Hôm nay, chỉ số UV ở TP HCM “lên đỉnh” 13: ai dễ ung thư, bỏng da?
Theo website dự báo thời tiết danh tiếng AccuWeather của Mỹ, chỉ số UV ở TP HCM trong hôm nay (23-4), cũng như các ngày 25 và 27-4 sắp tới, có mức cao nhất lên đến 13.
Từ đầu tuần, Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ đã đưa bản tin cảnh báo “thời tiết nguy hiểm”, là hiện tượng nắng nóng trên khu vực Nam Bộ, với cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1. Theo thông báo này, từ ngày 22 đến khoảng ngày 26, 28-4, nắng nóng có xu hướng gia tăng trên khu vực và diễn ra trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất khoảng 35-38 độ C.
Ngày 23, 25, 27-4: chỉ số UV cực cao
Website dự báo thời tiết danh tiếng AccuWeather của Mỹ cũng đưa ra con số tương tự riêng ở khu vực TP HCM: suốt từ hôm nay cho đến thứ bảy 27-4, nhiệt độ cao nhất liên tiếp là 37 hoặc 38 độ C, chỉ ngày 28-4 mới dịu lại khoảng 36 độ và trời mát dần từ giữa tuần sau.
TP HCM nắng đổ lửa khiến nhiều người dân phải dùng cả áo quần mùa lạnh để chống nắng – ảnh: HOÀNG TRIỀU
Một yếu tố đáng cảnh báo khác là chỉ số UV (UV Index) ở TP HCM liên tục lên mức đáng báo động (trên 11), trong đó có các ngày 23, 25 và 27-4 đạt đỉnh là 13.
Đó là mức nguy hiểm mà các tổ chức y tế danh tiếng hàng đầu thế giới như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) hay Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) cảnh báo gây nên vô số nguy cơ sức khỏe.
Thời tiết TP HCM hôm nay 23-4 theo AccuWeather
Video đang HOT
Theo CDC, bức xạ UV được phân thành ba loại chính: tia cực tím A (UVA), tia cực tím B (UVB) và tia cực tím C (UVC), dựa theo bước sóng. Toàn bộ UVC và hầu hết UVB được hấp thụ bởi tầng ozone nên chủ yếu bức xạ cực tím đến trái đất là tia UVA. Với tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm đáng báo động trên hành tinh, tầng ozone bị thiệt hại khá nhiều, kéo theo rủi ro sức khỏe do tia UV có nguy cơ ngày càng gia tăng.
Rủi ro phổ biến nhất mà CDC cảnh báo là cháy nắng, thường do tiếp xúc quá mức trong thời gian ngắn. Nguy cơ cháy nắng tăng cao với người đang sử dụng một số dạng thuốc uống hoặc thuốc bôi như kháng sinh, thuốc tránh thai, các sản phẩm benzoyl peroxide, một số loại mỹ phẩm làm tăng độ nhạy cảm của da.
Mắt là cơ quan tiếp theo bị tác động, nếu bạn không có biện pháp bảo vệ mắt khi đi nắng.
Trong khi đó, tiếp xúc với UV tích lũy, tức việc phơi nắng khi tia UV cao xảy ra thường xuyên và kéo dài, có thể dẫn đến ung thư da và lão hóa sớm. Tại Mỹ, ung thư da là loại ung thư phổ biến nhất với 2 dạng thường gặp là ung thư tế bào đáy và ung thư tế bào vảy, thường hình thành trên đầu, mặt, cổ, tay…
Bất kỳ ai cũng có thể bị ung thư da nhưng nguy cơ tăng cao ở những người đã dành nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời hoặc đã bị cháy nắng; có màu da thuộc loại trắng, tóc và mắt sáng màu; có ít nhất 1 thành viên trong gia đình bị ung thư da; trên 50 tuổi.
Bảo vệ da, mắt tùy theo chỉ số
Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV từ 0 đến 2 được coi là “mức độ nguy hiểm thấp”, bạn nên đeo kính râm trong những ngày tươi sáng. Việc sử dụng quần áo, mũ nón chống nắng được khuyến cáo cho nhóm có da nhạy cảm, dễ bị bỏng. Nếu bạn thuộc nhóm này, cũng nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng SPF 30 trở lên, cảnh giác với các bề mặt sáng như cát, nước, tuyết, vì chúng có thể phản xạ tia cực tím, làm tăng phơi nhiễm.
Chỉ số UV từ 3 đến 5, bạn có nguy cơ tổn hại vừa phải khi phơi nắng không được bảo vệ. EPA khuyên bạn ở trong bóng râm vào buổi trưa, nếu phải ra ngoài hãy mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành và đeo kính râm chống tia UV, bôi kem chống nắng phổ rộng SPF 30 trở lên mỗi 2 giờ, bôi lại sau khi bơi hoặc đổ mồ hôi, ngay cả khi trời có mây và cũng cảnh giác với các bề mặt dễ phản xạ.
Chỉ số UV 6-7, nguy cơ gây hại cao khi tiếp xúc với nắng không có sự bảo vệ, nhất thiết bảo vệ mắt và da. Ngoài những biện pháp tương tự mốc 3-5 trước đó, thời gian tránh nắng cần nới rộng ra 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều.
Chỉ số UV 8-10, nguy cơ gây hại rất cao, cần áp dụng các biện pháp tương tự mốc 6-7 nhưng lưu ý là tốc độ da và mắt bị tổn thương, bị bỏng dưới nắng là rất nhanh.
Chỉ số UV từ 11 trở lên: cực kỳ nguy hại, da và mắt có thể bị tổn thương chỉ trong vài phút và phải áp dụng nghiêm ngặt hơn các biện pháp nói trên.
Tùy theo mùa và khu vực bạn sinh sống, thời điểm tia UV lên cao nhất có thể khác nhau. Vì vậy, có thể xác định thời điểm chỉ số UV trở nên nguy hiểm bằng cách đứng dưới nắng và quan sát bóng của mình. Nếu bóng của bạn dài hơn chiều cao của bạn, khả năng tiếp xúc với tia cực tím còn thấp.
Nếu bóng của bạn bắt đầu ngắn hơn bạn, đó là lúc bạn đang tiếp xúc với mức độ bức xạ UV cao, cần tìm kiếm bóng râm và bảo vệ da, mắt của bạn ngay.
Theo EPA/nguoilaolong
TP.HCM: Nắng nóng gay gắt, người già trẻ em nhập viện hàng loạt
Một số bệnh viện (BV) tại TP. HCM có lượng bệnh nhân đến khám bệnh do nắng nóng tăng cao, chủ yếu tập trung vào trẻ em, những người lớn tuổi có sức đề kháng giảm, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp...
Nắng nóng khiến trẻ nhập viện gia tăng
Ngày 22.4, trao đổi với PV báo Lao Động, bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn cho biết, thời điểm này nắng nóng kéo dài, bệnh nhân đến BV khám bệnh chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt), tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh lý về khớp.
Ngoài trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh tim mạch, huyết áp... dễ vào viện do nắng nóng gay gắt
Cũng tại BV này, nhiều người vào viện có do sốc nhiệt. Theo BS Vui, nắng nóng là nguyên nhân chủ yếu gia tăng số bệnh nhân lớn tuổi nhập viện. Những người này, có sức đề kháng giảm dần tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể. Chức năng của các cơ quan cơ cũng yếu đi dễ chịu sự tác động của thời tiết nên nguy cơ mắc bệnh càng cao.
"Người lớn tuổi, trẻ nhỏ nên hạn chế hạn chế đi lại và làm việc vào những giờ cao điểm nắng nóng, từ 10h giờ sáng đến khoảng 4h chiều. Đặc biệt đối với những người mắc có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cần tuân thủ uống thuốc, kiểm soát huyết áp đúng hướng dẫn của các y bác sĩ", BS Vui khuyến cáo.
Không chỉ người cao tuổi, những người bệnh bị tác động sức khỏe từ nắng nóng, nhiều trẻ nhỏ cũng nhập viện do thời tiết oi bức. Tại BV Nhi đồng 2, TP. HCM, trong tuần giữa tháng 4, BV này tiếp nhận khoảng 3.500 đến 7.000 bệnh nhi đến khám.
Tương tự, tại BV Thống Nhất, con số bệnh nhân đến khám tại BV cũng tăng cao, ngày 15.4 có 1.500 lượt khám, đến ngày 17.4 tăng lên hơn 2.500 lượt, chủ yếu là những người lớn tuổi.
Trước đó, BS-CKII Nguyễn Thanh Hùng, Phó Giám đốc BV Da liễu TP. HCM cho biết, việc tiếp xúc nhiều với nắng dễ bị bỏng nắng: da đỏ, phồng rộp đôi khi có mụn nước ngứa. Ngoài ra, các tia UV từ nắng còn gây tổn thương tế bào, dẫn đến nguy cơ ung thư da, ảnh hưởng tới mắt.
Theo BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, thời tiết nắng nóng thường dẫn đến phù do nhiệt, phát ban do nhiệt, chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, kiệt sức do nhiệt, sốc nhiệt...
"Thời tiết nắng nóng, nếu cảm thấy cơ thể có các dấu hiệu như thân nhiệt tăng cao, tiết nhiều mồ hôi, tim đập nhanh, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, đau đầu... nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời", bác sĩ Hậu góp ý
Hiện nay địa bàn TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ đang trải qua đợt nắng nóng cao điểm, nhiệt độ từ 35-37 độ. Dự báo tia UV trong những ngày tới đạt mức 12, đây là mức nguy hại cho sức khỏe.
KIM ĐỒNG
Theo Lao động
Nắng nóng kéo dài: Bị sốc nhiệt phải làm thế nào? Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao rất dễ khiến cơ thể bị sốc nhiệt. Sốc nhiệt. Sốc nhiệt (say nắng) là tình trạng thân nhiệt tăng quá mức, thường trên 40 độ C, nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài khiến con người không kịp thích nghi gây ra tình trạng sốc nhiệt. Vậy khi bị...