Làn sóng phẫu thuật thẩm mỹ tại Việt Nam
Cùng nghe BS. Nguyễn Thế Thạnh – chuyên gia tạo hình viện thẩm mỹ Khơ Thị chia sẻ về hiện tượng “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) ở giới trẻ Việt Nam.
Xin chào bác sĩ, hiện nay có rất nhiều người thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ một cách liên tục và không có giới hạn, còn gọi là tình trạng “nghiện PTTM”, xin bác sĩ cho biết thêm về triệu chứng của căn bệnh này.
Trong giới y khoa chúng tôi gọi đó là chứng “chướng ngại hình thể”, những người bị mắc bệnh này thường có ám ảnh về cơ thể mình, giống như bạn luôn cho rằng mình không đẹp và cần phải làm gì đó, ví dụ phẫu thuật thẩm mỹ hoặc ăn kiêng. Đối với những người này, việc làm đẹp không bao giờ có giới hạn và luôn luôn cần thiết phẫu thuật “thêm một lần nữa”.
Cũng có một số trường hợp, vì thất bại trong lần phẫu thuật đầu tiên, nên những khách hàng kém may mắn ấy liền nghĩ: có thể dùng các phẫu thuật khác để bù đắp và cứ thế họ làm hết ca phẫu thuật này đến ca phẫu thuật kia. Nhưng dĩ nhiên kết quả chỉ ngày càng tồi tệ hơn, do biến chứng của những loại thuốc tê, thuốc mê, thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, chỉ làm cơ thể suy yếu dần và gương mặt mất nét tự nhiên.
Video đang HOT
Vậy nguyên nhân nào lại dẫn đến chướng ngại này, thưa bác sĩ?
Nguyên nhân của chứng bệnh này đều bắt đầu từ những áp lực trong cuộc sống ví dụ: không tìm được việc làm, bị từ chối tình cảm, cảm thấy thua bạn bè… nên dần nảy sinh tâm lý tự vệ và phản kháng, rồi lao vào các phương pháp khắc phục một cách mất kiểm soát.
Ngoài ra, cũng có thể vì ảnh hưởng của trào lưu PTTM Hàn mà các bạn trẻ Việt Nam xem việc làm đẹp bằng “dao kéo” như một “mốt thời thương”, giống như mua một túi xách đắt tiền vậy, càng mua nhiều càng chứng tỏ mình sành điệu. Nhưng thực ra theo thống kê, ở Seoul mỗi năm có khoảng 5000 ca gọt hàm, thì đến 52% trong số đó bị biến chứng liệt cơ mặt.
Cho nên, việc làm đẹp dù là với hình thức nào đi nữa, cũng phải đảm bảo giới hạn an toàn của nó, nếu không sẽ bị phản tác dụng. Đối với phẫu thuật thẩm mỹ cũng vậy, nếu ứng dụng khéo léo bạn sẽ trở thành cô gái xinh đẹp và tự tin theo cách của bạn. Ngược lại nếu cố gắng chạy theo hình ảnh của người khác, mà không biết hài lòng về bản thân, thì “cơn nghiện PTTM” sẽ khiến bạn trượt dốc cả bên trong lẫn bên ngoài.
BS. Nguyễn Thế Thạnh trước khi vào phòng mổ tại bệnh viện
Xin bác sĩ cho biết có cách gì có thể khắc phục không?
Cách tốt nhất là nên đến gặp bác sĩ tâm lý để chữa trị, kết quả hồi phục có thể không được như mong đợi và những biến chứng vì PTTM quá mức có thể không cải thiện được hoàn toàn. Nhưng ít nhất họ cũng sẽ biết cách dừng lại, cảm thấy thoải mái và trở lại hòa nhập với cuộc sống bình thường.
Hỏi nhỏ thêm bác sĩ một chút, nếu có gặp phải khách hàng như vậy, bác sĩ sẽ khuyên họ đi gặp chuyên gia tâm lý chứ?
Thực lòng mà nói, người làm nghề như chúng tôi tuy gặp những trường hợp như vậy không phải là ít, nhưng để đưa ra kết luận chính xác về chứng “chướng ngại hình thể” của khách hàng, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn.
Thường khi khách hàng phàn nàn về chất lượng “nhan sắc” không như mong muốn, sẽ có 2 nguyên do hoặc từ phía chúng tôi hoặc từ phía họ. Đặt trường hợp, tất cả đều bình thường nhưng khách vẫn tỏ ra không thích và muốn sửa tiếp những chi tiết khác, chúng tôi cũng chưa thể xác định là họ cần gặp chuyên gia tâm lý, một cách chủ quan được.
Chỉ đến khi họ yêu cầu những cách sửa đi quá tiêu chuẩn thẩm mỹ thì chúng tôi buộc phải từ chối và khéo léo đưa ra lời khuyên trị liệu tâm lý cho họ, đây là công việc khá tế nhị đấy. Nhưng tôi cũng cố gắng không để mọi việc trở nên muộn màng.
Theo Eva