Học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn quốc: Niềm tin và khát vọng
Những học sinh, sinh viên (HSSV) xuất sắc chia sẻ khát vọng và nỗ lực của bản thân trong học tập, rèn luyện, cũng như mong mỏi để đạt được ước mơ của mình.
Phạm Đức Anh (bên phải). Ảnh: TG
Phạm Đức Anh (SV Trường ĐH Y Hà Nội, 2 Huy chương Vàng Olympic Hoá học quốc tế): “Góp phần giúp y học Việt Nam ngày càng vươn xa”
Năm 2017, 2018, tôi vinh dự được mang màu cờ sắc áo của Việt Nam tham gia sân chơi trí tuệ cùng bạn bè khắp 5 châu và mang về cho Tổ quốc 2 Huy chương Vàng Olympic Hoá học quốc tế. Để có được kết quả đó, ngoài nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và các thầy cô giáo; sự đồng hành, quan tâm của gia đình, bạn bè là nguồn động lực vô cùng lớn với tôi và các bạn trong đội tuyển.
Mỗi lần lên nhận Huy chương quốc tế, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, sánh ngang với các cường quốc trên thế giới, tôi vô cùng xúc động và thấm thía sâu sắc lời Bác Hồ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp được hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Lời căn dặn của Bác giúp chúng tôi nhận ra rằng: Tài nguyên thiên nhiên của đất nước rồi sẽ cạn dần theo thời gian; chỉ có tri thức, sức trẻ mới chính là tài nguyên của đất nước trong tương lai.
Bản thân tôi biết rằng, học ngành Y là chặng đường đầy thử thách, đòi hỏi nhiều nỗ lực. Nền Y học trên thế giới đang ngày càng có thêm nhiều đột phá. Một trong các bằng chứng là giải thưởng Nobel Y học năm nay được trao cho 2 GS đã nghiên cứu ra liệu pháp chữa trị ung thư mang tính cách mạng; trong đó có GS người Nhật Bản Tasuku Honjo – người thầy của GS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội. Sự phát triển của Y học ở Việt Nam hiện cũng có những thành tích đáng ghi nhận, không thua kém so với thế giới. Nhiều công trình nghiên cứu quan trọng được đăng trên tạp chí trong nước, quốc tế. Công tác điều trị bệnh hiếm và việc thực hiện thành công các ca phẫu thuật khó là những dấu ấn quan trọng của nền y học nước nhà.
Tôi luôn mong rằng, nền Y học nước ta ngày càng vươn xa hơn nữa. Trong đó, trước mắt là sớm có hệ thống bệnh án điện tử hoàn chỉnh mà mọi cơ sở khám chữa bệnh có thể truy cập để xem, thêm và chỉnh sửa bệnh án. Mỗi cơ sở, cá nhân đều có quyền truy cập thông tin với các mức độ phù hợp để tăng hiệu quả các công tác chẩn đoán, theo dõi và điều trị bệnh nhân; giảng dạy học viên, SV; nghiên cứu khoa học. Để đóng góp sức mình vào điều đó, tôi sẽ cố gắng học hỏi và hoạt động thật tích cực để sau này trở thành một bác sĩ giỏi; vừa khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đồng thời tham gia giảng dạy để SV, học viên có được những kiến thức, kỹ năng và cái nhìn tốt nhất của y học.
Trần Bình Minh (SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại biểu Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục giai đoạn 2016 – 2020): “Cần chú trọng đến nghiên cứu khoa học trong sinh viên”
Trần Bình Minh
Video đang HOT
Từ khi bước chân vào cánh cửa ĐH, tôi đã tò mò khi anh, chị khóa trên làm đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH). Chính đam mê, hăng say trao đổi, tìm kiếm thông tin đã thúc giục tôi tìm hiểu về hoạt động này và bắt đầu những bước đầu tiên trên con đường nghiên cứu.
NCKH là phương pháp hữu ích giúp SV mở rộng kiến thức cũng như vốn kỹ năng khác; cơ hội để SV áp dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn. NCKH không chỉ cung cấp cơ hội tiếp cận với lĩnh vực chuyên môn yêu thích của từng cá nhân, mà còn tạo tác phong làm việc có mục đích, rèn luyện cách nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, tiếp cận từ nhiều phía. Với chính sách khuyến khích SV tham gia NCKH ở các trường như hiện nay, có thể nói SV nhận được khá nhiều lợi ích từ hoạt động này.
NCKH trong SV không đòi hỏi kết quả nghiên cứu phải cao siêu, có tầm vóc… Mục tiêu chính của NCKH ở bậc ĐH là trang bị cho SV các kiến thức, kỹ năng NCKH độc lập để hỗ trợ hoạt động học tập, hành trang tốt nhất sau khi ra trường. Hoạt động NCKH bao gồm nhiều hình thức khác nhau như viết tiểu luận, báo cáo thực tập, làm khóa luận, đề tài nghiên cứu… mang lại những ý nghĩa thiết thực cho SV. NCKH cũng giúp SV rèn khả năng tư duy sáng tạo, phê phán, bác bỏ hay chứng minh một cách khoa học những quan điểm nào đó, rèn kỹ năng phân tích, tổng hợp kiến thức,tư duy logic, xây dựng tinh thần hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau.
Thời gian linh động, sức trẻ, sự năng động, tự tin là điểm cộng quan trọng của SV khi tham gia NCKH; nhưng bên cạnh đó cũng có khá nhiều khó khăn. Thực tế có trường hợp SV bỏ dở công trình nghiên cứu đầy hứa hẹn chỉ vì không quán xuyến hết thời gian dành cho việc học, thi và làm. Các bạn cũng thiếu kiến thức và thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động NCKH; một số quan niệm chưa chính xác như NCKH rất khó, tốn thời gian, khô khan, và không được lợi ích gì. Nhiều SV tham gia nghiên cứu chỉ vì được tính điểm rèn luyện. Điều này có thể do các bạn chưa có thông tin đầy đủ về NCKH và những điều hay, thú vị mà hoạt động này mang lại. Một khó khăn nữa là kỹ năng làm việc nhóm của SV còn hạn chế.
Là SV ngành Kinh tế, tôi mong sẽ có những lớp học thường xuyên về NCKH và cách chạy số liệu, lập mô hình thống kê. Tạo môi trường linh hoạt, khuyến khích cả giảng viên và SV tham gia NCKH. Đẩy mạnh truyền thông NCKH qua mạng hoặc qua các diễn đàn, hội thảo. Mỗi trường ĐH cần phân tích cơ hội tiềm tàng về khả năng hợp tác liên ngành lựa chọn những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của trường mình. Cần gắn giảng dạy và nghiên cứu, cải thiện sự tương tác giữa 2 hoạt động này. Luôn tạo điều kiện gắn kết SV có mong muốn tham gia NCKH nhưng chưa có định hướng. Cải thiện hợp tác với đối tác từ các trường, viện, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Có chế độ đãi ngộ tương xứng với những công trình NCKH có tính ứng dụng cao để thúc đẩy giảng viên đăng tải bài báo quốc tể để tăng năng lực chuyên môn. Đặc biệt, NCKH cần chú trọng chất lượng chứ không phải số lượng tràn lan.
Hồ Việt Đức (HS lớp 12, Trường THPT chuyên Quốc học, tỉnh Thừa Thiên – Huế, Huy chương Vàng Olympic Sinh học quốc tế năm 2020): “Nỗ lực học tập, rèn luyện”
Hồ Việt Đức
Có nhiều yếu tố giúp em giành được Huy chương Vàng Sinh học quốc tế; trong đó có sự quan tâm của gia đình, bạn bè, cùng thầy cô giáo và nhà trường. Nhà trường, thầy cô giáo đã hỗ trợ em rất nhiều trong học tập; giúp em tiếp cận với nhiều bài giảng, tài liệu thú vị, cùng điều kiện thực hành, thực tập. Ước mơ của em trở thành một nhà khoa học để tạo ra những phát kiến mới để giúp ích sức khỏe con người. Trong giai đoạn tập huấn đội tuyển, các thầy cô ở Hà Nội đã dạy rất nhiều kiến thức, kĩ năng quan trọng để em có thể làm bài thi IBO tốt. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện tổ chức kì thi online, cung cấp các cơ sở vật chất để kỳ thi diễn ra suôn sẻ. Nhờ đó, dù dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, đội tuyển quốc tế của Việt Nam vẫn thi và đạt nhiều thành tích cao.
Sắp tới, em sẽ cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện để nỗ lực thực hiện ước mơ trở thành một nhà khoa học, tạo ra những phát kiến mới giúp cho sức khỏe con người. Em cũng mong đội tuyển quốc tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy và đạt được nhiều thành tích trên đấu trường Olympic, thể hiện được tài năng và kiến thức khoa học của Việt Nam trên quy mô quốc tế.
Ngô Quý Đăng (HS Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, HS lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành HCV Olympic Toán học): “Kỳ vọng vào Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học”
Ngô Quý Đăng
Bên cạnh gia đình, thành tích HCV Olympic Toán học mà em đạt được có công lao vô cùng to lớn của nhà trường và các thầy cô giáo. Em may mắn vì luôn được tạo điều kiện tốt nhất trong học tập, đặc biệt trong thời gian học ở Trường THCS Archimedes. Các thầy cô nơi đây đã thổi bùng trong em ngọn lửa đam mê toán học. Những thành tích ban đầu có được ở mái trường này dưới dự dìu dắt, động viên của thầy cô giúp em bộc lộ, phát triển được khả năng học toán, cũng như hình thành rõ ràng hơn tình yêu và sự gắn bó với toán học.
Ba mẹ từng kể câu chuyện về lễ thôi nôi khi em 1 tuổi. Khi đó, giữa rất nhiều đồ chơi được bày ra, em đã chọn hộp phấn – một món đồ ít sắc màu nhất. Không biết đó có phải là ngẫu nhiên hay không, nhưng quả thực, từ nhỏ đến giờ, em chỉ mong muốn được làm thầy giáo. Khi học tập tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên và vào đội tuyển toán học, được học các thầy cô đầu ngành về toán, em có thêm mơ ước bên cạnh giảng dạy sẽ đồng thời làm nghiên cứu về toán học; để vừa truyền được tình yêu với toán học cho các học trò, vừa góp công sức nhỏ bé vào phát triển nền toán học Việt Nam. Do đó, toán chắc chắn sẽ là lựa chọn của em khi học lên ĐH.
Qua đọc báo, em biết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học được ban hành riêng cho lĩnh vực khoa học cơ bản. Em thực sự rất vui khi môn học mình đam mê theo đuổi lại được lãnh đạo Chính phủ quan tâm như vậy. Em cũng được biết Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2021 – 2030 với nhiều nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán. Em mong rằng, Chương trình sẽ được triển khai thật tốt để tạo điều kiện cho em và tất cả HS yêu toán, muốn theo đuổi ngành toán thuận lợi hơn, tự tin hơn với lựa chọn của mình.
Nam sinh giành cú đúp huy chương vàng Hóa quốc tế tham dự Đại hội Đảng khoá XIII
Phạm Đức Anh sinh viên năm thứ 3, Đại học Y Hà Nội là một trong những đại diện sinh viên làm khách mời tham dự phiên khai mạc và bế mạc Đại hội Đảng khoá XIII.
Ngày 20/1, GS.TS Tạ Thành Văn, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, sinh viên Phạm Đức Anh vừa được Trung ương Đoàn thanh niên đề cử là gương mặt đại diện cho trí thức trẻ Việt Nam tham dự phiên khai mạc và bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc khoá XIII tới đây, với vai trò là khách mời.
Phạm Đức Anh đang là sinh viên năm 3, chuyên ngành y đa khoa, Đại học Y Hà Nội. Em tham gia vào Ban chấp hành Đoàn trường và cũng là một trong hai gương mặt trẻ nhất là ủy viên Ban chấp hành Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam.
Đức Anh từng được biết đến là thí sinh hai lần giành huy chương vàng Olympic Hoá học quốc tế năm 2017 và 2018. Nhờ vậy, nam sinh được tuyển thẳng vào Đại học Y Hà Nội.
Sinh viên Phạm Đức Anh, Đại học Y Hà Nội.
Đức Anh sinh ra trong gia đình có mẹ là trưởng khoa Dược - Bệnh viện Da liễu Trung ương. Khi em đang học mẫu giáo cũng là lúc mẹ làm nghiên cứu sinh về tổng hợp hữu cơ. Nhiều lần được mẹ đưa tới phòng thí nghiệm, quan sát phản ứng đầy màu sắc, cách dòng nước chuyển từ ống này sang ống khác, em dần thích thú và muốn được làm những điều giống mẹ.
Đến năm 2008, khi đang học lớp 2, Đức Anh được ra sân bay Nội Bài đón anh trai thi Olympic Hóa học lần thứ 40 từ Hungary trở về. Quyết tâm theo đuổi Hóa học một lần nữa bùng lên trong cậu bé 8 tuổi.
Tiếp xúc với Hóa học từ sớm, bản thân thấy đây là môn học có nhiều liên hệ thực tế, nhiều màu sắc đa dạng, Đức Anh quyết định chọn học chuyên môn này. Từ năm lớp 8, khi Hóa trở thành môn học riêng, em được chọn tham gia nhiều cuộc thi của quận, thành phố và không lần nào là không đoạt giải nhất.
Với ước mơ đổi màu huy chương cho anh trai, Đức Anh thi vào trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để có cơ hội tiếp xúc với nhiều giáo sư giỏi đầu ngành. Lớp 11, cậu giành huy chương vàng quốc tế. Một năm sau, trong kỳ thi Olympic được đánh giá khó hơn, Đức Anh một lần nữa giành vàng và đó là huy chương vàng duy nhất của đoàn Việt Nam.
Dù đạt được thành tích cao trong học tập và thi đấu quốc tế, nhưng Đức Anh từ chối du học tại các trường hàng đầu thế giới, chọn học trường trong nước.
Phạm Đức Anh hai lần giành huy chương vàng Olympic Hoá học quốc tế năm 2017 và 2018.
Chàng trai sinh năm 2000 tâm sự, nhiều người khuyên em nên du học vì cơ hội vào những trường top đầu thế giới là rất hiếm. Nhưng với em, được theo nghề đam mê và hợp với mình thì không thể nói là phí được.
Đức Anh luôn được đánh giá là sinh viên năng động, chăm chỉ và nhiệt huyết với nghiên cứu, học tập. Bên cạnh việc trau dồi tiếng Anh, em thường xuyên đọc các sách Y khoa của anh trai, đồng thời lên mạng xem video bác sĩ phẫu thuật.
Với Đức Anh, một bác sĩ giỏi phải có tâm, có đức, có sức khỏe, chuyên môn vững và phải luôn coi sức khỏe của bệnh nhân là niềm vui của mình. Đức Anh nói và khẳng định bản thân sẽ cố gắng để trở thành một bác sĩ "có tâm và có tầm" trong tương lai.
Những kết quả xuất sắc của giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế 2020 Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng học sinh, sinh viên và nhiều trường đại học Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định năng lực, vị thế của mình trên đấu trường quốc tế. Giáo dục tiểu học Việt Nam trong Chương trình Đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM)....