Lão nông làm kinh tế từ những chiếc đũa, muỗng bằng cây mắm
Với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/chục đũa và 15.000 – 20.000 đồng/chiếc muỗng, gia đình ông Phương có thêm nguồn thu nhập khá.
Cây mắm rất quen thuộc với người dân vùng đất ngập mặn Cà Mau. Đi ra khỏi nhà là bà con vùng đất nuôi tôm nơi đây nhìn thấy cây mắm khắp nơi. Nhưng ngoài tạo cảnh quan, phục vụ phát triển du lịch thì bản thân cây mắm dường như không có giá trị về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, bằng bàn tay khéo léo cùng sự sáng tạo, ông Mai Lam Phương (ở thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, Cà Mau) đã biến những cây mắm thành những vật dụng đẹp mắt, có giá trị.
Trước đó, ông Mai Lam Phương đã đi nhiều nơi để học hỏi mô hình phát triển kinh tế. Ông rất ấn tượng với các mô hình phát triển kinh tế của người dân tỉnh Bến Tre gắn liền với cây dừa.
Ông Phương tự tìm tòi để chế tạo ra máy phục vụ việc gia công đũa, muỗng.
Cây mắm ở nơi ông đang ở gần gũi với bà con vùng đất Đồng Khởi như cây dừa vậy. Nhìn cây dừa giúp người dân Bến Tre ngày càng vươn lên khá giả mà ông Phương không khỏi băn khoăn cho giá trị của cây mắm.
Đặc biệt, thân cây mắm cũng có những đường vân rất đẹp như cây dừa nên ông đã nghĩ đến việc, thay vì tỉa, chặt bỏ thì gia công chúng thành những cái muỗng (muôi), chiếc đũa để có giá trị sử dụng.
Người đàn ông có “hoa tay”, ban đầu thực hiện thủ công và dùng trong gia đình. Sau đó, có những hộ dân ở địa phương hỏi mua nên ông nảy sinh ý định làm đũa, muỗm để phát triển kinh tế.
Ông đi nhiều nơi học hỏi cách làm đũa, muỗng sao cho đẹp mắt hơn. Đặc biệt, là làm sao biết cách chế tạo ra chiếc máy sản xuất đũa để thuận tiện cho công việc và ông đã thành công.
“Cái máy làm đũa, muỗng do tôi tự thiết kế. Ban đầu tôi đi học hỏi xem người ta làm như thế nào, sau đó về mình tìm hiểu thêm và thực hiện lắp ráp, sửa chữa để tạo ra cái máy”, ông Phương chia sẻ.
Video đang HOT
Chiếc máy làm đũa của ông Phương có bộ phận chính là 1 cái mô tơ điện. Máy giúp ông Mai Lam Phương làm các công đoạn từ xẻ gỗ đến chuốt, đánh bóng đũa, muỗng.
Theo ông Phương, thuận lợi của việc gia công đũa, muỗng từ cây mắm chính là nguồn nguyên liệu phong phú. Đặc biệt, nếu cây dừa cần nhiều năm mới có thể lấy gỗ thì cây mắm chỉ cần khoảng 2 – 3 năm là có thể dùng làm đũa được.
Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông Phương gia công được khoảng 100 đôi đũa, 30 chiếc muỗng. Với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/chục đũa và 15.000 – 20.000 đồng/chiếc muỗng, gia đình ông có thêm nguồn thu nhập khá.
Việc làm đũa, muỗng từ cây mắm giúp gia đình ông Phương có thêm nguồn thu khá.
Tuy nhiên, lão nông vẫn chưa hài lòng về chiếc máy mà mình tạo ra, ông Mai Lam Phương đang suy nghĩ để cải tiến chiếc máy, nhằm nâng cao năng suất hơn nữa.
“Hiện tại cái máy này chưa đủ mạnh, công suất chưa cao nên mỗi ngày thu lãi chỉ khoảng 100.000 đồng. Nếu máy hoàn chỉnh hơn và có tiền đầu tư thêm để nâng công suất, mỗi ngày máy có thể kiếm vài trăm nghìn đồng”, ông Phương cho biết.
Không chỉ là người đi tiên phong tại địa phương trong việc làm muỗng, đũa bằng cây mắm, trước đây, ông Mai Lam Phương cũng từng được biết đến là người đi đầu thực hiện mô hình trồng thanh long trên cây mắm.
Với ý chí cầu tiến, dám nghĩ dám làm, ông không chỉ giúp gia đình mình phát triển kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương./.
Bán trâu "tậu" baba nuôi dưới ao bèo, lão nông thu hàng trăm triệu đồng mỗi vụ
Từ số tiền 16 triệu đồng có được sau khi bán đi con trâu từng coi là "cơ nghiệp" của cả gia đình, lão nông Phan Ngọc Chiến "vượt khó" thu về hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nhờ bắt tay vào nuôi baba gai dưới ao bèo.
Từ lâu baba được coi là một món ăn rất bổ dưỡng được nhiều người ưa thích. Trước kia, khi nguồn nuôi baba còn ít thì đây được xem như là loại thực phẩm xa xỉ chỉ giành cho những người giàu.
Tuy nhiên gần đây, nhận thấy lợi ích kinh tế từ baba, kỹ thuật nuôi baba được biết đến và phát triển rộng rãi, chính vì vậy các món ăn từ baba đã trở nên phổ biến, quen thuộc và là món ăn được rất nhiều người ưa chuộng.
Baba gai sống dưới nước, có thể đạt cân nặng lên đến 30kg/con và có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần các loại baba khác.
Không những thế, phong trào nuôi baba ở một số địa phương đã và đang phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ nông dân, trong đó có gia đình ông Phan Ngọc Chiến (trú tại tổ dân phố 10, thị trấn Nông trường Trần Phú, Văn Chấn, Yên Bái). Chỉ với khoảng 300m2 ao nuôi nhưng mỗi vụ sinh sản của baba, gia đình ông thu về cả trăm triệu đồng.
"Vợ chồng tôi trước đây chủ yếu là làm nông nghiệp, dựa vào chăn nuôi vài con lợn, con gà với vài sào ruộng. Năm 2013, thấy một số hộ gia đình giàu lên nhanh chóng nhờ nuôi baba gai nên tôi bàn với vợ đi học hỏi kinh nghiệm nuôi thử xem sao", ông Chiến chia sẻ.
Mỗi con baba giống bé xíu thời điểm năm 2013 có giá 800.000 đồng.
Mạnh dạn bán đi con trâu với giá 16 triệu đồng, cộng thêm một ít tiền tiết kiệm được, ông Chiến đi mua 20 con baba giống với giá 800.000 đồng/con về nuôi. "Con baba giống chỉ bé bằng ngón chân cái, nặng chừng 20gr, trong khi đó, cả con trâu mấy tạ chỉ mua được chưa đầy 1kg baba", ông Chiến kể lại.
Thấy giá baba giống quá cao trong khi 1 con baba mẹ có thể đẻ được 3-4 lứa/ năm, mỗi lứa 20-30 quả trứng, ông Chiến quyết định đi vay mượn thêm anh em, bạn bè để mua 3 con baba bố mẹ với số tiền 24 triệu đồng về nuôi.
Chỉ trong thời gian ngắn, 2 con baba mẹ đã đẻ được những lứa trứng đầu tiên, sau khi ấp nở, baba con được thương lái đến tận nhà thu mua với giá 300.000 đồng/con.
Từ diện tích ao nuôi chỉ khoảng 30m2, sau nhiều năm tích lũy vốn, kinh nghiệm chăn nuôi và nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Chiến đã mở rộng diện tích nuôi lên 300m2 với 4 ao nuôi và 1 lò ấp trứng lấy baba giống bán.
Bèo tây vừa che nắng vào mùa hè, vừa giữ ấm nước vào mùa đông giúp baba có điều kiện phát triển.
Đến nay, sau 7 năm nuôi với 100 con baba bố mẹ, mỗi năm gia đình ông Chiến cung cấp ra thị trường hàng nghìn con baba giống và hàng tạ baba thương phẩm, chưa kể hàng nghìn quả trứng baba không có phôi được thương lái thu mua làm thực phẩm và thuốc.
Mỗi con baba giống hiện tại có giá từ 200-250.000 đồng, baba thịt có giá từ 450-500.000 đồng/kg, trứng baba không có phôi từ 200-210.000 đồng/kg... sau khi trừ chi phí mỗi năm ông thu về trên 100 triệu đồng.
Ông Chiến chia sẻ, con baba rất khỏe, nuôi cũng không khó, quan trọng nhất là môi trường nuôi phải sạch, không có chất thải và tạp chất trong ao. Hơn nữa, dưới đáy ao phải rải lớp cát mịn, phía trên làm một bãi cát để làm nơi cho baba đẻ trứng, mặt ao cũng phải phủ kín bèo.
Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Chiến thu về trên 100 triệu đồng từ việc nuôi baba.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi baba, ông Chiến cho biết, baba thường ăn động vật tươi sống như tôm, cua, cá, thịt gà, thịt lợn... nếu như bị ôi thiu chúng sẽ không ăn và gây ô nhiễm nguồn nước khiến baba bị bệnh. Ngoài ra, nuôi bèo phía trên để giữ ấm cho baba vào mùa đông, làm mát vào mùa hè và làm sạch nước.
"Hiện tại, tôi cho baba ăn cách nhật, tức là 2 ngày cho ăn 1 lần, mỗi lần đàn baba nhà tôi ăn hết khoảng 45-50kg thức ăn. Chăm sóc cũng nhàn nên tôi vẫn có thể nuôi trồng các loại cây trồng và vật nuôi khác, thậm chí vẫn có thể vừa làm công ty vừa nuôi baba. Baba thịt và giống hiện được thương lái mua tận nhà, không đủ cung cấp ra thị trường", ông Chiến cho hay.
Nhờ nuôi baba, điều kiện kinh tế của gia đình ông Chiến cũng như hàng trăm hộ dân tại Văn Chấn (Yên Bái) đã trở nên khá giả, có của ăn của để.
Theo tìm hiểu của PV, huyện Văn Chấn hiện có trên 500 hộ nuôi baba gai, trong đó tập trung chủ yếu tại thị trấn nông trường Trần Phú với 252 hộ nuôi. Hàng năm, toàn huyện sản xuất từ 50.000 - 70.000 con giống, baba gai thương phẩm đạt từ 40 - 50 tấn/năm, ước tính tổng thu nhập từ 90 - 100 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho trên 1.800 lao động trong đó có các đồng bào dân tộc.
Lão nông làm giàu từ loài chim khổng lồ, mỗi con nặng cả tạ Sau gần 6 năm gắn bó với loài chim khổng lồ này, ông Đào Đức Thủy - lão nông Thanh Hóa đã thành công và làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương mình. Về thị trấn Vạn Hà, Thiệu Hóa, Thanh Hóa, hỏi ông Thủy Đà Điểu có lẽ ai cũng biết. Ông Đào Đức Thủy - chủ trang trại nuôi...