Khám phá món canh cua lá bép – Đặc sản miền quê Tây Nguyên
Một món canh đặc sản có một không hai của núi rừng. Canh cua lá bép thơm phức mặn mòi không gì sánh nổi, canh cua rau đay phải cũng khó có thể ngon bằng.
Ngoài những loại thủy sản thiên nhiên có nhiều ở các khe lạch sông suối trên khắp rừng núi dọc theo miền Trung và Tây Nguyên như cá, lươn, ốc, ếch… dùng làm thực phẩm nuôi người, tăng thêm hương vị cho những bữa cơm đạm bạc thì con cua ở đây là món đặc sản của đồng bào khi nấu với những loại rau rừng tuyệt hảo, đó là món ăn có một không hai trên đất nước ta.
Lá bép
Trong những năm kháng chiến gian lao, khu năm, khu sáu là hai chiến khu vất vả, hy sinh nhiều nhất, ở đó khi nguồn lương thực bị cạn kiệt, hạn hán mất mùa, đường tiếp vận bị kẻ thù đánh phá ác liệt, đồng bào các vùng giải phóng như Đam Rông, Phi-sơ-Ron, Kor ở Trà Bồng… phải ăn củ mài, củ sắn, bắp chuối, măng rừng… thì lá bép lại là vị cứu tinh của những bữa ăn đạm bạc khô khốc này. Lá bép đã đi vào thi ca, đã sóng đôi cùng con người trên nhiều sân khấu lớn của cả nước, người Chill, Ê-đê, Kor… gọi nó là lá thịt gà, lá bột ngọt, bởi lẽ chẳng cần gia vị gì ngoài muối và nước, người ta có thể nấu nồi canh rau bép thơm phức ngon lành.
Video đang HOT
Thêm một quà tặng của thiên nhiên dành cho đồng bào nghèo khó nơi đây nữa là con cá sứt mũi, nó cũng là một món ăn đặc hữu huyền diệu. Người ta bắt loại cá này thật đơn giản với một sợi dây rừng mảnh cột gút một đầu còn đầu kia cột vào một que gì cũng được, không nhất thiết phải là cần trúc… rồi cứ thế ngồi câu bình thường, đây là cách câu cá đơn giản nhưng hiệu quả nhất thế giới, không mồi không lưỡi… Với nguồn nước trong, người câu chỉ chờ con cá táp vào nút gút là giật… và con cá tạp ăn này bị văng lên bờ… Loài cá này nhỏ và dài cỡ ngón tay út, thân trong veo như cá bống, xương mảnh và mềm như cá cơm… kho tiêu thì nhất, nhưng ở rừng tiêu và mắm cũng là đặc sản quý hiếm nên đồng bào thường quẳng vào nồi canh lá bép là thượng sách. Ngoài con cá này thì tri âm của món canh lá bép phải là loài cua đá có nhiều ở khắp rừng núi Tây Nguyên.
Con cua đá ở đây cũng lắm tên gọi, nhưng chỉ cần ra dấu và chỉ tay xuống suối thì ai cũng hiểu… Nhiều hôm trời đang oi bức thì mưa rừng về đột ngột, nước sông suối dâng nhanh vội vã, bầy cua đá phải bỏ hang mà chạy ngơ ngác lên bờ đỏ đỏ đen đen lúc nhúc… Có nhiều cách chế biến, nhưng nhanh nhất thì cũng chỉ tới món nướng trần giằm mắm é thơm tho hay chấm muối ớt cay nồng, còn chậm hơn một chút thì đem chúng ta giã dập lóng nước bỏ vỏ nấu sôi… rồi độn thêm lá bép hay măng rừng vào… thì ta sẽ có một món canh đặc sản có một không hai của núi rừng. Canh cua lá bép thơm phức mặn mòi không gì sánh nổi, canh cua rau đay phải gọi bằng cụ.
Theo TNO
Nhớ rau rừng quê tôi
Quê tôi là một vùng trung du, tiếp giáp giới với dãy Trường Sơn ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Nơi đây, dưới những tán lá rừng đại ngàn luôn có một nguồn rau rừng phong phú.
Rau rừng nơi đây phong phú về thể loại và được phát triển theo từng mùa, từng tiết khí hậu với phẩm chất, hương vị độc đáo và đặc biệt là sạch. Nhiều loại như rau tàu bay, rau dớn, thiên niên kiện, lành ngạnh, lá lót, rau sưng, lá trâm non, tàu bay, ngà voi, đọt bứa, đọt sung, măng rừng...
Đồng bào miền sơn cước quê tôi, quanh năm mưa nắng dãi dầu, cuộc sống còn nghèo, vất vả lắm, có lúc thiếu ăn khi giáp hạt hoặc bị thiên tai hạn hán, mùa màng thất bát, song các cụ vẫn sống lâu, mạnh khoẻ nhờ ăn thường xuyên rau rừng. Các cụ người Cơ Tu ngoài 80 vẫn leo dốc vào rừng hái rau, măng... về ăn hằng ngày.
Bí quyết ít bệnh và sống lâu của cư dân nơi đây thật đơn giản: "Ăn rau rừng, uống nước ngũ gia bì". Người dân vùng cao thường hái rau rừng về rửa sạch, luộc lên, chấm mắm cá, ăn với cơm nghe thơm, ngon lạ.
Rau dớn - Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Đắk Lắk)
Theo kinh nghiệm, rau rừng mọc quanh năm nhưng nhiều nhất khoảng tháng 7 và tháng 8 âm lịch, vì từ tháng 7 hằng năm, trời mưa xuống tưới mát các triền đồi núi, cây cối mọc xanh tươi, rau rừng cũng tươi tốt, nhất là loại rau dớn. Rau dớn không có ở đồng bằng, chỉ có ở vùng núi - nơi bờ suối, bờ khe, dưới các tán rừng thấp nơi có độ ẩm ướt cao.
Hằng năm, các trận lụt đầu mùa với dòng nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về mang theo phù sa bón cho đám rau dớn thêm phần tươi tốt và chuẩn bị cho một chu kỳ sinh chồi, nảy lộc theo mùa xuân sắp về. Vì thế, rau dớn ăn ngon nhất là sau mùa lụt đến cuối mùa xuân. Hiện nay, theo xu thế ăn rau "siêu sạch", rau dớn được chế biến, nấu với các món hải sản trở thành những món đặc sản của các nhà hàng phục vụ cho khách du lịch.
Rau dớn tươi hái về rửa sạch, chần sơ qua nước sôi và vớt ra để ráo. Khử dầu phộng với tỏi giã giập rồi cho số rau dớn này vào đảo đều 5 phút và bắc xuống nêm đường, mì chính, tương ớt, hạt tiêu, nước chanh tươi, đậu phụng rang giã giập... và gắp ra đĩa. Bạn sẽ được thưởng thức món ăn vừa giòn sần sật, vừa có vị ngọt, chua... phảng phất mùi hương rừng cỏ nội hoà quyện vào nhau. Món rau dớn luộc chấm nước cá có tỏi - ớt - chanh sẽ là món ăn với cơm rất ngon và lạ miệng.
Ngày nay dù ăn bao nhiêu sơn hào hải vị tôi vẫn nhớ lại các món rau rừng do mẹ chế biến thời thơ ấu để ăn "đệm" lúc đói lòng, mỗi đêm tháng 9, nghe tiếng mưa ào ào qua khu phố trọ, lòng tôi lại bồi hồi nhớ quê, nhớ những kỷ niệm êm đềm cùng mẹ đi hái rau dớn ven sông. Những hình ảnh ấy hoà quyện với các món rau rừng đã theo tôi suốt cả cuộc đời.
Theo Tapchiamthuc
Cua đá kho nghệ ngon cơm ngày mưa Mùa này mưa nhiều, ở những vùng núi cao có nhiều thức ngon từ rừng. Trong những món dân dã đó, anh bạn của tôi thường bảo rằng, cua đá đầu mùa mềm ngon, đậm đà hương vị quê hương. Cua đá to bằng nắm tay người lớn, màu nâu tím hoặc đỏ tươi. Loại cua này sống nhiều dưới những con suối...