Muốn đỗ đại học, phải biết “làm toán”
Liên quan tới kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2022, hộp thư bạn đọc Báo Giao thông nhận được nhiều ý kiến của các bậc cha mẹ bày tỏ lo lắng.
Bạn đọc Huỳnh Đông (TP.HCM) viết: “Việc hơn 150 thí sinh đạt tổng điểm 3 môn 27 điểm trở lên không đỗ đại học năm nay khiến gia đình tôi rất lo lắng. Hẳn phải có điều gì đó bất bình thường, chưa hợp lý mới dẫn đến tình trạng này. Thậm chí, hy hữu có em 3 môn 10 điểm cũng trượt đại học. Nghe nói năm nay lại tiếp tục thay đổi cách tuyển sinh. Lo thật lo”.
Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Bạn đọc Nam Anh (Hà Nội) gửi bình luận: “Đề thi tốt nghiệp năm nay dễ quá hay sao mà quá nhiều điểm 9 – 10. Dẫn đến tình trạng 9 điểm mỗi môn cũng trượt đại học. Theo tôi, đề thi phải phân loại được thí sinh, để 1 – 2 câu khó tìm ra thí sinh xuất sắc là cần thiết. Thi văn nhiều em được điểm tối đa thì tôi không hiểu đề ra kiểu gì. Đề tiếng Anh có em chỉ làm 10 phút đã xong. Rất cần điều chỉnh trong năm tới”.
Bạn đọc Hoài Ngân Dương (Hà Nội) chia sẻ: “Tìm hiểu kỹ mới thấy, trong 165 em trên 27 điểm trượt đại học thì có tới 97 em chỉ đăng ký 1 nguyện vọng, nhiều em chỉ đăng ký 2 – 3 nguyện vọng trong khi quyền lựa chọn nguyện vọng không hạn chế. Vì vậy, việc phụ huynh và thí sinh nghiên cứu kỹ, dựa trên năng lực bản thân, yêu cầu của trường, tỷ lệ chọi để chọn trường thi rất quan trọng. Nếu không biết làm “bài toán” này thì học giỏi cũng có thể trượt”.
Đồng quan điểm với bạn Dương, một bạn đọc ở Hải Phòng là Ân Tuệ cho rằng: “Đổi mới cách tổ chức thi là tốt nhưng đừng thay đổi cấu trúc đề cũng như nội dung đào tạo quá nhanh. Cả thầy cô và học sinh cần thời gian mới có thể thay đổi được tư duy giảng dạy và cách học. Cách tuyển sinh mỗi năm một khác khiến tất cả mỏi mệt và nhiều em trượt vì lý do rất đáng tiếc. Rất mong ngành giáo dục có giải pháp cho việc thi vào đại học không phải là một cuộc đua “giải toán” siêu khó với phụ huynh và học sinh.
TS Nguyễn Đức Nghĩa: Cần từng bước thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT
Nhìn các vấn đề phát sinh từ điểm chuẩn đại học năm nay, TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi dần.
Trong đó, đề thi là yếu tố cốt lõi.
Là người có kinh nghiệm nhiều năm theo dõi công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá điểm chuẩn năm 2021 có 2 vấn đề nổi cộm.
Một là, số ít ngành có điểm chuẩn trúng tuyển trên 30 điểm. Hai là, số thí sinh điểm rất cao nhưng trượt hết các nguyện vọng. Hai vấn đề này đều có nguyên nhân sâu xa từ chất lượng đề thi.
Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vẫn là phương thức được nhiều trường đại học sử dụng và đông thí sinh lựa chọn nhất. Ảnh: Phạm Ngôn.
Những ngành điểm chuẩn tăng mạnh đã được dự đoán
Video đang HOT
- Ông nhận xét mặt bằng điểm chuẩn năm nay so với năm 2020 có gì đặc biệt?
- So với năm 2020, nhìn chung, điểm chuẩn 2021 có tăng như đã được dự đoán khi Bộ GD&ĐT công bố phổ điểm các môn thi. Nguyên nhân là tình hình nhiều trường đã điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển sang các phương thức khác khi kỳ thi tốt nghiệp không ổn định về thời gian, số thí sinh đăng ký xét tuyển tăng nhiều (tăng 150.000 người so với năm 2020).
Trong khi đó, điểm chuẩn tăng, thậm chí tăng khá mạnh ở nhóm trường tốp trên thu hút đông thí sinh đăng ký xét tuyển. Nhiều trường đại học vẫn có mức điểm chuẩn như năm 2020. Nhóm trường tốp trên có mức tăng điểm chuẩn trung bình từ 0,5-2 điểm, cá biệt có ngành tăng 4-5 điểm, còn tăng đến mức 8-9 điểm cũng có nhưng rất ít.
Những "vùng đỏ" đã thấy khi thống kê số liệu nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi kết thúc thời hạn đăng ký là các nhóm ngành An ninh, Quốc phòng (số nguyện vọng 1 đăng ký/chỉ tiêu lên đến 567%); Báo chí (311%); Du lịch - Khách sạn nhà hàng (210%)...
- Nhiều ngành ở một số trường có điểm chuẩn tăng 8-9, thậm chí 11 điểm so với năm ngoái. Ông có bất ngờ với điều này?
- Việc tăng điểm chuẩn đã được phân tích như ở trên, nhưng đối với một số ngành tăng 4-5 điểm, thậm chí 8-9 điểm thì cần nhìn ở một góc độ khác.
Tôi cho rằng những ngành có điểm chuẩn tăng nhiều do năm nay có thêm nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển, trong khi chỉ tiêu không tăng.
Nếu biết được số nguyện vọng đăng ký xét tuyển của những ngành này, chúng ta sẽ không bất ngờ, có chăng bất ngờ với lý do thí sinh lại chuyển sang đăng ký những ngành này (các trường đại học không được phép công bố số nguyện vọng đăng ký vào trường mình, kể cả sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng).
- Nhiều ý kiến cho rằng thí sinh khối A00 rất thiệt thòi khi xét tuyển chung với các khối có môn Tiếng Anh. Nhiều em trượt trắng 10, 15 nguyện vọng, dù đã đặt nguyện vọng đúng chiến thuật, điểm thi hơn điểm chuẩn năm 2020 của nguyện vọng cuối đến 5-6 điểm. Ông có thấy như vậy?
- Từ nhiều năm nay, thông thường, một ngành tuyển sinh xét tuyển theo nhiều tổ hợp môn thi. Để đơn giản trong kỹ thuật, nhiều trường định mức điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả tổ hợp xét tuyển. Hệ quả là thí sinh sẽ chọn tổ hợp mình có điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển.
Năm 2021, khi phổ điểm thi môn Tiếng Anh vượt trội các môn khác, rõ ràng thí sinh có điểm thi môn Tiếng Anh cao sẽ có lợi thế hơn khi xét tuyển. Đây là thực tế thí sinh phải chấp nhận, vì "luật chơi" đã được công bố trước.
Hiện tượng thí sinh có điểm cao nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng năm nào cũng có, tuy nhiên không phải quá nhiều. Vấn đề nằm ở chỗ thí sinh phải có chiến lược chọn và sắp xếp thứ tự các nguyện vọng sao cho vừa theo mong muốn của bản thân nhưng cũng cần theo mức độ điểm thi và tham khảo điểm chuẩn các ngành liên quan ở những năm trước.
Tôi hy vọng các thí sinh này cũng đã được xét trúng tuyển ở phương thức khác vào ngành, trường mà các em mong muốn.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng cần từng bước thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Chí Hùng.
Điểm chuẩn trên 30 thường ở ngành ít chỉ tiêu
- Năm nay có những trường hợp điểm chuẩn trên 30. Nhiều người cho rằng đây là thực tế vô lý, thủ khoa khối thi cũng có thể trượt đại học?
- Đến thời điểm này, điểm chuẩn cao nhất được ghi nhận là ngành Sư phạm Ngữ văn của ĐH Hồng Đức (30,5 điểm); ngành Hàn Quốc học (30 điểm) ở khối C00 của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), ngành Xây dựng lực lượng (khối C00, nữ) của Học viện Chính trị Công an Nhân dân (30,34 điểm).
Chúng ta cần lưu ý rằng trong hơn 3.000 ngành tuyển sinh của gần 250 trường đại học trên cả nước, chỉ có 3-4 ngành có điểm chuẩn trên mức 30.
Tất nhiên, thực tế không có thí sinh nào có tổng điểm thi 3 môn trên 30 điểm. Nhân đây tôi cũng lưu ý khi còn thi tự luận, quy chế cho phép chấm thêm điểm khuyến khích cho thí sinh có lời giải độc đáo trong bài thi. Tuy nhiên, chưa có thí sinh đạt điểm thi trên 10 điểm/bài thi. Hiện nay, các môn thi đều dưới hình thức trắc nghiệm (trừ Ngữ văn) nên điều này càng không thể có.
Điểm chuẩn trúng tuyển được các trường đại học công bố là dành cho thí sinh ở khu vực 3 (không có ưu tiên). Như vậy, mức điểm chuẩn này bắt buộc thí sinh trúng tuyển phải được hưởng điều kiện ưu tiên để có điểm xét tuyển (điểm thi điểm ưu tiên) đạt mức điểm chuẩn.
Điểm chuẩn trên 30 cũng đã có ở những năm trước chứ không phải mới có ở năm 2021. Điều này xảy ra với những ngành ít chỉ tiêu nhưng lại có nhiều thí sinh, đặc biệt là thí sinh có điểm thi cao đăng ký xét tuyển.
- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD&ĐT "mở đường" cho 165 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào, trong đó, 107 em chỉ đăng ký một nguyện vọng?
- Theo quy chế tuyển sinh, thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng và sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, các em được điều chỉnh nguyện vọng, thậm chí được điều chỉnh đến 3 lần, được quyền đăng ký thêm nguyện vọng.
Minh chứng là trong đợt điều chỉnh nguyện vọng vừa qua 45% thí sinh điều chỉnh, gần 85.000 nguyện vọng được bổ sung. Tuy nhiên, một số ít em điểm cao đã không điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng để bảo đảm quyền lợi và cơ hội trúng tuyển của chính mình, dẫn đến hệ quả là 165 thí sinh trên 27 điểm vẫn không trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp (những thí sinh này có thể đã trúng tuyển theo các phương thức tuyển sinh khác).
Giải pháp của Bộ GD&ĐT cho những thí sinh này rất nhân văn nhưng có thể "dắt dây" thêm những vấn đề khác. Các thí sinh có điểm thi dưới 27 nhưng chưa trúng tuyển nguyện vọng nào thì sao? Vì sao lại phải "ưu ái" cho những thí sinh không thực hiện các quy định có lợi cho chính mình?
Từng bước thay đổi kỳ thi tốt nghiệp THPT, cải thiện chất lượng đề thi
- Từ vấn đề điểm thi, điểm chuẩn, nhìn lại các khâu tổ chức thi, tuyển sinh, ông cho rằng có vấn đề nào nổi cộm, cần cải thiện?
- Bộ GD&ĐT đã xác định năm 2022 sẽ là bước đi đầu trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2021 và cả những năm trước cần đánh giá toàn diện. Riêng ở khía cạnh chất lượng đề thi, nhìn từ vấn đề điểm chuẩn, cũng cho thấy đây là một trong nội dung cần cải thiện.
2021 là năm có số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT trên 1 triệu em, đông nhất trong 5 năm trở lại đây (kể từ năm 2016). Việc này dẫn đến số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học tăng 150.000 em so với năm 2020. Số học sinh giỏi, điểm thi cao chỉ tập trung đăng ký vào một số ngành "hot" của một số trường.
Đây đều là những nguyên nhân dẫn đến vấn đề điểm chuẩn tăng cao và nhiều thí sinh điểm cao những trượt tất cả nguyện vọng. Nhưng không thể phủ nhận đề thi là nguyên nhân lớn dẫn đến bất cập này.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi một cách từ từ, từng bước. Mỗi bước thay đổi cần được chuẩn bị và có thời gian để học sinh thích nghi.
TS Nguyễn Đức Nghĩa
Hiện nay, xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương thức được nhiều trường đại học sử dụng và có đông thí sinh chọn nhất. Độ tin cậy và độ phân cách của điểm thi đủ để các trường đại học dùng làm cơ sở xét tuyển từ nhiều năm qua, từ kỳ thi THPT quốc gia 2015 đến nay.
Kết quả thi chỉ được sử dụng trong năm thi tốt nghiệp. Trong khi đó, các chứng chỉ quốc tế có giá trị sử dụng trong nhiều năm, ít nhất cũng được 2 năm. Do vậy, việc chuẩn hoá và ổn định chất lượng đề thi là vấn đề cần cải thiện nếu kết quả thi tốt nghiệp còn tiếp tục là cơ sở quan trọng để các trường đại học sử dụng để tuyển sinh.
Về việc xét tuyển, các trường đại học cũng cần chuẩn bị thay đổi phù hợp chương trình giáo dục phổ thông, ví dụ thay đổi tổ hợp môn xét tuyển thế nào khi không còn điểm của từng môn riêng biệt (Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục Công dân...) trong học bạ THPT và trong kỳ thi tốt nghiệp; có các phương thức xét tuyển khác thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh của trường hay không.
- Theo ông, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2022 nên được tổ chức thế nào?
- Tôi nghĩ một kỳ thi đang vận hành ổn định, không thể đột nhiên thay đổi hoàn toàn. Một cách logic, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được thay đổi một cách từ từ, từng bước. Mỗi bước thay đổi cần được chuẩn bị và có thời gian để học sinh thích nghi. Chưa kể năm ngoái, Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định từ nay đến năm 2025, về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp THPT được giữ ổn định.
Chỉ lưu ý nếu kỳ thi diễn ra nhiều lần trong năm như Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn từng đề cập, dù Bộ GD&ĐT đứng ra tổ chức thi hoặc ủy quyền cho một trung tâm khảo thí, vấn đề quan trọng nhất vẫn là đề thi. Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi là đề thi phải thật ổn định.
Rất nhiều người vẫn cho rằng tổ chức một kỳ thi để đánh rớt 2-3% thí sinh là vô nghĩa. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì đúng là vô nghĩa. Nhưng rất nhiều trường đại học vẫn phải dựa vào kỳ thi này để tuyển sinh. Nếu đột ngột bỏ kỳ thi, các trường này sẽ tuyển sinh ra sao? Trong khi đó, chỉ một vài trường đại học lớn có năng lực tổ chức tuyển sinh riêng.
Giả sử kỳ thi tốt nghiệp THPT được giao về cho các địa phương tự tổ chức, có chắc tỷ lệ tốt nghiệp sẽ giảm xuống hay tăng lên thành 100% (tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2021 là 98,6%)? Khi đó, các trường đại học tuyển sinh thế nào khi mỗi địa phương có một kết quả khác nhau?
Thí sinh 27 điểm "trượt nguyện vọng đại học" đã nhập học ĐH Sư phạm Hà Nội Câu chuyện của Dương Công Hiếu (18 tuổi, Bắc Giang) chia sẻ về việc đạt 27 điểm nhưng vẫn " trượt tất cả nguyện vọng vào đại học" được quan tâm đặc biệt trong những ngày vừa qua. Hiện tại, Dương Công Hiếu đã hoàn thành thủ tục nhập học, trở thành tân sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa...