Hơn 1 tháng dạy học trực tuyến: Vừa dạy, vừa gỡ khó
Nhiều địa phương triển khai dạy học trực tuyến nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, hạn chế. Để khắc phục, nhà trường, giáo viên vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm để có hướng tháo gỡ.
HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.
Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật dạy học trực tuyến cấp tỉnh. Tổ này đi thực tế khảo sát tại các trường phổ thông để nắm tình hình. Qua khảo sát, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn khó khăn trong dạy học trực tuyến.
Cụ thể là đội ngũ giáo viên một số trường do mới tiếp cận kỹ năng khai thác phần mềm dạy học trực tuyến nên còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học. Đường truyền Internet, 4G tại một số nơi còn hạn chế, chưa ổn định. Việc sắp xếp thời lượng các buổi dạy học trực tuyến tại một số trường còn cao so với yêu cầu hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc trên các thiết bị học trực tuyến…
Theo chia sẻ của cô Trần Thị Mộng Trinh, giáo viên Trường THCS Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), giáo viên có thuận lợi được tập huấn đầy đủ tất cả chương trình dạy online. Đa số học sinh sử dụng hiệu quả các thiết bị, điện thoại thông minh để học. Trong từng bài dạy, giáo viên luôn cố gắng soạn giảng thật thu hút qua việc tạo các file trình chiếu, cô đọng để các em dễ hiểu.
Trường cũng lập thời khóa biểu cụ thể cho từng nhóm học tập, theo từng đơn vị lớp. Giáo viên trước mỗi tiết dạy sẽ gửi bài vào nhóm để học sinh xem trước và chuẩn bị trong từng buổi học… Tuy nhiên, trong quá trình dạy, học, cô trò không tránh khỏi tình trạng đường truyền Internet trục trặc khiến một số tiết dạy không thường xuyên, liên tục.
Tại TP Cần Thơ, Sở GD&ĐT tiến hành khảo sát, đánh giá ngẫu nhiên 35.107 phụ huynh, 44.623 học sinh khối trung học về công tác dạy học trực tuyến. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), khảo sát cho thấy, gần 60% phụ huynh đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp và 33,6% phụ huynh cho rằng học trực tuyến hay trực tiếp là như nhau.
Gần 75% học sinh cho biết đang sử dụng điện thoại để học trực tuyến. Do điện thoại màn hình nhỏ ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Khảo sát học sinh về mức độ tiếp thu kiến thức môn học, có hơn 51% học sinh hiểu bài, làm tốt bài tập; 41,9% học sinh hiểu được bài nhưng chưa thể vận dụng làm bài tập; số học sinh còn lại chưa thật sự hiểu bài.
Tại Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ), qua khảo sát ý kiến, vẫn còn một số học sinh chưa tập trung. Hoạt động luyện tập cho học sinh khi học trực tuyến chưa bảo đảm, đặc biệt là nội dung thực hành…
Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Rút kinh nghiệm, nhà trường tổ chức quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến chặt chẽ, khoa học như học trực tiếp. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động dạy học trực tuyến để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Đồng thời xây dựng bài giảng trình chiếu tập trung và các nội dung trọng tâm và ứng dụng phần mềm thí nghiệm ảo để học sinh dễ tiếp cận với nội dung bài học…”.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở yêu cầu phòng GD&ĐT, nhà trường hạn chế giao thêm công việc không thực sự cần thiết và gây áp lực cho giáo viên; lựa chọn phần mềm phù hợp với thầy cô, tránh tình trạng ép giáo viên thao tác, lĩnh hội tất cả phần mềm. Lãnh đạo nhà trường cần ghi nhận thông tin phản hồi của phụ huynh, học sinh; chủ động, linh hoạt hơn các giải pháp hỗ trợ học sinh…
Cô giáo "trường làng" làm Youtuber giúp trò tiếp thu tốt hơn khi học online
Ngoài dạy học trực tuyến, các thầy cô ở Cần Thơ còn phải tập trở thành Youtuber khi phải, giảng, quay video để giúp học sinh tiếp thu tốt hơn khi học online.
Là một trong những điểm trường thuộc vùng sâu, vùng xa của TP Cần Thơ thế nhưng từ đầu năm 2021-2022 các thầy cô trường THPT Hà Huy Giáp (thuộc huyện Cờ Đỏ) đã tất bật tạo nên những tiết học sinh động, giúp các em dễ tiếp thu kiến thức thông qua hoạt động làm clip dạy học.
Ông Trần Hoàng Công - Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Giáp cho biết, năm học 2021-2022 trường có 1412 học sinh. Số học sinh khó khăn, thiếu thiết bị học trực tuyến đã được nhà trường vận động từ kinh phí của mạnh thường quân. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã sớm hỗ trợ để các em có điện thoại thông minh học tập.
Do không có thiết bị quay phim chuyên dụng nên cô giáo dùng điện thoại để làm video dạy học (Ảnh: Bảo Kỳ).
Đối với chương trình làm video clip giảng dạy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây là hoạt động của Sở GD&ĐT Cần Thơ đề ra nhằm mục đích bổ trợ kiến thức cho các em khi học trực tuyến. Video sẽ được giáo viên bộ môn thiết kế bài giảng, biên tập, chỉnh sửa và gửi đến các em qua Zalo.
"Mỗi bộ môn phải hoàn thành ít nhất một clip/tháng. Clip sẽ được dùng làm cơ sở học liệu cho sau này, nếu việc học trực tuyến kéo dài có thể sang năm sau, thầy cô có thể dùng clip này gửi đến các khối lớp tiếp theo.
Khi thầy cô "trường làng" tập làm Youtuber dạy học
Ngoài ra, dạy học qua clip còn giúp học sinh nhớ lâu, nhớ dai hơn, chỗ nào không hiểu các em có thể mở video bài giảng ra xem lại", ông Công nói thêm.
Với sự đổi mới trong cách dạy, thời điểm này các thầy cô của trường Hà Huy Giáp không chỉ bận rộn dạy trực tuyến mà còn dành thời gian suy nghĩ, thiết kế bài giảng để quay clip cho thu hút nhất.
Cô Bùi Thị Duyên - Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn của trường chia sẻ, mỗi tiết học thực tế kéo dài 45 phút thế nhưng khi chuyển sang làm clip nội dung bài giảng lại được cô đọng hết sức có thể. Mỗi clip hiện tải chỉ khoảng 30 hoặc 35 phút thường nhưng truyền tải hết bài học hoặc một nội dung quan trọng nhất bài.
"Do không có thiết bị quay phim chuyên dụng nên chúng tôi sử dụng điện thoại cá nhân, mượn phòng ốc của nhà trường để làm nơi dạy học. Từ cách đặt điện thoại, góc quay đến hướng nhìn của giáo viên, chúng tôi phải mò mẫm nhiều từ internet. Một clip hơn nửa tiếng nhưng phải mất cả tuần mới xong vì cần thời gian cắt gọt, chỉnh sửa", cô Duyên cho biết.
Cô Bùi Thị Duyên - Tổ trưởng Bộ môn Ngữ văn của trường đang điều chỉnh góc quay cho đồng nghiệp (Ảnh: Bảo Kỳ).
Theo quan sát của phóng viên, khi giáo viên làm video thì phòng học trở thành "phim trường", bảng đen, phấn trắng làm "đạo cụ" và những giáo viên trường làng lại hóa thân thành Youtuber.
Cô giáo Quách Thị Phượng tâm sự, đứng trên bục giảng chục năm qua nhưng đây là lần đầu tiên "người lái đò" cảm thấy lạc lõng và khá cô đơn vì khi mình đứng trên bục giảng mà phía dưới không có trò.
Giáo viên bộ môn Ngữ Văn của trường THPT Hà Huy Giáp đang xem lại một tiết dạy vừa thu hình xong (Ảnh: Bảo Kỳ).
"Làm clip dạy học phải sửa cách viết trên bảng, chữ ít nhưng phải to. Học cách điều chỉnh giọng, hướng nhìn và cách diễn đạt tự nhiên nhất để các em dễ hiểu", cô giáo Quách Thị Phượng vui vẻ nói.
Ông Nguyễn Phúc Tăng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, nội dung làm clip được phía Sở yêu cầu trường thực hiện để gửi cho học sinh học phụ thêm ở nhà trong thời gian này. Clip này phục vụ cơ sở học liệu online cho các em học sinh.
"Việc làm video dạy học, giúp các em tiếp thu bài tốt hơn, chúng tôi cũng khuyến khích thầy cô sáng tạo nội dung và hình thức truyền đạt để video clip sinh động hơn, thu hút các em theo dõi.
Ngoài ra, phía Sở cũng đã kết hợp với Đài phát thanh và truyền hình TPCT tổ chức dạy học qua truyền hình cho các em từ lớp 3 đến lớp 5. Đến khoảng giữa tháng 10 việc học qua truyền hình sẽ bắt đầu", ông Nguyễn Phúc Tăng nói thêm.
Trường vùng sâu vun đắp xây dựng trường học hạnh phúc Bằng những hoạt động thiết thực gắn kết giáo viên, học sinh với nhà trường, Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) là điểm sáng trong việc xây dựng Trường học hạnh phúc. HS Trường THPT Thới Lai cùng nhau trồng giá đỗ tại trường. Ảnh tư liệu. Trường học hạnh phúc phải xuất phát từ tâm Trường THPT Thới...