Israel nói tiêm chủng vắc xin COVID-19 có hiệu quả, giới khoa học chưa tin
Israel đánh giá chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 đã phát huy hiệu quả. Các chuyên gia nhận định cần phải có nghiên cứu khoa học thêm. Vài tháng nữa thông tin mới rõ ràng hơn.
Chụp ảnh tự sướng khi nhận liều vắc xin thứ hai ở Hafa ngày 11-1 – Ảnh: AFP
Trong cuộc đua tiêm chủng vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19, Israel đang dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng so với dân số.
1. Có bao nhiêu người đã được tiêm chủng?
Tính từ lúc phát pháo chiến dịch tiêm chủng vào ngày 19-12-2020, đến ngày 30-1 đã có trên 4,6 triệu dân Israel được tiêm một liều và hai liều, trong đó có trên 2,9 triệu người nhận liều đầu tiên.
Báo Le Monde (Pháp) ghi nhận Israel đang dẫn đầu thế giới, kế đến là Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và Anh.
2. Tại sao Israel lại vượt xa các nước?
Đây là vấn đề chính trị đối với Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Ông đã bị chỉ trích vì cách xử lý ban đầu đối với đại dịch nên muốn khôi phục uy tín trước bầu cử lập pháp vào tháng 3-2021.
Theo hợp đồng được công bố một phần hôm 17-1, Israel đã cam kết cung cấp cho hãng dược Pfizer (Mỹ) dữ liệu nhanh về công tác tiêm chủng để đổi lấy vắc xin.
Israel cũng đã ký hợp đồng với Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và đã nhận các lô vắc xin đầu tiên vào đầu tháng 1-2021.
Trong quá khứ Israel đã từng là nơi thẩm định nhiều loại vắc xin khác.
Máy bay dịch vụ chuyển phát nhanh DHL đưa lô vắc xin COVID-19 đầu tiên của Pfizer/ BioNTech đến Israel ngày 9-12-2020 – Ảnh: TIMES OF ISRAEL
Video đang HOT
3. Chiến lược tiêm chủng vắc xin của Israel như thế nào?
Israel dành vắc xin COVID-19 ưu tiên cho nhân viên y tế, sau đó đến những người dễ bị tổn thương nhất (người già, mắc bệnh hoặc có bệnh nền) và gần đây là người trên 40 tuổi và thiếu niên từ 16-18 tuổi.
Chiến dịch tiêm chủng dựa trên mạng lưới chăm sóc sức khỏe cộng đồng tiên tiến về kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng hiệu quả.
Ngoài ra, Israel còn dựa vào bốn quỹ bảo hiểm y tế gồm Clalit, Maccabi, Meuhedet và Leumit. Mỗi quỹ mở trung tâm tiêm chủng riêng và tổ chức lịch tiêm vắc xin.
Người được tiêm vắc xin phải có căn cước Israel, vì vậy 4,5 triệu dân Palestine ở bờ Tây và dải Gaza bị gạt ra ngoài.
4. Kết quả tiêm chủng đầu tiên là gì?
Giữa tháng 1-2021, quỹ bảo hiểm y tế Clalit thông báo qua khảo sát hai nhóm 200.000 người, tỉ lệ nhiễm đã giảm 33% 14 ngày sau lần tiêm liều đầu tiên. Tỉ lệ này thấp hơn tỉ lệ 52,4% của vắc xin Pfizer/BioNTech.
Tạp chí The British Medical Journal (BMJ) giải thích dữ liệu nêu trên chỉ liên quan đến người trên 60 tuổi. Nếu tính đủ hai liều, tỉ lệ có cao hơn.
Qua nghiên cứu nhóm thuần tập (có chung đặc điểm) gồm 600.000 người, Bộ Y tế Israel thông báo tỉ lệ nhiễm giảm 50% vào giữa tháng 1-2021.
Ngày 28-1, trong cuộc điều tra quy mô đầu tiên về hiệu quả của vắc xin ngoài thử nghiệm lâm sàng, qũy Maccabi kết luận vắc xin Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả chung 92%.
Trong 163.000 người nhận đủ hai liều, chỉ có 31 người mắc COVID-19 trong 10 ngày đầu tiên. Kết quả này gần với hiệu quả 95% trong thử nghiệm lâm sàng của Pfizer/BioNTech.
GS dịch tễ học Michael Edelstein ở Đại học Bar-Ilan (Israel) nhận xét kết quả nêu trên còn phải chờ xác nhận nhưng rất đáng khích lệ. Ví dụ đối với người trên 60 tuổi, tỉ lệ nhiễm giảm 50% sau liều đầu tiên, số ca nhập viện giảm 60% hoặc chỉ có rất ít người nhận đủ hai liều nhiễm bệnh.
Xếp hàng chờ tiêm vắc xin COVID-19 tại trung tâm tiêm chủng ở Rehovot ngày 26-1 – Ảnh: TIMES OF ISRAEL
5. Vì sao kết quả này cần được xác nhận?
GS Michael Edelstein giải thích: “Trước hết dữ liệu về tiêm chủng vắc xin phần lớn dựa vào thông cáo báo chí chứ không phải nghiên cứu khoa học. Điều này thể hiện sự thiếu minh bạch từ các tổ chức. Họ cho biết bản thảo dữ liệu đang được chuẩn bị. Do dữ liệu có tầm quan trọng nên cần chia sẻ càng sớm càng tốt trước khi công bố”.
Kế đến vẫn còn nhiều ẩn số. Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu Antoine Flahault ở Đại học Genève (Thụy Sĩ) giải thích: “Còn phải đánh giá vắc xin kiềm hãm dịch đến mức nào, về khôi phục cuộc sống bình thường, giảm tỉ lệ nhiễm phải nhập viện và tỉ lệ tử vong đồng thời đạt hiệu quả thế nào với các biến thể mới. Chúng ta sẽ biết tất cả điều đó trong những tháng tới”.
Israel đã phong tỏa trở lại từ ngày 27-12-2020 và dự kiến kéo dài đến ngày 30-1. Trong bối cảnh như thế, GS Michael Edelstein thừa nhận “rất khó đánh giá rạch ròi tác động của phong tỏa với tác động của tiêm vắc xin và tác động do biến thể ở Anh”.
GS Antoine Flahault cho rằng Israel dần dần kiểm soát được dịch bệnh chủ yếu do tác động của phong tỏa hơn là tiêm chủng vắc xin.
6. Diễn tiến dịch sắp tới ra sao?
GS Nachman Ash (điều phối viên quốc gia về COVID-19 của chính phủ Israel) nhận định về ngắn hạn, dịch vẫn không suy suyển vì nhiều người đã mắc COVID-19 giữa hai lần tiêm vắc xin.
Hồi tháng 1-2021, sau khi 2,3 triệu dân được tiêm liều đầu tiên, Israel vẫn trải qua đợt dịch nguy hiểm nhất với 40% ca nhiễm mới là trẻ em.
15 ngày sau khi tiêm liều thứ hai, tác dụng miễn dịch mới xuất hiện. Do đó, hiệu quả tiêm chủng chỉ có thể được nhận thấy từ tháng 3-2021.
7. Tiêm chủng ồ ạt có làm xuất hiện biến thể mới ở Israel không?
Báo The Jerusalem Post ngày 24-1 đưa tin một khi Israel đạt được miễn dịch cộng đồng sau khi tiêm chủng, chỉ các biến thể mới của SARS-CoV-2 còn sống sót.
Bộ Y tế Israel khẳng định giả thuyết này chưa được xem xét vì đến nay không có đột biến đáng kể nào ở Israel được ghi nhận nhưng không loại trừ cuối cùng biến thể mới có thể xảy ra.
Cảnh sát tại Jerusalem thực thi lệnh phong tỏa – Ảnh: FLASH90
Hàng nghìn người Israel dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã tiêm vaccine
Hàng chục nghìn người Israel vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 dù đã được tiêm vaccine COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech, trong đó có 69 người đã tiêm liều thứ hai.
Một người đàn ông được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Israel. Ảnh: Reuters
Hãng tin RT (Nga) dẫn nguồn tin từ Bộ Y tế Israel đưa tin khoảng 189.000 người đã được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng. Tuy nhiên, trên 12.400 người (chiếm 6,6%) vẫn có kết quả dương tính với virus này, theo dữ liệu được các trung tâm xét nghiệm báo cáo. Phần lớn trong số họ rõ ràng đã bị nhiễm virus ngay sau khi tiêm mũi đầu tiên của vaccine hai liều.
Trong đó, 1.410 người có kết quả dương tính với virus sau 2 tuần kể từ lần tiêm đầu tiên, dù các chuyên gia cho rằng lúc này khả năng miễn dịch một phần đã có hiệu lực.
Hơn nữa, 69 bệnh nhân đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 mặc dù đã được tiêm cả 2 mũi vaccine, Bộ Y tế cho biết. Israel đã bắt đầu triển khai tiêm liều thứ hai gần hai tuần trước, Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người đầu tiên hoàn thành việc tiêm chủng.
Trước tình trạng này, hãng dược phẩm Pfizer cho rằng sự gia tăng đột biến về khả năng miễn dịch sẽ xảy ra từ ngày thứ 15 đến ngày thứ 21 sau lần tiêm đầu tiên, khi đó hiệu quả của vaccine tăng từ 52% lên 89%. Theo các thử nghiệm trước đó, vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech cung cấp có hiệu quả đạt 95% vào một tuần sau khi tiêm liều thứ hai.
Khi nói đến vaccine, kết quả của các thử nghiệm lâm sàng có thể khác với quá trình tiêm chủng trên thực tế, vì khi đó vaccine được tiêm chủng cho số lượng người lớn hơn nhiều.
Một người đàn ông Do Thái được tiêm vaccine ngừa bệnh COVID-19 tại Ashdod, Israel. Ảnh: Reuters
Hôm 19/1, Chủ tịch Hội đồng chống dịch COVID-19 của Israel, ông Nachman Ash, cho biết việc tiêm vaccine mũi đầu tiên của hãng dược phẩm Mỹ không có đủ hiệu quả. Ông cho biết nó "kém hiệu quả hơn so với những gì họ nghĩ" và "hiệu quả cũng thấp hơn những gì Pfizer đã trình bày".
Tuy nhiên, Giáo sư Gili Regev-Yohai, trưởng khoa truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Sheba, cơ sở tiêm chủng cho Thủ tướng Netanyahu, vẫn khẳng định trước truyền thông Israel rằng vaccine Pfizer "hoạt động tuyệt vời" sau hai mũi tiêm. Theo ông Yohai, 102 nhân viên y tế tại trung tâm đã được xét nghiệm một tuần sau khi hoàn thành việc tiêm chủng, và tất cả, trừ hai người trong số họ, cho thấy mức độ kháng thể cao hơn từ 6 đến 20 lần so với 7 ngày trước đó.
Israel đang dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng ngừa COVID-19. Trong những tháng qua, khoảng 2,15 triệu người đã được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech, trong đó 300.000 người đã được tiêm cả hai mũi.
Mặc dù đã tiêm chủng cho hơn 20% dân số của mình, Israel dường như không hào hứng với việc chia sẻ tiêm vaccine với người Palestine ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Hôm 20/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ "quan ngại" về khả năng tiếp cận vaccine không bình đẳng giữa người Israel và người Palestine.
Một đại diện của WHO tại Palestine cho biết cơ quan Liên Hợp quốc đang thảo luận với các nhà chức trách Israel về khả năng phân bổ vaccine cho Dải Gaza và Bờ Tây. Bộ trưởng Y tế Israel, bà Yuli Edelstein, cho biết bộ có thể cung cấp liều lượng vaccine còn dư của mình cho chính quyền Palestine, sau khi người Israel đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19.
Nhật Bản mua thêm vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech Ngày 20/1, Chính phủ Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với công ty dược phẩm Pfizer của Mỹ về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng này nhằm đảm bảo có đủ vaccine cho 72 triệu người trong năm nay. Kiểm tra thân nhiệt hành khách nhằm phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 tại cảng Daikoku ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh:...