Măng xào lươn ngày trở mưa
Từ trong chái bếp quen thuộc, mùi hương thoang thoảng của măng xào lươn đồng rất đỗi thân thương như xóa hết mọi mệt mỏi sau một chặng đường dài về thăm má.
Người con xa quê như tôi, mỗi độ thu về mà được thưởng thức các món ngon từ măng ở ngay trên mảnh đất quê hương mình thì còn gì hơn nữa.
Không hẹn mà cứ đến độ tháng tám, tháng chín âm lịch, trên khắp nẻo xóm làng xứ Quảng lại rộn ràng vào mùa măng tre. Chỉ cần một chiều bỏ công đi vòng ngõ tre quanh xóm là dễ dàng có được những đọt măng trắng mũm mĩm gần bằng cổ tay em bé.
Măng mang về lấy phần non, cho vào nồi thêm tí muối, luộc chừng mươi phút, chắt bỏ nước đầu rồi đổ nước khác vào, tiếp tục làm như thế thêm hai lần nữa mới hết mùi hăng. Măng chín tới, thử đọt măng không đắng, có vị ngọt là trút ra, chẻ nhỏ vừa ăn, vắt ráo.
Video đang HOT
măng
Thật không ngoa khi nói măng xào là “kẻ dễ tính”, bởi có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu như thịt, hến, ốc bươu… nhưng động chạm tới tâm hồn ăn uống của tôi nhất lại là món măng xào lươn đồng.
Ngày măng mọc rộ cũng là thời điểm bước vào mùa đặt trúm bắt lươn đồng. Đã bao lần tôi lẽo đẽo theo cha mang ống trúm đi đặt vào cuối những buổi chiều thu. Tờ mờ sáng hôm sau dỡ trúm mang về, thu chiến lợi phẩm là những con lươn béo nục. Ngoài ra, người ta còn có thể câu lươn hoặc đi thụt lươn.
Ở quê tôi, thịt lươn rất quý vì nhiều dưỡng chất lại chế biến được chừng chục món như chiên giòn, nướng sả ớt, um, lẩu… Riêng xào với măng nên chọn loại lươn cỡ ngón trỏ, nếu lươn nhỏ thì không bổ, lớn quá thịt lại không ngọt. Lươn có màu vàng dưới bụng là ngon nhất.
Măng xào lươn đồng tuy dân dã nhưng rất kỳ công và đòi hỏi sự khéo léo. Lươn sau khi rửa sạch nhớt, lấy đường chỉ máu của lươn rồi cắt khúc vừa ăn, để ráo nước, ướp ít muối, nghệ, sả, tiêu, đường. Chảo dầu phi nén thơm thì cho lươn vào xào thấm rồi tiếp tục thêm măng vào xào chừng vài phút, hạ nhỏ lửa rồi nêm các loại gia vị nước mắm, đường…
Lươn và măng chín thì nhanh tay cho thêm một ít lá nghệ cắt nhỏ rồi đảo đều, tắt bếp. Đến khi vài cọng rau thơm, ít tiêu rừng giã nhuyễn được điểm lên trên đĩa măng xào nóng hổi cũng là lúc bao nhiêu tinh túy của đồng quê đã quyện chặt vào trong món ăn rồi.
Chiều nay, trong cái se lạnh của gió heo may vờn nhẹ trên mái tóc, mưa rơi khẽ nơi thềm nhà, bên bếp lửa hồng của má, nhâm nhi từng lát măng mà nghe vị quê lan nhẹ mơn man, như vỗ về an ủi bao nỗi niềm nhớ thương.
Theo Thanhnien
Có nỗi nhớ mang tên... rau nghệ
Ở hầu hết các làng quê Quảng Ngãi, cứ mười người "lỡ" ăn rau nghệ thì hết... chín người rưỡi nhớ thầm khi mùa rau nghệ ra đi.
Rau nghệ được ví là "hoa hậu" của các loại rau
Phải đúng một năm sau, vào cuối tháng tám âm lịch, khi những cơn mưa đầu đông rây nhẹ thì người nhớ mới gặp lại rau xưa. Trước giờ chưa ai trồng được rau nghệ. Rau cứ "đến hẹn lại lên" thôi. Người Quảng ở Sài Gòn điện về, nói gì thì nói, vẫn không quên "chốt hạ" một câu: "Ngoài mình mưa chưa, có rau nghệ chưa?".
Loài rau thật lạ! Nghe mưa mới mọc, mà phải là "kiểu" mưa thoang thoảng, chợt đến chợt dừng. Mưa nặng hạt, dầm dề, lê thê hả? Một cọng rau cũng không có. Thêm nữa, rau chỉ sinh sôi nảy nở trên những ngọn đồi tranh, đồi thưa, đồi cằn - nơi mà đất thiếu màu mỡ nhưng sạch tuyệt đối. Và dường như rau nghệ chỉ mọc về đêm. Nếu không thì tại sao, cùng khoảnh đồi ấy, sáng hôm trước người ta đã hái hết thì sáng hôm sau rau nghệ lại hồn nhiên khoe sắc?
Với tôi, nếu có cuộc thi... hoa hậu các loài rau, chắc chắn rau nghệ sẽ đăng quang vì vẻ đẹp non tơ, màu sắc hài hòa. Từng bẹ lá ôm ấp nhau từ gốc đến ngọn làm nên thân rau. Ngọn rau giống đóa hoa huệ xòe nở điểm tô bằng những gam màu nhẹ: trắng muốt, xanh lơ, vàng nhạt, hồng phớt đan xen. Từ đặc điểm hình thể đó nên có nơi gọi là rau huệ. Còn gọi là rau nghệ vì rau phảng phất mùi củ nghệ tươi.
Có nhiều loại rau xấu xấu mà ngon. Còn rau nghệ thì đã ngon lại đẹp. Rau mua về (50.000 đồng/kg), ngồi ngoài hiên lặt, ai đi ngang cũng trầm trồ "rau xinh quá là xinh". Giá rau hơi "chảnh" một tí nhưng nghĩ cho cùng cũng phải thôi. 25.000 đồng cho cái ngon, 25.000 đồng cho cái đẹp. Đắt cái nỗi gì!
Rau luộc vừa lửa, cho ra đĩa, dùng đũa ép cho ráo nước là lên mâm được rồi. Nước chấm thì tùy khẩu vị mỗi người. Mắm lọc, xì dầu hay tương chao đều được. Nhưng phần lớn "tín đồ" rau nghệ đều cho rằng mắm cái (mắm nêm) dùng chấm rau nghệ là ngon nhất.
Nghĩ cũng lạ! Loài rau "hoa hậu" đẹp trinh bạch, thanh tao, nhã nhặn, quý phái như thế lại hợp với thứ nước chấm "trần tục" là mắm cái vốn khá nặng mùi. Thôi thì miễn bàn. Nghệ thuật ẩm thực vĩnh viễn là... bí mật! Biết ngon, thấy ngon thì hít hà, chép miệng chép lưỡi là được rồi. Ngồi đó mà lý giải thì mãi mãi không xong, có khi làm món ăn "tự ái" rồi nguội lạnh, mất ngon. Hỏi có phí không?
Quảng Ngãi cùng với các... Quảng khác đang đón những làn mưa nhẹ đầu mùa, thứ mưa do rau nghệ và vì rau nghệ. Đã có nhiều thùng xốp, dưới rải đá lạnh, trên xếp đầy rau nghệ và chai mắm cái theo xe khách xuôi vào thành phố. Những cuộc "điện đàm": "Gửi chưa? Gửi rồi. Nhận chưa? Nhận rồi" rối rít cả xóm. Hội chứng... bấn loạn này do rau nào gây ra, nếu không là rau nghệ?
Gã "nóng bức" đã đi rồi. Giờ người đẹp mát lành mang tên "rau nghệ" vừa đến trong cái gió se se đầu đông. Thạp gạo nhanh vơi hơn, chén cơm nóng đầy hơn nhờ hương vị nồng nàn rau nghệ và mặn mà mắm cái. Có người "nghiện" rau nghệ lắng nghe tiếng... thời gian. Bởi chỉ vài ba tuần nữa thôi, khoảng cuối tháng 9 mưa gió tơi bời là hết... thời rau nghệ. Khi ấy sẽ "la liệt" người ngồi nhớ và mong đợi mùa rau nghệ sang năm.
Theo Thanhnien
Hương vị bánh ngọt tại The Reverie Boutique Khách sạn The Reverie Saigon phát huy truyền thống đi đầu trong dịch vụ ẩm thực khi vừa ra mắt The Reverie Boutique, trước đây gọi là The Deli,,, Với diện mạo sang trọng hơn và thực đơn mới phong phú hơn các loại bánh kem, bánh nướng và bánh ngọt hảo hạng của Bếp trưởng Lucien Gautier và đội ngũ bếp bánh...