Miền Trung sau bão lũ: Dốc sức khôi phục sản xuất nông nghiệp
Ngày 27-11, tại Quảng Trị, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác khôi phục sản xuất nông nghiệp khu vực miền Trung sau thiên tai”. Gần 150 đại biểu các bộ, ngành trung ương và lãnh đạo các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tham dự.
Quảng Trị huy động lực lượng khơi thông kênh mương nội đồng bị vùi lấp sau bão lũ. Ảnh: VĂN THẮNG
Ưu tiên giống ngắn ngày
Video đang HOT
Theo Bộ NN-PTNT, ngoài thiệt hại về người, nhà cửa và các công trình dân sinh, bão lũ dồn dập từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2020 ở miền Trung đã gây thiệt hại kinh tế ước tính trên 30.000 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp thiệt hại nặng nề với hàng vạn hécta lúa; cây công nghiệp, cây ăn quả và cây trồng khác bị thiệt hại hơn 70%; hàng triệu con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi… Khó nhất là vụ đông xuân cận kề nhưng 2.620ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, lượng giống dự trữ trong dân đều đã bị hư hỏng hoặc lũ cuốn trôi…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo hỗ trợ giống rau, xây dựng các mô hình điểm tái thiết sản xuất ở các địa phương miền Trung, như bưởi Thanh Trà ở Thừa Thiên – Huế, hồ tiêu ở Quảng Trị… Đồng thời, sẽ xin Thủ tướng cho các tỉnh ứng trước giống, kịp thời sản xuất. Định hướng về con giống, vật nuôi trong thời gian đến, Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, đang hỗ trợ người dân sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt lương thực ngắn ngày để phục vụ nhu cầu trước mắt. Trong đó, ưu tiên các giống rau màu, vật nuôi có thời gian sinh trưởng ngắn, có thể thu hoạch sớm.
Tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Seed, gửi lời chia sẻ với đồng bào 6 tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão lũ, và cho biết, công ty sẽ tặng 50 tấn giống hỗ trợ bà con.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thông tin, hiện 745km kênh mương bị vùi lấp, ảnh hưởng đến vụ đông xuân. Ngoài ra, hơn 300 trạm bơm bị ngâm nước, bồi lắng cửa vào, cửa ra. Máy móc ngâm nước lâu ngày rất có thể hỏng hóc nặng. Thủy lợi nội đồng dù đã kiên cố hóa vẫn bị sạt lở nặng, bồi lắng. “Đây là vấn đề cần xử lý ngay, các địa phương khẩn trương vào cuộc. Tôi thấy, cần có chiến dịch toàn dân ra quân làm thủy lợi nội đồng, như cách Quảng Trị đã và đang làm”, Thứ trưởng Hiệp đề nghị.
Trước thực trạng đất sản xuất bị bồi lấp nặng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các tỉnh đánh giá kỹ thực trạng hơn 3.000ha ruộng bị vùi lấp đất, cát do mưa lũ, để có giải pháp sản xuất phù hợp. Nơi nào bùn cát vùi lấp mỏng thì có thể khắc phục để tái sản xuất cho vụ đông xuân 2020-2021; nơi nào vùi lấp quá dày thì có thể nghiên cứu, xem xét chuyển đổi sang sản xuất cây trồng khác phù hợp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chúng ta phải triển khai đánh giá lại toàn bộ tái cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu. Đối với những điểm sạt lở từ biển, núi, đồng bằng, các địa phương phải tính toán lại tổng thể đề án quy hoạch, chiến lược phát triển căn cơ, nhằm đảm bảo không chỉ thích ứng mà phải chủ động thích ứng một cách bền vững bằng các nhóm giải pháp. Bộ sẽ có đề xuất Chính phủ, Trung ương có những chương trình tổng thể, dự án phù hợp đảm bảo được mục tiêu thích ứng với thiên tai một cách chủ động, biến nguy thành cơ”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không được chủ quan, tuyệt đối không để dân đói. 16.000 tấn gạo vừa rồi chưa giải quyết hết vấn đề, vì còn nhiều vùng chia cắt. Mặt khác, không chỉ có gạo mà người dân còn cần các loại thực phẩm khác. Về môi trường, phải tiếp tục đẩy mạnh việc vệ sinh chuồng trại, ao nuôi. Chính quyền, doanh nghiệp, người dân cần huy động tổng lực, không chỉ đợi công ty môi trường. Năm nay, dự báo mùa đông đến sớm, rét đậm, mưa phùn, gió bấc, chúng ta phải hết sức thận trọng. Ví dụ như dịch tả heo châu Phi rất dễ lây lan trong điều kiện như thế. Trong trung hạn và dài hạn, cần đánh giá lại toàn bộ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.
“Chúng ta cần xác định sống chung với các hiện tượng lũ lụt, mưa bão, biến đổi khi hậu là bình thường. Từ đó, có sự thích ứng, đưa ra được đối tượng, quy trình sản xuất, giải pháp tổng thể phù hợp với điều kiện này”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kết luận.
Hỗ trợ kinh phí và giống cây trồng, vật nuôi cho người dân vùng lũ
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại các tỉnh miền trung mưa, lũ, bão đã làm 80 nghìn con lợn, 15 nghìn gia súc và 3,3 triệu con gia cầm cùng hàng chục nghìn ha cây trồng bị thiệt hại.
Để khôi phục sản xuất nông nghiệp sau lũ, các tỉnh miền trung đang cần hỗ trợ 5.600 tấn giống lúa, 225 tấn giống ngô, 44,2 tấn hạt giống rau. Cùng với đó là 560 nghìn liều vắc-xin, 140 nghìn lít và 105 tấn hóa chất khử trùng.
Đến nay, thông qua sự trợ giúp của các doanh nghiệp, Bộ đã hỗ trợ người dân tại năm tỉnh miền trung bị thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua 150 tỷ đồng, 1,2 triệu gà giống, 75 triệu tôm giống, 85.000 lít hóa chất và 120 tấn hóa chất khử trùng, đồng thời tổ chức 23 lớp tập huấn để người dân yên tâm khôi phục sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có đề xuất quy định về hỗ trợ hàng hóa, dân sinh khắc phục hậu quả thiên tai. Theo đó, hỗ trợ về dân sinh gồm: Hỗ trợ về lương thực, hỗ trợ chi phí điều trị cho người bị thương nặng, hỗ trợ chi phí mai táng cho hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai. Đối tượng được hỗ trợ gồm toàn bộ người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai. Mức hỗ trợ, quy trình, thủ tục hỗ trợ thực hiện theo quy định về chính sách trợ giúp xã hội. Về nhà ở bị thiệt hại, nhằm chia sẻ khó khăn, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân vùng thiên tai, góp phần ổn định trật tự xã hội, ngày 5-11-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/NQ-CP quyết nghị thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại về nhà ở do thiên tai gây ra trong tháng 10-2020 trên địa bàn miền trung, Tây Nguyên. Mức hỗ trợ với nhà bị sập, đổ, trôi hoàn toàn, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ; nhà bị hư hỏng nặng hỗ trợ tối đa 15 triệu đồng/hộ.
Chiều 20-11, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Ban Cứu trợ T.Ư cho biết căn cứ tình hình thiệt hại của các tỉnh miền trung và Tây Nguyên bị thiệt hại do thiên tai gây ra làm1.342 căn nhà bị sập hư hỏng hoàn toàn; 10.535 căn nhà bị hư hỏng rất nặng (từ 50-70%), Ban Cứu trợ T.Ư ban hành kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ nhân dân các tỉnh miền trung, Tây Nguyên khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo đó, sẽ hỗ trợ với mức 40 triệu đồng cho một căn nhà bị sập, trôi, hư hỏng hoàn toàn; 10 triệu đồng cho một căn nhà hư hỏng nặng, do mưa lũ gây ra. Trong đó ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo, hộ có thành viên là người có công với cách mạng; hộ chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đột xuất. Các địa phương được hỗ trợ hoàn thành việc giải ngân kinh phí xong trong tháng 12-2020 và phải công khai kết quả sử dụng ở đơn vị, địa phương mình.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, các tỉnh Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của khối không khí lục địa suy yếu, trời nhiều mây vào đêm và sáng, sương mù xuất hiện nhiều nơi, trời nắng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 26 đến 300C. Từ ngày 22-11, xuất hiện đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, trời lạnh. Trung Bộ và Nam Bộ mưa dông rải rác. Từ ngày 23-11 dự báo xuất hiện một đến hai xoáy thuận nhiệt đới ảnh hưởng tới vùng biển phía nam và khu vực Trung Bộ, các tỉnh Trung Bộ tiếp tục có mưa.
Liên quan vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), đến nay, lực lượng cứu hộ đã thi công đào, múc đất đến điểm cuối của dòng chảy nhân tạo; khối lượng công việc đã hoàn thành ước đạt 80%. Tính từ ngày 18-11 đến nay, các lực lượng đã đào nắn dòng suối mới sâu hơn 3 m, rộng khoảng 5 m và dài hơn 100 m. Sau khoảng một tháng tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng cứu hộ đã tìm được 5 trong tổng số 17 nạn nhân.
UBND thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa tổ chức hội nghị tiếp tục trưng cầu ý kiến của các nhà khoa học, người dân và doanh nghiệp về công tác kè, chống sạt lở bờ biển Hội An. Vì các giải pháp chống sạt lở thực hiện trong thời gian qua tuy mang lại kết quả, nhưng việc đầu tư thiếu đồng bộ, thiếu thống nhất dẫn đến tình trạng đứt gãy đường bờ biển, gây ra sạt lở lan dần ra phía bắc. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất Trung ương, tỉnh, các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu một cách tổng thể, đánh giá đầy đủ về dòng sông, cửa biển, bờ biển của Hội An, kể cả việc triển khai hệ thống quan trắc bờ biển để đưa ra giải pháp mang tính bền vững, lâu dài.
Theo Sở Công thương tỉnh Kon Tum, đến thời điểm này, thủy điện Plei Kần, huyện Ngọc Hồi vẫn chưa được tích nước dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, thủy điện Plei Kần không tuân theo chỉ đạo, vẫn tích nước ở mức thấp. Trước đó, phát hiện thủy điện Plei Kần tự ý tích nước, cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum đã có ba lần yêu cầu thủy điện này dừng tích nước trái phép và phát cảnh báo thu hồi giấy phép nếu tái diễn. UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng đánh giá toàn diện việc đầu tư thủy điện Plei Kần, nếu phát hiện có sai phạm, các đơn vị chủ động xử lý theo thẩm quyền.
Đợt bão lũ vừa qua, huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định) xảy ra lũ ống, lũ quét gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó, đường đi các thôn Đắk Tra, Kon Trú, xã Vĩnh Kim bị sạt lở, cắt đứt hoàn toàn. Gần 400 hộ dân ở các xã này bị cô lập dài ngày. Ngành nông nghiệp tỉnh đã điều động xe cơ giới hạng nặng lên hỗ trợ địa phương mở đường, khắc phục sạt lở. Đến nay, hầu hết đường về các xã vùng cao đã được thông tuyến tạm thời để vận chuyển lương thực, thực phẩm cứu trợ người dân.
Tại tỉnh Cà Mau, triều cường xảy ra từ ngày 13 đến 19-11 trên địa bàn các huyện Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Năm Căn đã làm vỡ 1.924 m bờ bao vuông tôm, ngập một số tuyến lộ và ảnh hưởng đến sinh hoạt của 418 hộ dân. Ước tổng thiệt hại khoảng 2,67 tỷ đồng. Hiện các ngành chức năng trên địa bàn huyện đang khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống người dân.
Tốc độ sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu ngày một tăng. Hiện có khoảng 15 km bờ biển bị xói lở quanh năm; 19 km bờ biển có những tháng lở, tháng bồi; 22 km bờ biển được bồi lắng quanh năm. Cùng với đó, tình hình sạt lở bờ sông cũng diễn biến khó lường. Trước tình trạng trên, Bạc Liêu đã triển khai nhiều dự án, công trình phòng chống sạt lở bờ biển; gây bồi, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ để chống sạt lở bờ biển...
Ngày 20-11, Công đoàn Ngân hàng Việt Nam cho biết đã hỗ trợ 350 triệu đồng cho các cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ trong vụ sạt lở núi tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Theo đó, bảy cháu mồ côi được hỗ trợ mở bảy sổ tiết kiệm, trị giá mỗi sổ 50 triệu đồng.
Các tỉnh miền trung khôi phục sản xuất nông nghiệp Hội nghị thúc đẩy phục hồi sản xuất nông nghiệp khu vực miền trung sau thiên tai do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức ngày 27-11 tại TP Đông Hà, có ý nghĩa rất quan trọng đối với vụ sản xuất đông xuân của nông dân các tỉnh vừa chịu ảnh hưởng nặng...