Lào Cai dồn lực cho giáo dục vùng cao
Tại các huyện vùng cao Lào Cai, thời điểm này, bên cạnh hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai bão lũ, dịch COVID-19 phức tạp, tỉnh còn ban hành một số chính sách hỗ trợ ngành Giáo dục cùng chính quyền địa phương từng bước tháo gỡ khó khăn, vận động các gia đình đưa học sinh đến trường đảm bảo tỷ lệ chuyên cần trong năm học mới.
Giảm nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng
Các lớp học tại trường tiểu học thị trấn Sa Pa được trang bị đèn sưởi để giữ ấm cho học sinh. Ảnh minh họa: Quốc Khánh/TTXVN
Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861 phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Tại quyết định này, Lào Cai có 64 xã thuộc khu vực I đã hoàn thành nông thôn mới và ước tính sẽ có hàng trăm ngàn trẻ em và học sinh không được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ gạo, giảm học phí. Điều này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học mới 2021-2022. Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai Nhâm Tiến Đức cho biết, triển khai Quyết định số 861, toàn bộ học sinh của 4 xã (Cán Cấu, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế) và thị trấn Si Ma Cai không còn chế độ hỗ trợ, đồng nghĩa với việc ngành Giáo dục địa phương mất đi hơn 12 tỷ đồng/năm chăm lo việc học của các em. Cụ thể, thực hiện Quyết định số 861, học sinh bán trú ở những địa bàn trên không còn được hỗ trợ 569.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng (theo Nghị định 116 năm 2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn). Đồng thời, nhiều học sinh không còn trong diện được hỗ trợ học phẩm theo Nghị quyết số 29 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021-2025. Các học sinh mầm non sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa 160 nghìn đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương, ngoài việc không còn được hỗ trợ gạo, sách giáo khoa, điều lo lắng nhất là năm học tới, học sinh Trung học Cơ sở không thuộc hộ nghèo tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn huyện này sẽ không được miễn, giảm 70% học phí như trước. Thay vào đó, mức học phí phải đóng được nâng từ 10.000 đồng lên 60.000 đồng/học sinh/tháng. “Đối với những gia đình có 4-5 con đi học thì đây thực sự là khoản đóng góp không nhỏ”, ông Nguyễn Văn Vinh nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của đội ngũ giáo viên vùng cao, có thể nói, trong số các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số đã được triển khai trên địa bàn Lào Cai thời gian qua, chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/N-CP của Chính phủ mang lại hiệu quả rõ rệt nhất. Nhờ có chính sách hỗ trợ này, hàng trăm nghìn học sinh vùng khó khăn ở Lào Cai đã yên tâm học tập; việc duy trì sĩ số, chất lượng dạy và học cũng được nâng lên. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh yên tâm khi cho con đi học, ăn, ở tại trường. Do đó, không khó hiểu khi có nhiều người lo ngại nếu không có nguồn lực giải quyết khó khăn, nguy cơ học sinh bỏ học giữa chừng có thể xảy ra.
Dồn lực “gỡ khó”
Giữa lúc khó khăn bủa vây đến từ nhiều phía, tin vui đã đến với các trường học vùng cao Lào Cai khi mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai vừa ra Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND về việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Theo đó, học sinh, trẻ mầm non tại các xã khu vực II và III dù đã được công nhận hoàn thành nông thôn mới trên địa bàn Lào Cai vẫn được hưởng các chính sách đặc thù như: hỗ trợ tiền ăn bằng 20% mức lương cơ sở/học sinh/tháng; hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 160.000 đồng/trẻ em/tháng cho trẻ nhà trẻ từ 24 – 36 tháng tuổi cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập…
Việc ban hành nghị quyết trên được coi là cơ sở để các xã duy trì và nâng cao tiêu chí giáo dục trong xây dựng nông thôn mới bởi trên thực tế, mặc dù đã đạt nông thôn mới song các tiêu chí đạt chuẩn chỉ ở mức thấp, đời sống người dân còn khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ. Mặc dù thời gian hưởng hỗ trợ quy định trong nghị quyết này không quá 9 tháng trong một năm học và chỉ hỗ trợ trong năm học 2021-2022 nhưng theo đánh giá của những người làm giáo dục vùng cao Lào Cai, điều này đã thể hiện sự quan tâm chia sẻ của tỉnh trước những khó khăn của người dân trong vấn đề giáo dục, đặc biệt ở thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, với nhiều giải pháp cụ thể, ngành Giáo dục và các địa phương đang từng bước tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tỷ lệ học sinh ra lớp trong năm học 2021 – 2022. Phó phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai cho biết, nghị quyết mới được thông qua đã “gỡ khó” một phần cho giáo dục vùng cao trong vấn đề hỗ trợ kinh phí ăn bán trú. Các vấn đề liên quan đến gạo, học phí… vẫn là một trở ngại đối với nhiều gia đình có con em đi học ở địa phương. Giải pháp bước đầu, trong năm học mới, nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, các xã bị ảnh hưởng có thể quay trở lại mô hình trường học bán trú dân nuôi (phụ huynh đóng góp gạo, thực phẩm) để duy trì tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần. Về vấn đề sách giáo khoa, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Si Ma Cai đã chỉ đạo các trường khẩn trương rà soát, liên hệ với phụ huynh đăng ký nhu cầu mua sách giáo khoa cho con, đặc biệt với lớp 2 và lớp 6, không để xảy ra tình trạng thiếu sách giáo khoa trong đầu năm học mới.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Khương cho biết, Mường Khương sẽ làm việc với 6 xã, thị trấn để bàn giải pháp an sinh xã hội, trong đó có công tác giáo dục. Với tác động của Quyết định 861, việc sẽ có một số học sinh thôi học là điều có thể lường trước. Do đó, ngành Giáo dục địa phương và chính quyền các cấp huyện Mường Khương đang nỗ lực vận động tuyên truyền người dân khắc phục khó khăn cho con em đến trường, không bỏ dở việc học. “Mục tiêu của chúng tôi đặt ra là cố gắng không để em nào bị thất học hoặc không có sách giáo khoa và thiếu đồ dùng học tập khi đến trường”, ông Nguyễn Văn Vinh chia sẻ.
Trường vùng cao xây dựng "thương hiệu"
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) là trường vùng cao khó khăn. Tuy nhiên, từ triển khai các mô hình giáo dục hiệu quả, đã giúp trường thay đổi từ cảnh quan đến chất lượng giáo dục.
Video đang HOT
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) nhìn từ trên cao xuống.
Nâng "tầm" từ mô hình giáo dục hiệu quả
Hoàng Thu Phố là một trong số 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai. Trên địa bàn xã có 4 đơn vị trường học, trong đó 1 trường mầm non, 2 trường tiểu học và 1 trường THCS.
Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 có nhiệm vụ tuyển sinh HS từ 4 thôn bản khó khăn nhất của xã. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chiếm 26,4%. Số học sinh thuộc hộ nghèo theo học tại trường là 85/222 em, chiếm 38,3%. 100% HS dân tộc.
Thực hiện nhiệm vụ giáo dục trên địa bàn khó khăn như vậy nhưng những năm qua cán bộ, giáo viên trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 đã không ngừng nỗ lực, cố gắng để khẳng định hiệu quả giáo dục .
Tới nay, trường được đánh giá là một trong những trường vùng khó có chất lượng giáo dục tốt, cảnh quan trường lớp sạch đẹp... sánh ngang và thậm chí có mặt vượt trội so với các trường trên địa bàn huyện Bắc Hà.
Vườn rau không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp học sinh học tập trải nghiệm hiệu quả
Chia sẻ về cách vượt khó của trường, thầy Nguyễn Tiến Công - Hiệu trưởng cho biết: Trường may mắn nhận được sự chỉ đạo sát sao và những định hướng phù hợp của Sở GD&ĐT Lào Cai; Phòng GD&ĐT Bắc Hà. Đặc biệt là sự quan tâm và đồng lòng của BGH, GV trong các hoạt động giáo dục.
Nhiều năm qua, trường đồng thời triển triển khai nhiều mô hình giáo dục như: "Bán trú tự quản"; "Trường học gắn với thực tiễn". Từ đó đã phát huy được những điểm mạnh các mô hình vào thực tế, hiệu quả và chất lượng giáo dục tăng lên, công tác quản lý và chăm sóc học sinh có thêm điều kiện để triển khai tốt hơn.
Minh chứng, với mô hình "Bán trú tự quản" đã giúp công tác bán trú thực hiện hiệu quả, có nền nếp. Các hoạt động bán trú, nội vụ phòng bán trú được xây dựng theo mô hình quân đội; học sinh luôn thực hiện tốt nội quy và các hoạt động tại trường theo lịch khép kín trong ngày; Học sinh không chỉ được tăng cường về ý thức, tự giác, chủ động trong sinh hoạt mà còn tăng cường kĩ năng sống.
Học sinh thu hoạch sản phẩm từ chính sức lao động của mình
Qua trao đổi cùng thầy Nguyễn Tiến Công cũng cho biết: Với quỹ đất rộng, trường đã biến đây thành lợi thế để phát triển mô hình "Trường học nông trại". Thông qua mô hình này, học sinh đến trường ngoài học kiến thức văn hóa còn được thực hành, trải nghiệm với những công việc cụ thể gắn liền với hoạt động trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình cũng góp phần giáo dục học sinh tình yêu lao động, quý trọng sản phẩm lao động hiệu quả.
Và đặc biệt hơn, từ mô hình "Trường học nông trại" trường đã quy hoạch được 500m2 giàn su su kiên cố; 200m2 nhà lưới và khoảng 400m2 để trồng rau xanh. Sản lượng thu được hàng năm đã trở thành nguồn thực phẩm thiết thực phục vụ đời sống hàng ngày của hàng trăm học sinh nội trú.
Những vườn rau xanh giúp trường thu về 50-70 triệu/năm
Thầy Lê Trung Thành - giáo viên nhà trường chia sẻ: "Mỗi năm trường xây dựng cho 100% học sinh được học tập 10 tiết thực tế tại mô hình "Trường học nông trại" và có giáo viên phụ trách giảng dạy. Sau giờ học, học sinh được tham gia thực hành trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc cảnh quan trường lớp. Từ đó bước đầu cho học sinh tiếp cận với nghề nông đồng thời giáo dục trách nhiệm với bản thân, trường lớp, trân quý sản phẩm lao động..."
Không những mang lại hiệu quả, giá trị phục vụ học sinh, sản phẩm từ mô hình "Trường học nông trại" thu hoạch được đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường.
Vào những thời điểm chính vụ không sử dụng hết phải bán ra ngoài thị trường thì số tiền thu được từ mô hình "Trường học nông trại" nhà trường sử dụng đầu tư mua sắm các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: Xà phòng tắm, giặt, khăn mặt, bàn trải, kem đánh răng... cho HS và cho các hoạt động giáo dục kĩ năng sống, xây dựng khung cảnh trường lớp khác.
Được biết, mỗi năm mô hình "Trường học nông trại" đã giúp trường thu về từ 50 - 70 triệu đồng.
Trường học xanh, sạch đẹp
Những hàng hoa hồng giúp cảnh quan trường học đẹp mắt và cuốn hút học sinh
Bên cạnh mô hình "Trường học nông trại" việc xây dựng cảnh quan trường lớp luôn được nhà trường quan tâm thực hiện nhiều năm nay. Theo định hướng của Sở GD&ĐT Lào Cai phát động mỗi trường học một vườn cây, trường đã tiến hành xây dựng 1 khu công viên hồ vườn với diện tích 150m2 ; 1 vườn hoa hồng 120m2 và 1 vườn đào 140m2.
Công viên, vườn hoa, vườn cây luôn được các em học sinh quan tâm chăm sóc hàng ngày tạo nên môi trường học tập sạch, đẹp, thân thiện. Từ đó các em thêm yêu trường, yêu lớp, xem "Trường học là nhà".
Vườn hoa, vườn rau, vườn cây của trường nhiều năm qua đã được quy hoạch phù hợp, chăm sóc hiệu quả góp phần tạo nên không gian đẹp, thân thiện và tạo ra giá trị kinh tế.
Em Giàng Quốc Vinh, lớp 4A1 chia sẻ: "Trường em có phong cảnh đẹp, nhiều hoa cây cảnh... nên thích đến trường. Các khu tiểu cảnh được thầy cô xây dựng cũng cuốn hút học sinh trong những giờ ra chơi, sau giờ học.
Những tiểu cảnh giáo dục do chính giáo viên nhà trường tạo ra
Đặc biệt các tiết học trải nghiệm thực tế ngoài sân trường, vườn hoa rất hấp dẫn, cuốn hút. Qua việc chăm sóc cây cảnh tại trường em đã có thêm kiến thức để hỗ trợ gia đình khi ở nhà...".
Từ sự thành công của Trường PTDTBT Tiểu học Hoàng Thu Phố số 2 (Bắc Hà- Lào Cai) cho thấy, nếu áp dụng đúng đắn và sáng tạo các mô hình giáo dục thì trường học vùng khó hoàn toàn có cơ hội thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng giáo dục dù điều kiện còn khó khăn.
Mặt khác, đây sẽ là hướng đi, một cách xây dựng "thương hiệu" giáo dục đáng để các trường có cùng điều kiện, hoàn cảnh học hỏi, áp dụng triển khai.
Lào Cai: Tập huấn ôn thi tốt nghiệp THPT cho gần 500 CBQL, GV Gần 500 CBQL,GV của 36 trường THPT, 10 trung tâm GDNN-GDTX tỉnh Lào Cai vừa kết thúc tập huấn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2021 do Sở GD&ĐT Lào Cai tổ chức ngày 15/3. Đội ngũ GV THPT được tập huấn nhiều vấn đề liên quan đến ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: Đỗ Tùng Ông Đỗ Thanh Tùng - Phó trưởng...