“Liên minh khủng” giữa các hoàng tử sân cỏ với dân giang hồ
Ngược về thập niên 90 của thế kỷ trước, khi bóng đá Việt bắt đầu chuyển sang chuyên nghiệp, nhiều “ông trùm” khét tiếng đã chọn môn thể thao vua thành thị trường ngầm kiếm ăn siêu lợi nhuận…
Từ xóc đĩa đến sân cỏ
Sau nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi tiếp xúc được với Long “chọi” (SN 1967), một trong những tay cò cá độ đầu tiên của Việt Nam.
Long là trai phố cổ Hà Nội, nhà thuộc thành phần tư bản xưa, giàu có hạng “số má” đất Hà thành, Long cũng từng theo nghiệp “quần đùi áo số” nhưng giữa đường đứt gánh. Từ đó, Long đi theo con đường hoàn toàn mới, làm đại lý cá độ.
Cũng chính nhờ công việc mới này, đã có thời Long phất lên thành đại gia và cũng lụi bại đến mức phải ra chợ cầu Long Biên (Hà Nội) buôn hoa quả.
Trong những người bạn của Long có cả những cựu cầu thủ, những tên tuổi lớn của bóng đá Việt một thời. Nói về cá độ bóng đá ở Việt Nam, Long “chọi” cho rằng, nó được hình thành từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước.
Theo Long “chọi”, những năm đầu của thập niên 90, các trùm giang hồ bắt đầu coi cờ bạc là việc “sạch sẽ” nhất trong thế giới của giang hồ sặc mùi dao kiếm và súng đạn. Đất nước bắt đầu vào thời kỳ mở cửa, các sòng bài lúc đó cũng bắt đầu có “khách” và kinh tế dần đi lên.
Cũng chính thời gian này, tin tức về các giải bóng đá hàng đầu thế giới như World Cup hay Euro bắt đầu tràn về Việt Nam. Chính những luồng tin tức đó bắt đầu được các tay trùm sẵn tiền mở các đường dây cá độ, nhận khách.
Một trong những trung tâm cá độ đầu tiên của Việt Nam phải nói đến TP.Hồ Chí Minh. Trung tâm bóng đá đen tuy mới nhưng nhanh chóng trở thành một trong những trung tâm lớn hàng đầu về mức độ cũng như quy mô xứng đáng tầm cỡ… thế giới. Các nhà cái lớn thường tập trung tại những khu phố người Hoa ở quận 5.
Sở dĩ khởi phát và lớn mạnh ở quận 5, bởi ngày đó các đại lý này dễ dàng nối mạng được với các trung tâm như Ma Cao, Hồng Kông, Thượng Hải…
Bà trùm Dung “Hà”, một trong những đại ca đầu tiên của thế giới ngầm cá độ.
Video đang HOT
Không những vậy, các “vệ tinh” quanh trung tâm cá độ này được những trùm xã hội đen, kiêm chủ sòng bạc cầm đầu như “B. nghé”; T. “đôi” con của L. “đôi” (kẻ giúp Năm Cam vươn vòi bạch tuộc ra miền Bắc)… Cùng thời điểm này, các tay anh chị máu mặt tại phía Bắc như Hải Phòng, Hà Nội bắt đầu manh nha. Tuy mới, nhưng cá độ trở thành mảnh đất màu mỡ cho những tay anh chị “có đầu óc”.
Cuộc “dạo chơi” của các ông trùm
Cá độ bóng đá Việt Nam thuở sơ khai có những đặc thù mà đến bây giờ những tay lọc lõi khi nhắc đến còn phải… phì cười. Theo Long “chọi”, cá độ ở Việt Nam lúc mới bắt đầu, chỉ những trung tâm lớn như Sài Gòn, Hà Nội mới có thể liên hệ được ra với nước ngoài.
Lúc bấy giờ, khi các giải bóng đá hàng đầu thế giới như Word Cup hay Euro 4 năm mới có một lần, còn các giải ngoại hạng ít khi được tường thuật trực tiếp nên việc đặt độ hết sức thủ công.
Theo Long, đầu cần ghi kèo vào giấy sau đó đặt fax y hệt như đánh đề, rồi biết thắng độ hay không thì phải… đọc báo xem bản tin.
Việc cá độ lúc đầu nghe có vẻ dễ ăn hơn các món khác khi các kèo độ ở Việt Nam ban đầu chỉ là “thắng – hòa – thua” và hơn nhau với tỷ số 1 – 2 bàn. Tuy nhiên, kể từ sau Euro 96, các đường dây cá độ ở Việt Nam bắt đầu đi lên “chuyên nghiệp” hơn và có sự liên kết, xuất hiện của các ông trùm.
Cách đây 20 năm, khi mà chiếc tivi màu còn hiếm ở nhiều tỉnh thành thì từ những năm 1996, bà trùm tên Hát (tên nhân vật được thay đổi) đã tỏ ra thức thời với Euro 96 khi mở quán cà phê bóng đá kiêm môi giới cá độ với một tivi màu thuộc loại khủng nhất Hà Nội. Cùng thời gian này, việc vươn vòi của O.
“Hà”, Dung “Hà” ở Hải Phòng và một ông trùm có tên T. (xin được giấu danh tính vì đã hoàn lương – PV) ở Hà Nội đã liên kết lại với Hát và bắt đầu tổ chức những đường dây cá độ quy mô lớn.
Trong ký ức của dân cá độ những năm 90 vẫn còn nhớ đến các quán cà phê ở “phố bóng đá” như phố Thợ Nhuộm, Hàng Bún, Phan Bội Châu…
Sở dĩ được coi là “phố bóng đá” bởi chỉ nơi đây mới có đủ những màn hình màu tivi lớn, hệ thống ăng-ten parabol, máy fax, máy ghi âm, điện thoại, máy tính nối mạng internet vô cùng hiện đại thời bấy giờ.
Thời điểm nóng, dân chơi cá độ không khác gì những người đến từ “nền văn minh khác”. Ở thời điểm này, khách chỉ cần điện thoại ra kèo, đặt giá. Khi có kết quả, khách chỉ việc tìm đến, nếu thua thì nộp tiền, còn nếu thắng sẽ được bà chủ Hát chung chi đầy đủ. Khác hẳn với việc ghi tỉ lệ theo kiểu tem phiếu cũ kỹ trước đó.
Sau 3 năm có uy tín, năm 1999, Dung “Hà” từ Hải Phòng lên Hà Nội gặp Hát đặt thẳng vấn đề tìm khách sộp để bắt kèo to. Từ đó, đường dây cá độ trong nước bắt đầu xuất hiện những anh tài cộm cán như ông trùm T., D. “đui”, M. “bệu” , T. “chăn bông”, A.P.(người Hồng Kông)…
Trong đó, Đ. “cọp”, K. “rồ” và V. “rang” đã thành khách thường trực của đường dây Dung “Hà” – Hát. Đường dây cá cược ngày càng phát triển, Hát huy động và chỉ đạo gần như toàn bộ đàn em thân tín tham gia vào các khâu nhận kèo, thu trả tiền, theo dõi tỉ số, tỉ lệ cá cược, nghe điện thoại…
Ngay từ ngày đó, tiền cá độ đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Sự liên kết đã tạo ra mối hời giữa Hát và Dung “Hà”, tỉ lệ 1/3 hoặc 1/4.
Giữa năm 2002, công an điều tra mở rộng một chuyên án “khủng”, trong hàng loạt đối tượng bị bắt giữ thì gia đình Hát đã “góp” 3 người.
Theo lời khai của nhiều đối tượng khác trong đường dây cá độ của Hát, trong 3 năm từ 1999 đến 2002, Hát đã thu về không dưới 5 tỉ đồng. Thời điểm đó, số tiền trên là một con số khủng.
(Còn nữa)
Nhóm PV
Theo_Người Đưa Tin
Chặt đứt đường dây côn đồ "vòi" tiền xe khách tại bến xe Mỹ Đình
Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, một nhóm côn đồ chuyên "ăn chặn" tiền của các xe khách đi tuyến Hà Nội - Sơn La với số tiền chiếm đoạt lên tới gần 70 triệu đồng.
Sáng nay, 7/4 tại TAND TP.Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử các bị cáo Nguyễn Đình Hoạt (SN 1977), Lê Văn Tùng (SN 1991) cùng trú tại Hoài Đức, Hà Nội; Nguyễn Thanh Hùng "tức Nguyễn Văn Chính" (SN 1990) và Nguyễn Mạnh Toàn (SN 1987, cả hai cùng trú tại Hòa Bình), Trần Ngọc Thắng (SN 1990, ở Quốc Oai, Hà Nội), Đặng Đình Chung "tức Chung lùn" (SN 1994) và Nguyễn Văn Tiến (SN 1994) cùng trú tại Chương Mỹ, Hà Nội bị VKSND cùng cấp truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản".
Nhóm đối tượng chuyên "ăn chặn" tiền xe khách tại bến xe Mỹ Đình
Khoảng giữa năm 2015 vừa qua, tại bến xe Mỹ Đình đã có rất nhiều người dân, cụ thể là các chủ xe khách phản ánh về việc bị một nhóm đối tượng côn đồ thường xuyên "vòi" tiền nhà xe. Nếu ai không chịu nộp thì bọn chúng sẽ gây khó dễ.
Sự việc chỉ được phát hiện khi có một số chủ xe, phụ xe nhất quyết không chịu nộp tiền, mặc dù bị đe dọa, đánh đập, nhưng họ vẫn mạnh dạn tới cơ quan công an trình báo. Ngay lập tức nhóm đối tượng côn đồ chuyên ăn chặn tiền xe khách đã bị bắt giữ.
Cầm đầu nhóm này là Nguyễn Đình Hoạt và Lê Văn Tùng, hai đối tượng này quen biết với nhau từ trước. Mặc dù có sức khỏe, nhưng với bản tính lười lao động, chúng đã bàn nhau cưỡng đoạt tiền của các xe khách chạy tuyến Hà Nội - Sơn La tại bến xe Mỹ Đình.
Hoạt là người trực tiếp đến gặp các chủ xe, lái xe hoặc phụ xe khách để "đặt vấn đề". Mặc nhiên, xe nào ngoan cố không chịu nộp phạt thì bọn chúng sẽ không cho khách lên xe ấy hoặc gây ảnh hưởng đến công việc kinh doanh.
Tâm lý không muốn va chạm với các thành phần "xã hội đen" mà nhiều nhà xe hàng ngày đều phải mất tiền "oan" với bọn chúng.
Trong việc thu tiền xe khách, nhóm này cũng có nguyên tắc rõ ràng. Đối với loại xe 29 chỗ trở xuống chúng thu 150.000 đồng/ 1 lần xuất bến. Còn đối với loại xe khách từ 29 chỗ trở lên đến 50 chỗ và xe giường nằm sẽ thu 200.000 đồng/ 1 lần xuất bến. Nhiệm vụ này sẽ do Tùng phụ trách.
Tuy nhiên, nếu chỉ có Tùng và Hoạt thì sẽ không đủ sức để "ép chẹt" các nhà xe. Vì vậy, để "phô trương" thế lực, chúng đã lôi kéo thêm nhiều thành phần bất hảo khác.
Về "đầu quân" cho Tùng và Hoạt còn có: Nguyễn Thanh Hùng "tức Nguyễn Văn Chính", Nguyễn Mạnh Toàn, Trần Ngọc Thắng, Đặng Đình Chung "tức Chung lùn", Nguyễn Văn Tiến, Chung "tức Chung cao", Quý, Trường, Lợi (chưa xác định được nhân thân).
Những người này có nhiệm vụ đi tìm những hành khách có nhu cầu đi Sơn La sẽ đưa đến cho Tùng hoặc đưa trực tiếp khách đến những xe đã nộp tiền xuất bến hàng ngày.
Để tiện cho quá trình làm ăn, bọn chúng đã thuê hai phòng của một tòa nhà ngày trong bến xe để ở và sau mỗi buổi làm việc, Hoạt và Tùng lại chia cho mỗi người từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng/ 1 ngày.
Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 3 tháng (từ tháng 5/2015 - 7/2015), nhóm của Tùng và Hoạt đã cưỡng đoạt tiền của rất nhiều xe khách với tổng số tiền lên tới gần 70 triệu đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, tất cả các đối tượng trong đường dây "ăn chặn" tiền xe khách nêu trên đều cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội. Xét thấy, các bị cáo phạm tội là nguy hiểm cho xã hội, cần phải có hình phạt tương xứng với mức độ phạm tội nhằm răn đe, giáo dục, cải tạo các bị cáo.
Do đó, cuối phiên xét xử, HĐXX quyết định tuyên phạt Nguyễn Đình Hoạt 5 năm tù; Lê Văn Tùng, Nguyễn Thanh Hùng cùng 48 tháng tù; Nguyễn Mạnh Toàn, Trần Ngọc Thắng cùng 36 tháng tù; Đặng Đình Chung, Nguyễn Văn Tiến cùng 30 tháng tù. Riêng Tiến được cho hưởng án treo.
Yến Nhi
Theo_Người Đưa Tin
Bắt giữ 12 đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá hơn 1.300 tỷ đồng Công an TP Thanh Hóa và Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh vừa bắt giữ 12 đối tượng trong đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá qua Internet với số tiền giao dịch thể hiện qua các tài liệu thu giữ lên đến hơn 1.300 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 4/4, công...