Mứt mãng cầu
Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện các loại mứt Tết không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để “tự cứu mình” bạn hãy tự tay làm những món mứt thơm ngon từ hoa quả tươi nhé.
Cách chọn lựa mãng cầu: tốt nhất nên chọn mãng cầu xiêm của miền Tây, vì vùng đất ưu ái cho giống mãng cầu có vị ngọt thanh. Chọn trái còn tươi và to, dày cơm.
Chuẩn bị:
Video đang HOT
1kg mãng cầu thịt (bỏ hột), 1/2kg đường trắng. Theo kinh nghiệm, không nên chọn đường ngoại nhập (nhất là Thái Lan), vì mứt sau khi thực hiện có vị chua của mật, không ngon.
Thực hiện:
Mãng cầu lột vỏ, sau đó cầm nguyên trái rửa sạch qua nước, để cho ráo và lấy hột. Tiếp đó, ngâm hỗn hợp trên (mãng cầu đường) trong thời gian sáu giờ.
Công đoạn sên: bắc chảo lên, để lửa riu riu, cho hỗn hợp trên vào và đảo liên tục để không bị dính chảo.
Sên đến khi mứt có độ dẻo “mềm tay”. Trước khi bắc xuống, trộn hai ống vani vào cho có vị thơm.
Nếu có máy sấy thực phẩm thì sấy theo chỉ định trong hướng dẫn. Còn thực hiện theo cách dân gian thì bỏ mứt ra mâm, rải ra thật mỏng, phơi một nắng.
Cứ khoảng hai tiếng trở mặt một lần. Trở hai lần là có thể gói vào giấy bóng kính. Chỉ cần để nơi khô ráo, có thể sử dụng trong một tháng mà không cần chất bảo quản vì đường là chất bảo quản hiệu quả nhất.
Về giá trị dinh dưỡng của mứt mãng cầu, BS Đào Thị Yến Thủy – Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, cho biết:
Mứt mãng cầu được làm từ mãng cầu xiêm để có độ dai cho mứt. Sau khi sên, những miếng mãng cầu tươi ngâm đường, thành phần dinh dưỡng của mứt có thay đổi ít nhiều so với trái mãng cầu tươi.
Lượng đường trong mứt mãng cầu khá cao, tùy thuộc vào lượng đường cát đã thêm vào mứt và độ ngọt của mãng cầu. Thành phần chất xơ, khoáng chất như: canxi, phosphor, kali… trong mứt mãng cầu không thay đổi, nhưng hàm lượng vitamine C có giảm nhiều so với trái cây tươi.
Năng lượng cung cấp chủ yếu do lượng đường tạo ra, trung bình khoảng 60kcal/100g mãng cầu tươi (tương đương một trái chuối già cỡ trung) và 260-300kcal/100g mứt mãng cầu (tương đương 1,5 chén cơm trắng).
Theo Phụ nữ