Mộng du: Nguyên nhân, cách chữa
Mộng du là hiện tượng đi trong giấc ngủ. Người mộng du không hề hay biết mình đang đi. Cho đến nay, nguyên nhân của bệnh này chưa được làm sáng tỏ.
Khi gặp người bị mộng du, cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ
Mộng du là một chứng bệnh thường gặp nhưng lại không xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Có tới 40% trẻ em có mộng du vào một thời gian nào đó. Trong gia đình có trẻ mộng du, các trẻ khác cũng dễ mắc và hầu hết là các trẻ phát triển nhanh.
Thế nào là mộng du?
Mộng du là tình trạng đi trong giấc ngủ. Đây là một loại rối loạn giấc ngủ, người đi trong giấc ngủ tiến hành một số hoạt động trong khi dường như vẫn đang ngủ. Mộng du có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, thường gặp ở trẻ em, ngay cả trẻ em mới biết đi, tuổi hay gặp nhất là từ 3-7 tuổi.
Người bệnh đang ngủ, ngồi, mở mắt, đi vòng quanh phòng hoặc đi về phía có ánh sáng, trẻ đi về phòng ngủ của bố mẹ, hoặc đi đến cửa sổ, trèo lên cửa sổ, mở cửa phòng đi ra ngoài…
Thậm chí người bệnh tiến hành một số hoạt động phức tạp như di chuyển đồ đạc, đi vào nhà tắm, cởi hoặc mặc quần áo và nhiều hoạt động tương tự khác. Một số người còn vào ô tô, lái ô tô đi một quãng đường dài trong lúc thực sự đang ngủ. Một số hành vi tình dục có thể xuất hiện.
Người lớn có thể hoặc có ảo giác hoặc ăn trong lúc đang đi. Có thể rất khó đánh thức người đang mộng du như vậy, họ có thể tấn công người đánh thức mình. Thường người bệnh trông vụng về, lóng ngóng, có hành vi kỳ lạ như đi tiểu vào thùng rác. Đôi khi xuất hiện sự kích động, đàn ông hay có hành vi bạo lực hơn.
Mộng du có thể đột ngột kết thúc, người bệnh có thể trở lại giường và tiếp tục ngủ. Mộng du thường xuất hiện 1-2 giờ sau khi ngủ vào giai đoạn 3 và 4 của giấc ngủ NREM (giấc ngủ sâu) và kéo dài từ vài giây đến 30 phút. Khi ngủ dậy, người bệnh không nhớ gì về sự việc đã xảy ra. Mộng du có thể xảy ra hằng đêm, cũng có thể không thường xuyên.
Video đang HOT
Một số yếu tố liên quan đến mộng du
Người ta cho rằng tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên, thiếu magiê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng mộng du.
Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng được nhiều chuyên gia tâm thần kinh đề cập đến nữa là lúc đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, người ngủ bị stress… cũng có thể dẫn đến tình trạng mộng du.
Ở người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ. Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…
Xử trí bệnh mộng du như thế nào?
Những trường hợp bắt đầu ở tuổi trưởng thành cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa tâm thần nếu bị mộng du thường xuyên, tự gây hại cho bản thân hoặc tấn công người khác…
Để an toàn cho người bệnh, nên để họ ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa.
Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ và không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể làm họ bị kích động, để người bệnh ngủ đủ thời gian và có giờ giấc.
Trong một số trường hợp có thể sử dụng thuốc an thần nhóm benzodiazepin, thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Nếu bị các bệnh lý khác như động kinh, rối loạn tâm thần cần điều trị các bệnh lý đó.
Riêng đối với trẻ em, khi bị mộng du cần dịu dàng đưa trẻ trở lại phòng ngủ. Trước hết đưa trẻ vào nhà vệ sinh vì có thể trẻ đi tìm chỗ vệ sinh, sau đó đưa trẻ về giường. Mộng du có thể kết thúc ngay khi trẻ nằm lên giường. Đừng trông đợi trẻ thức tỉnh khi trở lại giấc ngủ bình thường.
Bảo vệ trẻ khỏi các tai nạn, mặc dù hiếm nhưng trẻ có thể bị tai nạn, nhất là lúc trẻ đi ra ngoài, có thể bị tai nạn giao thông, bị chó cắn, lạc đường. Vì thế cần khóa cửa, không để trẻ ngủ ở giường hẹp. Giúp trẻ tránh mệt mỏi, kiệt sức vì mệt mỏi, thiếu ngủ có thể làm tăng mộng du.
Nếu trẻ cần được đánh thức sớm vào buổi sáng thì phải đi ngủ sớm hơn vào tối hôm trước. Cố gắng đánh thức đúng giờ đề phòng mộng du: Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du. Sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi trẻ bắt đầu mộng du, giữ cho trẻ thức 5 phút. Làm như vậy 7 đêm liền. Nếu trẻ bị mộng du lại thì luyện tập tiếp 7 đêm nữa.
Theo Gia đình Online
Dấu hiệu trẻ trầm cảm ở tuổi teen
TS. Cao Vũ Hùng - Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có thể nói rằng trầm cảm có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt cũng hay gặp ở trẻ vị thành niên bị khủng hoảng, từ mức độ nhẹ nhất cho đến mức độ nặng nề nhất.
Trong thực tế, trầm cảm hay gặp ở trẻ em và vị thành niên, cũng có quan điểm cho rằng đây là biểu hiện bình thường ở giai đoạn này, là biểu hiện thoảng qua hay tình trạng khủng hoảng ở thời kỳ dậy thì, chứ chưa phải hoàn toàn là bệnh lý.
Ảnh minh họa.
Biểu hiện lâm sàng trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên
Với những đặc thù phát triển ở lứa tuổi vị thành niên, nên các biểu hiện trầm cảm ở lứa tuổi này cũng có những đặc điểm khác so với trầm cảm ở người lớn, đó là:
- Thường là đau đầu, đau bụng, đau ngực, ngột ngạt kèm cảm giác lo buồn chán nản...Chính vì các biểu hiện triệu chứng cơ thể nổi bật nên đối với các thể trầm cảm cảm nhẹ, có nhiều tác giả gọi là trầm cảm che đậy bởi triệu chứng cơ thể, các thể này thường không được phát hiện chẩn đoán sớm và tất nhiên không được điều trị. Đa phần các trường hợp này được bố mẹ đưa đến các cơ sở nội nhi khám bệnh với các chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ thể về tim mạch, tiêu hoá, thần kinh..., và được điều trị bằng các thuốc chuyên khoa đặc hiệu nhưng không thấy kết quả, hoặc không thấy có các bằng chứng tổn thương thực thể rõ ràng.
- Trẻ có cảm giác buồn chán nhẹ không rõ rệt, không giải thích được nguyên cớ, hay cáu kỉnh. Giảm hứng thú trong học tập, công việc được giao phó, và cả trong các sinh hoạt nhóm hay đoàn thể.
- Khó tập trung chú ý, khó tiếp thu trong học tập, kết quả học giảm sút, quá trình này có thể diễn ra từ từ hoặc nhanh chóng, đây cũng là lý do quan trọng mà các bậc cha mẹ đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh hoặc tư vấn tâm lý. Một số khác lại cảm thấy hưng phấn, thấy khả năng của mình vượt trội, trẻ chăm chỉ học tập, kết quả ban đầu tốt nhưng sau đó kết quả lại giảm sút một cách rõ rệt.
- Trẻ thu mình cô lập không muốn giao tiếp hay tham gia các hoạt động đoàn thể, phàn nàn không có bạn thân hoặc khó chia sẻ với bạn. Trẻ thờ ơ, ít quan tâm đến các hoạt động diễn ra xung quanh, với những người xung quanh, có thể ngay cả với những người thân thiết nhất. Các biểu hiện thay đổi ở các mức độ khác nhau, từ kém nhiệt tình đến tình trạng thờ ơ. Một số khác lại gia nhập nhóm bạn để chia sẻ, đồng cảm. Một số lao vào học tập nhưng một số lại từ chối làm mọi việc.
- Thường nổi bật là cảm giác chán ăn, không có hứng thú trong ăn uống, mất cảm giác ngon miệng, hậu quả là trẻ bị giảm cân. Tuy nhiên có thể ăn nhiều hơn bình thường hay ăn vô độ dẫn đến tăng cân. Tăng hay giảm cân là triệu chứng cần lưu ý ở vị thành niên, bởi đây là giai đoạn trẻ phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng về thể chất, nên triệu chứng giảm cân không rõ ràng mà có khi biểu hiện tình trạng chậm hay ngừng tăng cân so với lứa tuổi.
- Rối loạn giấc ngủ, trẻ ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ngủ ít, trong rất nhiều trường hợp trẻ thường xuyên có ác mộng. Có thể biểu hiện tình trạng trẻ nằm nhiều nhưng lại mất ngủ, trẻ thường phàn nàn khó vào giấc ngủ hay chất lượng giấc ngủ giảm sút, hay bị thức giấc lúc nửa đêm, dậy sớm...
- Đi kèm với các triệu chứng về cảm xúc, cơ thể là các biểu hiện rối loạn hành vi, như quậy phá, hành vi chống đối xã hội, chống đối bố mẹ, trốn học, trộm cắp, lập băng đảng hay nhóm bạn xấu và sử dụng các chất gây nghiện. Rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên ngày càng có xu hướng tăng cao, thu hút sự chú ý của cộng đồng xã hội, trong số này tỷ lệ có rối loạn trầm cảm cao.
- Tự sát cũng là một triệu chứng rất quan trọng và nghiêm trọng trong bệnh trầm cảm tuổi vị thành niên, ở các mức độ khác nhau từ ý tưởng đến có hành vi tự sát. Trẻ thực hiện hành vi tự sát bằng các hình thức khác nhau như uống thuốc, đập đầu vào tường, thắt cổ, cắt mạch máu,... và thường xẩy ra ở bệnh nhân có mức độ trầm cảm nặng.
TS. Cao Vũ Hùng khuyến cáo, rối loạn trầm cảm ở trẻ em và vị thành niên có những đặc điểm khác với ở người lớn, chúng ta cần quan tâm, phát hiện kịp thời rối loạn này ở trẻ để có biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng sống cho trẻ, cải thiện thành tích học tập và định hướng cho trẻ phát triển lành mạnh.
Nếu cần thiết, các bậc cha mẹ hãy dẫn con mình đến các bác sĩ chuyên khoa hay bác sĩ tâm lý để giúp con thoát khỏi gian đoạn khó khăn này.
Theo Vnmedia
'Yêu' trong khi ngủ và những tội ác khó tin Jan Luedecke người Canada không hề biết việc đã quan hệ với một người phụ nữ cho đến khi vào nhà tắm và phát hiện mình vẫn đang đeo bao cao su. "Quan hệ" trong mơ Năm 2005, sau khi uống rượu trong một bữa tiệc, Luedecke đã lăn ra ngủ trên ghế sofa cùng một người phụ nữ. Khi thức dậy, người...