Học thạc sĩ để nâng hạng: Giáo viên ‘khó với’
Theo các thông tư mới về việc xếp hạng giáo viên, nhiều nhà quản lý và giáo viên cho rằng việc xét nâng hạng là rất khó, nhất là đối với giáo viên muốn giữ hoặc lên hạng I.
Không có bằng thạc sĩ sẽ tụt hạng
Vì chưa có bằng thạc sĩ, cô giáo H.A.P (giáo viên tại Hải Phòng) lo lắng không thể giữ hạng dù đã đủ điều kiện dự thi và thăng hạng giáo viên THPT hạng I từ năm 2012.
“Bản thân tôi từng là thành viên đoàn đánh giá ngoài của Sở GD-ĐT, từng là báo cáo viên của huyện về công tác chuyên môn và phương pháp mới trong dạy học; tham gia công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên các nhà trường trong toàn huyện; tham gia đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học cấp huyện; trực tiếp hướng dẫn các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp huyện, thành phố; tham gia ban giám khảo và ra đề trong các hội thi của giáo viên giỏi và học sinh giỏi cấp huyện; tham gia dạy bồi dưỡng học sinh giỏi cấp huyện và có nhiều giải cao.
Bên cạnh đó, tôi cũng có 15 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 15 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện và thành phố; là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố; 4 năm liền đạt cấp thành phố và cấp quốc gia cuộc thi dạy học theo chủ đề,… Do đó, với thông tư mới này, tôi vô cùng hoang mang vì rất có thể, chúng tôi sẽ phải quay trở về vạch xuất phát”, cô P. nói.
Đang là giáo viên THPT hạng I, thầy giáo L.M.T (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi vô cùng vui mừng vì đã dốc hết tâm huyết, sức lực, năng lực để đạt được vị trí của các giáo viên hạng I. Thời gian sau đó, rất nhiều thầy cô trong số chúng tôi đã giành được thành tích cao, đạt chiến sĩ thi đua, nhiều sáng kiến kinh nghiệm và bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi thành phố.
Nhưng giờ đây, chỉ vì thiếu bằng thạc sĩ, chúng tôi không đủ điều kiện để giữ hạng. Nhiều giáo viên lâu năm cũng phải ngậm ngùi vì bị tụt hạng do đã lớn tuổi, không thể đi học thạc sĩ bổ sung. Do vậy, chúng tôi rất mong có chế độ chính sách bổ sung”, thầy T. kiến nghị.
Trong khi đó, với 20 năm đi dạy, một thầy giáo môn Lịch sử của trường THCS tại Quận 3, TP.HCM cho biết cả trường học nơi anh đang công tác không có ai là giáo viên hạng I, kể cả hiệu trưởng và hiệu phó.
“Lâu nay, giáo viên khá mù mờ thông tin về hạng, ngạch nên bây giờ khi có thông tư mới, đa phần đều cảm thấy bối rối” – giáo viên này cho biết thêm.
Trao đổi với VietNamNet , một hiệu trưởng cho hay, việc nâng chuẩn giáo viên là theo quy định của Luật Giáo dục. Vì vậy, thông tư của Bộ GD-ĐT nâng chuẩn với giáo viên là điều dễ hiểu.
“Nhiều giáo viên thấy không công bằng khi lâu nay đang giữ hạng I, nhưng giờ không có bằng thạc sĩ bị xếp hạng II như những người khác nên không bằng lòng” – vị hiệu trưởng này nói.
Một trưởng phòng giáo dục ở tỉnh Hà Nam cũng nhận định, hạng I có yêu cầu cao hơn là đúng với yêu cầu thực tế.
“Tuy nhiên, với những giáo viên trước đây đã công nhận cho người ta hạng I mà giờ hạ xuống hạng II thì tâm lý giáo viên sẽ không thoải mái lắm”.
Nhiệm vụ giáo viên: Không thực tế?
Có gần 40 năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Hoàng Chương cho biết khi đọc Điều 5, Chương II (Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021) – tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên THPT hạng I, ông thấy rằng có một số nhiệm vụ có yêu cầu cao nhưng không thực tế.
Video đang HOT
Nhiệm vụ của giáo viên THPT hạng I
“Ngoài nhiệm vụ của giáo viên THPT hạng II, giáo viên THPT hạng I có thêm 7 nhiệm vụ nữa. Các nhiệm vụ này yêu cầu cao nhưng không thực tế. Chẳng hạn như: Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục tại địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng giáo viên; Chủ trì các nội dung bồi dưỡng, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai chủ trương, nội dung đổi mới của ngành hoặc sinh hoạt chuyên môn từ cấp tỉnh trở lên; Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi của giáo viên từ cấp tỉnh trở lên” – TS Chương liệt kê.
Cùng nhận định với TS Chương, hiệu trưởng một trường THPT cho biết: “Tôi công tác qua cả hai lần thay SGK gần đây nhất, nhưng làm gì có cơ hội “Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa”. Trước đây, SGK do Bộ GD-ĐT biên soạn. Còn vừa qua, có nhiều nhóm tham gia soạn SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, họ cũng có mời một số giáo viên tham gia nhưng số lượng rất ít, giáo viên thành phố còn chẳng mấy người có cơ hội”.
Nhiệm vụ của giáo viên THCS hạng I
Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, nhà giáo trước hết phải dạy tốt, truyền được cảm xúc cho người học, là tấm gương sáng cho đồng nghiệp, được phụ huynh tin yêu. Tuy nhiên, theo ông, rất tiếc là nội dung nhiệm vụ đối với giáo viên hạng I ở các cấp còn nặng về thành tích, chưa làm toát lên giá trị cần có ở học đường – kỷ cương, tình thương, trách nhiệm.
Nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng I
“Quy định để đạt hạng I tạo áp lực nặng nề cho giáo viên, cán bộ quản lý – phải thế này, phải thế kia…, e rằng khó kích hoạt năng lượng tích cực. Rất nhiều từ ‘có’, ‘tham gia’, ‘được’ tại các khoản của Điều 5 trong các thông tư đưa lại cảm nhận toàn diện đến độ xơ cứng, rập khuôn. Trong khi đó, đối với nghề dạy học, vượt lên tất cả đó là lòng yêu nghề, sự tận tụy, sự thấu cảm của người dạy, người học”.
“Giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục luôn phải tự học để thay đổi, nhưng với những quy định để đạt được giáo viên hạng I ở các cấp, liệu có tạo ra thay đổi như mong muốn?” – TS Nguyễn Hoàng Chương trăn trở.
Tất cả giáo viên THPT có cần bằng thạc sĩ?
Điều quan trọng của giáo dục phổ thông không phải là bằng cấp cao, mà cần những người am hiểu, có trải nghiệm thực tế.
Trong một hội thảo về giáo dục, một tiến sĩ, viện trưởng một viện nghiên cứu về giáo dục có đề xuất: "Tất cả giáo viên THPT có cần bằng thạc sĩ?", tôi xin kể câu chuyện nhỏ.
Thời còn là sinh viên xây dựng năm cuối có chương trình thực tập tại công trường. Mấy chú sinh viên cũng được đội mũ trắng ra công trường (mũ trắng là mũ kỹ sư để phân biệt với mũ vàng, mũ xanh của công nhân).
Lần đầu được nhìn, sờ vào cây thép trơn, thép gân, mấy thanh niên cảm thấy tự tin, cũng cầm bản vẽ chỉ chỏ này nọ. Mấy bác công nhân lúc đầu thấy mũ trắng cũng có phần nể nhưng rồi thấy mấy ông trẻ cái gì cũng "à, ồ" thì biết ngay là "gà công nghiệp".
Đến khi có cậu chém gió: "Bác buộc thép thế này chưa đúng kỹ thuật, phải thế này, thế kia", thì bác mới bảo: "Cậu thử làm đi". Chả cậu nào biết cầm cái móc buộc dây thép, lúi húi một hồi bị dây thép đâm chảy cả máu tay.
Từ đấy chúng tôi biết điều hơn, tập quan sát và nhận ra kỹ sư chỉ hơn công nhân ở tính toán thiết kế, chỉ định chỗ này dùng thép đường kính to hay nhỏ, đặt mau hay thưa, chứ đừng dại mà chỉ người ta cách đào đất sao cho nhanh, buộc thép sao cho chặt.
Bằng cấp cao chưa chắc đã giỏi
Tất nhiên cũng có những kỹ sư kinh nghiệm lăn lộn công trường lâu năm giỏi cả thiết kế và công việc chân tay nhưng số đó rất, rất hiếm.
Tất cả giáo viên THPT cần có bằng thạc sĩ? Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Nói dông dài để quay lại đề xuất "phổ cập" thạc sĩ dành cho giáo viên. Có một tâm lý khá phổ biến trong nghành giáo dục và xã hội nói chung dù không ai nói thẳng ra, đó là bằng cấp càng cao có nghĩa càng giỏi, tiến sĩ chắc chắn giỏi hơn cử nhân. Giảng viên đại học chắc chắn giỏi hơn, khó hơn giáo viên phổ thông.
Thử nhìn qua nghành y, từ khi còn đi học, sinh viên đã phải thực tập, trực đêm như bác sĩ thực sự. Ra trường thì ai cũng phải hàng ngày khám chữa bệnh, nếu học cao học, tiến sĩ thì cũng vẫn không tách rời công việc thực tế. Các giáo sư đầu nghành am hiểu không chỉ lý thuyết mà còn đương đầu hàng ngày với những ca bệnh phức tạp nhất, sử dụng thành thạo kỹ thuật tiên tiến. Vậy trong nghành Y điều này có vẻ đúng.
Còn trong giáo dục, sau gần 4 năm học lý thuyết, 3 tháng thực tập ngắn ngủi cưỡi ngựa xem hoa tại trường phổ thông, những sinh viên bằng giỏi trường Sư phạm thường được giữ lại làm giảng viên.
Sau đó thường họ sẽ tiếp tục các cấp học cao hơn là thạc sĩ, tiến sĩ và khi đạt những tiêu chuẩn về công bố quốc tế, hướng dẫn cao học, tiến sĩ... sẽ trở thành PGS, GS.
Khi đó, họ được coi là những chuyên gia về giáo dục, tham gia viết chương trình, soạn sách giáo khoa, cầm cân nảy mực trong đánh giá giáo viên, học sinh, chấm giáo viên giỏi.
Quan trọng là trải nghiệm thưc tế
Điều này mới nhìn thì hoàn toàn bình thường, hợp lý. Tuy nhiên tôi mạnh dạn đặt ra 2 câu hỏi thẳng thắn với các chuyên gia giáo dục:
Câu hỏi 1, có bao nhiêu người có kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy phổ thông ngoài 3 tháng thực tập sư phạm ít ỏi?
Có bao nhiêu người đã từng trải qua những công việc hàng ngày của giáo viên trường công như dạy, chủ nhiệm lớp 40-50 học sinh, hoàn thiện đủ loại sổ sách, giáo án, thi nâng hạng, thi giáo viên giỏi, viết sáng kiến kinh nghiệm. Hay họ có ít thời gian cuối tuần lại đi tập huấn chương trình, SGK rồi lại STEM, STEAM...
Một số giảng viên đại học dạy ở các trung tâm luyện thi nhưng đó đơn thuần dạy xong là xong, có bao giờ phải làm những "việc phụ" như trên?
Có người sẽ bảo, 1 lớp đại học có đến 80-100 sinh viên, gấp mấy lần lớp học phổ thông, dạy đại học mới khó chứ dạy mầm non, tiểu học khó gì?
Đấy là sai lầm nghiêm trọng.
Sinh viên đã trưởng thành về nhận thức, nhân cách và đã khá chủ động và chịu trách nhiệm với công việc của mình. Giảng viên vào lớp giảng bài, hết tiết là xong, ai thi trượt thì thi lại, học lại thậm chí bị đuổi học.
Thầy cô phổ thông, nhất là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên mầm non giống như cha mẹ thứ 2. Lứa tuổi học sinh là lúc các con đang hình thành nhân cách. Ngoài dạy kiến thức, thầy cô còn rèn nết ăn nết ở của học sinh.
Bạn nào lười học, gây gổ là thầy cô lại đau đầu trao đổi, tìm giải pháp phối hợp với bố mẹ để uốn nắn, giúp con tiến bộ.
Bố mẹ có con sẽ hiểu, nuôi dạy 1, 2 đứa con đã vất, đây lại những 40-50 đứa. Công việc nhiều như núi nếu thầy cô tâm huyết.
Câu hỏi 2, liệu có ai hưởng mức lương 3-4 triệu/tháng và sống được với nó?
Rất nhiều giáo viên, đặc biệt là mầm non, tiểu học sau mấy năm học cao đẳng, đại học, vất vả thi vào được biên chế thì nhận mức lương chưa bằng công nhân như vậy.
Làm sao họ có thể yên tâm gắn bó, tâm huyết với nghề? Họ còn phải bươn chải đủ nghề tay trái, tay phải để đủ tiền mua sữa cho con, mua thuốc cho bố mẹ.
Sơ qua 2 câu trên để thấy những người có bằng cấp cao, có tiếng nói, ảnh hưởng quyết định đến giáo dục phổ thông liệu đã am hiểu cấp học này?
Cũng dễ hiểu khi các chính sách dành cho giáo dục phổ thông dù luôn nói là giảm tải cho giáo viên nhưng thực tế thầy cô càng ngày càng vất vả, quay cuồng với những cải cách, thay đổi.
Vậy điều quan trọng của giáo dục phổ thông không phải là bằng cấp cao, mà cần những người am hiểu, có trải nghiệm thực tế.
Điều này không có nghĩa thầy cô không cần nâng cao trình độ. Trái lại, thầy cô cần làm gương cho học sinh về tinh thần tự học liên tục.
Cách học hiệu quả có thể thông qua đọc sách, suy ngẫm và triển khai thực tế qua những tiết dạy hàng ngày, mỗi ngày làm tốt hơn từng chút, từng chút chứ không nhất thiết là tốn kém thời gian, tiền bạc miệt mài 2 - 3 năm xong cái bằng thạc sĩ rồi coi là xong.
Tất nhiên nếu thầy cô nào thực sự đam mê muốn học cao hơn thì rất tốt, nhưng chỉ nên là tự nguyện.
Trong ngành xây dựng ở các nước phát triển phân ra khá rõ nghiên cứu và thực hành. Những người bằng cấp cao (GS,TS) chỉ được coi trọng ở các trường đại học, viện nghiên cứu.
Còn trong các công ty thiết kế, thi công thì những người được nể trọng nhất là những kỹ sư chính dù họ chỉ học 5 năm đại học nhưng có đến 20-30 năm kinh nghiệm dày dạn ở hàng trăm dự án khác nhau.
Chỉ đến khi nào những tiếng nói của giáo viên trực tiếp giảng dạy, của thầy cô vùng cao được lắng nghe thì lúc đó chất lượng giáo dục mới thực sự khởi sắc.
Những cách thay đổi đơn giản như chúng ta cần loại bỏ các cuộc thi hình thức, các chứng chỉ, tập huấn, sáng kiến để họ chuyên tâm giảng dạy và có thời gian dành cho gia đình nhỏ. Giáo viên cần sự tin tưởng, tự chủ trong dạy học, trong lựa chọn sách giáo khoa... Giáo viên cần được lương đảm bảo cuộc sống từ đó thu hút được những người có năng lực, tâm huyết kết hợp với loại bỏ những giáo viên yếu kém.
Còn không, giáo dục phổ thông sẽ mãi loay hoay, chắp vá. Gốc, rễ của cái cây là giáo dục phổ thông đã yếu thì đừng mong giáo dục đại học có thể đơm hoa kết trái được.
Trên đây là suy nghĩ cá nhân của tôi, một thầy giáo Toán. Tôi chỉ là thạc sĩ, không là gì so với các bằng cấp khác.
Nhưng tôi cũng thử giống như bác công nhân xây dựng năm nào, ai bằng cấp cao nếu tự tin mình là chuyên gia giáo dục thì thử đảm nhận những việc "lặt vặt" như các giáo viên trường công trong một năm. Khi đó, tôi tin những phát biểu về giáo dục phổ thông của quý vị sẽ thực sự thuyết phục.
Tuyên Quang: Những nhà giáo trẻ hết lòng cống hiến Những tấm gương về đổi mới, sáng tạo trong dạy học của cán bộ giáo viên đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao chất lượng giáo dục của trường THPT Tân Trào (Tuyên Quang) thời gian qua. Cô giáo Đoàn Thị Thùy Dung trong một giờ dạy. Khơi dậy khát khao khám phá của học sinh Cô giáo Vũ Thị Tuyên...