Mít non trộn thịt, khoai mì hấp cốt dừa nổi tiếng ở Củ Chi
Những món đặc sản nổi tiếng ở vùng đất Củ Chi – ngoại ô Sài Gòn mà bạn nhất định phải thử khi ghé qua là mít non trộn thịt, măng tươi luộc trộn tôm, khoai mì hấp cốt dừa.
Là một trong những huyện ngoại thành Sài Gòn, ngoài tự hào mình là vùng đất anh hùng trong cuộc chiến chống ngoại xâm, Củ Chi còn là điểm du lịch và ẩm thực mang chất dân dã nhưng độc đáo.
Mít non trộn thịt
Mít trộn ngày xưa chỉ có ở các tỉnh miền Trung nhưng hơn chục năm nay, món ăn dân dã này được biết đến nhiều hơn ở miền Nam, trong đó nhiều nhất là ở huyện Củ Chi (TP HCM) – nơi có những vườn mít cho trái quanh năm.
Để có món ăn ngon, đầu bếp phải chọn nguyên liệu là những trái bắt đầu căng múi, gai của vỏ mít giãn ra vừa phải, mít đã có múi nhưng hạt chưa được thành hình. Mít hái xuống cây để cho thật ráo mủ, gọt bỏ vỏ, cắt bỏ phần cùi mít, chỉ lấy phần múi mít và cả phần xơ.
Mít non được mang đi luộc cả miếng to, khi luộc được dằn tí muối, luộc đi luộc lại nhiều lần cho ra hết vị chát và mít không bị đen. Sau khi luộc xong thì xé hoặc cắt miếng vừa ăn. Mít non sau khi xé thường được trộn với thịt heo luộc, tôm, hoặc thịt gà.
Muốn có đĩa mít luộc ngon, không thể thiếu nước mắm chua ngọt, rau thơm, ngò rí, mè rang. Món ăn có thể ăn kèm với cơm hoặc dùng làm mồi nhậu. Mít luộc có vị ngọt, bùi và có mùi đặc trưng.
Ếch đồng để da xào lá lốt
Món ăn quen thuộc của người miền Nam được xem là thế mạnh của nhiều quán ăn, khu du lịch ở Củ Chi bởi chất lượng của ếch lẫn mùi thơm của lá lốt được trồng ở vùng đất này.
Lá lốt được trồng trong các khu vườn tự nhiên, không dùng phân bón cũng nhưng các chất tăng trưởng. Loại rau sạch có mùi thơm được chọn những lá non, rửa sạch rồi cắt làm đôi.
Ếch đồng hoặc ếch nuôi thả vườn được làm thật sạch, để nguyên da, chặt làm 4. Ếch được cho vào chảo xào với một số gia vị, khi da ếch giòn, thịt ếch chín đều, đầu bếp cho lá lốt vào trộn đều rồi tắt lửa. Ếch xào lá lốt hấp dẫn bởi độ giòn của da ếch và phần lá lốt vừa ngọt vừa bùi lại vừa thơm.
Video đang HOT
Củ Chi là vùng đất có rất nhiều cây tầm vông, tre, trúc, chính vì thế các món ăn từ măng tre cũng trở nên phổ biến, trong đó măng tre tươi luộc trộn tôm thịt hấp dẫn nhiều người.
Trong các loại măng, đầu bếp ở Củ Chi thường chọn măng tre tàu, loại măng có vỏ màu xanh láng, phần lõi măng to, có vị ngọt chứ không đắng như loại măng tre gai hoặc măng mạnh tông có vẻ màu nâu đen nhiều lông tơ. Măng sau khi bóc vỏ sẽ được bào mỏng thành từng miếng, mang đi ngâm nước muối, sau đó luộc nhiều lần để măng tuyệt đối không đắng và có màu trắng ngà thay vì màu vàng.
Măng luộc thơm ngon đậm đà khi được trộn cùng với thịt ba chỉ và tôm luộc. Món ăn thơm ngon hơn khi có ít rau răm, tí hành phi hoặc vài hạt đậu phộng rang. Thường được ăn không hoặc với bánh phồng tôm chiên giòn, nước chấm dùng kèm với măng trộn là nước mắm chua ngọt.
Bò tơ luộc cuốn bánh tráng được xem là đặc sản của vùng đất Củ Chi (TP HCM) bởi nơi đây có nhiều trang trại chuyên nuôi bò bằng loại cỏ chỉ có ở vùng đất này.
Bò tơ được chọn là những con vừa mới qua khỏi tuổi Bê nên thịt mềm và thơm, phần thịt được chế biến món ăn lại phải là phần ngon nhất. Thịt được cắt khoanh mỏng, có cả da, luộc hoặc hấp cùng với đầu hành lá và một ít gừng.
Bánh tráng, nước chấm và đặc biệt là rau rừng đủ loại mới là thứ làm nên nét riêng cho món ăn.Khi mọi thứ đã dọn sẵn trên bàn, thực khách tự trải miếng bánh tráng phơi sương lên đĩa, cho các loại rau rừng vào kèm chút bún, dưa góp chua và miếng bò luộc rồi chấm với nước mắm chua ngọt hay mắm nêm pha với thơm bằm.
Món ăn chỉ mới xuất hiện ở Củ Chi nhưng đã tạo nên sự chú ý đối với các thực khách sành ăn bởi vị ngon ngọt chứ trong loài cá vốn ít ai dám làm thịt chế biến thức ăn.
Tại Việt Nam, hải tượng vốn là loại cá kiểng có thân hình to lớn, nhiều con sống lâu năm có thể dài hơn 3 mét. Thịt cá hải tượng thơm ngon và ngọt, da cá hải tượng giòn giòn dẻo dẻo, phù hợp cho các món lẩu và nướng.
Tại Củ Chi, món cá hải tượng nổi tiếng tại Vườn du lịch sinh thái Suối Cá Koi Hải Thanh. Cá ở đây được nuôi trong các hồ chuyên biệt, khi khách có yêu cầu, cá được xẻ thịt và chế biến gần bàn ăn của khách.
Để cá tươi ngon nguyên vị, đầu bếp thường chỉ ướp với ít muối và sa tế. Sau khi nướng trên lửa than, khách chỉ việc chấm cá với tí muối ớt xanh và dùng kèm rau thơm. Đây được xem là món nhậu bén.
Dù có mặt trên các miền đất nước nhưng khoai mì (sắn) lại là món ăn mà người Củ Chi thường hay nấu mời khách phương xa.
Khoai mì Củ Chi nổi tiếng không chỉ vì độ ngọt thơm, độ giòn dẻo hoặc cái bùi bùi béo béo, mà còn vì món ăn này đã gắn liền với những thời khắc lịch sử của vùng đất anh hùng. Bày bán dọc theo các con đường dẫn về Củ Chi, khoai mì còn được nấu chín mời khách đến thăm địa đạo.
Khoai mì ở đây được chế biến theo nhiều cách, hoặc hấp lá dứa, hoặc hấp nước cốt dừa, hoặc xay thành bột rồi làm bánh tằm. Đơn giản trong chế biến nhưng món ăn nào làm từ khoai mì cũng hấp dẫn. Nói như nhiều du khách, không gì ngon bằng vừa tham quan những con hầm tối, mồ hôi còn chưa ráo, bụng đói cồn cào mà lại được cô du kích Củ Chi mời đĩa khoai mì bốc khói.
Cách làm món khoai mì hấp nước cốt dừa
Khoai mì hấp nước cốt dừa là món ăn vặt dân dã vô cùng hấp dẫn với mùi thơm và vị béo ngậy của dừa hòa với vị bùi ngọt của khoai mì. Hãy cùng vào bếp và trổ tài với những bước nấu đơn giản sau.
Nguyên liệu làm món khoai mì hấp nước cốt dừa:
- 1kg khoai mì, lựa loại khoai dẻo (khoai mì kè)
- 300g dừa nạo
- 650g nước nóng
- 1 bó lá dứa
- nước cốt dừa
- Muối mè: 1 muỗng soup đậu phộng, 1 muỗng soup mè rang, 1/2 muỗng soup đường, 1/3 tsp muối
Khoai mì hấp nước dừa cùng lá dứa vừa thơm vừa béo, khi ăn rắc thêm ít muối mè và dừa nạo, rất thích hợp cho những buổi xế chiều ăn vặt. Ảnh minh họa
Cách làm món khoai mì hấp nước cốt dừa:
Khoai mì cắt vỏ, tách vỏ theo chiều ngang - vòng quanh của khoai mì, sẽ rất dễ dàng tách lớp vỏ ra. Sau đó, đem ngâm khoai mì trong nước muối loãng 2-3 tiếng hoặc qua đêm để sạch nhựa và chất độc từ vỏ, sau đó rửa thật sạch. Cắt khoai mì khúc nhỏ vừa ăn.
Lá dứa rửa sạch, một nửa cắt khúc dài, một nửa buộc thành bó.
Cho nước nóng vào dừa, vắt kỹ lấy nước cốt. Có thể chia đôi lượng nước cho vào dừa vắt 2 lần cho hết nước cốt.
Cho đường và muối vào nước cốt dừa, khuấy tan,cùng lá dứa cắt khúc vào.
Xếp khoai mì vào nồi hấp chung với 1/2 bó lá dứa, để trên xửng nước sôi và hấp khoảng 20 phút.
Lấy khoai mì ra rổ cho khô bớt.
Xếp một lớp lá dứa dưới đáy nồi, xếp khoai lên trên, đổ nước cốt dừa vào nồi.
Đun với lửa vừa đến khi nước côt dừa cạn, canh trở đều các mặt của khoai để khoai thấm đều nước cốt dừa.
Khi nước cốt dừa cạn dần, khoai chín, thử khoai bằng cách xuyên que tre (hoặc đũa) thấy khoai mềm, dễ xuyên que tre thì tức là khoai chín.
Muối mè: đậu phộng rang đâm nhỏ, trộn đều đường,muối, mè rang.
Khoai mì khi hấp sẽ rất thơm mùi lá dứa, khi ăn gắp khoai ra đĩa, ruới thêm ít nước dừa trong nồi lên khoai, rắc muối mè và một ít dừa nạo lên mặt khoai. Hoặc các bạn có thể ăn không chấm với muối mè rất ngon.
Theo VieQ
Dân dã như khoai mì hấp nước cốt dừa Chỉ là khoai mì hấp nước cốt dừa dân dã mà mọi thành viên trong gia đình tôi ai cũng khen ngon. Khoai mì nấu nước cốt dừa Năm nào cũng vậy, còn khoảng 3 tháng nữa đến giỗ của ba là má chồng tôi trồng sẵn mấy liếp khoai mì để chuẩn bị cho ngày giỗ. Bởi má quan niệm, đến Củ...