bình người Việt sẽ được cải thiện, trung bình nam giới đạt 167 cm, nữ giới 156 cm vào năm 2020 đến năm 2030 là 168,5 cm ở nam và 157,5 cm ở nữ (tăng hơn nhiều so với con số 164,4 cm ở nam và 153,4 cm ở nữ hiện nay).
Chiều cao trung bình ở nữ đã tăng thêm 2 cm và nam tăng thêm 4 cm trong vòng 25 năm qua, tuy nhiên vẫn thấp hơn chiều cao trung bình chuẩn quốc tế và trong khu vực. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi ở VN vẫn ở mức cao (26%) cản trở có được chiều cao tối đa. Chiều cao này có thể chênh lệch đến 12 cm (158 và 170 cm) giữa các trẻ thấp còi và không thấp còi khi trưởng thành. Thấp còi rất khó có thể “sửa chữa”, làm ảnh hưởng đến sức bền và năng suất lao động khi trưởng thành. Thấp còi cũng làm tăng nguy cơ béo phì vì khi điều kiện dinh dưỡng cải thiện, các trẻ thấp còi có xu hướng tăng cân nặng nhanh hơn tăng chiều cao. (Nguồn: Tổng cục DS-KHHGĐ và Viện DDQG)
Theo TNO
Phụ huynh lo bếp ăn bán trú không an toàn
Nhiều phụ huynh ở thành phố Nam Định có con học bán trú bày tỏ lo lắng về an toàn thực phẩm và chế độ dinh dưỡng ở các bếp ăn nhà trường.
Bữa ăn của học sinh trường Hồ Tùng Mậu được phụ huynh đánh giá là đảm bảo dinh dưỡng
- Ảnh: Hoàng Long
Chia sẻ với Thanh Niên Online, anh Lê Văn Thanh (phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định) cho biết, anh có 2 con cùng học bán trú tại các trường tiểu học trong thành phố. Tuy nhiên, từ đầu năm học, nhà trường thường thông báo nộp bao nhiêu tiền, ăn mấy bữa, ăn gì... nhưng không cho biết việc nấu ăn như thế nào, mua thực phẩm ở đâu mà chỉ nói chung chung: "Xin các phụ huynh yên tâm!".
Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh có con em đang học bán trú tại các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn tỉnh Nam Định. Lo lắng này xuất phát từ việc hầu như chưa trường nào công khai chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, trong khi thực tế đã xảy một vụ ngộ độc tập thể tại Trường mầm non Xuân Phương (xã Xuân Trường, huyện Xuân Trường) ngày 5.10.2012, khi 24 học sinh và 1 giáo viên phải đi cấp cứu vì ngộ độc khi ăn ruốc.
Theo thống kê của Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) thuộc Sở Y tế Nam Định, trên địa bàn tỉnh có 291 trường học với 510 bếp ăn, chủ yếu là của các trường mầm non, tiểu học, với 98.962 suất ăn mỗi bữa, chưa kể các bếp ăn của các hộ trông trẻ tại nhà. Tuy nhiên, chỉ có 50% số bếp có chứng nhận đảm bảo ATVSTP.
Theo ông Hoàng Tiến Cường, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Nam Định, các cuộc kiểm tra cho thấy hầu hết các bếp ăn trên đều mua nguyên liệu, thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, điều kiện trang bị còn rất hạn chế, chật chội, việc khám, kiểm tra và trang bị dụng cụ, trang phục cho các đầu bếp chưa được thực hiện nghiêm túc.
Trong khi phụ huynh học sinh rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn cũng như xuất xứ nguyên liệu chế biến ở các bếp ăn nhà trường thì các trường lại tỏ ra rất "kín đáo" với vấn đề này. Chúng tôi đã liên hệ hoặc tìm đến hàng chục trường tiểu học, mầm non tại thành phố Nam Định nhưng đều bị từ chối làm việc. Câu trả lời của lãnh đạo các trường này thường là: "phải được sự đồng ý của Phòng Giáo dục thì mới làm việc".
Trong khi đó, có lẽ do thực hiện tốt nên một vài trường lại sẵn sàng mời PV đến xem bữa ăn bán trú của học sinh, như Trường tiểu học Hồ Tùng Mậu có tới 805 học sinh ăn bữa trưa. Tại đây, PV được chứng kiến học sinh ăn bữa trưa ngày 6.11 và tiếp cận với các đầu bếp, nhà cung cấp thực phẩm, các hợp đồng mua bán...
Tiếp cận một số đầu mối thực phẩm, được chị L.T.T, một đại lý gạo ở chợ Mỹ Tho, TP.Nam Định cho biết: chỉ vài trường đông học sinh mới đặt mua gạo, thịt hàng ngày, còn lại đều ăn bữa nào mua bữa ấy, có gì ở chợ mua thứ ấy. Còn chị P.T.N, một đầu mối thường bán thịt lợn cho các trường, cho biết: hầu hết các trường đều giao lại cho một giáo viên việc quản lý bếp ăn, giáo viên này cho đấu thầu lại hoặc thuê đầu bếp tổ chức bữa ăn hàng ngày.
Ngoài mối lo về chất lượng, nguồn gốc thực phẩm, trách nhiệm tay nghề của đội ngũ đầu bếp trong các bếp ăn tập thể cũng là vẫn đề đáng quan tâm. Theo Chi cục ATVSTP Nam Định, hơn 70% đầu bếp phục vụ bán trú ở các trường trên địa bàn chưa được đào tạo tay nghề và cấp chứng chỉ nấu ăn. Ngoài ra, các cuộc kiểm tra thực tế cho thấy tình trạng phổ biến ở các bếp ăn trường học là thiếu dụng cụ, trang bị của đầu bếp trong quá trình nấu nướng.
Theo TNO
Học cách vượt qua khủng hoảng Phần lớn rủi ro kinh doanh đều bắt nguồn từ chính năng lực quản lý, vì vậy, việc nâng cao năng lực quản trị, tìm kiếm một tầm nhìn dài hạn hiện là vấn đề chung của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao. Một số doanh nhân chia sẻ, họ đã học được các kiến thức quan trọng từ giảng đường để...