Mùa thi 2020 và những ký ức còn mãi của một thế hệ trẻ đi qua mùa dịch
Có quá nhiều điều để nói về một kỳ thi đặc biệt như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020. Vòm trời mùa hè dần nhường chỗ cho cơn gió thu, khép lại một kỳ thi với bao sự lo lắng, háo hức, chộn rộn nhưng ký ức của đám học trò sinh năm 2002 chắc sẽ còn mãi.
Năm 2002, đám học trò 18 tuổi của năm 2020 chào đời.
Lũ trẻ ngày ấy chắc còn quá nhỏ để biết đến sự hiện diện của đại dịch SARS. Đó là sự kiện toàn cầu lớn đầu tiên các em được “trải nghiệm”. 18 năm sau, trước thềm kỳ thi quan trọng nhất cuộc đời nhiều người trẻ, các em đã bước vào đại dịch Covid-19, mùa dịch lớn thứ hai khiến cả đất nước chuyển mình để đối phó. Lũ trẻ không còn nằm trong nôi, ẵm ngửa như cách đây 18 năm để mơ hồ không nhớ những chuyện đã xảy ra. Ở thời điểm hiện tại, các em là những người chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid. Kỳ thi năm nay không giống kỳ thi mọi năm khi có quá nhiều biến cố ập đến. Trong những đêm chong đèn ôn thi, có những suy nghĩ như ngắt mạch kiến thức đang cố đổ dồn vào tâm trí khi chỉ còn vài ngày nữa, như người ta thường nói, là bõ công “12 năm đèn sách”.
Bàn học của Huy đặt bên cạnh cửa sổ. Em ngồi đó và nhìn ra con ngõ vắng bóng người. Hà Nội cách ly toàn thành phố, người ta chẳng ai dám ra ngoài đường, sợ con virus vô hình kia len lỏi vào trong người lúc nào không hay. Như mấy anh chị khóa trên vẫn thường nói, tới tầm tháng 4, tháng 5 thì chỉ ngồi ở nhà mà “cày” bài vở ôn thi đại học thôi. Huy nghĩ mình có thể ở trong nhà ngồi học cả ngày cũng không sao. Nhưng em cảm nhận được sự khác biệt: Có những người không ra ngoài nhưng họ vẫn có lựa chọn; với những cô cậu 18 tuổi của kỳ thi tốt nghiệp năm 2020, em không có lựa chọn nào khác ngoài việc ở nhà như bao người khác.
Bậc thềm đại học chưa bao giờ là dễ dàng; không hẳn vì một đề thi khó. Những ngưỡng cửa tâm lý đôi khi quá lớn để nhiều em học sinh có thể bước qua thành công. Cứ mỗi kỳ thi đại học đến, người ta lại nói về áp lực học hành, áp lực tâm lý, những chông chênh và lo lắng. Thi đại học vốn dĩ không phải một kỳ thi chỉ để đánh giá năng lực học sinh. Với nhiều người trẻ, đó là một trang sách mới hoàn toàn mà các em không biết phải viết gì, kỳ vọng hay mong chờ điều gì. Lớp học trò của năm 2020 cũng có đủ tất cả những áp lực thuần túy đó, cộng thêm nỗi lo về dịch Covid-19 treo trên đầu.
“Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT rồi, cả lớp cố lên nhé”, tin nhắn hiện lên trong group chat Facebook của cả lớp. Bên cạnh đó còn dòng tin nhắn Huy đang nhắn dở cho cô bạn thân: “Tao thấy ở trong nhà nhiều ngột ngạt quá, tao không tập trung ôn thi được…”
Đáng nhẽ ra, ở khoảng thời gian này, các em sẽ được tạo điều kiện tốt nhất cho công việc học tập và chỉ tập trung vào ôn thi. Lũ trẻ bước vào một kỳ thi với đầy những bấp bênh và lo lắng, đi cùng một câu hỏi mà cả nhiều người lớn cũng không trả lời được: “Tương lai của thế giới sẽ như thế nào?”, “Rồi mọi chuyện sẽ ổn phải không?”
Huy và cả lớp mình còn quá trẻ để trả lời được câu hỏi này, nhưng sự lo lắng và hoang mang là có thật. Em tắt Facebook đi và tiếp tục học bài, chỉ còn vài tháng nữa thôi.
Tháng sáu nắng đổ lên vòm cây, đổ đầy cả những áp lực lên lũ học trò. Nhưng Mai Phương thấy bầu không khí dễ thở hơn, khi em có thể chạy xe từ nhà ở Quận 5 sang Quận 1 ôn thi đại học. Đã qua rồi những ngày tháng giãn cách toàn xã hội. Tuy nhiên, vì chương trình học tập bị lùi lại nên kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cũng đẩy xuống tháng tám. Việc đẩy lùi kỳ thi muộn hơn gần 2 tháng so với mọi năm khiến Phương ngán ngẩm. Tâm lý của học sinh là chỉ muốn “thi nhanh cho xong” vì nhiều người đã ôn luyện cả vài năm trời cho kỳ thi này, không phải chỉ vài tháng trước khi thi. Càng để lâu, nỗi lo của các em càng lớn rồi cũng phải ép mình “học thêm”.
“Em vẫn đi học thêm cho an toàn, chả biết có thiếu gì nữa không nhưng có thêm thời gian ôn thi mà không học thêm, em sợ”, Phương trả lời.
Lứa học trò 2020 này đã có một mùa hè “nín thở” khi phương án thi tốt nghiệp, phương án tuyển sinh đại học liên tục được thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với dịch bệnh. Thay vì chú tâm vào ôn thi, khoanh tròn ngày thi màu đỏ trên quyển lịch, giờ đây các em phải dõi theo từng ngày, kiểm tra báo chí tin tức mỗi giờ. Phương hiểu rằng việc có thêm một ca mắc mới Covid bất kỳ nào cũng sẽ khiến cả thời gian thi tốt nghiệp THPT phải thay đổi. Các em phải nhoài người lao theo chuyển biến của dịch bệnh, cùng cả nước “gồng mình” chống dịch nhưng vẫn phải cặm cụi bên bàn học mỗi đêm khuya. Những người trẻ 18 tuổi chỉ mong mỏi một tấm vé vào đại học, sao mà cũng phải chịu nhiều áp lực đến vậy?
Từ cuối tháng 4, kỳ thi của năm 2020 được Bộ giáo dục và đào tạo đưa ra nhiều kịch bản: tổ chức thi bình thường nhưng lùi lại tới 9-10/8, hoặc không tổ chức thi nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng giao về cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Cuối tháng 4, học sinh lớp 12 trên cả nước bất ngờ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ được thay thế bằng thi tốt nghiệp THPT với mục đích chính là xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thay đổi này đã khiến nhiều học sinh lo lắng khi các em sẽ phải ôn 5-6 môn thay vì 3 môn theo tổ hợp xét tuyển đại học truyền thống. Trên báo chí đưa tin, “Nhiều em đã tính phải ôn từ đầu môn mới. Một số thí sinh tự do mông lung không biết được dự thi hay không, thậm chí định từ bỏ.”
Phương không từ bỏ dù áp lực đang treo trên đầu em và bạn bè quá nhiều. Chí ít, dịch bệnh đã được kiểm soát vào thời điểm tháng bảy. Em yên tâm để bước vào kỳ thi, dù còn ngổn ngang bao suy nghĩ.
Mong sao dịch bệnh không bùng phát trở lại.
Video đang HOT
Một năm đầy thử thách, vô vàn thay đổi, chứng kiến bao nỗi niềm của học sinh tưởng chừng như đã có thể dừng lại tại đó. Tin giờ chót khiến cả nước bàng hoàng, gần 900,000 học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng hoang mang khi những ca mắc mới Covid trong cộng đồng xuất hiện trở lại. Bản thân những người trưởng thành cũng cảm thấy ngột ngạt với sự thay đổi chóng mặt như vậy, huống chi là các em học sinh. Trên Facebook, nhiều học sinh đã quá mệt mỏi với kỳ thi “đáng nhớ” nhất cuộc đời này rồi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức được diễn ra làm hai lần, phù hợp với điều kiện ở các địa phương đang có dịch. Thành phố Đà Nẵng tiến hành giãn cách xã hội. Nhiều gia đình đi du lịch Đà Nẵng trở về phải xét nghiệm, tiến hành cách ly tại nhà. Không khí trong nhiều gia đình trở nên hoang mang hơn, kéo theo tâm lý lo lắng của không ít học sinh khi nhiều em cũng đã có một kỳ nghỉ vui vẻ bên gia đình tại Đà Nẵng. Hai kỳ thi tốt nghiệp trung học được tổ chức, nhiều em học sinh cũng trăn trở, nếu phải thi sau thì sẽ còn bao nhiêu chỉ tiêu cho các em? Bộ giáo dục và đào tạo cũng như đại diện các trường đại học đã có những tính toán cho điều đó nhưng vẫn không khiến các học sinh bớt lo lắng về cơ hội của mình. Thi sau, bao giờ cũng ngổn ngang hơn người thi trước.
Các biện pháp an toàn được thiết lập trở lại trước ngày thi tốt nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp 2020 đánh dấu những “lần đầu tiên”, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thi cử tại Việt Nam. Học sinh được tiến hành đo thân nhiệt kiểm tra nhiệt độ trước khi bước vào phòng thi. Có nhiều em học sinh vì lo lắng, ngủ ít nên người nóng bừng, phải ngồi chờ cho “nguội” bớt mới dám bước qua cổng trường với các thầy cô tiến hành đo thân nhiệt.
Ngoài lực lượng an ninh túc trực bên ngoài phòng thi như mọi năm, lực lượng y tá, bác sĩ, chuyên viên y tế cũng được cắt cử tại các điểm thi đề phòng tình huống xấu xảy ra. Các phòng thi “đặc biệt” cũng được thiết lập. Có những học sinh được đi xe riêng, được ngồi riêng trong một phòng vì là F2. Đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn đã trở thành thủ tục bắt buộc của các thí sinh trước khi vào phòng thi – một điều mà chỉ cách đây một năm thôi không ai có thể nghĩ tới.
Bước ra khỏi phòng thi, người ta không còn thấy những gương mặt hồ hởi rạng rỡ như mọi năm khi mọi cảm xúc đã được giấu kín sau lớp khẩu trang. Cổng trường vắng vẻ hơn, bớt xôn xao hơn, các ông bố bà mẹ cũng không còn tụm năm tụm bảy bàn tán. Họ lo cho mình nhưng cũng lo cho con, biết đâu “con Covid” nó lẩn khuất đâu đó, lây từ bậc cha mẹ cho con cái rồi khổ cả nhà. Lần đầu tiên, người ta thấy trước cổng trường yên tĩnh đến vậy, nhưng sự lo lắng thì vẫn y nguyên, thậm chí là hơn mọi năm rất nhiều.
Một năm học đặc biệt kết thúc bằng một kỳ thi đáng nhớ. Từ những ngày các trường học trên cả nước bắt đầu cho phép học sinh nghỉ học cho tới khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp trung học cũng ngót nghét 6 tháng. Nửa năm vật lộn của học sinh lớp 12 ấy thực sự khiến nhiều người lớn vừa thương, vừa nể phục. Bên ngoài điểm thi trường THPT Phú Nhuận, chú Hùng đứng chờ con bước vào phòng thi môn toán, nói: “Năm nay bọn trẻ vất vả quá rồi, cũng chẳng dám mắng mỏ gì thằng nhỏ nếu làm bài không tốt”.
Lũ trẻ đã thực sự vất vả quá rồi.
Kết thúc ngày thi đầu tiên, những cơn mưa xối xả đổ xuống cả Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khác trên cả nước. Nhiều ông bố bà mẹ nhất quyết không chịu về dù trời mưa, vẫn cố đợi con trong cơn mưa tầm tã. “Sợ nó ra không thấy ai” – lời chia sẻ của một phụ huynh khiến nhiều người cũng buồn lòng. Người tích cực nhìn cơn mưa lớn như trút đi bao muộn phiền, lo lắng, gạt sạch những lắng lo bao ngày dồn nén. Người không vui chỉ thở dài: “Lũ trẻ đã có một năm học đầy chật vật rồi, sao còn lỡ mưa lớn, rồi nhỡ lũ trẻ ốm mai không thi được nữa thì sao?”
Mùa thi 2020 rồi cũng kết thúc, để lại bao nhiêu nỗi niềm, cảm xúc, ký ức khó quên của một thế hệ đi qua hai mùa dịch. Ở thời điểm hiện tại, có lẽ nhiều em sẽ thấy cảm thấy buồn lo với bao biến động của một năm. Nhưng 10 năm về sau nhìn về 2020, những điều còn đọng lại sẽ chỉ là những kỷ niệm của một thuở thật đặc biệt. Các em có thể bồi hồi kể với mọi người rằng, mình đã đi qua một năm học, một mùa thi ghi dấu ấn khó quên của tuổi trẻ. Nếu tuổi trẻ là một cơn mưa rào như người ta hay ví von thì tuổi trẻ của những cô cậu sinh năm 2002 như một cơn bão quét qua thành phố, mang đến bao nỗi lo và sợ hãi, nhưng rồi khi cơn bão đi qua để lại một thành phố thanh sạch, yên bình. Bước ra khỏi năm 2020, bước qua đại dịch Covid-19, các em sẽ có cho mình những bài học lớn mà không phải thế hệ nào cũng có được.
Tạm biệt mùa thi tốt nghiệp THPT 2020 và chúc các sĩ tử mọi điều thành công.
'Điểm chuẩn đại học sẽ tăng, không chỉ vì đề thi dễ'
Nhiều giáo viên, chuyên gia tuyển sinh dự đoán điểm chuẩn vào đại học sẽ tăng. Ngoài đề thi dễ, chỉ tiêu dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT giảm.
Kết thúc đợt thi tốt nghiệp THPT lần 1, nội dung, độ khó của đề thi được thí sinh và giáo viên đánh giá căn bản, dễ hơn so với các năm trước. Cùng niềm vui vì đề dễ, thí sinh, giáo viên băn khoăn và nhận định điểm chuẩn sẽ tăng.
Thí sinh phấn khởi kết thúc kỳ thi vì đề dễ. Ảnh: Duy Anh.
Phổ điểm cao hơn năm ngoái
Thầy Tạ Quang Quyết, giáo viên luyện thi tại Hà Nội, cho rằng với độ khó của đề thi tốt nghiệp THPT, phổ điểm sẽ cao hơn so với năm ngoái.
Cụ thể, với môn Ngữ văn, điểm dao động chủ yếu ở mức 6-7 điểm. Muốn đạt điểm 8 đến trên 9, thí sinh phải biết phân bổ thời gian hợp lý để làm bài.
Ở môn Lịch sử, Địa lý, phổ điểm chủ yếu rơi vào mức 7-8. Để đạt điểm 9-10, thí sinh cần nắm vững kiến thức, hiểu bản chất, biết so sánh, đối chiếu.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Lịch sử trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), cho rằng phổ điểm của môn Sử sẽ nằm trong khoảng 2,5-4.
"Đề khó với các em chọn tổ hợp xã hội xét tốt nghiệp và dễ với thí sinh chọn Lịch sử để xét tuyển đại học. Nhưng chủ yếu học sinh chọn môn học này chỉ để xét tốt nghiệp, chống liệt nên phổ điểm môn này sẽ không cao", thầy Du nhận định.
Trong khi đó, thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa tại Hà Nội, lại cho rằng phổ điểm nhìn chung tương tự năm ngoái khi đề thi gồm 70% câu dễ và 30% câu mang tính phân loại.
Theo thầy, khi kỳ thi đổi từ THPT quốc gia sang tốt nghiệp THPT, đề minh họa của Bộ GD&ĐT từ tháng 4 thể hiện tính chất để xét tốt nghiệp.
Song, đề thi chính thức vẫn có tính phân hóa, mang tính chất của kỳ thi 2 trong 1. Câu hỏi để xét tốt nghiệp chiếm khoảng 70%. 30% còn lại nội dung có tính phân hóa, phân loại các đối tượng thí sinh khác nhau. Đây là căn cứ để các trường có thể sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Tuy nhiên, đề Toán, Văn, Tiếng Anh đều rất dễ. Thầy Ngọc đánh giá có lẽ bộ theo chủ trương đề môn thi bắt buộc dễ. Trong khi đó, bài thi Khoa học Tự nhiên có phân hóa cao. Vật lý, Hóa học, Sinh học đều được đánh giá phân hóa tốt, đề tương đối khó.
Riêng môn Hóa học, phổ điểm tập trung vào 4-6. Song, phần lớn thí sinh sử dụng điểm môn học này để xét tuyển đại học sẽ không khó khăn để đạt điểm 7. Mức cao hơn đòi hỏi năng lực tốt. Điểm 10 không nhiều.
"Thực ra, tất cả môn đang có mục tiêu xét tốt nghiệp, với 70% câu hỏi rất dễ, 30% là con số nhỏ khiến các câu đều khó để phân loại thí sinh. Nếu sang năm, kết quả thi vẫn được dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh, bộ cần cân bằng hơn giữa hai mục tiêu", thầy Vũ Khắc Ngọc nhận định.
Phổ điểm thi các môn được dự đoán cao hơn năm ngoái do đó điểm chuẩn cũng sẽ tăng. Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Điểm chuẩn sẽ tăng
Với đề thi như vậy, thầy Ngọc dự đoán điểm chuẩn của trường xét tuyển bằng tổ hợp D1 (Toán, Văn, Anh) sẽ cao hơn đáng kể so với năm trước.
Các trường thường xét tuyển một ngành bằng nhiều tổ hợp song lại lấy chung mức điểm trúng tuyển tạo ra sự không công bằng giữa các khối thi. Tức một ngành vừa lấy khối D1 vừa A1 hoặc D7, thí sinh thi khối D lợi thế hơn.
Thầy nói thêm trước đây, một số trường đặt ra điểm chuẩn khác nhau cho tổ hợp xét tuyển khác nhau. Đây là cách làm hợp lý, công bằng nếu căn cứ trên phổ điểm bộ công bố. Nhưng các trường không bắt buộc phải làm như vậy. Hiện nay, trường thường chọn một mức điểm chuẩn để thuận tiện tuyển sinh.
"Thực ra, điểm chuẩn tăng hay giảm phải căn cứ vào phổ điểm. Phỏng đoán ở thời điểm này cho thấy điểm chuẩn nhích nhẹ so với 2019, không tăng nhiều, trừ tổ hợp có nhiều môn trong 3 môn Toán, Văn, Anh", thầy Vũ Khắc Ngọc dự đoán.
Cụ thể hơn, thầy cho rằng những khối thi có nhiều môn trong 3 môn trên, điểm chuẩn tăng nhiều. Điểm trúng tuyển với các khối thi truyền thống như A, B cũng cao hơn nhưng không đáng kể.
Với những biến động như vậy, thí sinh nên tham khảo phổ điểm bộ công bố để đánh giá vị trí của mình so với bạn khác rồi điều chỉnh nguyện vọng phù hợp.
Thầy Tạ Quang Quyết cũng cho rằng điểm chuẩn sẽ dao động nhưng không lớn, có thể tăng 1-1,5 điểm.
Thầy cho rằng độ phân hóa của đề chưa cao gây khó khăn cho tuyển sinh của các trường. Đồng thời, phổ điểm lệch hơn về bên phải, thí sinh có điểm ưu tiên sẽ lợi thế hơn trong cuộc cạnh tranh vào đại học.
"Một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM sẽ khó có học sinh đậu trường tốp đầu do không có điểm ưu tiên", thầy Quyết dự đoán.
Với điểm chuẩn các ngành xét tuyển khối C, cô Hồ Ái Linh, giáo viên trường THCS-THPT Đào Duy Anh, dự đoán mức tăng từ 2-3 điểm.
Đồng ý với nhận định điểm chuẩn sẽ tăng, Th.S Phạm Thái Sơn, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho rằng điểm tăng không chỉ vì đề thi dễ. Năm nay, chỉ tiêu của các trường dành cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm nhiều so với các năm trước.
"Các tổ hợp môn truyền thống vẫn thu hút các em đăng ký tuyển sinh nhiều. Điểm chuẩn của các tổ hợp này sẽ tăng vì chỉ tiêu ít hơn nhiều so với 2019", thạc sĩ Sơn dự đoán.
Mặt khác, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, với các trường top đầu nhưng học phí cao, điểm chuẩn sẽ không tăng đột biến. Trong một năm khó khăn vì Covid-19 có thể còn kéo dài, học phí sẽ là một yếu tố quan trọng mà thí sinh cân nhắc khi lựa chọn.
Nghĩa cử mùa thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, người dân đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động, những hình ảnh đáng nhớ, đầy tình người trong việc chăm lo cho thí sinh hay đưa thí sinh đến điểm thi đúng giờ. Thí sinh dự thi ở điểm Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) đón nhận suất ăn buổi sáng miễn phí. Ảnh: Thế Lượng...