Học sinh lớp 1 ở Yên Bái tập đọc nhanh hơn khi theo chương trình mới
Là địa phương miền núi phía Bắc, Yên Bái có tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số khá cao. Những tưởng trình độ học sinh không đồng đều cản trở việc tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng sau một học kỳ triển khai, kết quả đã vượt ngoài sự mong đợi.
Học sinh tự tin
Tôi đến trường Tiểu học Kim Đồng (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) khi cô và trò lớp 1C trong giờ thảo luận nhóm. Mỗi nhóm gồm 2 học sinh cùng bàn đặt câu hỏi với đoạn văn trong sách giáo khoa. Thấy có người lạ, học sinh chủ động đồng thanh chào. Cùng một vài học sinh tập đọc, tôi thấy các em đã đọc thông, viết thạo. Sách tập viết dành cho học sinh cũng có những địa danh địa phương gần gũi như: Mù Cang Chải, Văn Chấn…
Cô Phạm Ngọc Lan – người có 22 năm trong nghề- giáo viên chủ nhiệm cho biết: “Học sinh cả lớp đã đọc thông, đọc những đoạn văn dài. Đặc biệt, các em có khả năng nói lên suy nghĩ của mình, tự giác. Năng lực nổi trội nhất của học sinh khi học sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới chính là kỹ năng đọc viết, tự tin. Đây là sự khác biệt lớn nhất khi học sinh học theo chương trình mới”.
Cô Phạm Ngọc Lan đang giảng bài. Ảnh: Lê Vân.
Nhắc lại khoảng thời gian đầu tiên tiếp cận sách giáo khoa lớp 1, cô Phạm Ngọc Lan cho biết: “Lo lắng, áp lực, vất vả là có bởi lần đầu thực hiện chương trình mới. Bên ngoài xã hội nhiều ý kiến nói về các bộ sách khác nhau, phụ huynh kêu khó và sự đồ sộ của nội dung bài học. Câu hỏi làm sao để truyền tải cho học sinh hiểu một cách dễ dàng nhất luôn thường trực trong đầu tôi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, tổ chuyên môn liên tục tập hợp các “ca khó” để cùng nhau gỡ. Cuối cùng, cả cô và trò đều vượt qua. Giờ đây tôi rất tự tin về “sản phẩm” của mình”.
Mới đầu, một bài học tiếng Việt được thiết kế 4 phần trong 35 phút được xem là khá nặng. Cô Ngọc Lan cùng với những đồng nghiệp của mình tiếp tục họp nhóm đưa ra giải pháp kịp thời. Thông qua những tiết tăng cường buổi chiều, chia sẻ phương pháp đồng hành cùng con ở nhà với phụ huynh, cô và trò lớp 1 trường tiểu học Kim Đồng đã vượt qua giai đoạn khó khăn một cách ngoạn mục. “Hết học kỳ I, học sinh đã đọc thông viết thạo chỉ trong 18 tuần, trong khi chương trình cũ là 22 tuần học sinh mới đạt được các kỹ năng trên”, cô Phạm Ngọc Lan cho biết.
TP Yên Bái vẫn là vùng có điều kiện thuận lợi khi các trường tiểu học đều có cơ sở vật chất và phòng học thông minh để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đến những vùng khó khăn hơn mới thấy những nỗ lực của các thầy cô, ngành giáo dục của tỉnh về chương trình này.
Cô Đào Thị Mận cùng học sinh đọc bài. Ảnh: Lê Vân
Tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số là 69,5%. Trình độ học sinh không đồng đều, học sinh mới đi học vẫn chưa sõi tiếng Việt cũng khiến các thầy cô giáo lo lắng. Tuy nhiên, khi tôi được tham gia trải nghiệm tiết học đọc của học sinh lớp 1A1 của trường mới ngạc nhiên khi học sinh đã đọc trơn được. Đồng thời, học sinh khá hào hứng khi tương tác cùng nhau, cùng cô giáo với khuôn hình trên máy chiếu. Đây cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới khi hết học kỳ I.
Cô Đào Thị Mận, giáo viên lớp 11A1 cho biết: “Chúng tôi cũng không áp dụng phương pháp gì đặc biệt, ngoài sự nhiệt tình. Học sinh học bán trú, cuối tuần mới trở về nhà, vì thế, mỗi ngày chúng tôi dành 1 tiếng sau giờ học để tổ chức hoạt động học cùng các con. Với những chính sách về bán trú của tỉnh tốt hơn trước nên tỷ lệ đi học chuyên cần của học sinh đạt 100%, rất thuận tiện cho việc giảng dạy. Mặt khác, khi giáo viên gặp khó khăn, chúng tôi được khuyến khích chia sẻ để lãnh đạo Sở, phòng GD&ĐT cùng tháo gỡ. Những lớp học chuyên môn kịp thời giúp chung tôi tự tin đồng hành với học sinh vùng khó”.
“Một điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới chính là giáo viên được chủ động chuyên môn. Tôi thường xuyên thiết kế bài học theo hình thức trải nghiệm, tương tác, vì vậy học sinh đã tự tin hơn trước”, cô Đào Thị Mận cho biết. Quả vậy, ở một số lớp học của trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp, nhiều em tỏ ra tự tin khi đọc trơn từng từ, từng câu. Theo thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, đây cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới và kết quả đạt được vượt ngoài sự mong đợi khi bắt đầu triển khai.
Khó đến đâu gỡ kịp thời đến đó
Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp trải lòng: Tất cả những gì mới, ban đầu đều có những khó khăn nhất định. Xác định đội ngũ giáo viên chính là khâu then chốt để thành công chương trình giáo dục phổ thông mới nên nhà trường đã chọn những giáo viên có chuyên môn, đủ sự nhiệt tình nhất. Về cơ sở vật chất, mặc dù là vùng khó khăn nhưng nhờ Đề án sắp xếp trường lớp của tỉnh mà trường đã không gặp phải khó khăn khi còn điểm trường lẻ như trước kia”.
Thừa nhận ban đầu giáo viên có những lúng túng khi triển khai, thầy Đinh Tiến Dũng cho biết: “Chúng tôi luôn khuyến khích giáo viên họp nhóm nêu lên những khó khăn khi thực hiện. Rất may, phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Yên mở nhiều hội thảo, hội nghị chuyên đề đề tháo gỡ cho giáo viên. Từ đó, những công văn, hướng dẫn của Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT huyện đến được với từng giáo viên”.
Video học sinh lớp 1 trường Phổ thông dân tộc bán trú Lang Thíp (huyện Văn Yên, Yên Bái) đọc bài:
Về hoạt động trải nghiệm, nếu như học sinh TP Yên Bái được đi thăm bảo tàng thì học sinh ở vùng khó được trồng rau, nuôi bò. Thầy Đinh Tiến Dũng cho biết: “Trường có một mảnh đất đối diện trường để chính học sinh bán trú tăng gia, nuôi bò. Dạy học sinh rau gì, trồng như thế nào cũng là yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, sản phẩm chính học sinh sử dụng cũng rất thiết thực và ý nghĩa”.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái khẳng định: “Có thể nói, Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện đúng lộ trình đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, cơ quan chuyên môn Sở GD&ĐT đã phối hợp với địa phương rà soát các điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học, ưu tiên phòng tốt nhất cho học sinh lớp 1. Đến thời điểm đầu năm học khi triển khai, phòng học đúng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Một số địa bàn còn có điều kiện dành những phòng học tiên tiến, phòng học thông minh để học sinh lớp 1 học”.
Xác định đội ngũ giáo viên chính là khâu then chốt để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Đào Anh Tuấn cho biết: “Tập huấn giáo viên là một khâu rất quan trọng. Bên cạnh việc tập huấn giáo viên theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là trực tuyến và trực tiếp thì Sở cũng tham mưu với tỉnh uỷ có nguồn kinh phí cho địa phương tập huấn trực tiếp. Chúng tôi đã giao cho phòng tiểu học chỉ đạo tổ cốt cán chuyên môn tỉnh, xây dựng bài tiết dạy phù hợp với đặc điểm vùng miền các địa phương Yên Bái. Đồng thời, quay clip đưa cho các giáo viên thảo luận trong tiết tập huấn”. Để đồng hành với giáo viên toàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT thường xuyên giao nhiệm vụ cán bộ chuyên môn và tổ giáo viên cốt cán cấp huyện kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ những khó khăn mà giáo viên gặp phải”.
“Chúng tôi tổ chức 2 đợt đi nắm bắt và hỗ trợ chuyên môn, giảm áp lực về mặt tâm lý cho giáo viên dạy lớp 1. Không đặt vấn đề kiểm tra đánh giá mà chỉ là nắm bắt khó khăn giáo viên. Tất cả những khó khăn của giáo viên đều được tập hợp lại tổ chức sinh hoạt chuyên môn bằng hình thức trực tuyến đến 100% giáo viên dạy lớp 1″, ông Đào Anh Tuấn cho biết.
Như vậy, với sự đồng hành kịp thời của các cấp, ngành, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại Yên Bái đã thực sự đi vào thực chất. Đồng thời, đạt được những hiệu quả mà chương trình đề ra như tiến độ và năng lực tự tin của học sinh.
Luồng gió mát từ triển khai chương trình mới ở Hưng Yên, Phú Thọ
Từ khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên được sáng tạo, năng động hơn, linh hoạt đổi vị trí nội dung trong bài giảng nếu thấy phù hợp.
Theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sau khi lắng nghe chia sẻ của một số giáo viên đang giảng dạy lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới thì do những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đã được chẻ nhỏ ra thành các năng lực đặc thù, điều này đã tạo thuận tiện cho giáo viên để bám vào đó thúc đẩy học sinh.
Sau một học kỳ các em mạnh dạn, tự tin rất nhiều, đặc biệt qua qua những tiết học trải nghiệm được lồng ghép vào các môn học giúp thầy cô phát hiện ra năng lực và tạo điều kiện học sinh phát triển năng lực.
Đánh giá về học kỳ 1 vừa qua đối với học sinh lớp 1, Phó giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hưng Yên - Phan Xuân Quyết cho hay: "Để quán triệt tinh thần đổi mới thì nhiều năm qua Hưng Yên dù khi vẫn đang học chương trình cũ thì địa phương đã có những động thái chuẩn bị sẵn sàng cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo tinh thần đó nên khi thực hiện chương trình mới thì yêu cầu dạy học, các yêu cầu đổi mới triển khai rất nghiêm túc và có hiệu quả".
Giáo viên đánh giá, sau một học kỳ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh tự tin, mạnh dạn hơn hẳn (ảnh: Thùy Linh)
Cô Quyên - giáo viên chủ nhiệm lớp 1A6, Trường Tiểu học Trần Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên cho biết, nếu trước đây mỗi giờ chào cờ hoàn toàn là nhiệm vụ của Đội trong đó theo truyền thống là có Chào cờ, cô tổng phụ trách tổng kết tuần vừa qua, cô hiệu trưởng phát biểu kế hoạch cho tuần tới nhưng từ khi chương trình giáo dục phổ thông mới có môn trải nghiệm thì giờ chào cờ đã có sự thay đổi.
Học sinh giờ đây không còn phải ngồi nghe nữa mà mỗi tuần có một chủ điểm khác nhau nên các em được tham gia rất nhiều kỹ năng như hát múa, nhảy, trả lời nhiều câu hỏi và tìm hiểu thêm về nhiều kỹ năng sống như an toàn giao thông cùng với các diễn giả giúp học sinh năng động, chủ động hơn rất nhiều.
"Ban đầu các em rất nhút nhát nhưng qua 18 tuần hoạt động thì sang tuần 19 trong ngày hội đọc sách của trường đã có học sinh lớp 1 chủ động đặt câu hỏi cho nhà thơ Trần Đăng Khoa.
Điều này giúp cho không chỉ lớp 1 mà các em học sinh lớp khác đều được tham gia giờ trải nghiệm thật hứng thú. Nếu trước đây mỗi tiết chào cờ các em ngồi ở dưới không biết bao giờ thầy cô mới nói xong để vào lớp thì giờ đây các em thấy tiết học trải nghiệm trôi qua rất nhanh", cô Quyên chia sẻ.
Trong khi đó, theo cô Tú Uyên - giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên nếu trước đây giáo viên phải dạy theo quy trình cũ, cứng nhắc theo một mô-tuýp thì từ khi dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới giáo viên được sáng tạo, năng động hơn, linh hoạt đổi vị trí nội dung trong bài giảng nếu thấy phù hợp.
"Thực hiện chương trình hoàn toàn mới buộc giáo viên phải bắt đầu từ đầu kể cả từ việc soạn giáo án, kế hoạch bài giảng, tuy nhiên chương trình có học liệu mở đây là nguồn tài nguyên rất nhiều, phong phú nên chúng tôi có thể tự khai thác để bổ sung những gì cần. Chính điều này khiến giáo viên dù vất hơn nhưng học được nhiều hơn, tự tin năng động hơn, dám đổi mới".
Còn tại Phú Thọ, cô Trần Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thọ Sơn (Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) cho hay, đến thời điểm này, mặt bằng chung học sinh lớp 1 của trường đọc tốt hơn, đặc biệt viết được chữ cỡ nhỏ. Đây là sự tiến bộ vượt bậc so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, khả năng tính toán và tư duy logic cũng phát triển, nhanh nhẹn hơn.
"Theo thiết kế của chương trình trước đây, đến thời điểm này, các học sinh lớp 1 mới chỉ viết chữ lớn (cỡ 2 ly). Nhưng năm nay, chương trình phổ thông mới được thiết kế giúp cho học sinh tiếp cận sớm với chữ cỡ nhỏ. Kết thúc học kỳ 1, hầu hết các học sinh của trường đã có thể viết chữ cỡ nhỏ (1 ly) với độ khó cao hơn", cô Nguyệt nói.
Các giáo viên sau một thời gian dạy chương trình mới đã thực sự có cảm hứng khi học sinh tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, sự tương tác liên tục với cô và bè bạn.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, qua đánh giá thì ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các em còn cho thấy tự tin hơn nhiều so với trước đây (ảnh: Thanh Hùng)
Đánh giá về hiệu quả tại địa phương mình, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ - Nguyễn Thị Thu Huyền cho rằng qua một học kỳ thực hiện chương trình phổ thông mới, đặc biệt qua hội thi giáo viên dạy giỏi của bậc tiểu học mà Sở tổ chức trong tháng 1/2021 vừa qua, phải đánh giá rằng các thầy cô thực sự sáng tạo, hoàn toàn chủ động, linh hoạt về phương pháp tổ chức hình thức dạy học.
"Ở hội thi, chúng tôi cho các thầy cô đăng ký khối lớp để dạy, nhưng thật bất ngờ số giáo viên đăng ký dạy chương trình khối lớp 1 năm nay lại đông nhất và nhiều hơn hẳn so với các khối lớp khác.
Còn đối với học sinh, qua đánh giá thì ngoài đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, các em còn cho thấy tự tin hơn nhiều so với trước đây. Theo phản hồi của các giáo viên, việc này cũng giúp phát triển được các phẩm chất và năng lực của các em một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài học sinh chậm hơn so với các bạn khác trong lớp. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường phân loại nhóm này để có kế hoạch, biện pháp theo dõi, giúp đỡ các em hàng ngày trong quá trình học tập trên lớp", Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ chia sẻ.
Sau học kỳ đầu tiên đổi mới chương trình lớp 1: Vẫn nỗi lo thiếu giáo viên Học sinh lớp 1 năm đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới vừa đi qua một học kỳ. Ghi nhận của các địa phương cho thấy, cả kỳ vọng và nỗi lo đều tập trung vào đội ngũ giáo viên. Giáo viên dạy lớp 1 Trường tiểu học Bích Sơn (H.Việt Yên, Bắc Giang) - ẢNH: TUYẾT MAI Trong đó,...