Học sinh vùng cao Thanh Hóa trồng rau, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn
Hàng trăm học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trung Lý của xã vùng cao Trung Lý (H. Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) đã cùng nhau trồng rau, nuôi lợn bán lấy tiền mua máy giặt quần áo, gây quỹ lớp.
Mô hình trồng rau của học sinh cấp 2 ở vùng cao Thanh Hóa mang tính giáo dục cao – ẢNH MINH HẢI
Trồng rau, nuôi lợn tạo quỹ lớp
Từ năm 2013, Ban giám hiệu Trường PTDTBT THCS Trung Lý đã xây dựng kế hoạch và triển khai mô hình trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn cho hàng trăm học sinh ở bán trú tại trường.
Học sinh miền núi trồng rau bên cổng trường để tự cải thiện bữa ăn
Là trường bán trú ở khu vực miền núi, ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, của gia đình thì việc xây dựng mô hình trồng rau của Trường PTDTBT THCS Trung Lý để cải thiện bữa ăn bằng rau sạch do chính tay học sinh làm ra, là việc làm rất ý nghĩa cả kinh tế và giáo dục. Mô hình có một không hai này ở miền tây Thanh Hóa, cách TP.Thanh Hóa gần 200 km.
Sau những giờ học, các em lại được cùng nhau học cách trồng và chăm sóc rau – ẢNH MINH HẢI
Để thực hiện mô hình trồng rau, giáo viên cùng các học sinh ở bán trú đã tận dụng, cải tạo từng khoảnh đất ven trường học. Dù địa hình đồi núi khấp khểnh, nhưng dưới bàn tay cần cù của học sinh và giáo viên ở đây, hàng chục mảnh vườn với tổng diện tích khoảng 3.000 m2 quanh trường đã trở thành các luống trồng rau tươi tốt quanh năm.
Những luống rau tươi tốt cạnh Trường PTDTBT THCS Trung Lý do học sinh làm ra – ẢNH MINH HẢI
Sau những giờ học, hoặc vào ngày nghỉ, các em học sinh mỗi người một nhiệm vụ, em thì cuốc đất, em lấy nước tưới rau, em thu hoạch rau… cùng nhau trồng và chăm sóc rau.
Loại rau được trồng theo mùa, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học. Hiện nay, các vườn rau quanh Trường PTDTBT THCS Trung Lý là các loại rau cải bẹ, cải củ, cải ngọt… đều đang tốt tươi mỗi ngày.
Các học sinh và giáo viên đều rất hào hứng khi cùng nhau trồng, chăm sóc rau – ẢNH MINH HẢI
Em Sùng Thị Linh (lớp 9A, Trường PTDTBT THCS Trung Lý), cho biết qua gần 3 năm học bán trú em đã tham gia trồng rau cùng các bạn trong lớp. Đến nay, Linh đã có thể tự trồng, chăm sóc và thu hoạch nhiều loại rau cải.
“Em cảm thấy rất vui sau những giờ học được cùng các bạn ra vườn chăm sóc rau. Chúng em cùng phân chia công việc, bạn thì nhổ cỏ, bạn thì tưới nước, bạn thì hái rau để vừa chăm sóc, vừa thu hoạch rau rồi mang vào nhà bếp cho các cô nấu bếp. Giờ em đã biết trồng rau, khi về nhà có thể giúp mẹ trồng rau rồi”, em Linh nói.
Trồng rau ở trường bán trú để cải thiện bữa ăn – ẢNH MINH HẢI
Việc trồng, chăm sóc và thu hoạch rau được giáo viên chủ nhiệm các lớp, và học sinh trong mỗi lớp phân công nhau hợp lý, ngoài giờ học, ngày nghỉ, hoặc buổi sáng sớm trước khi vào giờ học.
Em Giàng Thị Gánh (lớp 7C, Trường PTDTBT THCS Trung Lý) thì hồ hởi cho biết: “Những năm học qua nhờ có tiền bán rau từ chính tay mình trồng nên có quỹ lớp để tổ chức liên hoan, sinh nhật cho bản thân cũng như cho các bạn trong lớp”.
Tạo kỹ năng sống cho học sinh từ việc trồng rau
Thầy giáo Cao Khánh Hòa, chủ nhiệm lớp 6A Trường PTDTBT THCS Trung Lý cho hay: “Những năm trước, khi chưa có dịch tả lợn châu Phi, học sinh còn chung tay nuôi lợn bán mỗi năm cũng được vài tấn lợn hơi. Năm kia, tiền bán lợn góp lại, cùng với tiền hỗ trợ từ nhà trường đã mua được 2 cái máy giặt cỡ lớn, để giặt chăn mùa đông. Vì các em lớp 6, lớp 7 còn nhỏ, không thể giặt và phơi chăn mùa đông được”, thầy Hòa nói.
Học sinh cùng nhau chăm sóc những luống rau xanh tốt – ẢNH MINH HẢI
Thầy Hòa cho biết thêm, mỗi lớp được chia một luống để tự quản lý, trồng và chăm sóc rau. Rau thu hoạch được nhập cho bếp ăn của trường làm thức ăn cho chính học sinh. Đến cuối năm học, nhà bếp cộng tổng số lượng rau mỗi lớp cung cấp, rồi tính thành tiền chuyển lại cho các lớp làm quỹ. Cứ thế, mô hình trồng rau đã phát triển 7 năm qua, giúp cho học sinh vừa học kỹ năng sống, vừa tạo được quỹ lớp.
Thầy giáo Lê Thế Lập, Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trung Lý, cho biết ý nghĩa của mô hình trồng rau là nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh bằng chính rau sạch do các em trồng. Ngoài ra có còn ý nghĩa về kinh tế và giáo dục rất lớn.
Cùng nhau thu hoạch rau – ẢNH MINH HẢI
“Những năm gần đây, số lượng học sinh bán trú đều hơn 400 em, nhưng rất ít khi phải mua rau ngoài, mà đều lấy rau từ vườn rau của học sinh trồng. Tiền trồng rau tất cả được dùng làm quỹ lớp, để cho các hoạt động liên hoan, tổ chức sinh nhật cho học sinh. Điều quý giá hơn nữa là hoạt động trồng rau sẽ rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, biết cách trồng rau, tuân thủ tính tập thể. Thời gian trồng rau thì chúng tôi sắp xếp và hướng dẫn hợp lý cho các em, để không làm ảnh hưởng đến việc học”, thầy Lập nói.
Trường PTDTBT THCS Trung Lý cách TP.Thanh Hóa gần 200 km. Năm học 2020 – 2021, trường có 486 học sinh, là người Mông và người Thái. Trong 486 học sinh, hiện có gần 420 học sinh ở bán trú tại trường, vì các học sinh nhà đều cách trường từ 10 – 50 km, nên không thể đi về mỗi ngày.
Những hình ảnh ấm áp của học sinh vùng cao Nậm Pồ ngày rét buốt
Trong những ngày giá rét các trường bán trú ở Nậm Pồ phải bảo đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chể độ ăn hợp lý với cơm, thức ăn và thức uống nóng cho học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống rét đậm, rét hại.
Theo đó căn cứ vào thông tin dự báo thời tiết, Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương chỉ đạo hiệu trưởng các trường trên địa bàn được phép quyết định cho học sinh nghỉ học để đảm bảo sức khỏe.
Trường hợp học sinh vẫn đến trường, nhà trường phải bố trí cho học sinh vào phòng ấm, đảm bảo phòng bán trú và quản lý cho đến khi phụ huynh đón về, không để học sinh đứng ở ngoài cổng trường và không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời.
Học sinh ở Nậm Pồ được đảm bảo thức ăn, thức uống nóng, không bị đói mùa rét.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Phạm Văn Tiếp, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo Nậm Pồ cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện, trong những ngày giá rét, rét đậm, rét hại, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời tại địa phương xuống dưới 7 độ, các đơn vị chủ động cho học sinh nghỉ học.
Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế các trường có thể điều chỉnh thời gian để học sinh không phải đến trường quá sớm.
Tổ chức dạy bù cho học sinh những ngày đã nghi để đảm bảo tiến độ chương trình.
Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ yêu cầu các trường Tổ chức rà soát kiểm tra và sửa chữa kịp thời phòng học, phòng bán trú, phòng ăn, .. đảm bảo tránh gió lùa để giữ ấm cho học sinh.
Phòng Giáo dục cũng yêu cầu các trường những ngày rét đậm, rét hại, các trường không tổ chức các hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, không bắt buộc học sinh mặc đồng phục, không để học sinh đi chơi, tắm sông suối, bắt cá.
Ông Tiếp cũng cho biết, đối với các trường có tổ chức nấu ăn bán trú, Phòng yêu cầu các trường cần đảm bảo đủ thức ăn và thực phẩm sạch, chể độ ăn hợp lý với cơm, thức ăn và thức uống nóng, đặc biệt các trường mầm non cần có nước ấm để chăm sóc và phục vụ các cháu. Bố trí chỗ nghỉ trưa ấm áp và chuẩn bị đủ thuốc men phục vụ công tác y tế học đường.
Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ tổ chức phát động phong trào quyên góp, ủng hoàn cảnh khó khăn, có đủ quần áo ấm, mũ, tất cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Các trường phải báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo và cập nhật thường xuyên các diễn biến của thời tiết.
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, tại huyện Điện Biên Đông, trong sáng 11/1 nền nhiệt trên địa bàn trung tâm khoảng 4 - 5 độ C, tại các xã vùng cao nhiệt độ giảm còn khoảng 2 độ C.
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo toàn bộ 51 trường với trên 22.000 thuộc 3 cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở cho học sinh nghỉ học.
Tương tự, tại huyện Tủa Chùa , Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chỉ đạo toàn bộ 37 trường với khoảng 17.000 học sinh nghỉ học. Huyện Tuần Giáo có 32 trường, huyện Mường Chà có 7 tường, huyện Nậm Pồ có 3 trường cho học sinh nghỉ học.
Một số địa phương vẫn cho học sinh vẫn đến lớp bình thường là: thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và các huyện: Điện Biên, Mường Nhé và Mường Ảng.
Một số hình ảnh chống rét tại các trường trên địa bàn huyện Nâm Pồ:
Nhiệt độ nhiều ngày đang có diễn biến phức tạp, có lúc giảm sâu, học sinh ở Nậm Pồ vẫn đảm bảo ấm áp để học tập.
Các em học sinh ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Vàng Đán được đảm bảo giữ ấm trong mùa rét.
Học tập bên đèn sưởi của các nhà thiện nguyện.
Bữa cơm bán trú của các em vẫn được đảm bảo cơm canh nóng, các trường không để em nào bị đói.
Cơ sở vật chất còn nghèo nàn nhưng bữa ăn của các em vẫn được đảm bảo.
Học sinh mầm non Phìn Hồ trong giờ ngủ trưa.
Môi trường học tập của các em vùng cao Nậm Pồ được đảm bảo trong giá rét.
Ấm áp trong giấc ngủ mùa Đông giá.
Học sinh bán trú ở Nậm Pồ không bị đói, bị rét trong mùa Đông lạnh kỷ lục.
* Ảnh: Các thầy cô giáo từ các trường cung cấp.
Phòng chống rét cho học sinh vùng biên giới cực Tây Thời gian qua, các đợt không khí lạnh tăng cường đã gây rét đậm, rét hại trên địa bàn tỉnh Điện Biên, đặc biệt là ở các địa bàn vùng cao biên giới Mường Nhé. Trước tình hình đó, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé đã chỉ đạo các trường học triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét để...