Món chuối khô dân dã
Tôi lớn lên ở vùng quê nghèo. Lũ trẻ trong xóm tôi ngày ấy dường như chưa bao giờ biết đến áo mới và bao lì xì, dù vẫn chộn rộn niềm vui.
Các gia đình trong xóm ăn Tết theo kiểu “ cây nhà lá vườn”. Vào khoảng đầu tháng chạp, nhà nào cũng làm chuối khô. Loại chuối để dành ép phơi khô là chuối xiêm. Khi chuối chín muồi, để ép chuối, má tôi đặt trái chuối vào giữa hai miếng lá chuối khô, rồi dùng thớt ép nhẹ cho trái chuối dẹp mỏng ra. Phải ép thật khéo tay để miếng chuối không mỏng quá sẽ khó gỡ, còn dày quá thì lâu khô.
Chuối ép xong phải phơi ba bốn ngày. Tụi trẻ con chúng tôi thường chờ khi chuối gần khô thì trộm vài miếng. Miếng chuối thơm nồng mùi nắng, vừa dẻo vừa ngọt. Với trẻ quê, nó ngon không kém bất cứ thứ quà bánh nào.
Những ngày giáp Tết, má tôi mua về vài ký đường, vài củ gừng và ít đậu phộng. Nhà đông con nên năm nào má tôi cũng phải ép tới ba buồng chuối mới đủ cho lũ con ăn lai rai trong mấy ngày Tết. Tối đến, chúng tôi náo nức xúm quanh bếp lửa xem má ngào chuối. Khi đường tan chảy thì má cho chuối và gừng vào đảo thật nhanh tay. Đến khi chuối khô hẳn lại và dẻo quánh thì nhấc xuống rắc đậu phộng. Chờ cho chuối nguội, má xới chuối cho vào các hũ.
Video đang HOT
Hũ để dành cúng ông bà, hũ để đãi khách và hũ để đãi… đám con của má. Lần nào làm má cũng chừa một ít dưới đáy chảo để chị em tôi tranh nhau. Chuối khô ngào đường vừa ngọt vừa cay cay, thơm thơm. Đám con nít chúng tôi cạo sạch đáy chảo mà vẫn còn thòm thèm.
Đêm giao thừa, má tôi bày lên bàn thờ bình hoa vạn thọ. Má sắp một đĩa chuối khô và châm một ấm trà đặt lên bàn thờ tổ tiên. Chiếc bàn uống trà của ba tôi thường ngày được dọn dẹp để đặt một bình hoa, một đĩa chuối khô và bình trà để cúng đất đai… Chỉ vậy thôi nhưng ba má tôi bày biện rất trịnh trọng, trang nghiêm. Mấy chị em tôi dường như cũng cảm nhận được không khí thiêng liêng nên không dám nói cười lớn tiếng.
Đúng 12g đêm 30, ba má tôi mặc áo dài, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, vái lạy ông bà về ăn Tết cùng con cháu, nguyện cầu cho một năm mới làm ăn thuận lợi… Chúng tôi lần lượt cúng tổ tiên rồi chúc Tết ba má. Ba má dặn các con đầu năm không được khóc nhè, không được làm bể chén đĩa, phải ráng học hành… Dù năm nào cũng bấy nhiêu câu răn dạy như vậy nhưng chúng tôi vẫn náo nức chờ đợi giây phút ấy… Ba tôi ra ngõ xông đất đầu năm. Đâu đó vang lên tiếng trống múa lân rộn ràng. Vậy là một năm mới đã đến, chúng tôi lại thêm một tuổi mới.
Cuộc sống thay đổi dần. Bây giờ mỗi lần về quê chúc Tết, hiếm thấy nhà nào mang món chuối khô ngào đường ra đãi khách. Hôm nọ vào siêu thị bỗng thấy bày bán chuối khô ngào đường. Chuối được đóng hộp rất đẹp. Cầm hộp chuối trên tay bỗng thấy mắt cay cay. Món ăn dân dã nơi quê nghèo đã tiến ra phố thị. Chợt thấy thèm cảm giác thiêng liêng, nô nức của những ngày thơ dại, thèm cả nhà xúm xít bên bàn thờ tổ tiên lãng đãng khói nhang trong giờ phút giao thừa, bên đĩa chuối khô ngào đường màu nâu dân dã của má …
Theo Tạp chí ẩm thực
Dân dã cá mờm
Cá mờm là một loại cá biển nhỏ bé, bình dị và dân dã như chính cái tên của nó. Nhưng với người dân quê tôi, cá mờm là loại cá rất được ưa chuộng, có thể chế biến thành những món ngon, ăn hoài mà vẫn không biết chán.
Ai đã từng được một lần thưởng thức món cá mờm kho rim sẽ không thể ngờ rằng loại cá chỉ lớn hơn đầu que tăm này lại ngon và đậm đà đến thế. Cá mua về rửa sạch, để ráo nước. Gia vị để kho cá gồm hỗn hợp nước mắm ngon, đường, nước màu, tiêu, ớt thái sợi và một ít bột bắp với một lượng vừa đủ.
Phi thơm dầu phụng với hành hương rồi cho hỗn hợp gia vị trên vào, chờ cho hỗn hợp sôi thì cho cá vào đảo nhẹ tay, để lửa liu riu khoảng mười lăm phút, cá sẽ tự tiết ra nước và thấm gia vị. Khi nồi cá kho rút nước còn sền sệt là hoàn thành. Nhưng chú cá mờm bé nhỏ khi kho rim trông thật bắt mắt, thơm tho và rất hấp dẫn với hương thơm dịu nhẹ hòa quyện với vị mặn đậm đà của nước mắm, ngọt của đường, cay nhẹ của ớt, ấm nóng của tiêu, dậy lên nước màu thật bắt mắt, khiến mọi người ăn rất ngon miệng.
Cá mờm kho rim.
Ngoài ra, cá mờm còn được dùng để nấu canh. Cá mờm có thể nấu canh với các loại rau có sẵn trong vườn nhà như canh cá mờm mồng tơi, canh cá mờm rau "tập tàng", canh cá mờm dưa hồng, canh cá mờm bí đao... Nhưng với người dân quê tôi, món canh vừa dân dã, vừa bình dị, không tốn nhiều tiền và công chế biến (đặc biệt là trong những ngày Tết), nhưng rất ngon là canh bầu cá mờm.
Mùa cá mờm cũng là mùa bầu nên canh bầu nấu cá mờm là một sự kết hợp và lựa chọn tuyệt vời nhất của các bà nội trợ quê tôi.
Để có một tô canh ngon, phải chọn quả bầu non, tươi xanh. Bầu gọt vỏ, rửa sạch, thái lát mỏng. Đun sôi nước, thêm dầu, muối, mì chính rồi cho cá mờm vào. Chờ cho nước sôi lại thì cho bầu vào nấu sôi rồi bắt ra khỏi bếp. Để món canh thêm đậm đà hương vị, cần phải cho thêm ít tiêu bột và hành lá xắt nhỏ.
Những ngày tháng ba se lạnh rét nàng bân được ăn một bát canh bầu nấu cá mờm nóng hổi, tỏa hương ngào ngạt, thấy khoan khoái lạ thường. Những chú cá mờm nhỏ nhắn, xinh xắn, trắng phau như những dấu hỏi, ngã, huyền, ....sóng sánh trong tô canh, trông rất vui mắt, hứa hẹn một bữa cơm ngon lánh, rất mộc mạc nhưng cũng rất đỗi ngọt ngào và nồng ấm.
Theo Lao động
Dân dã hương vị chuối rừng Sáng sớm, trời còn se sắt lạnh, sương bồng bềnh giăng mắc, phủ mờ những mái nhà lọt thỏm giữa lòng thung lũng. Vậy mà nội đã lục đục dậy nhóm lửa từ khi nào. Tôi co ro trong tấm chăn mỏng, nghe cái giọng đặc khàn của nội mà tỉnh ngủ hẳn "tí nữa thằng Bảy vác cái rựa vô rừng chặt...