Học sinh lớp 12 Hà Nội trở lại trường: Vừa phòng dịch vừa bù kiến thức
Từ tháng 5.2021 đến ngày 6.12, học sinh lớp 12 ở Hà Nội mới được trở lại trường buổi đầu tiên. Đây là lứa học sinh chịu ảnh hưởng cả 3 năm THPT bởi dịch bệnh.
Phương án phòng dịch nghiêm ngặt
Chỉ một nửa học sinh (HS) lớp 12 đi học mỗi buổi, tương đương với việc các trường chỉ đón 1/6 số HS đến trường nên công tác giãn cách đỡ căng thẳng. Tuy vậy, các trường cũng lên phương án phòng dịch khá nghiêm ngặt. Nhiều trường bố trí thành nhiều luồng đón HS từ cổng, mỗi luồng bố trí một máy đo thân nhiệt tự động, giáo viên (GV), nhân viên trực tại cổng trường, vừa làm nhiệm vụ giám sát, nhắc nhở HS thực hiện “5K”, vừa hướng dẫn các em di chuyển theo luồng quy định và bảo đảm giãn cách. Tiết chào cờ của buổi sáng thứ hai đầu tiên trở lại trường được bố trí trong từng lớp học thay vì ở sân trường như trước kia.
Sau một thời gian khá dài học trực tuyến, nay được trở lại trường học, các HS đều có chung tâm trạng vừa mừng, vừa lo. Mừng vì được học trực tiếp, giao lưu với bạn bè thầy cô, hơn nữa với HS lớp 12 phải đối diện với kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, đi học là may mắn khi kết quả dạy học trực tiếp sẽ tốt hơn nhiều so với học trực tuyến. Tuy nhiên, nỗi lo lắng về dịch bệnh vẫn hiện hữu khi số ca bệnh ở Hà Nội đang tăng mạnh đúng thời điểm quyết định cho HS lớp 12 toàn TP trở lại trường.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội) trở lại trường sau nửa năm ở nhà học trực tuyến – ĐẬU TIẾN ĐẠT
Phụ huynh cũng “chia rẽ” bởi hai luồng ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng nên bắt đầu trở lại trường vào đầu học kỳ 2, khi đó HS mới tiêm đủ 2 mũi và hy vọng tình hình dịch bệnh bớt căng thẳng hơn. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đồng thuận với phương án chia nhỏ số HS và ưu tiên lớp 12 trở lại trường vì ở nhà bản thân HS và gia đình cũng rất sốt ruột.
Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Q.Hoàn Kiếm), cho biết trường có 16 lớp 12, sáng 6.12 có 8 lớp đi học trực tiếp, 8 lớp còn lại sẽ bắt đầu đến trường vào ngày 7.12. Cùng với việc xây dựng thời khóa biểu phù hợp, nhà trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, vật tư y tế bảo đảm an toàn; có phương án và đã tập huấn quy trình xử lý khi phát hiện F0, F1, F2 và nghi nhiễm Covid-19 trong trường học.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy), cho biết HS đi học gần như đảm bảo 100%.
Do dôi dư phòng học nên các trường bố trí mỗi lớp 1 phòng học và lớp học buổi sau không vào phòng của buổi trước để đảm bảo có thời gian vệ sinh, khử khuẩn.
Hà Nội chạm mốc gần 800 ca Covid-19/ngày
Dốc toàn lực củng cố kiến thức
Toàn TP vẫn còn một số lượng HS ở trong khu vực hiện đang bị phong tỏa, HS diện F1, F2 hoặc có biểu hiện ho, sốt… chưa thể đi học trực tiếp nên nhiều trường THPT lắp đặt hệ thống kết nối trực tiếp với lớp học để HS ở nhà hoặc ở trong khu cách ly y tế vẫn có thể theo dõi, tương tác với lớp học và thầy cô.
Mỗi buổi chỉ có một nửa số HS lớp 12 trở lại trường trong khi 1 GV dạy nhiều lớp khác nhau nên trường học giờ đây trở thành mô hình 2 trong 1, GV và HS đều dạy học theo cả hai hình thức. Do vậy, các trường học lắp thêm các thiết bị cũng như đường truyền đủ mạnh… để GV có thể dạy học song song trực tiếp và trực tuyến thay vì chỉ dạy theo 1 hình thức như trước kia.
Cùng với việc bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, các đơn vị, trường học ở Hà Nội cũng tăng cường hỗ trợ HS học tập, lấp hổng kiến thức trong thời gian học trực tuyến. Hiệu trưởng các trường THPT như Việt Đức, Trần Phú, Yên Hòa, Cầu Giấy… đều khẳng định yêu cầu quan trọng đặt ra với GV ngay khi HS trở lại trường là rà soát kết quả học trực tuyến, đồng thời tổ chức dạy học theo thời khóa biểu. Tinh thần chung là tận dụng một cách có hiệu quả nhất “thời gian vàng” HS được đến trường, giúp củng cố, bổ sung các kiến thức cốt lõi trong thời gian học trực tiếp để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH.
Một số GV dạy THPT thông tin, qua rà soát buổi đầu, dù HS lớp 12 có ý thức học hơn so với các khối khác trong thời gian trực tuyến nhưng kết quả cũng không mấy khả quan, cần phải “dốc toàn lực” để vừa củng cố cho các em vừa chạy theo tiến độ chương trình chứ không thể dừng lại quá lâu để dạy từ đầu được.
Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết trong ngày đầu tiên HS trở lại trường, nhiều đoàn công tác của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã trực tiếp kiểm tra, nắm bắt tình hình tổ chức dạy học trực tiếp ở các đơn vị, trường học. Toàn TP có hơn 82.000 HS lớp 12 đang học tại các trường THPT, trung tâm GDTX. Tổng hợp thông tin từ các đoàn kiểm tra cho thấy, buổi học đầu tiên của HS lớp 12 ở cơ sở dù ngoại thành hay nội thành đều diễn ra suôn sẻ. Theo báo cáo nhanh, tình hình sức khỏe của cán bộ, GV, nhân viên và HS của các đơn vị, trường học đều ổn định, chưa ghi nhận trường hợp nào có biểu hiện bất thường về sức khỏe liên quan đến dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đến cuối ngày 6.12, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết chưa có số liệu về trường học và HS trên địa bàn TP trở lại trường.
Phụ huynh lo mất ngủ, học trò Hà Nội mang chăn, quần áo tới lớp
Hàng vạn học sinh lớp 12 trở lại trường vào sáng nay trong tâm trạng lẫn lộn, vừa mừng vui vừa lo âu.
Nhiều phụ huynh nói họ đã phải cân não khi quyết định cho con đi học trực tiếp.
Chia sẻ với VietNamNet, chị Thu Hòa (quận Đống Đa) cho hay, trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như Hà Nội hiện nay, việc cho các con học trực tiếp tại trường là nỗi lo lớn của gia đình.
"Các con chưa tiêm đủ 2 mũi, miễn dịch chưa đủ để chống lại virus, khi học trực tiếp trong môi trường đến 40-50 học sinh trong 1 lớp, rồi giao tiếp, chơi đùa, thật khó tránh khỏi việc nhiễm bệnh nếu có mầm bệnh", chị Hòa nói.
Ảnh: Lê Anh Dũng
"Các con cấp THPT dù đã ở lứa tuổi tự lo được sinh hoạt cá nhân nhưng chẳng may có trường hợp dương tính tại trường thì toàn bộ phải đi cách ly tập trung, khi đó chắc chắn nhiều vấn đề xảy ra. Tự thân lo ăn ở, sinh hoạt, thuốc thang, học hành sẽ ra sao... ?", chị Hòa lo lắng.
Chị Ngọc Vân (quận Hai Bà Trưng) cũng chung tâm trạng. Theo chị, những ngày qua tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, phương án mở cửa trường học của Hà Nội được điều chỉnh liên tục càng khiến chị dao động. Vì thế, chị Vân nói việc cho con đi học tập trung trở lại khiến gia đình lo lắng gấp nhiều lần.
"Dù sao người lớn cũng được tiêm phòng đủ liều, đủ thời gian, được trang bị các kỹ năng về phòng chống dịch nên việc nhiễm bệnh cũng hạn chế hơn nhiều so với các con. Các con đã học trực tuyến hơn 2 năm nay rồi nên tôi nghĩ việc học thêm vài tháng nữa có lẽ cũng không ảnh hưởng gì lớn đến sự học. Điều quan trọng nhất bây giờ là sức khoẻ của các con chứ không phải cho các con học tập trung rồi ngày ngày lại canh cánh nỗi lo làm sao giữ cho con mình không nhiễm bệnh", chị Vân nói.
Theo chị Vân, việc cho các con học trực tiếp sẽ phù hợp hơn sau các dịp lễ Tết như Giáng Sinh, Tết dương lịch, Tết Nguyên Đán... bởi khi đó các con đã tiêm đủ liều, có miễn dịch và hơn hết, có thể tình hình dịch lúc đó cũng đỡ căng thẳng hơn.
Ngày đầu tiên con quay trở lại trường sau gần 7 tháng học online tại nhà, chị Phạm Ngọc Thịnh (Hà Đông, Hà Nội) cũng không khỏi lo lắng. Từ khi Hà Nội có thông báo cho học sinh đến trường học trực tiếp, chị Thịnh đã lên danh sách những vật dụng cần chuẩn bị để con đến trường. Ngoài bình nước, khẩu trang, nước xịt khuẩn, 1 vỉ thuốc ngậm họng thì sáng nay, chị còn dặn dò con mang theo một bộ quần áo, một chiếc chăn mỏng gấp gọn và một vài đồ dùng cá nhân để tại lớp, thậm chí cả 1 - 2 gói bánh nhỏ... đề phòng trường hợp xấu nhất, sáng các con đi học phát hiện F0 trong trường, nhưng chiều phải ở lại trường luôn.
"Nhỡ có F0 trong trường học" cũng là băn khoăn của nhiều phụ huynh khác. Chị Mai Hương có con đang học lớp 12 bộc bạch: "Khi cô giáo thông báo 50% học sinh sẽ học trực tuyến, 50% học trực tiếp, gia đình phần nào yên tâm hơn vì điều này sẽ đảm bảo việc giãn cách. Nhưng thực tế, 100% học sinh lớp con vẫn tới trường, tôi vô cùng băn khoăn vì điều này vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu có F0 trong trường học, học sinh và giáo viên sẽ bị giữ lại tại chỗ, việc ăn uống, sinh hoạt sẽ xử lý ra sao?", chị Hương nói.
Mặc dù rất mong các con được quay trở lại trường học để "giải phóng tâm lý kìm hãm ở nhà", "bớt đi việc tiếp xúc với các thiết bị điện tử, được giao tiếp với bạn bè, tương tác với thầy cô", nhưng theo chị Hương, nếu đi học giống như "bước vào một trận chiến như vậy", thì nên để các con được học tại nhà thêm một thời gian nữa.
"Đến khi các con tiêm đủ hai mũi, trường học chuẩn bị kỹ càng hơn về các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh đi học trở lại, lúc ấy tôi nghĩ, cho học sinh đến trường cũng chưa muộn".
Trường học sẵn sàng nhiều phương án
Em Phan Lê Hà Nhi (học sinh lớp 12 Trung, của Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam) cho hay, sáng nay dù đến trường nhưng thật sự em vẫn khá lo lắng, bởi mới chỉ tiêm một mũi vắc xin cách đây 2 tuần.
Hà Nhi nói bố mẹ em trăn trở đến mất ngủ. Bố mẹ cũng dặn đi dặn lại em khi đến lớp phải luôn tuân thủ thực hiện 5K.
Bố mẹ cũng chuẩn bị cho em giấy ướt để lau chùi các vật dụng, một bịch khẩu trang mới và một lọ xịt sát khuẩn để đảm bảo an toàn trước khi đến trường.
Trao đổi với VietNamNet sáng nay, bà Trần Thùy Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cho biết, trường chia 2 luồng để đón học sinh nhằm đảm bảo giãn cách phòng dịch. Một luồng dành cho các học sinh tự đi xe đạp, xe máy đến trường; luồng còn lại cho học sinh được phụ huynh đưa đến.
"Chúng tôi cũng chia các lớp theo phương án "phòng chẵn, phòng lẻ". Tức những lớp học ở phòng chẵn sẽ đi học vào các ngày Thứ Hai, Thứ Tư và Thứ Sáu và tương tự như vậy đối với các lớp còn lại. Như vậy sẽ đảm bảo sự giãn cách giữa các lớp".
Bà Dương cũng cho biết, qua nắm bắt, cũng có một số ít học sinh sáng nay chưa trở lại trường, bởi sự lo lắng của gia đình với tình hình dịch bệnh.
"Chúng tôi cũng rất thông cảm và chia sẻ với tâm trạng này của phụ huynh và học sinh. Đối với những học sinh chưa đến trường, nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kết nối màn hình trực tuyến song song với lớp học để các em có thể nắm bắt, đuổi kịp chương trình với các bạn trên lớp".
Học sinh được bố trí ngồi riêng 1 bàn tại Trường THPT Kim Liên
Theo ghi nhận của PV, nhiều trường học lắp thêm camera, wifi... để có thể dạy học song song trực tiếp và online. Đặc biệt, phải phân chia rất khoa học và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất với các giáo viên dạy nhiều khối lớp khác nhau, vừa dạy trực tiếp trên lớp với học sinh lớp 12, vừa dạy trực tuyến với học sinh lớp 10 và 11.
Lãnh đạo các trường phổ thông trên địa bàn khẳng định đã chuẩn bị tốt nhất với mọi phương án có thể để đón học sinh trở lại trường.
Theo hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Sở Y tế Hà Nội, trong trường hợp phát hiện F0, trường học sẽ tạm thời phong tỏa, lớp nào ở yên lớp đó. Tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học có F0 được coi là F1, cách ly ngay tại lớp
BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, không thể chắc chắn khi học sinh ở nhà sẽ không nhiễm bệnh.
"Tôi cho rằng nguy cơ lây nhiễm bệnh ở trường hay ở nhà là như nhau. Do đó, điều quan trọng không phải lo học sinh bị bệnh mà là khi có F0 xuất hiện trong trường, nhà trường đó cần xử lý như thế nào", ông Khanh nói.
Theo ông Khanh, việc phong tỏa trường học tạm thời sẽ không giải quyết được điều gì, thậm chí còn quá nguy hiểm cho trẻ vì sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm.
"Điều quan trọng là phải hướng dẫn học sinh cách phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo việc giãn cách. Và khi một em mắc bệnh, trường học cũng không nên rối lên. Nhà trường có thể dùng camera để theo dõi lịch trình, từ đó tách những trẻ tiếp xúc gần ra để xét nghiệm.
Còn nếu phong tỏa, vấn đề ăn uống, vệ sinh của học sinh sẽ giải quyết ra sao? Nếu làm vậy, thà đừng cho học sinh đi học. Cứ sự cố xảy ra lại 'nhốt' trẻ lại là không nên", BS Trương Hữu Khanh nói.
Clip: Doãn Hùng
Ảnh: Lê Anh Dũng
Huyện Mê Linh: Hơn 1.100 học sinh lớp 12 trở lại trường học Ngày 6/12, 6 cơ sở giáo dục THPT trên địa bàn huyện Mê Linh đã cho học sinh lớp 12 trở lại trường sau thời gian dài học tập trực tuyến để phòng, chống nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Ghi nhận trong sáng 6/12, toàn bộ 6/6 trường THPT trên địa bàn huyện Mê Linh đã đồng loạt đón học sinh...