Lý giải cơ chế căng thẳng dẫn đến đau tim và đột quỵ
Các nhà khoa học Mỹ ngày 22.6 cho biết họ đã phát hiện cơ chế làm sao mà việc căng thẳng thường xuyên lại dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Căng thẳng dẫn đến cơn đau tim – Ảnh: Shutterstock
Theo AFP dẫn các nhà khoa học, căng thẳng thường xuyên kích hoạt sự sản xuất quá mức tế bào bạch cầu (hay còn gọi là tế bào máu trắng) và điều này mang lại tác hại cho tim mạch.
Các tế bào bạch cầu dư thừa kết hợp lại với nhau trên các thành động mạch, làm cản trở máu lưu thông và tạo điều kiện hình thành các cục máu đông di chuyển đến nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Tế bào máu trắng rất quan trọng trong việc chống lại tác nhân gây nhiễm trùng cơ thể và giúp làm lành vết thương, tuy nhiên nếu cơ thể có quá nhiều loại tế bào này, hoặc là chúng nằm sai vị trí thì chúng sẽ gây hại, AFP dẫn lời đồng tác giả nghiên cứu Matthias Nahrendorf thuộc Trường Y Harvard (Boston, Mỹ) cho biết.
Các bác sĩ từ lâu đã biết có mối liên quan giữa bệnh căng thẳng thường xuyên và bệnh tim mạch, tuy nhiên họ chưa rõ cơ chế gây nên việc này.
Để tìm hiểu mối liên kết trên, chuyên gia Nahrendorf cùng đồng sự nghiên cứu mẫu máu của các bệnh nhân căng thẳng thường xuyên, và nhận thấy căn bệnh này kích hoạt các tế bào gốc tủy xương, dẫn đến sự sản xuất quá mức tế bào máu trắng.
Việc số lượng tế bào bạch cầu tăng quá mức khiến chúng tích tụ ở các thành động mạch, gây ra các mảng bám làm ảnh hưởng lưu lượng máu, tạo nên các cục máu đông trong mạch máu.
Và điều này chính là nguyên nhân điển hình gây nên đợt nhồi máu cơ tim và đột quỵ, ông Nahrendorf cho biết.
Video đang HOT
Ông này cũng nói thêm rằng tế bào bạch cầu gia tăng chỉ là một trong những nguyên nhân gây nên cơn đau tim và đột quỵ, cùng với các yếu tố khác như cao huyết áp, hút thuốc lá và đặc điểm di truyền.
Tiến Dũng
Theo TNO
Giúp trái tim khỏe mạnh
Ngoài việc ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao đều đặn, để bảo vệ quả tim, các chuyên gia sức khỏe còn liệt kê ra một số cách đơn giản sau, theo Menshealth.
Quan hệ tình dục đều đặn tốt cho tim mạch - Ảnh: Shutterstock
Tăng cường "yêu". Những người đàn ông quan hệ tình dục 1 lần/1 tháng hoặc ít hơn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 45% so với những người làm "chuyện ấy" 2 hoặc 3 lần trong 1 tuần, nghiên cứu đăng trên tạp chí Tim mạch Mỹ. Quan hệ tình dục đều đặn có tác dụng bảo vệ hệ thống tim mạch cũng giống như các bài tập thể dục khác.
Quả óc chó. Ăn quả óc chó có thể ngăn chặn nguy cơ tim mạch, theo các chuyên gia dinh dưỡng cao cấp từ Quỹ Tim mạch Anh. Chỉ 4 giờ sau khi ăn hạt hoặc dầu óc chó, có thể cải thiện đáng kể mức cholesterol và lưu thông mạch máu.
Ăn quả óc chó thường xuyên 4 lần/1 tuần sẽ bảo vệ chống lại bệnh tim mạch trong thời gian dài. Lý do, quả óc chó chứa nhiều omega-3 và các hợp chất chất béo hữu cơ hòa tan có nguồn gốc tự nhiên được biết đến với công dụng giảm cholesterol và cung cấp vitamin E cho cơ thể.
Tránh không khí ô nhiễm. Hít phải nhiều bụi ô nhiễm dễ có nguy cơ mắc bệnh tim, các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington (Mỹ) cho biết. Để củng cố thêm phát hiện này, một nhóm các nhà nghiên cứu Pháp thuộc Trung tâm nghiên cứu Tim mạch Paris đã phân tích kết quả của 34 nghiên cứu về mối tương quan giữa việc tiếp xúc với không khí ô nhiễm và nguy cơ bị nhồi máu cơ tim.
Kết quả cho thấy, việc hít phải các chất gây ô nhiễm từ công nghiệp và giao thông như carbon monoxide, nitrogen dioxide và bồ hóng khoảng một tuần có thể làm tăng nhẹ nguy cơ đau tim. Tất cả các chất ô nhiễm trong không khí, trừ ozone, đều có liên quan tới nguy cơ nhồi máu cơ tim với mức tăng dần trong thời gian ngắn, các nhà nghiên cứu cho biết.
Đậu lăng. Hơn cả khoai tây và các loại đậu khác, đậu lăng phát huy công dụng tuyệt vời trong việc bảo vệ tim mạch bằng cách làm giảm cholesterol, chống lại các bệnh tim mạch, điểu chỉnh insulin và bảo vệ đường ruột.
Nâng tạ. Thực hiện những bài tập nâng tạ liên tục ít nhất trong 4 tuần có thể làm giảm huyết áp, công bố đăng trên tạp chí Hypertension. Các nhà nghiên cứu nói rằng tập thể dục giúp cải thiện chức năng mạch máu.
Lòng đỏ trứng có tác dụng bảo vệ tim mạch - Ảnh: Shutterstock
Lòng đỏ trứng. Hãy ngừng suy nghĩ ăn trứng làm tăng cholesterol LDL "xấu". Trong thực tế, một nghiên cứu ở Brazil cho thấy có sự liên kết giữa việc tiêu thụ trứng với việc giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.
Chất béo của trứng chủ yếu nằm ở lòng đỏ. Một điều thú vị là lòng đỏ trứng chứa 38,8 mg axit béo omega-3 có tác dụng bảo vệ tim mạch. Ngoài ra, omega-3 còn có nhiều lợi ích khác như giảm chất béo không có lợi, tăng cholesterol tốt, ngăn ngừa hiện tượng máu vón cục hay giảm huyết áp ở những người bị huyết áp cao.
Hít thở sâu. Thỉnh thoảng dừng lại và hít một hơi thật dài và chậm tốt hơn so với việc thở gấp. Việc làm này có thể làm giảm huyết áp trong vòng vài phút, một nghiên cứu cho biết. Thực hành thở sâu này một cách nhất quán có tác dụng làm giảm áp lực trong cơ thể, đồng thời cũng tốt cho tim mạch.
Không làm quá sức. Đừng để công việc giết chết bạn. Kiệt sức có liên quan quan đến khả năng tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Trong một nghiên cứu ở Thụy Sĩ, những người đàn ông bị kiệt sức do công việc có thể cắt giảm các triệu chứng tim mạch đến 57% bằng cách thực hiện các bài tập cardio (bài tập dành cho tim mạch) 2 hoặc 3 ngày trong một tuần.
Ngủ đủ giấc. Người mất ngủ đối mặt với 45% nguy cơ đau tim, theo một nghiên cứu từ Na Uy. Chỉ cần 30 phút tập thể dục và thực hiện 3 lần/1 tuần có thể cải thiện được bệnh mất ngủ. Trong khi đó, ngủ nhiều cũng có nguy cơ cao của bệnh tim mạch. Những người ngủ 10 tiếng hoặc nhiều hơn trong một đêm có nguy cơ đối mặt với bệnh tim, theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep. Ngủ nhiều liên quan đến tăng cân và khiến sức khỏe tinh thần kém. Vì vậy tốt nhất là ngủ đủ giấc.
Cắt giảm Trans fat. Các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) nói rằng có thể làm giảm đáng kể số lượng cholestorol LDL (một dấu hiệu của nguy cơ đau tim) bằng cách cắt giảm lượng chất béo chuyển hóa. Những chất béo này có nhiều trong các loại thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào.
Bổ sung kali. Một nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết tiêu thụ 1.000 mg kali mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp. Chuối là nguồn cung cấp kali dồi dào, cũng có thể tìm thấy khoáng chất này trong khoai lang và cá ngừ.
Ánh sáng mặt trời có tác dụng giúp huyết áp luôn ổn định - Ảnh: Shutterstock
Ánh nắng mặt trời. Các nhà khoa học ở Scotland phát hiện ra rằng 20 phút tiếp xúc với tia cực tím có thể khiến cơ thể tăng cường khả năng sản xuất oxit nitric - có tác dụng làm hạ huyết áp. Hấp thụ ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút và thực hiện 2 lần/1 tuần để giúp huyết áp luôn ổn định.
Sữa. Một nghiên cứu ở Pháp cho thấy những người thường xuyên tiêu thụ sữa ít chất béo ít có khả năng bị cholesterol LDL cao. Ngoài ra, canxi trong sữa còn giúp thúc đẩy bài tiết chất béo từ cơ thể, giúp giảm cholesterol xấu.
Hát. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển phát hiện rằng những người có thói quen hát hò thường có nhịp tim tốt hơn so với những người ít hoặc không hát, và cũng hiếm khi bị các cơn đau tim tấn công.
Trái cây màu sắc. Một nghiên cứu của Phần Lan đã chỉ ra đàn ông có nồng độ beta-carotene trong máu thấp có nguy cơ phát triển bệnh suy tim sung huyết hơn những người có nồng độ beta-carotene trong máu cao. Beta-carotene có nhiều trong cà rốt, bí đỏ, gấc, cà chua, dưa hấu, đu đủ, rau dền...
Ngọc Khuê
Theo TNO
Bạn cần biết: Dấu hiệu sớm của cơn đau tim Cơn đau tim có thể đến bất ngờ và để lại hậu quả nghiêm trọng nếu không phát hiện kịp thời. Phát hiện sớm cơn đau tim sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị. Ảnh: TL Cơn đau tim là một dạng tai biến thường gặp ở người tuổi trung niên và người cao tuổi có một hay nhiều nguy cơ của bệnh...