Món ăn, bài thuốc từ các loại hạt
Nhờ có nhiều yếu tố vi lượng, các loại hạt như hạt hồ đào (quả óc chó) là vị thuốc quý trong Đông y có tác dụng ôn bổ hạ tiêu, thu nạp thận khí, điều trị chứng thận khí hư.
Hạt dẻ bổ thận trị đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều do thận hư. Người Trung Quốc gọi hạt dẻ là “quả của thận”. Hạnh nhân (hạt quả mơ chín) có công dụng giảm ho, nhuận tràng, thông tiện, là vị thuốc tốt cho hệ tiêu hóa.
Hạt hồ đào (hạt óc chó) bỏ vỏ cứng bên ngoài lấy nhân bên trong, tên thuốc là hồ đào nhục. Trong Đông y, hồ đào nhục có vị ngọt, béo, tính ấm, vào các kinh phế, can, thận. Điều trị thận khí hư. Gần đây có tài liệu cho rằng nhân của quả hồ đào có tác dụng điều hòa mỡ máu, tốt cho tim mạch.
Hạt hồ đào (hạt óc chó).
Bổ thận tráng dương, trị chứng thận hư đau lưng: hồ đào nhục 160g, bổ cốt chỉ ( sao rượu) 160g, đỗ trọng 160g (tẩm nước muối sao), đại toán (tỏi khô, bỏ vỏ) 160g. Tán bột trộn với mật ong hoàn viên, mỗi viên 5g, ngày uống 2 lần mỗi lần uống 2 viên trước khi ăn. Uống liên tục 30-60 ngày.
Trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm, sinh lý giảm sút, tinh thần mệt mỏi, choáng váng, tay chân lạnh mà yếu: thục địa 16g, thỏ ty tử 16g, bổ cốt chỉ 12g, bá tử nhân 12g, phục thần 12g, cao ban long 20g, hồ đào nhục 16g. Ngày uống 1 thang, sắc uống trong ngày, uống trước khi ăn.
Bổ can thận, do can thận hư tổn đau nhức trong xương, gãy xương làm cho xương chóng liền: hồ đào nhục 16g, bạch thược 4g, bổ cốt chỉ 12g, câu kỷ tử 6g, đan sâm 12g, đỗ trọng 12g, đương quy 8g, hồng hoa 2g, nhục thung dung 4g, sơn thù 4g, sung úy tử 12g, thỏ ty tử 12g, thục địa 12g. Sắc uống.
Video đang HOT
Trị chứng đau lưng do thận hàn yếu: Lấy thận lợn 2 quả, bổ đôi làm sạch, mỗi quả thận cho 20g hồ đào nhục vào bên trong, kẹp nướng chín ăn lúc đói, chấm với nước mắm tỏi pha loãng, uống với 30ml rượu sạch. Cách ngày ăn 1 lần, ăn liên tục 7-10 ngày
Hạnh nhân: Hạt cứng, có nhân nguyên vẹn, chắc, nhiều dầu, màng nhân mỏng, màu nâu vàng, không mùi. Khi dùng phơi khô hoặc sao vàng, không mốc mọt là tốt. Dược liệu tính hơi ôn, vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh phế và đại tràng.
Cháo hạnh nhân: Hạnh nhân 30g, bỏ vỏ, sao vàng, nghiền bột nấu chung với gạo thành cháo. Chia ăn trong ngày vào lúc đói. Công dụng trị hen suyễn, chân phù nề, đái són.
Trà hạnh nhân hoa cúc: Hạnh nhân 12g, hoa cúc 12g. Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, giã dập, hoa cúc rửa sạch. Đun sôi uống thay trà. Dùng cho người bị phong nhiệt gây đau đầu, đau mắt đỏ sưng rát, tăng huyết áp, hoa mắt, chóng mặt.
Nước lê hạnh nhân: Hạnh nhân 12g, lê 1 quả , đường phèn vừa đủ. Hạnh nhân bỏ vỏ và đầu nhọn, giã dập, lê rửa sạch, thái miếng, thêm nước sâm sấp, đun sôi nhỏ lửa 5-10 phút rồi cho đường phèn vào. Ăn lê, uống nước. Công dụng bổ phế, giảm ho, dùng cho người ho nhiều, ho khan, không có đờm, miệng khô.
Cháo hạnh nhân, ý dĩ: Hạnh nhân 8g, trần bì 6g, hạt ý dĩ 30g, gạo lứt 100g. Hạnh nhân, trần bì sắc lấy nước, cho ý dĩ và gạo lứt vào nấu cháo ăn. Công dụng bổ tỳ vị, hóa đờm, tiêu thấp, trị chứng chóng mặt, buồn nôn, ăn uống kém, mệt mỏi, ngủ hay mơ, buồn bực trong lòng.
Mật ong hạnh nhân: Hạnh nhân 30g, mật ong 100ml, sữa bò tươi 600ml. Hạnh nhân giã dập, bọc trong giấy ép bỏ dầu, đun sôi với 400 ml nước, rồi cho mật ong và sữa bò vào. Uống ấm trong ngày. Dùng cho người phế hư, ho khan, hư lao, ho lâu ngày, đại tiện táo kết.
Hạt dẻ là loại hạt chứa tương đối ít calo, ít chất béo nhưng lại giàu khoáng chất, vitamin… Theo Đông y, hạt dẻ vị ngọt tính ôn, vào tỳ, vị, có tác dụng bổ tỳ kiện vị, bổ thận cứng gân, có tác dụng trị bệnh đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều do thận hư.
Chữa đau mỏi lưng gối: Hạt dẻ bỏ vỏ 50g, cật heo 1 quả. Hạt dẻ bổ đôi, cật heo bổ đôi, bỏ lõi trắng, rửa sạch. Cho 2 thứ vào nồi, đổ nước sâm sấp, gia vị vừa đủ, hầm mềm, chia ăn vài lần trong ngày.
Chữa tiêu chảy mạn tính: Hạt dẻ bỏ vỏ 50g, dạ dày heo 1 cái. Hạt dẻ bổ đôi, dạ dày rửa sạch, thái miếng. Cho 2 thứ vào nồi, đổ nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đến khi hạt dẻ mềm, dạ dày chín, thêm gia vị, chia ăn trong ngày.
Chữa viêm phế quản, ho lâu ngày, sức khỏe yếu: Hạt dẻ bỏ vỏ 100g, móng giò heo 2 cái. Hạt dẻ bổ đôi, móng giò rửa sạch. Cho nước, gia vị vừa đủ. Hầm mềm. Chia ăn làm nhiều lần.
Chữa mất ngủ, hồi hộp, đánh trống ngực: Hạt dẻ, hạt sen mỗi thứ 50g, hồng táo 5-7 quả, cho lượng nước vừa phải, đun chín thêm đường phèn, uống trước khi đi ngủ khoảng 2 giờ.
[Thuốc&Sức khỏe] Dâm dương hoắc - ôn thận, tráng dương
Dâm dương hoắc (tên khoa học là epimedium, thuộc họ hoàng liên gai - Berberidaceae) là một trong những vị thuốc bổ dương của y học cổ truyền.
Đây là lá phơi hay sấy khô của nhiều loại cây thuộc chi Epimedium như dâm dương hoắc lá to, dâm dương hoắc lá mác, dâm dương hoắc lá hình tim, dâm dương hoắc có lông mềm...
Ảnh minh họa
Theo y học cổ truyền, dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm; có công dụng ôn thận, tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong, trừ thấp. Nó thường được dùng để chữa các chứng bệnh liệt dương, di tinh, tinh lạnh, muộn con, lưng đau gối mỏi, gân cốt co rút, bán thân bất toại, tay chân yếu lạnh, phong thấp... Dâm dương hoắc có ở Trung Quốc và một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.
Y học hiện đại ghi nhận, trong dâm dương hoắc có chứa hàm lượng L-Arginine rất cao (L-Arginine là chất kích thích sản xuất hoóc-môn tăng trưởng, tăng cường sinh dục, thiếu chất này sẽ làm ảnh hưởng đến sự ham muốn). Chiết xuất được trong lá dâm dương hoắc những nhóm chất có tác dụng làm tăng lưu lượng máu và cải thiện chức năng tình dục bao gồm: Alcaloid, flavonoid và saponosid, phytosterol, tinh dầu, axít béo, vitamin E.
Dâm dương hoắc thường được dùng là thuốc ngâm rượu, có thể dùng độc vị, dùng phối hợp với các vị thuốc khác. Để đảm bảo dược tính cho dâm dương hoắc cần chọn dược liệu tốt, không ẩm mốc và sao tẩm đúng. Có mấy cách sao dâm dương hoắc:
Sao với mỡ dê: 1 lạng dâm dương hoắc sao với 20g mỡ dê, sao sao nhỏ lửa cho đến khi thấm hết mỡ là được. Sao với muối: Dùng nước muối 2% với lượng vừa đủ, sao dâm dương hoắc cho đến khi khô hết nước, dược liệu chuyển màu hơi đen là được. Sao với rượu: Mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 20 - 25ml rượu, phun đều rồi sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu khô. Sao với bơ: mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 25g bơ, đem bơ đun nóng chảy rồi cho dược liệu vào sao cho đến khi khô. Sao thường: Cho dâm dương hoắc vào chảo, sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển màu hơi đen.
Chúng tôi thường dùng cách sao dâm dương hoắc với mỡ dê để vừa tăng dược tính vừa tạo mùi thơm.
Rượu dâm dương hoắc ngâm độc vị có màu xanh đẹp. Thường ngâm 500g dâm dương hoắc với 5 lít rượu gạo ngon. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 15 - 20ml.
Để nâng cao hiệu quả của rượu dâm dương hoắc, người ta thường phối hợp nó với một số vị thuốc như tiên mao, ba kích và nhục thung dung, uy linh tiên... Qua kinh nghiệm điều trị cho đàn ông bị vô sinh - hiếm muộn (thường kèm theo triệu chứng dương nuy; xét nghiệm thấy tinh trùng thiếu, yếu...), tôi lập bài thuốc ngâm rượu có vị dâm dương hoắc phối hợp với: thục địa, huỳnh tinh, kỷ tử, sinh địa, hắc táo nhân, quy đầu, cam cúc hoa, cốt toái bổ, xuyên ngưu tất, xuyên tục đoạn, nhân sâm, bắc huỳnh kỳ, phòng đảng sâm, đỗ trọng, đảng sâm, trần bì, đại táo, lộc giác giao.
Trong đó, dâm dương hoắc cùng thục địa, nhục thung dung, huỳnh tinh, kỷ tử: Bổ thận sinh tinh; lộc nhung, lộc giác giao: Bổ mạnh tinh huyết; nhân sâm, đảng sâm, bắc kỳ, đan sâm: Bổ khí; đương quy, xuyên khung: Dưỡng huyết; sinh địa, táo nhân: Dưỡng huyết, an thần...
Với bài thuốc ngâm rượu có dâm dương hoắc này, nhiều người đã có sức khỏe tình dục tốt hẳn lên, đặc biệt là đã có con sau nhiều năm hiếm muộn.
Cần lưu ý: Dùng dâm dương hoắc phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm; phụ nữ có thai không nên dùng.
Bài thuốc đông y và cách xoa bóp chữa đau lưng Biểu hiện đau nhức một bên hoặc cả hai bên thắt lưng; đau nhói, đau âm ỉ, cũng có thể có cảm giác đau nhức, lạnh tê, có khi lan sang vùng mông. Hình ảnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Theo Sức khỏe đời sống, BS. Lê Thị Hương cho biết, đau lưng bắt nguồn từ các tư thế sai...