Kiểm tra, đánh giá môn Khoa học tự nhiên sao cho hợp lý?
Kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) môn Khoa học tự nhiên rất đặc thù vì có 2 đến 3 giáo viên (GV) cùng dạy bộ môn.
Trong giờ học của cô và trò THCS Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh minh họa
Để thực hiện tốt hoạt động này cần có cách triển khai hợp lý, khoa học, từ ra đề đến tổ chức kiểm tra, vào điểm.
Phối hợp ra đề
Chia sẻ về triển khai kiểm tra, đánh giá đối với môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Tân An Hội (Mang Thít, Vĩnh Long), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Tấn Lập cho biết: Với kiểm tra thường xuyên, khối lượng kiến thức phân môn Sinh học nhiều nhất nên sẽ có 2 bài. Phân môn Hóa học, Vật lý gần như tương đương nên mỗi phân môn có 1 bài kiểm tra.
Đề được thiết kế dưới dạng bài kiểm tra tổ hợp nội dung, kiến thức của 3 phân môn. Đối với kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ), các GV cùng bàn bạc, thống nhất để xây dựng bài kiểm tra đủ 4 mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao và phân chia theo tỷ lệ % để lượng kiến thức kiểm tra phù hợp với nội dung bài dạy. Nội dung đề kiểm tra gồm 2 phần: Trắc nghiệm 40%, tự luận 60%.
“Trong hè, sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn; nghiên cứu phân chia cấp độ nhận thức cho các yêu cầu cần đạt của môn Khoa học tự nhiên từ lớp 6 đến lớp 9. Sau đó, phòng GD&ĐT cũng triển khai tập huấn lại vấn đề này tới GV dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn. Do đó, thầy cô đều nắm vững quy trình xây dựng ma trận, đặc tả, ra đề,… kiểm tra định kỳ” – cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.
Với Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang), theo cô Hiệu trưởng Lê Thị Ngọc Dung, nội dung kiểm tra môn Khoa học tự nhiên gồm bao nhiêu nhóm môn phụ thuộc vào thời điểm kiểm tra. Khối trưởng họp với nhóm GV liên quan để thống nhất xây dựng ma trận, đặc tả, việc ra đề, số lượng câu hỏi của mỗi nhóm môn – thực hiện trước kiểm tra ít nhất 2 tuần.
Để thuận lợi cho HS, ma trận, đặc tả, câu hỏi kiểm tra được sắp xếp theo trình tự mạch kiến thức của chương trình. Nhóm trưởng bộ môn chịu trách nhiệm tổng hợp phần thực hiện của nhóm môn mình (sau khi thống nhất trong nhóm) chuyển về khối trưởng theo thời gian quy định.
Là Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên Trường THCS Trần Hưng Đạo (Cam Lộ, Quảng Trị), thầy Lê Thế Phúc chia sẻ: Do 3 GV cùng dạy môn Khoa học tự nhiên nên cần thảo luận, thống nhất trong ra đề, chấm bài. Cụ thể, nhóm trưởng xây dựng ma trận đề dựa theo Chương trình Khoa học tự nhiên và khung ma trận đã được sở GD&ĐT gửi tham khảo; thống nhất trong 3 GV dạy và phân công xây dựng đặc tả theo chuyên môn của GV. Dựa trên ma trận, đặc tả đã xây dựng và thống nhất, GV ra câu hỏi theo mức độ của phân môn mình đảm nhiệm. Các câu hỏi sau đó được tổng hợp, làm đề theo đúng thể thức và gửi tổ chuyên môn duyệt.
Video đang HOT
Tại Trường THCS Tân Phương (Thanh Thủy, Phú Thọ), môn Khoa học tự nhiên do 3 GV có chuyên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cùng đảm nhiệm; trong đó phân công 1 GV làm trưởng nhóm. Cô Hiệu trưởng Lê Thị Thu Thảo cho biết, đầu năm học, nhà trường chỉ đạo tổ chuyên môn cùng nhóm GV dạy Khoa học tự nhiên xây dựng kế hoạch giáo dục môn học, trong đó có kế hoạch kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ.
Căn cứ kế hoạch giáo dục môn học đã thống nhất, được hiệu trưởng phê duyệt; căn cứ thời lượng các chủ đề trong chương trình và tính đến thời điểm kiểm tra, tổ chuyên môn cùng nhóm GV dạy Khoa học tự nhiên xây dựng ma trận đề, bảng đặc tả của các bài kiểm tra định kỳ. Ma trận đề kiểm tra thể hiện rõ đơn vị kiến thức được kiểm tra có tỷ lệ điểm tương ứng với thời lượng các chủ đề đã học một cách hợp lý. Nhà trường phê duyệt ma trận, bảng đặc tả làm căn cứ cho việc biên soạn đề kiểm tra.
Trong giờ học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội.
Phân công chấm theo chuyên môn giáo viên
Chia sẻ về cách thức tổ chức kiểm tra môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Quản Cơ Thành, cô Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Trong mỗi học kỳ, ban giám hiệu lên lịch kiểm tra định kỳ cho các môn học (trong đó có môn Khoa học tự nhiên – kiểm tra tập trung toàn khối), thông báo rộng rãi đến HS, phụ huynh HS. Việc tổ chức in sao đề, giám sát tổ chức kiểm tra do ban giám hiệu đảm nhiệm. Khối trưởng phân công việc chấm, sửa bài, trả bài kiểm tra cho HS.
Nếu thời điểm kiểm tra, nội dung kiểm tra có từ 2 nhóm môn trở lên, GV các nhóm môn đều tham gia chấm bài. Các nhóm môn có số tiết dạy nằm trong nội dung kiểm tra nhiều sẽ phụ trách chính việc cộng điểm và nhận xét hay chấm hết phần trắc nghiệm,…
Việc này cũng tùy thời điểm kiểm tra. Ví dụ, kiểm tra giữa kỳ I môn Khoa học tự nhiên 6 có nội dung của 2 nhóm môn là Vật lý (10 tiết), Hóa học (28 tiết). GV dạy phần Vật lý sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. GV dạy phần Hóa học sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Sau đó, cộng tổng điểm bài kiểm tra, nhận xét, phát, sửa bài kiểm tra cho HS.
Với việc nhập điểm, GV phân môn nào dạy nhiều tiết hơn (tính đến thời điểm kiểm tra) sẽ phụ trách chính. Trường hợp số tiết dạy ngang nhau thì phân chia cả 2 (hoặc 3) GV cùng thực hiện. Trước khi nhận xét, đánh giá HS chung cho môn học, các GV giảng dạy cùng môn cùng thảo luận để thống nhất phần đánh giá/nhận xét này.
Tổ chức kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Tân An Hội chỉ đạo tổ chuyên môn xây dựng phân phối chương trình ngay từ đầu năm học; trong đó thời gian kiểm tra giữa học kỳ I vào tuần 9 và 10; kiểm tra giữa học kỳ II vào tuần 26 và 27. Kiểm tra cuối học kỳ tiến hành theo lịch của phòng GD&ĐT. Với chấm bài, thầy Nguyễn Tấn Lập cho biết, cả 3 GV sẽ thống nhất hướng dẫn chấm, tiến hành chấm chung khoảng 5 bài. Sau đó, thầy cô chia nhau chấm. Việc vào điểm, nhà trường chỉ đạo thầy cô nào dạy ít tiết hơn sẽ vào điểm và nhập điểm vào SMAS.
Tại Trường THCS Tân Phương, để chấm bài được chính xác, GV có chuyên môn nào sẽ chấm đơn vị kiến thức thuộc chuyên môn đó. Sau đó, thầy cô cùng trao đổi thống nhất mức độ đánh giá đối với bài làm, đồng thời đánh giá sự tiến bộ của HS. Việc vào điểm sẽ do trưởng nhóm thực hiện và chịu trách nhiệm trước nhà trường.
Về nội dung này, thầy Lê Thế Phúc cho biết, đề có thời gian 90 phút nên Trường THCS Trần Hưng Đạo bố trí kiểm tra trái buổi; coi thi theo phân công của chuyên môn. Với câu hỏi trắc nghiệm, trước khi chấm, 3 GV hội ý thống nhất đáp án, sau đó phân công 1 GV chấm. Phần tự luận, bài làm thuộc lĩnh vực nào thì GV dạy lĩnh vực đó chấm. 3 GV sẽ cùng hội ý trước khi nhận xét. GV chấm phần nào thì nhận xét trên bài làm của phần đó. Phân công 1 GV tổng hợp điểm và nhận xét chung của bài làm. Với việc vào điểm: GV được nhóm phân công vào điểm ở sổ theo dõi HS và trên hệ thống, sau đó nhóm trưởng kiểm tra lại kết quả đã nhập.
“Kết quả cuối năm với môn Khoa học tự nhiên 6, HS Trường THCS Trần Hưng Đạo đạt loại Giỏi chiếm 26,61%; loại Khá chiếm 50,81%; trung bình là 21,77%; yếu 0,81%. Ngoài kết quả điểm số còn thấy rõ sự phát triển các phẩm chất và năng lực của HS. Thông qua hoạt động thực hành, trải nghiệm, HS có cơ hội để huy động, vận dụng kiến thức, kỹ năng trong môn học để giải quyết các tình huống có thực trong học tập, cuộc sống” – thầy Lê Thế Phúc chia sẻ.
Dạy học môn Khoa học Tự nhiên không thể 'sân ai người đó chơi'
Với đặc trưng riêng, hiện nay, đa số trường vẫn phân công từ 2 đến 3 giáo viên phụ trách môn Khoa học tự nhiên.
Ứng dụng SGK trong dạy và học là nhiệm vụ của giáo viên. Ảnh minh họa
Do đó, việc khai thác, sử dụng sách giáo khoa môn học này cũng có những điểm khác biệt so với môn học khác.
Khai thác nhiều bộ sách
Cô Nguyễn Cẩm Hường, giáo viên Trường THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội), cho biết: Môn Khoa học tự nhiên hình thành, phát triển ở học sinh năng lực khoa học tự nhiên, bao gồm các thành phần: Nhận thức khoa học tự nhiên, tìm hiểu tự nhiên, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học. Cùng với các môn học và hoạt động giáo dục khác, môn học này góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung, đặc biệt là tình yêu thiên nhiên, thế giới quan khoa học, sự tự tin, trung thực, khách quan, thái độ ứng xử với thế giới tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững...
Khẳng định vai trò quan trọng của khâu chọn sách, cô Vũ Thị Thúy, giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), đồng thời nhấn mạnh, giáo viên cần tìm hiểu kỹ nội dung và cách thiết kế của từng loại sách để có thể tổ chức tốt các hoạt động phát huy phẩm chất, năng lực học sinh. Tuy nhiên, sau khi chọn sách, giáo viên không chỉ dạy học theo nội dung, tiến trình của bộ sách đó, mà nên tham khảo thêm, nghiên cứu kỹ nội dung của các bộ sách khác để tìm thấy những điều phù hợp, từ đó lựa chọn, vận dụng cách dạy đạt hiệu quả nhất.
Như vậy, điểm mới về mục tiêu môn Khoa học tự nhiên, theo cô Nguyễn Cẩm Hường, đó là phát triển năng lực cho học sinh. Các em biết làm gì và làm được gì sau bài học. Dạy riêng các phân môn Vật lý - Hóa học - Sinh học như chương trình cũ sẽ có nhiều kiến thức bị trùng lặp và không tiếp nối mạch kiến thức của tiểu học.
Việc dạy môn Khoa học tự nhiên thể hiện sự tích hợp sâu ở lớp dưới và phát triển mạch kiến thức ở lớp trên. Sách giáo khoa được xây dựng dựa trên năm nguyên lý đó là: Tính cấu trúc, đa dạng, biến đổi và phát triển, tính tương tác và hệ thống về thế giới tự nhiên. Từ đó, giáo viên được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên có thể tìm hiểu thêm về đơn vị kiến thức của các phân môn khác trong sách giáo khoa.
"Hiện, các trường đều phân công từ 2 - 3 giáo viên phụ trách môn học này. Với đặc thù như vậy, việc sử dụng và khai thác sách giáo khoa có điểm khác biệt so với môn học khác. Giáo viên khi khai thác, sử dụng sách Khoa học tự nhiên cần nghiên cứu kỹ về mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung chương trình, cách thức dạy học và đặc biệt là phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp với bộ môn để phát huy tính tích cực chủ động của học sinh.
Hiện nay, chương trình có nhiều bộ sách khác nhau, mỗi bộ sách sẽ có đặc trưng và thế mạnh khác nhau. Tuy nhiên, việc tham khảo cách viết của bộ sách sẽ giúp giáo viên tìm ra phương pháp dạy học tối ưu cho mỗi đơn vị kiến thức để truyền đạt cho học sinh.
Nhà trường sử dụng bộ sách giáo khoa Khoa học tự nhiên Cánh diều. Giáo viên đã khai thác tối đa và hiệu quả hình ảnh sinh động được sử dụng trong bộ sách. Những từ khóa là nội dung chính của mỗi đơn vị kiến thức đều được học sinh tìm ra và dễ ghi nhớ. Các dạng bài tập vận dụng cũng phát huy được kiến thức đã học để giải quyết các yêu cầu câu hỏi" - cô Nguyễn Cẩm Hường chia sẻ.
Ảnh minh họa/ INT.
Tăng cường trao đổi, dự giờ
Do chương trình được thiết kế thành bốn chủ đề khoa học, mỗi chủ đề thiên về kiến thức một ngành khoa học nên khi triển khai, mỗi giáo viên có thể dạy chủ đề phù hợp với ngành được đào tạo trên cơ sở phân công, phối hợp chặt chẽ với nhau. Việc sắp xếp các chủ đề khoa học chủ yếu theo logic tuyến tính, theo nhận định của thầy Nguyễn Tấn Lập, Hiệu trưởng Trường THCS Tân An Hội (huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long), điều này không gây khó khăn cho việc tổ chức kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học, trên cơ sở phân công giữa các giáo viên.
"Giáo viên được phân công giảng dạy môn Khoa học tự nhiên (từ 2 đến 3 người) không chỉ nghiên cứu khai thác sách giáo khoa các chủ đề được phân công, mà phải bao quát hết chương trình để nắm bắt được mạch liên thông giữa các chủ đề để tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy đạt hiệu quả. Các nhà trường tiến hành giảng dạy môn Khoa học tự nhiên với bộ sách giáo khoa trường đã chọn, nhưng để làm phong phú thêm ngữ liệu hình thành kiến thức cho học sinh, giáo viên cần kết hợp nhiều bộ sách giáo khoa theo danh mục sách được Bộ GD&ĐT phê duyệt" - thầy Nguyễn Tấn Lập chia sẻ thêm.
Triển khai khá thuận lợi môn Khoa học tự nhiên, kinh nghiệm được NGƯT Bạch Thái An, Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), chia sẻ là: Cố gắng trưng dụng giáo viên từng học CĐ Hóa - Sinh (có thể đảm nhiệm được 2 phân môn) để dạy học Khoa học tự nhiên. Đồng thời, tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học với môn học này. Tuy nhiên, kinh nghiệm đáng chú ý nhất tại Trường THCS Tích Thiện là chủ động để sắp xếp lại tổ chuyên môn, gộp thành Tổ Khoa học tự nhiên từ sớm để tiện cho thầy cô trao đổi, sinh hoạt chuyên môn.
"Ngay từ năm học 2019 - 2020, chúng tôi đã sáp nhập thành Tổ Khoa học tự nhiên theo định hướng chương trình mới. Bởi vậy, trước khi triển khai chính thức môn Khoa học tự nhiên trong nhà trường, thầy cô phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã dự giờ qua lại chéo môn với nhau, từ đó am hiểu hơn phương pháp dạy đặc thù của từng môn và tăng cường chuyên môn. Ở cùng một tổ nên thầy cô dạy Khoa học tự nhiên thuận lợi trong trao đổi, tính toán để "thông bài" với nhau, tránh tình trạng "sân ai người đó đá", thầy cô dạy phân môn nào chỉ biết đến phân môn đó, khiến không thể đi sâu kiến thức và dạy học không nhịp nhàng, hiệu quả" - NGƯT Bạch Thái An trao đổi.
Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Tích Thiện cũng đặc biệt chú trọng chỉ đạo giáo viên khai thác ưu điểm các bộ sách giáo khoa khác. Hiện, nhà trường sử dụng sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên của bộ Chân trời sáng tạo, nhưng các bộ sách khác đều được trang bị cho thư viện để giáo viên tham khảo, nghiên cứu. "Qua kiểm tra, dự giờ, chúng tôi thấy giáo viên sử dụng bài tập hoặc ví dụ ở bộ sách khác trong bài dạy, từ đó phát huy tính đa dạng, phong phú của kiến thức phục vụ dạy học tốt hơn" - NGƯT Bạch Thái An cho hay.
Xây dựng môi trường học đường không khói thuốc Các cơ sở giáo dục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ hướng tới một môi trường học đường không khói thuốc. Một buổi tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe cho học sinh Trường THPT Lý Thái Tổ. Là tiêu chí xét danh hiệu thi đua Các hoạt động xây dựng môi trường không khói thuốc được...