Là fan của các món măng, nhưng bạn có biết có bao nhiêu loại măng đang được bán trên thị trường?
Gọi chung là măng, nhưng thực chất lại có hàng chục các loại măng khác nhau, và mỗi loại lại có mùi vị và cách chế biến riêng.
1. Măng nứa
Mùa măng nứa thường có nhiều vào cuối tháng 7 cho tới tầm tháng 10, đây là khoảng thời gian măng nứa vào đúng mùa, ăn ngon và mềm nhất. Măng nứa có ngọn nhỏ thường chỉ tầm ngón chân cái hoặc to hơn chút đỉnh, khi bóc ra có màu trắng nõn vô cùng đẹp mắt. Sau khi luộc thì vào luộc bằng nước lạnh hoặc nước đang đun sôi mà sẽ măng chuyển màu trắng hơi ngà hoặc vàng.
Măng tươi có màu trắng nõn nà, sau khi luộc sẽ ngả màu vàng nhạt
Có rất nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ món măng nứa như: măng nứa xào thịt, xào lòng mề, măng nứa nấu canh, măng nhồi thịt, măng luộc chấm mắm…. Hoặc món măng nứa chưa luộc, bổ nhỏ rồi ngâm chua ăn cũng vô cùng ngon miệng, tuy nhiên món ăn này khó bảo quản, vì khi măng chua đến độ sẽ phải ăn hết ngay nếu không măng sẽ bị hỏng hoặc chua quá ăn cũng mất đi vị thơm ngon.
Khi chọn mua măng nứa,bạn nên lựa chọn những ngọn măng có độ dài vừa phải, thường chỉ tầm 1 gang tay đổ lại (đối với những ngọn măng to) hoặc nửa gang tay để tránh mua phải phần xơ già.
Măng nứa nhồi thịt vô cùng thơm ngon và hấp dẫn
Ngọn măng có đủ phần ống và phần lá càng ngắn thì lại càng ngon. Nếu định làm món măng nhồi thịt, bạn nên lựa chọn những ngon măng to, để việc nhồi được dễ hơn.
Còn nếu chỉ để xào hoặc nấu canh thông thường thì nên ưu tiên chọn những ngọn bé, vì những ngọn măng bé thường dày mình hơn, ăn cảm giác đậm vị hơn.
Ngoài ra, để bảo quản măng nứa được lâu hơn, người ta còn luộc và phơi khô dưới trời nắng rồi bọc túi nilong để ăn khi hết mùa. Ngọn măng sẽ được khía mảnh và bắc lên giàn phơi dưới trời nắng to, tầm 2-3 ngày măng sẽ khô và có màu vàng ruộm đẹp mắt.
Măng nứa được luộc và phơi khá mất thời gian.
Giá măng khô thường khá đắt, vì phải tầm 10kg măng tươi mới được 1 kg măng khô, đồng thời việc phơi khô cũng khá mất công và nhiều rủi ro nếu không may gặp trời mưa.
2. Măng tre
Măng tre có khá nhiều đặc điểm giống với măng nứa, tuy nhiên kích thước của nó lớn hơn và có một số loại măng được trồng nên số lượng măng tre được bán trên thị trường hiện tại nhiều hơn so với măng nứa.
Măng tre chỉ là tên gọi chung của măng mọc từ cây tre, như măng tre rừng, măng tre gai (măng lay) măng tre diễn, măng bát độ (măng mai… Trong đó măng bát độ là loại măng được trồng tại khá nhiều vùng của Việt Nam, loại măng bày bán nhiều nhất tại các chợ trên địa bàn Hà Nội chính là măng bát độ.
Măng bát độ được trồng, chăm sóc và là 1 trong số những cây phát triển kinh tế tại một số tỉnh
Măng tre rừng thường được biết đến với món măng khô (măng lá và măng lưỡi lợn), vì số lượng loại măng này hiện tại khá ít, đồng thời nếu so về ăn măng tươi thì không ngon bằng măng nứa, nếu so về bảo quản thì không tiện bằng măng bát độ nên chúng thường được chế biến bằng cách luộc sơ và phơi khô với nắng chứ ít được bán tươi.
Video đang HOT
Măng tre sau khi phơi có màu sắc vàng ruộm và có thể bảo quản được từ 1-2 năm
Bát độ là một trong số ít ỏi những loại tre được trồng, chăm sóc và bảo vệ. Ở một số vùng đây được coi là loại cây phát triển kinh tế, giúp bà con nông dân tận dụng đất rừng để trồng cấy và phát triển kinh tế.
Sau khoảng 2 năm trồng, cây bát độ sẽ cho ra măng, người nông dân sẽ thu hoạch và mang bán tại các điểm thu mua của nhà máy với mức giá khoảng 4-5 ngàn đồng/kg.
Măng bát độ được bày bán nhiều nhất và khá dễ nhận dạng
Nếu chọn mua măng bát độ dạng măng lá, nên chọn những ngọn có độ dài vừa phải, đặc biệt không nên chọn những ngọn có phần ống quá dài, măng sẽ bị già. Nếu chọn mua măng củ, nên chọn những ngọn đã được gọt sạch sẽ, phần gốc sờ mịn tay, không tạo cảm giác xơ cứng.
Nên chọn những ngọn măng được làm sạch, sờ mịn tay.
Nếu dự định làm món măng ớt, bạn nên chọn mua măng củ tươi, về rửa rồi thái lát rồi cho măng, tỏi, muối và nước vào ngâm sau khoảng 1-2 tuần là sẽ có ngay lọ măng ớt thơm ngon, an toàn.
3. Măng vầu
Măng vầu thường được bán nguyên cả vỏ bởi nếu lột vỏ mà không ăn trong vòng 3-4 tiếng măng sẽ bị cứng, mất đi độ mềm, ngọt. Chính vì mua cả vỏ nên việc lựa chọn măng khó hơn so với các loại măng khác, khi mua bạn nên chọn những ngọn măng có độ dài vừa phải, còn nguyên phần ngọn nhỏ để biết măng giữ được độ tươi cũng như có thể dễ dàng áng chừng độ non của măng.
Măng vầu có 2 loại là vầu ngọt và vầu đắng, khi mua mọi người thường nhầm lẫn giữa 2 loại măng này, tuy nhiên, chỉ cần để ý một chút sẽ phát hiện ra chúng thực sự khác nhau.
Măng vầu đắng có màu hơi tím, phần thân phía giáp ngọn trơn mượt. So về “ngoại hình” măng vầu đắng bắt mắt hơn măng ngọt
Măng vầu ngọt sau khi đào lên khỏi mặt đất thường lem luốc do thân có nhiều lông nhỏ nên đất dễ bám vào thân. Dọc theo thân và phần ngọn có nhiều lông, đặc biệt khi sờ vào lông bám vào tay và thường có màu tím nhạt.
Đặc biệt, măng vầu đắng thường có trước măng vầu ngọt, vì vậy nếu như chưa vào mùa măng vầu mà thấy măng được bán với số lượng nhiều thì đó chính là măng vầu đắng đầu mùa. Măng vầu đắng nếu được đào khi nó chưa ngoi lên khỏi mặt đất thì vị đắng khá ít, tuy nhiên vị ngọt của nó không nhiều, khi ăn có vị hơi ngăm ngăm đắng.
Măng vầu có thể dùng nấu canh, xào, luộc hoặc nộm cũng đều rất ngon.
Ngoài xào và nấu canh hay luộc, măng vầu còn được chế biến bằng cách lột phần lá để cuốn thịt khá cầu kỳ và ngon miệng.
Vào mùa giá măng vầu được bán tầm 25-30 ngàn đồng/kg.
4. Măng sặt
Măng sặt có nhiều tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và được coi là một trong số những đặc sản của địa phương. Măng sặt được bán khá đắt so với các loại măng còn lại, giá vào mùa khoảng 30 ngàn – 50 ngàn đồng/kg nguyên vỏ. Loại măng này khá nhỏ, vì thế khi mua măng nguyên vỏ bóc và làm sạch thì số lượng còn lại không còn nhiều.
Măng sặt thường có vào tầm tháng 3-4, muộn hơn so với măng vầu một chút, loại măng này khá dễ nhận biết vì ngoại hình nhỏ bé của nó so với các loại măng khác.
Măng sặt khá nhỏ, nên phần vỏ chiếm khá nhiều khối lượng.
Tuy vậy, nó vẫn là loại măng khiến nhiều người cứ đến mùa là phải “lùng” mua cho bằng được. Loại măng này không ngọt như măng vầu, nó có chút ngăm ngăm đắng nhưng lại vô cùng dễ ăn dễ nghiện.
Khác với các loại măng khác, khi chọn mua măng sặt, bạn nên chọn mua các ngọn măng to, độ dài vừa phải để hạn chế khối lượng của vỏ đồng thời việc bóc vỏ được nhanh và dễ hơn.
Măng sặt có thể nấu với nhiều loại thực phẩm và tạo thành các món ăn vô cùng hấp dẫn.
5. Măng giang
Mùa măng giang thường đến sau mùa măng nứa khoảng nửa tháng đến 1 tháng, tức là tầm tháng 8 dương lịch. Giang là loại cây sinh sống ở trên rừng nên việc lấy măng giang khá vất vả và mất thời gian.
Phần vỏ ngoài xanh mướt và rất cứng
Ngoài ra, măng giang được đánh giá là có vỏ ngoài cứng nhất trong họ hàng nhà măng, nên tốt nhất bạn chỉ nên mua măng đã bóc vỏ sẵn để việc chế biến được dễ dàng hơn.
Măng giang được lấy về khá ngắn và non.
Măng giang được đánh giá là loại măng ngon so với măng tre vì chúng được bóc rất non, phần lá măng dày, phần thân mềm nhưng khi ăn lại có cảm giác mềm sần sần rất thú vị.
Việc lựa chọn măng giang khá dễ, vì loại măng này vỏ và phần thân già cứng nên khi bóc vỏ, người ta không thể tham phần ống dài như măng nứa hay măng tre, chính vì vậy bạn chỉ cần chọn những ngọn tươi là đảm bảo sẽ ngon.
Cũng giống như măng nứa và măng tre rừng, có rất nhiều món có thể chế biến từ món măng giang như: xào, nấu canh, luộc… hoặc phơi khô để dự trữ. Món măng giang khô cũng rất ngon, vị đậm đà, dai giòn ăn khá thú vị.
Theo Tổ Quốc
Măng - món ngon từ đơn giản đến đỉnh cao cầu kỳ
Măng là một loại thực phẩm không xa lạ gì đối với người dân, đặc biệt là đồng bào miền núi. Nó cũng được chia thành nhiều loại: măng tre, măng trúc, măng nứa, măng giang...
Mỗi loại măng, tùy theo đặc tính và khẩu vị từng người có thể chế biến thành nhiều món như nấu canh, xào, luộc, nhồi thịt hấp hoặc kho thịt, kho cá... Măng cũng chẳng khó kiếm vì ngoài chợ bán rất nhiều, tuy nhiên mua được măng ngon, sạch thì cũng phải chọn hàng bán có tâm.
Bình dân và dễ chế biến
Măng có nhiều chất xơ hơn so với nhiều loại rau, nhờ lượng xơ dồi dào nó được xếp vào loại thực phẩm giảm cân lý tưởng, lượng đường và calo trong măng cũng rất thấp. Để có những món ngon từ măng, khâu chế biến rất đơn giản. Trong bữa cơm của người dân Tây Bắc thường có đĩa măng tươi luộc chấm với muối ớt, mắc khén, lá và tỏi củ giã nhỏ. Nhiều nơi măng luộc chấm muối vừng cũng rất thơm ngon, hoặc măng luộc chấm mắm tôm.
Lạng Sơn thì nổi tiếng với món măng chua ngâm ớt và quả mắc mật. Măng với ớt rất hợp nhau, vì thế khi kết hợp 2 thứ này trong một món thì độ cay nồng, độ thơm ngon tăng lên rất nhiều lần. Măng ớt được ăn kèm với vịt quay, lợn quay... cũng khá hợp vị.
Dân Hà Nội thì ít có thói quen ăn măng tươi, chủ yếu là măng chua. Măng chua bán nhiều ngoài chợ, thi thoảng muốn ăn thì nhắm mắt mua liều chứ nhiều khi bảo chọn măng ngon cũng khó, hoặc là phải mua hàng quen. Thi thoảng thấy báo chí đưa tin, ở đâu đó bắt được vài chục tấn măng có chứa chất vàng ô nào đó thì rùng mình. Họa đến từ tự miệng chứ đâu xa.
Thứ bảy, chủ nhật, rảnh rỗi mua 2 con vịt cỏ về, lòng mề băm nhỏ đánh tiết canh, cổ, cánh, chân thì ninh măng, riêng cái mình thì luộc, chấm mắm tỏi. Rồi có thêm cân bún nữa là một bữa ăn vừa ngon vừa rẻ đã xong. Canh măng vịt thì phải nhớ, ngoài hành hoa nên có thêm dăm cọng húng chó, dăm nhánh mùi tàu... Như thế mới thơm.
Cũng là măng nhưng là măng củ, đem thái con chì, luộc qua cho bớt chua, rồi nấu cùng giả cầy. Miếng chân giò giả cầy mềm béo, miếng măng giòn hơi có vị chua như hỗ trợ nhau, vừa chống ngán, vừa vui miệng, mà ăn một lại muốn ăn thêm hai, ba. Nếu là măng trúc thì đem xào tỏi, xào thịt bò, nếu là măng nứa thì cứ tước ra rồi xào với chút mỡ lợn, như thế cũng đã ngon rồi.
Cầu kỳ hơn thì thịt nạc vai băm nhỏ cùng mộc nhĩ, nấm hương, cứ thế đem nhồi vào cây măng nứa rồi thì hấp chín, thế là đã có "món ăn thần thánh". Măng cứ để nguyên cây, một lớp giềng, một lớp cá trắm, dăm miếng thịt ba chỉ, ít tiêu sọ, ai ăn được cay thì thêm vài quả ớt, rồi đem kho liu riu trên lửa nhỏ. Đến khi nước vừa cạn, miếng cá rắn lại là đã có thành phẩm cá kho măng, mùa đông ăn hợp vô cùng. Cũng là măng nứa, đem kho thịt ba chỉ cũng rất ngon. Lúc đó, miếng măng còn ngon hơn cả miếng thịt.
Tinh hoa ẩm thực
Ở đầu phố Tạ Hiện có hàng bún mọc rất ngon. Bún ở đây ngoài mọc mềm và béo còn có thêm tim, cật, sườn, khách thích ăn gì thì gọi. Cái chính là bún mọc luôn có măng tươi chứ không phải măng khô. Măng củ chua, thái lát mỏng, to bản. Vị măng chua thế mà lại hợp với vị của tim, của cật... Sự sáng tạo về ẩm thực đúng là không có giới hạn.
Có một sự phân định rõ ràng, bữa cơm thường ngày thì canh măng tươi, nhưng hễ cỗ bàn, Tết nhất là phải măng khô. Măng nứa khô, măng lưỡi lợn nhiều khi giá lên 600 - 700 nghìn/kg. Nấu măng chua đơn giản bao nhiêu thì nấu măng khô cầu kỳ bấy nhiêu. Đầu tiên phải ngâm măng bằng nước vo gạo, thay nước liên tục rồi luộc.
Quá trình luộc cũng phải dăm ba lần cho nước thật trong thì thành phẩm mới qua công đoạn đầu tiên. Tiếp đến là măng thái miếng vừa ăn, nếu là măng lưỡi lợn thì thái vát, măng nứa thái miếng vuông. Xương ống ninh nên, lấy nước thật trong đem luộc kỹ với măng, rồi đổ cái nước đó đi. Bây giờ mới đến công đoạn thứ 3, tức là hoàn thành thành phẩm, măng được đem xào với mỡ lợn, thêm mắm muối hơi đậm một chút. Nước ninh măng đã chuẩn bị sẵn gồm có xương hom lợn, móng giò 2-3 cái, trút măng vào nồi, đun mềm là có thể ăn được rồi.
Ở Bát Tràng còn có một món canh măng trứ danh là măng mực. Đây mới gọi là đỉnh cao của cầu kỳ, tỉ mỉ, đắt đỏ và nhiều công đoạn. Để nấu măng mực Bát Tràng nhất thiết phải là măng vầu, được tước bằng dụng cụ na ná như kim băng, tức là tước sao cho sợi măng nhỏ nhất có thể. Măng sau khi tước thì được luộc sôi 2-3 lần trước khi xào săn.
Mực khô phải chọn loại dày, trắng phấn. Sau đó đem rửa qua 3 lần gừng rượu, lột bỏ râu, màng, chỉ lấy thân mực, đem hong khô. Trước khi đem ra xé cho tơi bông, mực phải được nướng vàng đều trên than hoa. Tiếp đó, đem sao mực trên bếp than hồng, với chút đường, mắm muối, làm sao để không bén nồi. Một nguyên liệu ko thể thiếu nữa là thịt thăn lợn. Thăn lợn cắt khúc, chừng 5-7cm hấp chín, rồi cũng tước ra như măng, như mực, sau đó phi hành mỡ xào săn.
Nước dùng cho món măng mực bao gồm nước luộc gà, nước hầm xương lợn và tôm he. Khi hầm nhỏ lửa, mở hé vung và hớt bọt sao cho trong nhất có thể. Các thứ măng, mực, thịt lại được xào lẫn với nhau cho vị nọ thấm vào vào vị kia. Sau đó nổi lửa thả vào nước dùng, ninh chừng 45 phút là được. Bát măng múc lên trông rất mộc mạc mà khi ăn lại đậm đà thơm, ngọt, cực kỳ hấp dẫn.
Để nấu được một bát canh măng mực cần rất nhiều công đoạn phức tạp và tương đối đắt đỏ. Chẳng thế mà người dân Bát Tràng luôn tự hào rằng, đến đất Thăng Long - Kẻ Chợ ăn chơi nức tiếng là thế mà còn không nghĩ ra món ăn phức tạp như Bát Tràng. Cho đến bây giờ, ngoài việc về đến tận Bát Tràng để thưởng thức thì không nhiều các hàng quán ở Hà Nội bán món này dù nó rất ngon. Không biết là do công đoạn chế biến quá phức tạp hay thành phẩm lên mâm quá đắt đỏ?
Theo Anninhthudo
Kinh hoàng bã thức ăn là hồng giòn vón cục như đá trong dạ dày bệnh nhân Một phụ nữ tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) bị xuất huyết dạ dày. Sau khi bệnh nhân vào viện, các bác sĩ đã nội soi và phát hiện bã thức ăn là hồng giòn vón cục như đá trong dạ dày của bệnh nhân. Bã thức ăn vón cục như đá trong dạ dày được phát hiện qua hình ảnh nội soi Ngày 24.10,...