Lưu giữ hương vị lạp sườn Mường Khương
Nhờ có công nghệ bảo quản tốt, người ta có thể làm lạp sườn quanh năm. Nhưng với những người làm lạp sườn ở Mường Khương (Lào Cai), tháng 10 âm lịch là thời điểm làm ra món lạp sườn ngon và đúng vị nhất.
Bí kíp chế biến món lạp sườn ngon
Từ lâu món lạp sườn gác bếp hay hun khói đã trở thành món ăn truyền thống, sử dụng trong những bữa ăn hàng ngày và là món ăn không thể thiếu mỗi dịp Tết đến, Xuân về ở Mường Khương. Không ai nhớ rõ nguồn gốc của món lạp sườn này. Nhưng theo các cụ cao niên thì có lẽ món lạp sườn bắt nguồn từ những ngày còn khó khăn.
Thuở ấy, mỗi năm gia đình chỉ thịt 1 con lợn, dùng làm nhân gói bánh chưng và một ít dành làm cỗ Tết. Số thịt còn lại vì không để được lâu nên những người đi trước đã nghĩ ra cách chế biến thành lạp sườn để bảo quản được lâu dài. Lâu dần theo thời gian, lạp sườn trở thành món ăn quen thuộc và có nhiều nét độc đáo riêng. Đặc biệt lạp sườn ở Mường Khương rất được ưa chuộng và có giá trị cao bởi cách chế biến cầu kì và cách cất giữ bảo đảm.
Theo chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thị trấn Mường Khương, lạp sườn Mường Khương khác biệt so với nơi khác là do được chế biến bằng thịt lợn đen, được bà con trên này nuôi theo phương pháp tự nhiên. Thịt thơm và chắc nịch như khúc giò. Chị Hạnh là người ở dưới xuôi, lên làm dâu ở Mường Khương, được mẹ chồng truyền lại cho nghề làm lạp sườn gác bếp. Tất cả các bí quyết được mẹ chồng truyền cho chị vẫn tiếp tục duy trì.
Video đang HOT
Theo chị Hạnh, công việc chế biến lạp sườn tưởng đơn giản nhưng khá cầu kỳ bởi để có được những mẻ lạp sườn ngon, phải trải qua nhiều công đoạn, sự kiên trì và kỹ thuật chế biến. Thông thường, khi chế biến, người ta hay lấy thịt nửa nạc nửa mỡ để làm lạp sườn vì nếu nhiều nạc quá lạp sườn sẽ khô và rời rạc. Thịt nhân nửa nạc xen mỡ sẽ làm cho miếng lạp sườn được giòn và thơm. Thịt sẽ được lạng bỏ lớp bì, rồi thái miếng vừa phải, tất cả được băm nhỏ và tẩm ướp gia vị cùng hương liệu cay nóng là hạt giổi, thảo quả, mắc khén. Tất cả các nguyên liệu được tẩm rượu trộn đều và ướp ủ trong một thời gian nhất định.
Khâu làm lòng non của lợn để tạo vỏ lạp sườn khá cầu kỳ và tốn nhiều thời gian. Khi lấy lòng non về, người ta rửa sạch bằng chanh, giấm rồi lộn trái lòng non, bỏ hết bàu nhàu bám trên thành ruột rồi căng ra sao cho vỏ lòng non trong vắt như chiếc bóng bay sau đó người ta bơm hơi cho căng lòng non rồi buộc túm lại mang ra hong nắng cho lòng vừa dai vừa khô.
Có hai cách để làm khô lạp sườn là phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp. Để có những mẻ lạp sườn ngon, đồng bào Mường Khương thường hay mua mía về ăn lấy vỏ và bã mía rồi đốt lấy lửa và khói để sấy lạp sườn. Nhờ vậy, lạp sườn vừa thơm, vừa giòn, vừa mang vị khói mía.
Lạp sườn Mường Khương nổi tiếng vì chất lượng đặc biệt ngon.
Lạp sườn hong khói khoảng 2 – 3 tuần là chuyển màu. Điều đặc biệt là lạp sườn Mường Khương không đen xạm khi sấy trên gác bếp mà khi ráo nước nó chuyển sang màu đỏ hồng nhìn rất bắt mắt. Bên trong lõi, những phần mỡ trở nên trong vắt còn phần nạc thì đỏ au, hai màu hòa quyện lẫn nhau trông khá hấp dẫn.
Vì chất lượng được khẳng định, nên món lạp sườn rất hút khách. Khách phải đặt hàng trước nhiều tháng, mới kịp để làm hàng ăn tết. Lạp sườn chỉ được làm trong vòng 3 tháng gần tết nhưng có thể để bán cả năm nên nhiều hộ bán được cả 500kg/năm, ít cũng được 200 – 300kg/năm. Món lạp sườn tuyệt ngon của vùng cao Lào Cai đã trở thành một món ẩm thực không thể thiếu trong chuyến đi chu du miền Tây Bắc của nhiều du khách. Với mức giá dao động từ 400.000 – 450.000 đồng/kg thành phẩm, đặc sản lạp sườn góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Khi ăn, người ta cắt lạp sườn xuống, cho lên chảo mỡ chao đi chao lại vài lượt là có thể thưởng thức được. Trong các bản Tày, bản Mông, đồng bào thường nướng lạp sườn bên bếp than hồng. Vì thế càng tăng vị thơm ngậy của món ăn đậm đà này. Khi thưởng thức, lạp sườn có vị giòn. Đó là vị giòn của vỏ bao bên ngoài khi rán được căng ra, vị giòn của nhân thịt mỡ và nạc đã hòa quyện. Dư vị của lạp sườn khó quên bởi vị thơm của mía, vị ngai ngái nồng nồng của rượu gạo, của khói, vị chua chua ngọt ngọt của thịt… Tất cả làm nên một món ăn độc đáo, lạ miệng mỗi khi thưởng thức.
Lạp sườn hun khói
Món lạp sườn hun khói hay còn gọi là lạp sườn gác bếp là món ăn quen thuộc của bà con Tây Bắc. Đây là món ngon được người vùng cao làm để ăn quanh năm, nhưng lạp sườn thường được bà con làm trước dịp Tết vài ba tháng.
Lạp sườn thường rán lên hoặc hấp và cắt ra thành từng lát để ăn.
Là món ăn quen thuộc của đồng bào vùng cao, nên cách thức làm lạp sườn tương đối giống nhau, chỉ khác đôi chút ở việc gia giảm gia vị cho phù hợp khẩu vị từng nơi.
Nguyên liệu chính để làm món lạp sườn bao gồm: thịt vai, thịt mông lợn hoặc thịt thăn, lòng lợn và các loại gia vị.
Lòng lợn để làm lạp sườn là lòng non. Lòng lợn được rửa sạch nhiều lần, bằng nước, bằng dấm và cuối cùng rửa bằng rượu trắng, sau đó sẽ phơi khô, thổi bong bóng để làm lớp bao bọc bên ngoài lạp sườn.
Nhân lạp sườn làm bằng thịt vai, thịt mông lợn hoặc thịt thăn băm nhỏ, ướp các loại gia vị, trong đó không thể thiếu mắc khén, và cho vào một ít rượu để lên men sau đó sẽ nhồi vào lòng lợn đã được thổi bong bóng.
Để lạp sườn ngon khâu chọn thịt là quan trọng nhất. Thịt phải được chọn khi vừa mới mổ và chọn thịt heo màu đỏ thẫm, mỡ có màu trắng trong, bóng bì mỏng có một màu. Một số nơi, bà con chỉ chọn loại thịt lợn vai nửa nạc nửa mỡ để lạp sườn được mềm và ngon. Thịt nạc bỏ lớp bì, thái miếng mỏng và dài, còn thịt mỡ được thái hạt lựu riêng, rồi sau đó được trộn, tẩm ướp cùng các loại gia vị, một chút rượu trắng và mật ong.
Sự hấp dẫn của món ăn phụ thuộc rất nhiều vào việc điều chế tỷ lệ nguyên liệu và đặc biệt là các loại gia vị. Đây chính là nét riêng, tạo ra sự khác biệt của món ăn ở mỗi vùng. Với lạp sườn Cao Bằng, tạo nên nét riêng đó là bởi các loại gia vị đều mang đậm hương vị của nhiều loại cây rừng như gừng núi, hạt tiêu rừng, mắc mật, quế, các loại thảo quả... Tất cả đều được xay nhỏ và được pha trộn với nhau theo tỷ lệ của từng mùa. Khi ướp thịt với những gia vị như vậy tạo nên mùi thơm đặc trưng cho lạp sườn của vùng núi Cao Bằng, đồng thời giúp cho lạp sườn có thể để được lâu mà không bị hỏng.
Một công đoạn cũng khá phức tạp đó là nhồi lạp sườn. Với phần lòng non đã được chuẩn bị kỹ, cứ nhồi thịt được khoảng 20-30cm thì buộc lại thành khúc. Sau khi nhồi xong, đem lạp sườn đi phơi khoảng 3 nắng rồi và đem treo trên gác bếp. Khói và hơi nóng của bếp lửa qua từng ngày làm cho lạp sườn ánh lên màu đỏ hồng của thịt nạc xen những đường vân trắng ngà của thịt mỡ trông thật hấp dẫn.
Ngày nay, lạp sườn hun khói đã trở thành đặc sản của bà con vùng Tây Bắc. Du khách đến với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn,... thường thấy lạp sườn được bày bán rất bắt mắt. Nhiều du khách cũng đã ăn và thấy rất ngon, nên thường mua lạp sườn hun khói về làm quà. Chính điều này khiến cho nghề làm lạp sườn phát triển, và ở nhiều nơi, bà con làm quanh năm chứ không chỉ làm vào dịp Tết như xưa. Và nhiều công đoạn trước đây làm thủ công đã được máy móc hỗ trợ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về nguồn gốc món ăn, nhiều ý kiến cho rằng, có lẽ món lạp sườn bắt nguồn từ những ngày còn khó khăn. Thuở ấy, mỗi năm vào dịp Tết mỗi gia đình chỉ thịt 1 con lợn, dùng làm nhân gói bánh chưng và một ít dành làm cỗ Tết. Số thịt còn lại vì không để được lâu nên những người đi trước đã nghĩ ra cách chế biến thành lạp sườn để bảo quản được lâu dài. Dần dần theo thời gian, lạp sườn trở thành món ăn quen thuộc và có nhiều nét độc đáo riêng, góp phần làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực của bà con các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Theo Daidoanket
Đừng ăn sữa chua theo cách này kẻo 'ân hận mấy cũng muộn' Sữa chua là món ăn quen thuộc được khá nhiều người ưa thích, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên nếu ăn sữa chua không đúng cách hoặc kết hợp với một số thực phẩm 'đại kỵ', món ăn này có thể sẽ gây nhiều tác hại cho cơ thể. Ảnh minh họa: Internet Sữa chua thực chất là sữa bò tươi hoặc...