Lão nông 74 tuổi quyết lấy bằng tiến sĩ
Sau khi lấy bằng thạc sĩ luật, lão nông Lương Tuyển ( thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) vẫn đang học anh văn, quyết lấy bằng tiến sĩ dù đã bước sang tuổi 74.
Ngày đầu tháng 2-2021, trong không khí mùa xuân tràn ngập, lão nông Lương Tuyển (thôn Tân Quang, xã Ninh Quang, thị xã Ninh Hòa) mới dành thời gian chăm chút cho khu vườn rộng với 600 cây bưởi da xanh đang ra quả bói. Dù bước sang tuổi 74, nhưng người nông dân này vẫn năng động chạy xe máy lên rẫy, lắp đặt máy bơm, phụ vợ hái bưởi… Tuy vậy, ông vẫn không quên sự học.
28 tuổi học lớp 6, 70 tuổi lấy bằng thạc sĩ
Đón chúng tôi, ông Tuyển chạy xe máy ra tận đường liên thôn vì nhà ông nằm tận trong hẻm sâu, gần chân núi Tân Quang mà trước đây là vùng kinh tế mới của xã Ninh Quang. Ngôi nhà ngói cũ nằm bên mảnh vườn rộng với 100 gốc bưởi, ao thả cá, vườn nuôi gà, cùng với khu rẫy 500 gốc bưởi theo đúng mô hình VAC (vườn, ao, chuồng).
Trong căn phòng tiếp khách là kệ sách lớn với hàng trăm cuốn sách, giáo trình. Phía trên bức tường và bàn uống nước là một “pho lịch sử” về câu chuyện học hành của ông với đủ loại bằng cấp, chứng chỉ từ môi giới bất động sản, định giá, trung cấp thú y, bằng cử nhân quản trị kinh doanh, cử nhân luật đến bằng thạc sĩ luật….
Kể về chuyện học khá đặc biệt và không ít khó khăn của mình, ông cho biết sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mẹ lại mất sớm nên 3 anh em ông ở với ông bà ngoại. Cũng vì khó khăn nên đến lớp 5, ông Tuyển phải nghỉ học. Sau năm 1975, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, dù đã lấy vợ và làm nông nhưng ông cho rằng phải học hành thì mới khá lên được.
Nghĩ là làm, năm 28 tuổi khi các cán bộ trong thôn, xã đi học bổ túc văn hóa, ông cũng xin đi học. Ban ngày đi làm, ban đêm đi học, mỗi tối ông phải đi bộ hơn 10km để đến lớp, đến khi về nhà cũng đã nửa đêm. “Hồi đó, một người nông dân không có chức vụ gì như tôi tự đăng ký đi học bổ túc lớp 6 thì ai cũng ngạc nhiên. Thậm chí ở trường cũng không có suất để học. May là một số cán bộ thấy cực quá không học được nữa nên tôi mới được đi học, nhưng cũng phải năn nỉ lắm”- ông Tuyển kể về xuất phát điểm việc học của mình.
Sau khi tốt nghiệp THPT, năm 1988 khi đã 35 tuổi, ông Tuyển tiếp tục xin đi học ở trường trung cấp ngành chăn nuôi thú y ở Phú Yên. Vợ ông là bà Trần Thị Sương (69 tuổi) cho biết đây là thời kỳ khó khăn nhất. “Vì mình tôi ở nhà vừa phải nuôi 2 đứa con, vừa phải phụ kinh phí cho chồng đi học. Đúng 3 năm 8 tháng trời, ổng mới tốt nghiệp”. Thời đó khó khăn quá, ăn uống kham khổ, nên năm 1992, khi ra trường thì ông Tuyển nhập viện điều trị bệnh lao phổi.
Ông Lương Tuyển và bằng thạc sĩ chính quy của Đại học Luật TP HCM
Ra trường, có bằng cấp, có kiến thức, ông trở thành Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Quang 1 (gồm 4 thôn) hướng dẫn người dân khai hoang, áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống nhờ vậy mà khấm khá, có của ăn của để. Tuy nhiên, việc đồng áng, làm ăn kinh tế ngày càng đòi hỏi kiến thức cao hơn nên năm 50 tuổi ông đăng ký học ngành quản trị kinh doanh (Trường Đại học Mở Bán công TP HCM). Vừa học vừa làm đến năm 54 tuổi, ông Tuyển lấy bằng cử nhân chuyên ngành Quản trị kinh doanh.
Video đang HOT
Sau đó ít năm, ông tiếp tục đăng ký học cử nhân Luật văn bằng 2 tại Trường Đại học Luật TPHCM. Thời gian này ông phải vào TPHCM để học, mọi chuyện kinh tế ở nhà, ông hướng dẫn vợ và các con từ xa. Đến khi tốt nghiệp cử nhân Luật, ông đã 63 tuổi.
Bước ngoặt lớn nhất của đời ông là dù có 2 tấm bằng đại học trong tay, nhưng ông quyết định tiếp tục học cao học để có bằng thạc sĩ. “Mê học lắm, tôi cảm thấy lúc nào cũng thiếu kiến thức nên cứ đào sâu nghiên cứu. Khi thi tuyển vào thạc sĩ cũng khó khăn lắm, nhiều người rớt nhưng số phận cho tôi đậu. Thế là lại đèn sách hơn 3 năm để học thạc sĩ. Người ta học 2 năm mà tôi phải 3 năm vì nhiều chứng chỉ khó so với tuổi già của tôi. Hơn thế, có năm mùa màng thất bát, tôi phải về để vực lên lại”- ông Tuyển kể.
Bảng thành tích học tập từ năm 28 tuổi đến năm 70 tuổi của ông Lương Tuyển
Trời không phụ người, một ông lão dù 70 tuổi đã lấy bằng thạc sĩ Luật chính quy khiến cả trường Đại học Luật TPHCM khi ấy ngã mũ, thán phục. Ngày tốt nghiệp năm 2017, đích thân hiệu trưởng nhà trường đến tôn vinh, tổ chức lễ cho ông Tuyển để ghi nhận học viên lớn tuổi nhất trường lấy bằng thạc sĩ.
Học, học nữa, học mãi
Dù bước sang tuổi 74, nhưng nỗi niềm đam mê đèn sách đáng kinh ngạc của ông khiến chúng tôi kinh ngạc. Ông Tuyển tâm sự: “Ước mơ lớn nhất của tôi là lấy được bằng tiến sĩ. Nhưng học lên tiến sĩ đòi hỏi nhiều kiến thức, nhiều nghiên cứu đặc biệt là phải thông thạo anh văn. Hiện nay, tôi đang tự học anh văn qua Internet. Học qua mạng rất đa dạng, phong phú và tự chủ. Ngày làm, đêm về, tôi đọc sách, rồi mở máy tính ra học. Nhiều đêm ngủ không được, cũng lôi máy tính ra học. Vốn tiếng Anh của tôi có thể giao tiếp được nhưng vẫn còn kém, mà muốn có chứng chỉ Anh văn, phải rèn luyện rất nhiều, chỉ sợ tôi không còn đủ sức khỏe”.
Ông Lương Tuyển áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình vườn, ao, chuồng.
Triết lý của ông Tuyển là “sự học không bao giờ muộn”, “Học, học nữa, học mãi”, “Sống phải có ý nghĩa”…. chính vì vậy người trẻ học 1 tiếng là thuộc thì mình già, mình học 2 tiếng. Muốn học thì không chỉ biết sắp xếp thời gian học một cách khoa học mà phải hết sức kiên trì. Có thể học trước quên sau, nhưng học mãi thì cũng nhớ. Luôn ấn định thời gian học tập vào giờ cố định để não có phản xạ tự nhiên nhằm nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó, khi học cao học, tôi luôn liên hệ các bài giảng trực tiếp với thực tế để dễ nhớ và lâu quên” – ông Tuyển nói.
Ông Tuyển và người vợ tảo tần giúp ông đi học
Học đi đôi với hành, chính vì có kiến thức, am hiểu luật pháp, áp dụng vào thực tế nên công việc đồng áng gặt hái được nhiều thành công. Vợ chồng ông có được một cơ ngơi với diện tích khoảng 10ha trồng lúa, bưởi, măng…chỉ riêng trồng lúa mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.
Năm nay, vườn bưởi 600 gốc gồm 100 gốc ở nhà và 500 gốc trên rẫy bắt đầu cho trái hứa hẹn một nguồn thu nhập đáng kể. Là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ninh Quang 1, 25 năm qua, ông sử dụng kiến thức luật học để bảo vệ tài sản của hợp tác xã, thường xuyên đổi mới trong khoa học kỹ thuật để hỗ trợ bà con trong xã sản xuất, phát triển kinh tế…
Trường học đẩy mạnh chuyển đổi số
Tháng 6-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
Yêu cầu mà thủ tướng Chính phủ đề ra đối với GD-ĐT là phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.
Chuyển động mạnh mẽ
Năm 2018, ngành Giáo dục đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc về giáo dục với 53.000 trường học, 710 phòng GD-ĐT, gần 24 triệu học sinh và hơn 1.4 triệu giáo viên được gắn mã định danh. Thông tin của 393 trường đại học, cao đẳng với 2,5 triệu sinh viên, 120.000 giảng viên cũng được cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành.
Việc phát triển học liệu số cũng được Bộ GD-ĐT chú trọng triển khai. Đến nay đã có 5.000 bài giảng e-learning; 2.000 bài giảng dạy trên truyền hình, 200 đầu sách giáo khoa phổ thông, 200 thí nghiệm ảo và hơn 35.000 câu hỏi trắc nghiệm...
PGS- TS Đỗ Văn Dũng thực hiện bài giảng được trình chiếu trên Facebook
Trên thực tế, việc chuyển đổi số đã được các trường thực hiện từng bước từ nhiều năm trước và đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Tại Trường ĐH Kinh tế TP HCM (UEH), quá trình số hoá đã bắt đầu từ năm 2009 khi lần đầu tiên triển khai hệ thống đào tạo tín chỉ. Từ năm 2013 đến nay, liên tục các hệ thống thông tin được xây dựng để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu, quản trị nhà trường. Đặc biệt, hệ thống e-learning được đưa vào vận hành năm 2016 theo mô hình giảng dạy kết hợp với quy mô toàn trường, đến nay 100% các lớp học đều có triển khai các công cụ trực tuyến bổ trợ. Nhờ đó, trong đợt dịch bệnh Covid-19 nhiều biến động vừa qua, toàn bộ hoạt động của trường đã nhanh chóng thay đổi để thích ứng và vẫn đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Đến hết năm 2020, hầu hết các hoạt động của nhà trường từ quản lý đến giảng dạy, nghiên cứu khoa học đều đã được chuyển đổi số; từ việc theo dõi quá trình học tập, nghiên cứu, hoạt động đoàn thể của sinh viên, giảng viên đến các công cụ quản trị đại học thông minh như quản trị nhân sự, lịch giảng, thời khóa biểu, quản lý khoa học, đánh giá KPI cho viên chức. Sinh viên còn được trải nghiệm hệ thống chăm sóc người học, thực hiện các dịch vụ công của nhà trường hoàn toàn trực tuyến.
Trong năm 2021, trường tiếp tục thực hiện theo đề án Chuyển đổi số, UEH tiến hành rà soát, nhìn lại quá trình phát triển để định hướng cho việc chuyển đổi số phù hợp sự phát triển công nghệ trong tương lai như ứng dụng các công nghệ mới trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, di động hóa, phân tích dữ liệu tối ưu hóa nguồn lực, phát triển những ứng dụng tiện ích sáng tạo nhằm tạo sự trải nghiệm tiện nghi, định hướng phát triển công dân số toàn cầu trong tương lai.
Hay tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, trường đã cho thành lập Trung tâm dạy học ảo (UTEx), tổ chức các khóa học trực tuyến. Trường còn xây dựng thêm trung tâm dữ liệu lớn và nhiều chương trình chuyển đổi số khác như hệ thống phần mềm quản lý. Hiện nay, 100% các lớp đều có thể được dạy học online. PGS- TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM, cho rằng nút thắt chuyển đổi số nằm ở tư duy của người đứng đầu và những người thực hiện nhiều khi không theo kịp với sự phát triển của công nghệ.
Cần bài bản hơn để nâng cao hiệu quả
Bộ GD-ĐT nhìn nhận, dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục, nhưng đồng thời cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt. Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo vẫn cần tổ chức lại hoạt động chuyển đổi số một cách bài bản hơn để nâng cao hiệu quả.
Chia sẻ về những việc cần phải làm để thực hiện chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, cho rằng, trước hết cần có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để từng tập thể, cá nhân, mỗi giáo viên, học sinh có thể tham gia và hoạt động hiệu quả. Trên nền tảng đó sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, xây dựng kho tài nguyên học tập số, qua đó, công tác quản lý, hoạt động học tập, nghiên cứu, giảng dạy, chia sẻ tri thức trở nên hiệu quả, thiết thực.
Tại Hội thảo chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 9-12 vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, ngành Giáo dục hiện còn "thiếu một công cụ thực thi hiệu quả", đó chính là các nền tảng số. Đây phải là nền tảng mở, để liên tục được cập nhật và tốt lên từng ngày. Nền tảng này không chỉ là nội dung mà còn là cách thức giảng dạy, cách học, cách thi kiểm tra, hay nói cách khác là các quy trình. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể giúp ngành giáo dục xây dựng được những nền tảng như thế.
"Chúng ta hãy cùng suy nghĩ thấu đáo và chọn cho mình một niềm tin đúng, đi đến tận cùng, để xây dựng nên các đại học xuất sắc thông qua chuyển đổi số. Đại học xuất sắc, giáo dục và đào tạo xuất sắc là nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt phá vươn lên và hùng cường thịnh vượng. Bộ TTTT cam kết đồng hành cùng Bộ GDĐT trên hành trình đầy thách thức và vinh quang này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
4 vấn đề cơ bản để thúc đẩy chuyển đổi số trong GD-ĐT
Thời điểm dịch Covid-19, với phương châm "tạm dừng đến trường, không ngừng học", 80% trường phổ thông, 240 cơ sở đào tạo đã tổ chức dạy-học trực tuyến; trong đó có 79 cơ sở tổ chức quản lý dạy học hoàn toàn qua mạng. Với sự linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong GD-ĐT này, ngành giáo dục đã hoàn thành nhiệm vụ năm học 2019-2020, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Để đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng triển khai ở 4 vấn đề cơ bản: Phát triển hệ thống dữ liệu toàn quốc về GD-ĐT; phát triển, khai thác hệ thống học liệu và môi trường học tập số; xây dựng và triển khai khung năng lực số cho học sinh phổ thông; phát triển triển nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
"Nàng thơ" trường Y Không chỉ sở hữu vẻ ngoài ưa nhìn, "nàng thơ" Bùi Thị Khánh Linh (SN 1999, quê huyện Bình Giang, Hải Dương), sinh viên năm tư ngành Bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội, còn có thành tích học tập ấn tượng, cùng các giải thưởng đáng ngưỡng mộ. Khánh Linh (giữa) và các bạn thích thú đọc Báo Phụ nữ...