Lợn đồi Tam Đảo nướng xiên ngon lạ kỳ
Thịt nướng xiên phải chọn miếng nạc ngon trong con lợn mới đạt
Không chỉ sánh ngang với Sa Pa hay Đà Lạt về quang cảnh, tiết trời, Tam Đảo còn nổi tiếng với nhiều món ăn đặc sản, như thịt lợn đồi nướng xiên ăn với bánh cuốn. Nói món này ngon vì có những lẽ riêng của nó.
Cách Hà Nội hơn 80 cây số, thị trấn Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) nằm ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển. Nơi đây, khí hậu quanh năm mát mẻ dễ chịu. Buổi sáng đầu tiên trên phố núi sương mù này tôi thả bộ ra khu chợ. Chợ bán đủ thứ, nào đọt su su, các loại thuốc rễ cây, thịt rừng, cơm lam gà nướng…. Duy chỉ món thịt lợn đồi nướng xiên là lạ với tôi và quyết định dùng bữa sáng bằng món này.
Trước sân quán, một chảo than hồng rực lửa, xếp đều các xiên thịt đỏ tươi trên vỉ, hương khói bốc lên thơm ngát mũi. Vừa ngồi đợi xiên nướng chín vừa nghe cô chủ tiếp thị: Đây là loài lợn rừng chính gốc, được người thiểu số ở đây săn bắt từ nhiều năm trước rồi họ quây chuồng thả nuôi trong rừng trên diện tích rộng, lâu ngày sinh sản nhiều lên. Thức ăn của chúng là những rau củ rễ trong rừng, hoàn toàn không có cám hoặc cơm cháo như lợn nhà. “Món lợn đồi nướng xiên kén thịt. Phải biết chọn những chỗ nạc ngon, thái ra từng miếng mỏng nhỏ, ướp gia vị đặc biệt của người đồng bào rồi nướng trên lửa than mới đạt”, cô chủ tấm tắc.
Hơn mười phút chờ đợi nghe vãn chuyện, hai xiên thịt đã chín vàng thơm phức, một chén nước chấm nấu bằng nước mắm, đường, gia vị và giấm được bày ra. Bánh quấn nóng (người ở đây phát âm như vậy) cũng là đặc sản, làm bằng bột gạo – lúa rẫy có pha ít thịt nạc với mộc nhĩ rồi đem tráng mỏng trên nồi nước sôi ùng ục, như bánh cuốn miền xuôi. Cái bánh được gấp lại, rắc lên ít hành phi. Những xiên thịt tuốt ra trong chén nước chấm đã pha. Thực khách gắp từng cái bánh quấn chấm vào, kèm miếng thịt nướng. Chao ôi nó thơm ngọt lạ lùng giữa phố núi sương mù!
Video đang HOT
Tôi cảm nhận được đây là món thịt lợn đồi đúng như tên gọi. Nó không như lợn nhà và cũng không như thịt heo rừng, lợn tộc nuôi ở các trang trại dưới đồng bằng. Thế nhưng giá lại rẻ không ngờ, chỉ có 30.000 đồng một phần. Sau bữa ăn, tôi được cô chủ mời uống ly nước chè xanh non cao đậm chát, hương gừng nghe thật ấm lòng mà nhớ mãi xiên thịt đồi nướng.
Theo vietbao
Những món chè Huế ngon tuyệt vời
Ở Huế có tới mấy chục loại chè sang trọng, đài các có, bình dân có. Mỗi loại chè có một hương vị đặc biệt riêng. Người Huế khéo tay, ăn uống cầu kỳ, tinh tế nên chế biến được nhiều thứ chè lạ, ngon và bổ.
Có những loại chè thanh cao mà cầu kỳ như chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau... Một số chè bình dân như: chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é....
Chè ngô Cồn Hến: Nói đến chè Huế không thể không nói đến chè bắp bởi đây là món chè đặc trưng của người Huế. Người Huế nấu chè bắp thì phải lấy bắp non hay còn gọi là bắp sữa ở Cồn Hến mới ngon, khi nấu đem nạo bắp cho tơi nhỏ kết hợp với bột lọc và đường trắng cho đến khi đặc lại, chè sẽ thơm lừng mùi bắp rất dân dã.
Chè bột lọc thịt quay: Chè bột lọc có hình thức viên tròn nhỏ, làm bằng bột năng, khi luộc chín, viên bột từ màu trắng đục thành màu trắng trong, ăn với nước đường và đây là món chè luôn được ăn nguội hay nóng ấm chứ không bao giờ ăn lạnh.
Chè bột lọc thịt quay được chế biến từ những miếng thịt heo quay, cắt vuông bằng quân súc sắc nhỏ (có cả bì lợn, cả thịt) bọc ngoài là màng bột nếp, rồi cho vào nước đường đun thành chè. Chè này có lẫn cả vị ngọt và mặn nên ăn không ngấy.
Chè hạt sen và chè nhãn bọc hột sen: là loại chè thanh cao, được chế biến từ hột sen hồ Tịnh Tâm.
Chè sen nấu theo kiểu Huế được đem hấp chín, sau đó nấu chung với nước đường cát trắng hay đường phèn trong vắt cho đến khi sôi nhẹ. Vị ngọt của đường đủ thấm vào hột sen là bắc ra ngoài bếp. Để được nồi chè ngon, người nấu phải túc trực canh chừng để lửa cháy vừa phải, tay khuấy, trộn thật nhẹ nhàng, thời gian cũng chỉ vừa đủ để hạt sen "không già, không non". Nấu già, hột sen sẽ mất hương thơm tự nhiên. Nấu non, hương sen sẽ không tỏa ngát.
Chè khoai tía: món này rất nhiều vị khách ưa thích vì màu sắc và hương vị đăng trược. Chè được nấu từ khoai môn tím, rồi nấu chung với nước dừa và để nhỏ lửa đến khi vừa sánh là được. Thêm đường sao cho vừa nhưng không để mất đi mùi thơm của nước dừa. Chè có vị thơm và ngọt thanh.
Chè đậu ngự, đậu ván, đậu quyên: cũng là những loại có xuất xứ lâu đời ở Huế. Chè được nấu mềm nhưng vẫn giữ được nguyên hạt đậu. Chè dẻo thêm đậu phụng rang giã nhỏ và nước dừa. Nước cốt dừa cho vào sau làm tăng vị béo cho ly chè, đậu phụng rang phảng phất hương vị thơm.
Chè thập cẩm: tổng hợp của nhiều loại chè như chè đậu xanh dừa, chè đậu đỏ, chè bột lọc... Mỗi thứ múc một tý cho vào ly, thêm nước đá, thêm tý cốt dừa.
Theo vietbao
[Chế biến] - Nghỉ lễ, làm gỏi bò chua, cay ngon tuyệt Thời tiết nắng, nóng các món gỏi luôn là sự lựa chọn hàng đầu trong những bữa tiệc hay các cuộc nhậu của nhiều gia đình Việt. Với món này, vị chua cay của gỏi thịt bò được thấm đẫm mùi cần tây rất thơm ngon, lạ miệng. Nguyên liệu: 300g thịt thăn bò hoặc bắp bò 100g cần tây 5 củ sả...