Lan tỏa “Điều ước cho em”: Mong ước đầu xuân
Với sự chung tay góp sức và phát huy nguồn lực xã hội, chương trình “Điều ước cho em” chắc chắn sẽ góp phần thay đổi diện mạo giáo dục vùng khó và mang lại những giá trị tích cực đối với HS vùng dân tộc thiểu số.
Chương trình “Điều ước cho em” được triển khai tại tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Thế Đại
Nói lên điều ước của mình, các đại sứ mong muốn đường đến trường của các em sẽ thuận tiện, vui hơn.
Tự hào làm nhịp cầu nối
Cô Mã Trà Quyên – Đại sứ Điều ước cho em tỉnh Bình Phước, dân tộc Nùng, giáo viên Trường Tiểu học – THCS Trần Phú (xã Phước Tân, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) cho biết: Qua truyền thông, tôi được biết chương trình đã hiện thực điều ước cho học sinh một số tỉnh trong thời gian ngắn. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT và toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục nói chung và giáo dục vùng khó, dân tộc thiểu số nói riêng.
Theo cô Mã Trà Quyên, Trường Tiểu học – THCS Trần Phú có nhiều học sinh dân tộc S’tiêng; trình độ và nhận thức của một số phụ huynh còn hạn chế, chưa thật sự chú trọng đến việc học của con em mình nên tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao, ảnh hưởng đến việc phổ cập giáo dục tại địa phương.
“Điều ước của tôi là học sinh dân tộc thiểu số được cấp sách vở, đồ dùng học tập, quần áo, giày dép… Ước cho 65 em học sinh lớp 1 của điểm Bình Trung, Trường Tiểu học – THCS Trần Phú đang học cả ngày theo chương trình mới được có bữa ăn trưa tại trường từ tháng 2 – 5. Đây là thời điểm địa phương thu hoạch hạt điều, phụ huynh thường ở luôn trong rẫy hoặc đi làm thuê tại địa phương khác. Họ thường mang con theo để tiện chăm sóc hoặc phụ cha mẹ lượm hạt điều. Chính vì thế, thời gian này trẻ nghỉ và bỏ học nhiều, rất cần được ở lại trường buổi trưa để có thể tham gia lớp học đầy đủ”, cô Mã Trà Quyên trải lòng.
Thầy Phạm Văn Nam – dân tộc Mường, GV, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Hạ Trung (Bá Thước, Thanh Hóa) chia sẻ về điều ước của mình là có trang thiết bị dạy học đáp ứng các yêu cầu của chương trình mới; đủ bàn ghế, sách giáo khoa cho học sinh; khu nhà hiệu bộ và khu nhà ở cho giáo viên nội trú.
Video đang HOT
“Trong công tác, tôi vẫn luôn tâm niệm, lúc nào cũng phải cố gắng để hoàn thiện bản thân và là tấm gương cho học trò nghèo vùng cao… Điều quan trọng là bản thân luôn lạc quan và yên tâm công tác, yêu nghề giáo dù còn trăm bề khó khăn trong cuộc sống. Thấy điều ước của giáo viên cho học trò nhiều tỉnh, thành trên cả nước trở thành hiện thực, cá nhân tôi rất vui. Điều tôi mong nhất chính là những điều ước của mình sớm được chương trình “Điều ước cho em” mang đến với học sinh của tôi và học sinh những vùng khác trong cả nước… Mọi điều ước của thầy cô cho học trò của mình đều đáng trân trọng bởi nó luôn xuất phát từ tâm huyết và trách nhiệm với nghề”, thầy Phạm Văn Nam tâm sự.
Chung tay cho điều ước vươn xa
Theo thầy Phạm Văn Nam, thông qua chương trình, các tổ chức xã hội biết được nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn của thầy trò vùng cao, đặc biệt khó khăn, để từ đó cùng chung tay giúp đỡ, sẻ chia. Giáo dục ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội để tiến lên, sớm bắt kịp các khu vực thuận lợi và rút ngắn khoảng cách với cả nước…
Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, để thúc đẩy sự nghiệp phát triển giáo dục, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục rất cần sự chung tay của cả cộng đồng xã hội.
Còn cô Mã Trà Quyên chia sẻ: Tôi mong chương trình ” Điều ước cho em” đến với tất cả trường học còn nhiều khó khăn để học sinh có môi trường học tập và rèn luyện tốt nhất. Giáo viên chúng tôi có thể an tâm công tác, vững bước trên con đường đã chọn.
Từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thầy Đào Văn Mượt (dân tộc Chơ Ro) – Giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Long (huyện Châu Đức) tâm sự: Khi được chọn làm đại sứ “3 điều ước” để kết nối những mong ước của học trò dân tộc thiểu số tại địa phương với các cấp lãnh đạo và cộng đồng xã hội, tôi thực sự vinh dự, tự hào. Bên cạnh đó, cũng cảm nhận được sức nặng của trọng trách được giao.
Không mơ ước thêm về điều kiện cơ sở vật chất như thầy cô nhiều nơi khác, thầy Mượt lại gửi gắm nỗi niềm riêng là dạy tiếng dân tộc cho đồng bào để gìn giữ và bảo tồn văn hóa. Bản thân thầy Mượt, nhiều năm qua đã chủ động phối hợp với các cấp, ban ngành tại địa phương bảo tồn văn hoá nói chung và văn hoá dân tộc Chơ Ro nói riêng. “Học và yêu tiếng mẹ đẻ là cách tôi cùng học trò của mình bảo tồn và phát huy sự đa dạng của nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tôi mong toàn xã hội chung tay để mọi điều ước cho học trò đều trở thành hiện thực”, thầy Mượt nói.
Chương trình “Điều ước cho em” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa của Chính phủ, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các Bộ ngành liên quan triển khai.
Mới đây, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thu thập thông tin về những khó khăn, nhu cầu cần được hỗ trợ từ nhà trường, nhất là trường học ở vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, lũ lụt…
Nỗ lực giữ sĩ số sau Tết trên vùng đất chín Rồng
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học. Để giữ sĩ số, các trường học đã chủ động công tác tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ học sinh...
HS Trường THCS Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) trở lại trường học tập sáng 22/2.
Ổn định sĩ số ngày đầu đi học
Ngày 22/2, học sinh một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết. Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh, nhà trường còn quan tâm đến việc huy động học sinh ra lớp, bởi những địa phương thường xảy ra tình trạng một số phụ huynh làm ăn xa, sau kỳ nghỉ dẫn con em đi theo. Thực tế cũng có nhiều trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đến TPHCM, Bình Dương làm công nhân...
Ngày đầu học sinh trở lại lớp, Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) vừa kiểm tra công tác phòng chống dịch, vừa nắm thông tin tình hình học sinh đến trường. Nằm trên địa bàn biên giới, đời sống người dân khó khăn nên tình trạng học sinh bỏ học sau Tết năm nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, năm nay tình hình khả quan hơn, theo khảo sát của Phòng GD&ĐT, hơn 90% học sinh đến trường trong ngày học đầu tiên.
Ông Đoàn Văn Trí, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự cho hay: Nhà trường cùng địa phương tiếp tục kết hợp vận động học sinh ra lớp. Qua nắm thông tin, các em chưa đến lớp do đi xa chưa về kịp, một số em bị bệnh. Nhà trường, giáo viên sẽ cố gắng vận động các em đến trường.
Một trong những giải pháp được ngành Giáo dục huyện Hồng Ngự triển khai hiệu quả là kết hợp cùng chính quyền địa phương hỗ trợ học sinh, nhắc nhở và tuyên truyền từ trước Tết. Theo đó, học sinh luôn được thầy cô nhắc nhở khung thời gian nghỉ để các em đến lớp đúng quy định. Giáo viên cũng thiết lập liên lạc giữa địa phương, phụ huynh có uy tín nhằm nắm bắt tình hình học sinh để kịp thời can thiệp khi các em bị rủ rê bỏ học.
Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm, GV Trường THCS Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, việc giữ liên lạc với trưởng ấp, phụ huynh và học sinh tiêu biểu giúp chúng tôi nắm bắt được những trường hợp có khả năng bỏ học để kịp thời động viên. Biện pháp này rất hữu hiệu trong việc hạn chế tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.
Tại vùng đồng bào dân tộc Khmer thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú (Trà Vinh), thầy cô giáo rất vui mừng khi học sinh trở lại lớp đông đủ trong ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết. Thầy Đinh Quốc Cường, GV Trường Tiểu học Hàm Giang B cho biết: Sáng 22/2, học sinh của trường đi học đầy đủ, công tác phòng chống dịch được học sinh, phụ huynh thực hiện nghiêm túc. Ngày đầu sau kỳ nghỉ Tết, học sinh đi học đầy đủ khiến nhà trường, giáo viên rất vui, yên tâm dạy học.
Hành động từ trước Tết
Để giữ sĩ số học sinh sau kỳ nghỉ Tết, nhà trường, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm phải triển khai nhiều giải pháp từ trước Tết. Trong đó, các em học sinh gia đình nghèo, đi làm ăn xa được quan tâm, tạo điều kiện và làm công tác tuyên truyền để trẻ không bỏ học. Theo chia sẻ của các giáo viên, khi các em được đồng cảm, quan tâm, giúp đỡ sẽ yên tâm học tập và gắn bó với trường lớp. Từ đó, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng cũng giảm đáng kể.
Tại huyện biên giới Hồng Ngự, học sinh là con em Việt kiều sinh sống ở Campuchia được quan tâm để giảm tỷ lệ bỏ học. Tết Nguyên đán này, 140 học sinh có cha mẹ, gia đình sinh sống ở Campuchia không thể đoàn tụ do dịch Covid-19. Đa số các em phải ở nhờ nhà người thân tại huyện Hồng Ngự để đi học.
Gia cảnh khó khăn, mọi việc các em đều phải nương nhờ vào người thân, nhà trường, thầy cô giáo. Hiểu được khó khăn của trò, ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp, đặc biệt là Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, nhà trường, thầy cô giáo kết hợp mạnh thường quân kịp thời động viên.
Theo ông Đoàn Văn Trí, trước Tết, nhiều suất học bổng được trao cho các em học sinh Việt kiều Campuchia đang theo học tại khu vực biên giới. Để các em yên tâm đón Tết, Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự, địa phương, Công ty TNHH MTV xổ số kiến thiết tỉnh Đồng Tháp hỗ trợ 500.000 đồng/em. Ngoài ra, xã và huyện hỗ trợ thêm 600.000 đồng/em.
Phòng phối hợp các đoàn thể gặp gia đình nơi các em ở nhờ tại địa phương tuyên truyền, vận động không cho các em về Campuchia ăn Tết để phòng chống dịch. "Nhà trường, giáo viên chủ nhiệm gặp và động viên các em hằng ngày. Hiệu trưởng gọi điện cho cha mẹ các em ở Campuchia để trao đổi, phối hợp động viên, hứa sẽ lo cho các em có cái Tết chu đáo, đầm ấm tại Việt Nam. Công tác này trường thực hiện với từng phụ huynh học sinh và các em", ông Trí thông tin.
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Trường Tiểu học Hàm Giang B, huyện Trà Cú (Trà Vinh) - ngôi trường có gần 100% học sinh dân tộc Khmer trao tặng 36 áo xuân và 360 kg gạo cho 36 em học sinh hoàn cảnh khó khăn. "Của ít, lòng nhiều", mỗi phần quà nhà trường gửi tới học sinh là niềm vui, trao niềm tin để các em vượt qua khó khăn, tiếp bước con đường học tập...
Được nhận phần quà là áo mới và gạo, em Thạch Kim Oanh, học sinh lớp 4 (Trường Tiểu học Hàm Giang B) tâm sự: Con rất vui vì nhận được quà Tết. Áo mới sẽ để dành đi học, còn gạo để ăn những ngày Tết. Cha mẹ con làm thuê, thu nhập không ổn định, mấy tháng nay không có chỗ làm vì dịch bệnh. Nhận phần quà này con và cả nhà con vui lắm.
Là giáo viên nhiều năm đồng hành cùng phong trào giúp đỡ học sinh nghèo, thầy Đinh Quốc Cường, GV Trường Tiểu học Hàm Giang B rất vui vì hoạt động ý nghĩa mà bản thân, đồng nghiệp cũng như nhà trường thực hiện mỗi khi Tết đến, xuân về. Theo thầy Cường, việc làm trên để các em có một mùa xuân ấm, thêm gắn bó với mái trường và bạn bè. Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng nâng lên, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể...
Lo ngại tình trạng học sinh bỏ học sau kỳ nghỉ Tết Theo báo cáo nhanh của ngành giáo dục, đến sáng nay (23/2) đã có 43.401 học sinh cấp THCS, THPT đến lớp, tăng 696 học sinh so với ngày đầu tiên trở lại học bình thường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Tân Sửu 2021. Trong đó, cấp THCS đã có 27.895/28.464 học sinh đi học (đạt 98%), còn vắng 569 học sinh....