Lan tỏa tinh thần “thầy dạy hay – trò học giỏi” tiếng Anh
Thầy cô giáo trong nhóm Tiếng Anh của Trường THPT Trần Phú, TP Vĩnh Yên ( Vĩnh Phúc) đã có những đổi mới sáng tạo trong quá trình dạy ngoại ngữ, sử dụng tư liệu thực tế trong giảng dạy Tiếng Anh.
Với quan điểm ngoại ngữ phải là sinh ngữ, từ việc học nhớ từ, mẫu câu và ngữ pháp đều hết sức sinh động và gợi mở, tạo cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ lên lớp.
Một giờ lên lớp của cô giáo Vũ Thu Hà
Đổi thay trong từng tiết học
Cô Vũ Thu Hà, giáo viên Tiếng Anh Trường THPT Trần Phú, chia sẻ: Tăng cường việc dạy Tiếng Anh qua tiếng Anh trong các tiết học để học sinh có cơ hội được sử dụng nhiều hơn. Thực tế cho thấy, Trường THPT Trần Phú nằm ở trung tâm thành phố nhưng vẫn còn nhiều học sinh chưa thực sự quan tâm, chú trọng đến rèn luyện kĩ năng nghe – nói, học ngoại ngữ còn thụ động.
Do đó, giáo viên phải nỗ lực nhiều trong việc thiết kế các hoạt động để lôi cuốn và tạo hứng thú cho các em tham gia. Nỗ lực đổi thay trong từng tiết học đã đem lại hiệu quả tích cực. Đối với một số lớp khá giỏi, giáo viên đã có thể sử dụng 90 – 100% Tiếng Anh trong các tiết dạy.
9 GV trong tổ Tiếng Anh của Trường THPT Trần Phú đều thấm nhuần tinh thần đổi mới sáng tạo. Để giúp học sinh làm quen và tạo hứng thú cho các em, GV đã chủ động chuyển đổi cách thức dạy học, chuyển hướng từ dạy chú trọng vào ngữ pháp và đọc hiểu theo kiểu truyền thống sang hướng dạy học mới. Đó là cân bằng hài hòa giữa việc phải phát triển kĩ năng nghe – nói – đọc – viết Tiếng Anh cho học sinh và đáp ứng yêu cầu về ngữ pháp từ vựng cho Kỳ thi THPTQG.
Đối với học sinh của nhà trường, một sự cự tuyệt tuyệt đối với các kỹ thuật dạy học truyền thống có thể sẽ khó đáp ứng với yêu cầu ôn thi cho Kỳ thi THPT quốc gia. Nên sự kết hợp lồng ghép khéo léo giữa phát triển kỹ năng và luyện thi sẽ có hiệu quả cao hơn.
Cùng sinh hoạt nhóm với học sinh
Phần khởi động của mỗi tiết học giáo viên đều cố gắng thiết kế các trò chơi và hoạt động sôi nổi để tạo hứng khởi và giúp học sinh huy động các kiến thức liên quan đến bài học. Chúng tôi cũng khai thác và sử dụng ngữ liệu thực tế trong các bài học (các bài báo, video “authentic” có nội dung liên quan đến bài học và liên hệ thực tế với địa phương/đất nước/lứa tuổi).
Đồng thời tích hợp các nội dung liên quan đến văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, giáo dục lối sống và thái độ qua các bài giảng và bài tập của học sinh. Việc giúp học sinh có cơ hội sử dụng vốn từ vựng về chủ đề đã học để hiểu được và đưa ra quan điểm về các bài báo hoặc video thực tế liên quan; học sinh gián tiếp có thêm kiến thức về các lĩnh vực liên quan đến đời sống thực tế thông qua bài học tiếng Anh.
Video đang HOT
Giờ học phải thật sinh động
Để tạo hứng thú và động lực cho học sinh học tiếng Anh, cô Hà dẫn chứng: Khi dạy bài 4 sách Tiếng Anh lớp 10 với chủ đề “For a better community”, để học sinh cảm nhận được ý nghĩa tốt đẹp của các công việc tình nguyện vì cộng đồng, tôi đã chọn một clip hoạt hình không lời. Đó là câu chuyện về một người đàn ông có thái độ sống thờ ơ ích kỉ, sau đó lần đầu cảm nhận được niềm hạnh phúc khi giúp đỡ một người phụ nữ già qua đường và dần dần đã đi lan tỏa niềm vui ấy đến với mọi người. Học sinh sau khi xem clip có cơ hội thảo luận nhóm về sự thay đổi của nhân vật và rút ra những lợi ích từ “làm việc tốt” đối với chính người tham gia tình nguyện.
Tăng cường đối thoại trong từng tiết học
Qua các tư liệu thực tế được lồng ghép vào bài học, học sinh được mở rộng kiến thức về văn hóa xã hội và hình thành được tình cảm thái độ sống tích cực qua việc nghe – đọc – nói – viết bằng tiếng Anh. Khi dạy bài 6 sách Tiếng Anh lớp 10 với chủ đề “Gender Equality” (Bình đẳng giới) trước khi bắt đầu bài học tôi đã cho học sinh xem một video dài 45 giây về ước mơ được đi học của hai bé gái nghèo ở Ấn Độ và gợi ý các câu hỏi thảo luận cho học sinh về vấn đề bình đẳng giới. Các em đã rất xúc động và tham gia vào bài học với thái độ tích cực và trân trọng. Ở tiết cuối của bài học tôi có yêu cầu học sinh trình bày về bình đẳng giới ở Việt Nam bằng tiếng Anh theo nhóm.
Đối với tiết học Tiếng Anh tự chọn của lớp 12, trong thời điểm những ngày cuối năm học khi các em đứng trước bao nỗi lo lắng về các kì thi về nghề nghiệp và cuộc sống trong tương lai, tôi đã chọn một bài phát biểu của Chánh tòa án tối cao Hoa Kỳ, John Roberts, “Chúc con bất hạnh và gặp thật nhiều đau khổ” trong buổi lễ tốt nghiêp của cậu con trai tại Trường Cardigan Mountain năm 2017, để thiết kế một tiết học nghe.
Bài phát biểu là một tư liệu hoàn toàn thực tế với giọng nói và cách hành văn của một người bản ngữ nổi tiếng và một thông điệp đầy nhân văn và truyền cảm hứng cho người trẻ về cách đối diện và vươn lên trong cuộc sống khó khăn sau này. Sau bài học, học sinh không chỉ có thêm cơ hội luyện tập kỹ năng nghe hiểu mà còn có thêm định hướng về tương lai của mình.
Để có giờ dạy hay, nhóm GV Tiếng Anh Trường THPT Trần Phú thường xuyên thảo luận, chia sẻ những ý tưởng và hoạt động dạy học hay. Nhóm có kho tài liệu chung, mọi người đều chia sẻ các tệp bài giảng bằng Powerpoint, các phiếu bài tập, tài liệu hay và phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đã được tổ chức hiệu quả.
Sản phẩm chung của nhóm mới nhất là bộ tài liệu ôn thi HSG môn Tiếng Anh dành cho học sinh THPT. Cuốn sách hết sức hiệu quả trong việc ôn tập cho kỳ thi HSG cấp tỉnh, tạo niềm tin cho học sinh học giỏi, thầy cô dạy hay. Không khí học tiếng Anh đã lan tỏa khắp trường, không chỉ sôi nổi ở học sinh mà lan tỏa ra cả hội đồng sư phạm. Nhà trường có cả lớp Tiếng Anh cho GV các bộ môn tham gia.
Hạ An
Theo giaoducthoidai
Cô giáo Quảng Trị 8 năm dạy tiếng Anh miễn phí cho học sinh
Hơn 8 năm qua, một tuần hai buổi, chị Nguyễn Thị Lệ Sương (SN 1979), trú Phường 1, TP Đông Hà lại lên với trung tâm nuôi dạy trẻ em đường phố dạy tiếng Anh cho các em ở đây.
Gắn bó hơn 8 năm, giờ đây học sinh ai cũng yêu mến và xem chị như người thân trong nhà, thoải mái bộc bạch từ chuyện học hành cho đến vô số câu chuyện không đầu không đuôi khác.
Hơn 8 năm dạy miễn phí
Đều đặn mỗi tuần 2 buổi, vào chiều thứ 4 và chủ nhật, từ 16h 30' đến 18h 30', chị Nguyễn Thị Lệ Sương (hiện công tác tại trung tâm Giáo dục thường xuyên ngoại ngữ tin học, ở đường Trần Đại Nghĩa, TP Đông Hà) lại đến với lớp trung tâm Mái ấm tình hồng, mang theo vốn liếng tiếng Anh của mình truyền dạy cho các em.
Các em chăm chú nghe cô Sương giảng bài
Dịu dàng và nhỏ nhẹ, đó là cách mà chị Sương vẫn thường dùng để truyền đạt con chữ cho các em học sinh ở đây.
Chị Sương cho hay, chị dạy cho các em từ năm 2011, bằng cách một người chị thủ thỉ, hướng dẫn như các em đang học ở nhà.
Đó là năm 2011, chị lần đầu mạnh dạn lên Mái ấm tình hồng với suy nghĩ là đi dạy cho vui, cho quen với công việc.
Về sau, nhận thấy các em ở đây dễ thương và hồn nhiên quá nên không dứt được, cứ năm này đến năm khác chị đều lên đây dạy mà chị không ngờ rằng đã bén duyên với các lớp học ở đây ngót nghét gần 10 năm.
Gắn bó đã lâu, học sinh ở đây ai cũng kính mến chị, xem là người thân trong nhà, thoải mái bộc bạch với chị vô số chuyện, từ việc học hành cho đến những câu chuyện không đầu không đuôi khác.
Dạy đến khi các em không muốn học nữa
Chị cho hay, trước đây chị dạy 3 buổi (2 buổi chiều và 1 buổi tối), bữa nay do nhiều việc nên chị chỉ dạy 2 buổi chiều.
Lớp học dù thưa nhưng luôn rộn ràng tiếng cười đùa
Lớp học của chị không đông nhưng khá lộn xộn, chị cười tâm sự rằng: "Lớp chỉ có 7 học sinh mà thuộc 2 cấp trung học cơ sở và THPT. Trong đó, 2 học sinh cấp THPT (lớp 10 và lớp 11) và có 5 em thuộc trường trung học cơ sở (1 học sinh lớp 9, 1 học sinh lớp 7 và 3 học sinh lớp 6).
Khác biệt ở các khối học có cái dạy không đồng bộ, hơi mệt và phải tập trung để giảng và chỉ bài cho từng bạn một nhưng được cái là vui, các em cứ đua nhau hỏi bài liên tục".
Em Nguyễn Thị Thu Thủy (SN 2003) cho hay, mẹ em mất sớm, ba em bỏ đi lúc em còn nhỏ. Năm 2009, em lên trung tâm Mái ấm tình hồng. Thủy cho biết thêm, đa số các bạn ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn như Thủy.
Em Nguyễn Văn Thành (SN 2004) cho biết, nhà em ở phường Đông Lương, TP Đông Hà. 9 năm liên tục em là học sinh giỏi, vừa rồi em rất vinh dự được tham gia cuộc thi HSG cấp thành phố môn GDCD.
Ngoài ra, năm nào Thành cũng tham gia hội thi Mỹ thuật thường niên ở các trường và mang về nhiều giải cho bản thân.
Năm nay, em dự định sẽ thi chuyển khối vào trường chuyên Lê Qúy Đôn.
Ở trung tâm có bạn Nguyễn Thị Lài, từng gắn bó với lớp học Tiếng Anh của cô Sương thời gian khá dài.
Nhiều năm liền, Lài là học sinh giỏi của trường THPT Đông Hà. Với nền tảng kiến thức tốt, kì thi THPT vừa rồi Lài đậu vào trường đại học ở TP Đà Nẵng. Lài là niềm tự hào của cô Sương, còn các em khóa sau nhỏ tuổi hơn ở trung tâm thì xem Lài là động lực để cố gắng học tập.
Chị Sương chia sẻ thêm, các em ở đây sống rất tình cảm, niềm vui đối với các em rất đỗi giản dị, chân chất. Các em thỉnh thoảng tổ chức sinh nhật hay tất niên, trung thu đều muốn cô cùng tham dự.
Có năm, các em bí mật tổ chức lễ 20/11 cho cô, khiến cô bất ngờ. Tất nhiên, các em không có nhiều tiền để tổ chức nhưng những suy nghĩ đã lớn dần của các em làm cho cô Sương rất hài lòng. Cô thấy vui và tin rằng các em đã trưởng thành hơn rất nhiều, trong đó có chút công lao từ phía người cô đã hơn 8 năm âm thầm, lặng lẽ chỉ bảo cho các em.
Chia tay với lớp học miễn phí, chúng tôi ấn tượng mãi với câu nói nửa thật nửa đừa của chị Sương rằng, chị sẽ dạy ở đây cho đến khi các em không có nhu cầu học nữa mới thôi.
Hương Lài
Theo vietnamnet
Hàng trăm trường học ở Nghệ An chưa được học chương trình Tiếng Anh 10 năm So với các môn học khác, Tiếng Anh là bộ môn được quan tâm và đầu tư khá nhiều. Nhưng, trên thực tế, chất lượng môn Tiếng Anh so với các môn học khác vẫn còn thấp. Sáng 28/10, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị bàn về giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong...