Mẹo chọn giò, chả không chứa hàn the
Để lựa chọn được giò chả ngon, đảm bảo chất lượng cần quan sát màu sắc, ngửi mùi và nếm vị.
Giò, chả là món ăn rất quen thuộc nhưng ít khi thiếu vắng trong ngày lễ Tết cổ truyền. Chính vì thế, cứ đến gần Tết, nhà nhà lại rủ nhau mua giò, chả đã làm sẵn về chế biến món ăn hay thậm chí làm quà biếu người thân, đồng nghiệp.
Tuy nhiên, do muốn làm cho giò chả mịn, để được lâu nên nhiều hàng đã pha chế thêm nhiều bột, thậm chí là cả hàn the, bán cả giò chả kém chất lượng. Vì thế, chị em có thể tham khảo các thông tin dưới đây để có thể chọn cho gia đình “cây giò” ngon, những miếng chả đạt tiêu chuẩn nhé:
Quan sát màu sắc
- Giò
Giò lụa ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Lý do là vì giò được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong khoanh giò.
Nếu giò không có những lỗ rỗ này tức là giò đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Giò lụa được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt (Ảnh: Lâm Anh Đào)
- Chả
Một phên/miếng chả ngon sẽ có lớp vỏ có màu vàng tự nhiên của thịt rán nhưng vỏ hơi sần sùi, không mịn, lớp bên trong mềm, mịn, có nhiều lỗ rỗ nhỏ.
Sờ tay vào miếng chả thấy mềm, hơi ươn ướt nhưng không dính nhớt mà chỉ dính một chút mỡ ở tay (lý do là bởi chả được pha với liều lượng mỡ nhiều hơn giò nên khi sờ vào chả sẽ dính nhiều mỡ ra tay hơn giò).
Ngửi mùi
- Giò
Mùi giò do chất lượng giò tạo nên, chỉ thơm thoang thoảng, quyện với hương của lá gói là giò ngon. Nếu thấy một khoanh giò có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi rất có thể đó là loại giò đã được tẩm chất phụ gia hương thịt.
Nếu thấy một giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớt tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì chị em không mua.
- Chả
Chả ngon có mùi thơm nhẹ. Còn nếu miếng chả có mùi thơm, dai, giòn bất thường thì rất có thể nó đã bị trộn lẫn với hàn the.
Video đang HOT
Chả ngon là khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng (Ảnh: Internet)
Nếm vị
- Giò
Một khoanh giò ngon thì khi ăn sẽ có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở.
Nếu giò quá bở, không có mùi thơm, không có lỗ rỗ trên bề mặt thì tức là đã bị trộn với quá nhiều bột, còn nếu giò giòn, dai, mịn bất thường thì đã bị pha với hàn the trong khi chế biến.
- Chả
Chả ngon là khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng. Nếu miếng chả quá bở, ăn không còn vị béo ngậy đặc trưng của thịt, bề mặt không có lỗ rỗ thì tức là trong lúc chế biến thịt đã bị pha lẫn với bột.
Ngoài ra, chị em cần tìm đến địa chỉ uy tín, quen thuộc để có thể mua cho mình giò, chả đạt tiêu chuẩn, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo T.H
Khám phá
Điểm danh 10 món bún trứ danh khắp 3 miền
Bún cá, tôm, đậu, riêu, thang, chả... là những món ăn ngon mang theo hương vị vùng miền, trở thành những thức quà đặc sắc của ẩm thực Việt Nam.
Trong hành trình khám phá nền ẩm thực đa dạng đất Việt, bạn sẽ phải ngạc nhiên bởi chỉ riêng món bún thôi đã có rất nhiều biến tấu khác nhau, hợp phong vị của mỗi vùng miền, trở thành nỗi nhớ, niềm tự hào của người con xa quê mỗi khi nghĩ về.
1. Bún đậu mắm tôm
Món ăn chỉ gồm bún, đậu rán vàng, chấm cùng mắm tôm vắt chanh ớt đánh sủi bọt, khi ăn thường kèm với rau kinh giới, tía tô. Nếu ăn món này thay cho bữa chính, thực khách thường gọi thêm thịt luộc, chả cốm, nem... ăn cùng để no lâu.
Là món ăn chơi, ăn vặt dân dã trong ẩm thực miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là người dân Thủ Đô. Ảnh: Khánh Hòa.
2. Bún thang
Món ăn được chế biến khá cầu kỳ, bao gồm giò lụa, trứng rán mỏng, lườn gà xé, rau răm, mùi tàu... thái chỉ bày rất khéo trên bát bún. Khi ăn thường kèm gia vị như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm, và không thể thiếu tinh dầu cà cuống để làm dậy mùi thơm đặc biệt.
Là món bún gắn với Hà Nội một thời. Ngày nay, bún thang được phổ biến nhiều ở các thành phố lớn trong cả nước. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang.
3. Bún chả
Món ăn gồm hai loại chả miếng và chả viên nướng vàng ruộm, đĩa bún trắng và bát nước mắm nhiều nước. Cái làm nên vị ngon khó cưỡng của bún chả là nước chấm chua ngọt ăn kèm rau sống gồm xà lách, kinh giới, vài cọng ngổ, mùi tàu, tía tô, giá đỗ...đơn giản nhưng hương vị lại đậm đà, khó quên.
Bún chả từ lâu đã trở thành món ăn quen thuộc với người Việt ở khắp nơi. Ảnh: Nguyễn Thanh Quang.
4. Bún, miến, bánh đa cua
Bún riêu cua có hai loại chính là bún riêu cua kiểu miền Bắc, chỉ gồm bún, riêu cua, cà chua, rau muống chẻ hoặc rau rút chần tái ăn kèm và bún riêu kiểu Nam bộ, thường làm các nguyên liệu thành miếng, như thịt bò viên, riêu cua viên, tiết lợn cắt miếng, đậu phụ chiên... Miến cua hoặc bánh đa cua cũng rất ngon, đặc biệt là bánh đa cua Hải Phòng, dùng bánh đa đỏ tráng dày, ăn ngọt và đậm đà.
Miến cua thường được bán vào buổi chiều.
5. Bún cá
Ở mỗi vùng miền khác nhau lại có những biến tấu bún cá khác cho hợp với khẩu vị địa phương. Một bát bún cá cơ bản thường bao gồm bún, cá chiên, đậu phụ, các loại rau như thì là, dọc mùng, rau cải, trút nước dùng và ăn nóng.
Những địa danh nổi tiếng với món ăn này phải kể đến Hải Phòng, Quy Nhơn, Kiên Giang, Châu Đốc... Ảnh: Lê Thương.
6. Bún mọc
Thành phần chính của bún mọc gồm bún, chả lụa, chả quế hoặc chả chiên, giò mọc và giò heo hoặc sườn non. Khi ăn, người ta cho bún vào bát, cho các loại chả, giò heo, mọc lên tô, rắc thêm hành phi, hành lá xắt nhỏ lên trên và dội nước dùng đang sôi vào tô bún.
Tuy là món của miền Bắc nhưng giờ đây món bún mọc cũng rất phổ biến ở đất Sài Gòn từ quán ăn bình dân đến nhà hàng sang trọng. Ảnh: Huyền Thi.
7. Bún ốc
Bún ốc hấp dẫn người ăn bởi thịt ốc béo ngậy, dai giòn, thêm miếng đậu rán vàng bùi ngọt, cà chua đỏ tươi và hành xắt lát rất bắt mắt. Đi kèm bát bún ốc không thể thiếu ớt xào cay, mắm tôm và các loại rau tía tô, kinh giới, húng... để tăng thêm phần hương vị.
Bún ốc là món ăn nổi tiếng khắp ba miền, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp món ăn này trong chợ hoặc các quán vỉa hè, với giá từ 15.000 - 30.000 đồng. Ảnh: Út Liên.
8. Bún bò
Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Người Huế thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ.
Bún bò là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Ảnh: Hương Giang.
9. Bún mắm
Món ăn mang đậm phong vị miền Tây với cá linh, cá sặc... khéo léo kết hợp với các nguyên liệu như tôm, mực, lợn quay, cùng những loại rau đặc trưng của miền sông nước như kèo nèo, bông súng, rau đắng... để tạo nên món bún ngon hấp dẫn nức tiếng xa gần.
Là món ăn dân dã, mộc mạc của người dân miền Tây. Ảnh: Khánh Hòa.
10. Bún nước lèo
Bát bún nước lèo hấp dẫn bởi hương vị thanh ngọt, đậm đà, chỉ gồm bún, cá, thịt quay, tôm... Ăn kèm với bún là cá lóc đã được lấy hết xương, thịt quay thái miếng vừa ăn, tôm tươi luộc chín lột vỏ. Ăn bún nước lèo thường kèm theo đĩa rau sống gồm rau muống, bắp chuối, húng thơm, giá đỗ...
Là món ăn nổi tiếng ở Trà Vinh, Sóc Trăng và một số tỉnh miền Tây Nam bộ. Ảnh: Khánh Hòa.
Lê Thương
Theo Ngôi Sao
[Chế biến] - Súp nui gạo và chả suông Cuối tuần bạn hãy trổ tài đãi cả nhà món súp nui gạo với phần chả suông từ tôm thịt ngọt, nước dùng thơm đậm đà, trẻ con hay người lớn đều thích. Nguyên liệu: cho 5 đến 6 khẩu phần ăn - 500g xương lợn, có thể dùng xương ống, 1 củ cải trắng, 1 nhúm tôm khô, 1 thìa canh sả...