Học sinh TP Hà Tĩnh thích thú trải nghiệm “Ngày hội STEM”
Dưới hình thức hội chợ chào Xuân Tân Sửu, các thầy cô giáo Trường THCS Thạch Linh ( TP Hà Tĩnh) mang đến những trải nghiệm sáng tạo khoa học thú vị, giúp học sinh và phụ huynh tiếp cận sâu hơn về phương pháp giáo dục STEM.
Trường THCS Thạch Linh là trường học đầu tiên trong khối THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh tổ chức theo hình thức hội chợ xuân kết hợp ngày hội STEM vào chiều 25/1.
“Với chủ đề Nơi trao gửi yêu thương và khơi nguồn sáng tạo , nhà trường tổ chức ngày hội STEM dưới hình thức lồng ghép hội chợ xuân với sân chơi sáng tạo khoa học. Mỗi gian hàng sẽ trưng bày những sản phẩm do chính tay học sinh và thầy cô giáo trong trường sáng tạo, thể hiện” – Hiệu trưởng Trường THCS Thạch Linh Nguyễn Minh Chi cho biết.
Các sản phẩm giới thiệu đến hội chợ khá gần gũi với đời sống và có tính thực tiễn cao. Đặc biệt, nhiều khối lớp đã hướng chủ đề sáng tạo của mình gắn với dịp tết cổ truyền sắp tới như: Bánh chưng, lịch tết…
Hoặc các sản phẩm thân thiện môi trường như thùng rác được làm bằng giấy với thông điệp “đổi rác, lấy kẹo”…
Có lớp lại làm hộp quà bằng nguyên liệu tái chế từ giấy loại, lá chuối…
Mỗi sản phẩm dự thi sẽ được học sinh thuyết trình trước Ban Giám khảo bằng song ngữ Việt – Anh về quy trình sản xuất.
Video đang HOT
Các hoạt động đã phát huy được khả năng sáng tạo, cá tính và bản lĩnh của học sinh, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của phụ huynh. Từ đây, giúp học sinh và phụ huynh hiểu thêm về phương pháp giáo dục STEM chính là xuất phát từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện để các em được phát triển toàn diện hơn cả kỹ năng lẫn kiến thức.
Đây là một trong những chuỗi hoạt động xây dựng trường học hạnh phúc của Trường THCS Thạch Linh, nhằm thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường, tạo thêm sân chơi khoa học bổ ích, mang đến những trải nghiệm thú vị cho học sinh liên quan đến các môn học.
Đồng thời, là cơ hội để thầy, cô giáo được tiếp cận các phương pháp giáo dục tiên tiến, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm vận dụng tốt STEM vào trong thực tế giảng dạy.
Giáo dục STEM là một cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học. Trong đó, các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực. Ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào các bối cảnh cụ thể, giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng.
Sư phạm Công nghệ - Ngành học đầy hứa hẹn của nền giáo dục Việt Nam hiện đại
Sinh viên ngành sư phạm Công nghệ là nguồn nhân lực triển vọng để thực hiện chương trình giáo dục mới, cơ hội nghề nghiệp của ngành nghề này ngày càng mở rộng.
Từ vai trò của môn công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành sư phạm công nghệ hứa hẹn là một ngành nghề triển vọng trong tương lai.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Sư phạm Hà Nội đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề đào tạo cũng như triển vọng của ngành sư phạm Công nghệ trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay.
Đào tạo ngành sư phạm công nghệ theo định hướng giáo dục STEM
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang hiện hữu, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều coi trọng thúc đẩy giáo dục STEM nói chung, giáo dục công nghệ nói riêng. Đây là những lĩnh vực đóng vai trò rất quan trọng trong việc định hướng nghề nghiệp, thúc đẩy nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Để đáp ứng được những yêu cầu mới đặt ra đối với ngành giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tiên phong trong vấn đề đào tạo giáo viên công nghệ - giáo dục STEM. Từ năm 2019, trường bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành này.
Sự ra đời của ngành Sư phạm công nghệ - Giáo dục STEM nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cao của các cơ sở giáo dục hiện nay.
Theo học Chương trình Sư phạm công nghệ - Giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sinh viên được học tập và nghiên cứu về Toán và khoa học (Vật lí, khoa học máy tính), đủ để giải quyết các vấn đề kỹ thuật, công nghệ trong chương trình.
Cùng với đó là tri thức và năng lực nền tảng về kỹ thuật, công nghệ thuộc các lĩnh vực cơ khí, động lực, điện và điện tử, các kỹ thuật, công nghệ chuyên ngành thuộc một trong ba lĩnh vực: công nghệ và giáo dục STEM; công nghệ IoT; công nghệ điều khiển - tự động hóa. (giai đoạn chuyên sâu).
Mô hình chương trình đào tạo sinh viên sư phạm công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Bên cạnh đó, chương trình đào tạo của trường cũng chú trọng phát triển ở sinh viên những năng lực, kỹ năng thích ứng bối cảnh mới về khoa học và công nghệ như Năng lực công nghệ, tư duy thiết kế, tư duy phản biện, tư duy đổi mới sáng tạo.
Triết lí đào tạo của khoa Sư phạm kỹ thuật là học đi đôi với hành; học tập dựa trên nghiên cứu; chú trọng thực hành, trải nghiệm kỹ thuật, công nghệ trong môi trường thực tiễn.
"Sinh viên của khoa ngoài học tập, nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, thực hành, còn được trải nghiệm các hoạt động sáng chế kỹ thuật, công nghệ thông qua cuộc thi sáng tạo robot thường niên; cùng với giảng viên, phát triển các sản phẩm kỹ thuật, công nghệ ứng dụng trong thực tiễn.
Đây chính là những hoạt động sinh viên rất đam mê trong quá trình học tập và nghiên cứu tại khoa và cũng là phương thức học tập hiệu quả ở bậc đại học", Tiến sĩ Lê Huy Hoàng chia sẻ. .
Nếu có nhu cầu và có đủ năng lực, trong quá trình học, sinh viên có thể được giới thiệu để làm việc tại một số doanh nghiệp (đang có hợp tác với khoa: Học viện Human Robot; Teky Holdings; KDI Education,...) về giáo dục kỹ thuật, công nghệ.
Qua các hoạt động trên, sinh viên vừa phát triển chuyên môn, vừa hình thành kỹ năng làm việc trong thực tiễn và có thêm thu nhập.
Triển vọng ngành sư phạm Công Nghệ được mở rộng
Từ xu hướng tương lai của nền giáo dục hiện đại, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng khẳng định vai trò của môn học này sẽ ngày càng được coi trọng. Chính vì vậy, những hứa hẹn về nghề nghiệp tương lai của ngành đào tạo Sư phạm Công nghệ là có cơ sở.
Sinh viên ngành Sư phạm Công nghệ - Giáo dục STEM sẽ trở thành những giáo viên sáng tạo, chủ động, tích cực, đón đầu xu hướng mới của giáo dục hiện đại (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Đầu tiên, sinh viên sau khi ra trường có thể lựa chọn dạy học môn Công nghệ - Giáo dục STEM ở Các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông.
Vai trò của giáo viên môn Công nghệ trong Nhà trường ngày càng được đề cao. Các trường học hiện nay đều rất cần những giáo viên có năng lực để dạy học theo định hướng của chương trình giáo dục mới.
Trong bối cảnh ấy, các trường đang có nhu cầu tuyển dụng giáo viên đào tạo đúng chuyên môn. Giáo viên Công nghệ - Giáo dục STEM được đào tạo đúng chuyên ngành sẽ được mở rộng cơ hội việc làm.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành Sư phạm công nghệ còn có cơ hội trở thành giảng viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Chương trình đào tạo sư phạm Công nghệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thiết kế theo hướng phân nhánh, chuyên sâu. Sinh viên năm cuối sẽ được lựa chọn theo các chuyên ngành dựa vào định hướng công việc tương lai.
Chính vì vậy, sinh viên sau này hoàn toàn có thể trở thành những giảng viên Điều khiển và tự động hóa, giảng viên IoT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Khoa Sư phạm Kỹ thuật tổ chức nhiều cuộc thi, tạo sân chơi bổ ích giúp sinh viên học tập, trải nghiệm (Ảnh: Tiến sĩ Lê Huy Hoàng cung cấp)
Một cơ hội nghề nghiệp nữa dành cho sinh viên sư phạm công nghệ là làm việc như cử nhân kĩ thuật, công nghệ ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Với kiến thức nền tảng, chuyên sâu về công nghệ - kỹ thuật, sinh viên hoàn toàn có thể chủ động làm việc tại những cơ sở doanh nghiệp khác nhau có lĩnh vực, ngành nghề liên quan.
Xu hướng giáo dục STEM hiện nay cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm công nghệ, họ có thể trở thành giáo viên STEM tại các tổ chức giáo dục khác nhau.
Đặc biệt, sinh viên còn có cơ hội việc làm trong quá trình học tập tại giảng đường đại học, có cơ hội học thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành của khoa, theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Trong tương lai gần, Công nghệ sẽ trở thành một môn học có ý nghĩa, vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của giáo dục trong trường học và các cơ sở giáo dục.
Giáo dục hiện đại đã cho thấy sự cần thiết, tầm quan trọng của môn Công nghệ cũng như vai trò, vị thế của những giáo viên Công nghệ sáng tạo, chủ động, tích cực, đón đầu xu thế.
KDI Education đưa giáo dục STEM đến với học sinh Việt KDI Education, Tập đoàn KDI Holdings áp dụng chương trình giáo dục STEM giúp 40.000 học sinh, 89 trường học tại Hà Nội, TP HCM và Nghệ An học tốt hơn. Năm 2016, KDI Education ra đời với mục tiêu quy tụ được những con người chung chí hướng để biến những ý tưởng thành sự thật. Theo ông Đặng Anh Mai, Phó...