Khoai sọ mán Tây Bắc bỗng dưng thành đặc sản
Mộc Châu có nhiều đặc sản: bê chao, cá suối, cải mèo, bánh sữa, sữa chua. Cả chục năm đi lại trên đường 6, chuyến nào cũng ăn mấy món này. Đến một ngày thấy có món mới, khoai sọ Mán của người Dao.
Thật ra đó là món cũ. Người Dao ở Mộc Châu trồng khoai sọ Mán từ thuở nào rồi. Du lịch phát triển, người làm hàng ăn nấu canh khoai bán cho khách gần xa, rồi thấy món ngon, phát sinh thêm nhu cầu mua khoai củ về nhà ăn dần.
Thế là khoai sọ Mán người Dao ở Mộc Châu lên hàng đặc sản, được xếp đống bán dọc theo quốc lộ 6, ai đi ngang qua dù chưa ăn cũng tò mò mua về làm quà. Để rồi mùa đông năm sau nghĩ đến Mộc Châu lại thấy thèm khoai sọ Mán.
Khoai sọ Mán là giống khoai nhìn đã thấy không giống khoai sọ và cũng chả phải khoai môn. Khoai sọ là chùm củ bé xinh và khoai môn thì củ tròn ruột tím.
Khoai sọ Mán có cái hình thù khá “lừng lững”, củ cái có thể to đến gần cân, củ nhỏ hơn cũng phải nửa ký, có mầm, có mấu dạng củ mẹ củ con. Ruột khoai bổ ra trắng ngần nhưng cũng có khi vàng ươm. Và tất nhiên khi gọt vỏ cũng cần lưu ý nên gọt khô, không gọt ướt dễ bị ngứa.
Cô bán hàng ở Phiêng Luông mồm năm miệng mười mời khách bảo khoai sọ này không đâu ngon bằng ở Mộc Châu, trồng vào mùa thu, sang đông là vừa đẹp để thu hoạch.
Cũng không phải là loại khoai có thể trữ lâu dài mà không bị hỏng, cứ nhổ lên mà không ăn theo thời gian khoai sẽ bị hà và thối. Nên phải tranh thủ mua về mà ăn luôn và ngay.
Nghe cô quảng cáo mà bạn tôi bật cười, bảo chị đổi cho em cái túi to mua về Hà Nội làm quà, của ngon mỗi nhà làm một củ ăn cho biết
Video đang HOT
Những củ khoai sọ to và đẹp mỗi khi chế biến xong luôn mang hương vị rất hắp dẫn đến người thưởng thức
Hỏi chừng xem khoai sọ Mán có thể dùng để chế biến những món gì, cô bán hàng lại bảo hấp cơm này, làm khoai chiên này, nhưng ngon nhất là nấu canh xương.
Trời lạnh, nghĩ đến món khoai sọ nấu xương nóng hổi là đã thấy cồn cào trong dạ, nhớ những bữa cỗ quê gì đâu.
Thời thơ ấu nhà chưa có điều kiện, cứ phải đến tết hay giỗ chạp hoặc đám cưới mới thấy trên mâm có bát canh khoai đầy tú hụ, xương thịt ninh nhừ, nước dùng đặc sánh sóng mỡ, không ăn nhanh là mỡ óng ả bám quanh miệng bát, ăn bớt ngon liền.
Lúc đứng chọn khoai mua về mới nhớ các quán ăn ở loanh quanh Mộc Châu vào mùa đông thường có món canh khoai sọ nấu xương như mình chính ra lại rất hay không ăn.
Lý do vì món này được đánh giá là có chất lượng bổ dưỡng cao, nhiều đạm, nhiều tinh bột, ăn sẽ no bụng và no lâu, trong khi con gái hay thích ăn thanh cảnh một tí với rau cải mèo luộc hay hộp sữa chua nếp cẩm là đủ bữa.
Thêm nữa, món canh khoai mang ra giữa tiết trời giá lạnh thường nguội nhanh và đóng váng nên độ hấp dẫn bớt đi nhiều.
Chiều cuối tuần từ cao nguyên mù sương về đến nhà, mang ngay củ khoai sọ Mán vừa mua trên quốc lộ 6 ra gọt vỏ, rửa với nước muối loãng cho sạch nhựa, cắt thành từng miếng như mấy đứa trẻ con xếp hình, chờ ninh thật kỹ nồi xương sườn rồi thả khoai đã xào sơ với mắm muối cho ngấm gia vị vào.
Khoai sọ Mán ninh chóng nhừ, khi chín có màu vàng ươm như màu mỡ gà nhưng không bở tung, ăn vào vừa dẻo vừa thơm ngon lạ lùng. Rắc thêm tí hành, rau mùi xanh mướt lên bát canh thơm phức, bữa tối trở nên hấp dẫn chảy nước miếng.
Tự nhủ lần sau quay lại Mộc Châu nhất định sẽ lại thưởng thức món khoai đặc sản này, không thì cũng phải mua về vài chục củ ăn dần.
Ăn cho nhớ những mùa đông của cao nguyên Mộc Châu.
Theo Tuoitre.vn
Lên Tây Bắc, thưởng thức đặc sản từ... rêu
Rêu vốn dĩ chỉ được coi là 1 loại thủy sinh, nhưng với người dân tộc Tày, rêu đá là một nét văn hóa đặc sắc trong văn hóa ẩm thực. Đây là một món ăn vừa ngon, vừa bổ, lại có hương vị rất riêng.
Rêu sông, suối là một món ăn từ xa xưa được nhiều dân tộc: Nùng, Thái, Mông, Mường... ưa thích. Rêu nướng được coi là đặc sản trong ẩm thực của người Tày.
Rêu đá là đặc sản chỉ có ở vùng Tây Bắc, thường mọc bám vào các gờ đá nơi lòng suối. Rêu được chia thành 3 loại. "Cui" là loại rêu mọc thành sợi như sợi tóc, màu hơi sẫm. "Cay" là loại rêu có sợi mọc rời rạc màu xanh. Và với loại rêu mọc thành từng mảng ở ao hoặc các khe suối, không bám chặt vào đá thì được gọi là "tau".
Rêu sau khi được lấy từ suối lên.
Theo kinh nghiệm của người Tày, khi đi tìm rêu nên chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Khi vớt rêu, phải đứng ở dưới suối, hứng nước chảy từ trên rồi lấy tay quơ ngang nhưng chỉ được chọn những rêu non. Rêu chỉ sống trong 7 ngày, tức là khi nó mọc lên 3-4 ngày là phải vớt ngay. Nếu để quá thời gian đó, rêu sẽ chuyển màu trắng, không thể dùng làm thức ăn.
Hái rêu là một công việc vất vả, nhưng việc đập rêu, loại bỏ tạp chất còn nhọc hơn. Các đám rêu ngậm nước nhiều, khi nhấc ra khỏi mặt nước nặng trĩu tay, phải từ từ cho rêu chảy hết nước rồi bỏ vào giỏ.
Sau đó là công đoạn đập rêu. Để những cục rêu lên thớt hoặc một hòn đá tảng to có mặt phẳng và đập cho rong rêu bong ra các tạp chất. Phải đập sao cho khéo để rêu không bị nát, dễ mất chất dinh dưỡng và màu xanh tự nhiên. Sau khi được vò đập thật kỹ cho sạch nhớt phù sa, rêu có thể chế biến thành nhiều món.
Rêu suối tuy nhiều, nhưng những loại rêu ngon thì ít. Hơn nữa, rêu ăn được cũng theo mùa, bởi vậy đối với bà con dân tộc Tày, rêu cũng là một món ăn quý. Các món ăn được chế biến từ rêu đá còn được gọi là quẹ.
Nếu thực khách muốn thưởng thức món canh rêu tươi, người Tày sẽ đem rêu nấu với xương hầm hoặc nước luộc gà, cho mắm muối và các gia vị rồi ăn nóng. Với món nộm rêu, người ta thường lấy rêu non, đồ cho chín rồi trộn cùng súp, mì chính và các gia vị. Đây là những món ăn được coi là đặc trưng của người dân tộc Tày.
Rêu còn có thể được chế biến thành nhiều món khác như rêu rán, rêu khô nhưng độc đáo nhất vẫn là món trộn với các loại gia vị rồi đem nướng.
Người Thái có thể dùng rêu nướng không với các loại dong, lá chuối hoặc nướng cùng cá suối, thịt lợn, thịt gà và ớt. Đơn giản và hợp khẩu vị của nhiều người là món rêu nướng trên than hồng. Chọn loại rêu dài bằng ngón tay trộn cùng muối, ớt, rau mùi, hành, sả, "mắc khén" bọc trong lá chuối đã được hơ nóng cho mềm và tránh rách, rồi nướng trên than hồng cho tới khi xém lớp lá bên ngoài.
Rêu nướng là món ăn thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của người Tây Bắc.
Nhiều nơi còn dùng ống nứa non thay lá chuối nên rêu nướng có vị ngọt đặc trưng. Sau khi nướng, rêu đá trở nên mỏng tang, giòn, và vô cùng thơm ngon. Người ăn chơi nhấm nháp rêu đá nướng với rượu, người lại ăn kèm với xôi đồ thơm phức.
Người Tày có câu: "Quẹ chí áp, táp chí hơ", có nghĩa là nướng quẹ phải đặt áp vào than, nước ngọt và thơm của nó chưa kịp rớt xuống thì quẹ đã chín. Khi nướng, không phải xoay nhiều lần mà nướng chín một bên, sau đó nướng tiếp bên còn lại. Khi dùng hai ngón tay bấm thấy mềm là quẹ đã chín. Ngoài việc chế biến rêu tươi, người ta còn phơi khô rêu, cất lên gác bếp để làm món ăn dự trữ. Chỉ khách quý mới được đãi món rêu khô này.
Theo kinh nghiệm dân gian, rêu nướng không chỉ là món ăn được nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng.
Theo Dân trí
Những đặc sản "đánh đố" thực khách chỉ có ở Tây Bắc Đứng trước một món ăn hấp dẫn cả về màu sắc, hương thơm lẫn mùi vị, chắc chắn sẽ chẳng ai muốn chối từ. Thế nhưng, ở Tây Bắc lại có những đặc sản mang đến cho thực khách cảm giác rờn rợn, chần chừ chẳng dám ăn ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc. Muồm muỗm Cứ vào thời điểm lúa ngoài...