Học sinh hưởng lợi khi trường chuyển đổi hướng nghiệp trực tuyến
Hoạt động hướng nghiệp được các trường THPT tại TP.HCM chuyển đổi sang hình thức trực tuyến đã mang lại sự thích thú, hào hứng cho học sinh.
Talk show với cựu học sinh
Học sinh được thụ hưởng nhiều khi các trường chuyển đổi hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến
“Hành trình chinh phục ước mơ” là talk show hướng nghiệp trực tuyến do Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) tổ chức. Talk show là chuỗi hoạt động gặp gỡ, làm quen, tìm hiểu ngành nghề, định hướng nghề nghiệp tương lai cho học sinh, với sự góp mặt của các cựu học sinh.
Số phát sóng đầu tiên với tên gọi “Truyền lửa đam mê”, talk show đã để lại dư vị hết sức ấn tượng, tác động mạnh đến học sinh nhà trường. Đó là câu chuyện của giảng viên Nguyễn Trần Sơn Lâm (Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Văn Lang, TP.HCM). Bằng quyết tâm và đam mê, ông Lâm đã chinh phục được ước mơ theo đuổi ngành kiến trúc khi vừa học vừa làm thêm để tốt nghiệp thạc sĩ tại ĐH Deakin (Melbourne, Úc).
Câu chuyện về hành trình theo đuổi đam mê của cựu học sinh Nguyễn Hữu Bình, cán bộ trẻ tiêu biểu Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM lại truyền cho học sinh kinh nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp. Chia sẻ đến học sinh, ông Bình cho biết, thực tế nhiều học sinh phổ thông khi lựa chọn nghề nghiệp luôn tưởng rằng mình đã biết đủ về ngành lựa chọn. Thế nhưng, chỉ một số rất ít bỏ thời gian tìm hiểu sâu về ngành học đó.”Sự hời hợt này dẫn đến tình trạng nhiều em… vỡ mộng khi bước chân vào giảng đường đại học, ngay cả khi đó là ngành học mình rất yêu thích”.
Video đang HOT
Với talk show “Hành trình chinh phục ước mơ”, cô Bùi Minh Tâm (Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh) đánh giá, đây là sự chuyển đổi cách thức hướng nghiệp cho học sinh khi dạy và học online hiện nay. Qua câu chuyện thực tế của những anh chị đi trước đã phấn đấu, gắn bó và thành công với nghề, cô Tâm kỳ vọng sự chuyển đổi sẽ là “làn gió mới” giúp học sinh thay đổi cách nhìn nhận, tiếp cận, định hướng về ngành nghề, theo đuổi đam mê. Phương thức hướng nghiệp này còn là sự kết nối các thế hệ học sinh nhà trường, tạo ra hệ sinh thái hướng nghiệp hiệu quả, giúp học sinh chọn đúng ngành nghề, không vỡ mộng khi bước vào trường đại học.
“Sẽ không còn là những lý thuyết hướng nghiệp suông. Mỗi câu chuyện được chia sẻ học sinh có thể nhìn thấy ở ngay bản thân mình. Từ chuyện nuôi dưỡng ước mơ, dung hòa giữa sở thích bản thân và mong muốn của ba mẹ, cho đến chuyện chọn ngành nghề phù hợp…”, cô Tâm đánh giá.
Ngồi tại nhà tham quan trường đại học
Năm học này, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP. Thủ Đức) sử dụng trang fanpage của trường để đăng tải các thông tin về hướng nghiệp. Chuỗi chương trình hướng nghiệp của trường được xây dựng theo hình thức trực tuyến với từng khối ngành, nhóm ngành như Kiến trúc – Mỹ thuật; CNTT; Sức khoẻ; Kỹ thuật; Kinh tế – Tài chính – Ngân hàng; Luật; Ngôn ngữ – Văn hoá quốc tế; Khoa học xã hội và nhân văn… Bằng việc thiết kế các tour hướng nghiệp tại gia, học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào chỉ cần ngồi tại nhà tham quan, trải nghiệm về ngành nghề và các trường đại học.
Tương tự, “MIC RUBIK” được xem là một trong những hoạt động mở màn cho chuỗi sự kiện hướng nghiệp trải nghiệm của học sinh được Trường THPT Gia Định (Q. Bình Thạnh) tổ chức trong năm học này. Sự kiện được tổ chức theo hình thức trực tuyến, là sân chơi để những học sinh có đam mê, yêu thích công việc biên tập viên, dẫn chương trình được thử sức, làm quen, trải nghiệm.
Vẫn với hình thức trực tuyến, các trường THPT còn tăng cường tính kết nối của giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn hướng nghiệp, kịp thời gỡ rối băn khoăn về ngành nghề cho học sinh. “Trên không gian mạng, giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận với từng học sinh qua zalo, facebook, email, tin nhắn… Tuy vậy, để các em cởi mở, chia sẻ, tâm tình, trước hết giáo viên phải tạo được niềm tin trong học sinh, có như thế mới phát huy tối đa hiệu của việc hướng nghiệp trực tuyến”, hiệu trưởng một trường THPT Q.5 bày tỏ.
Trong khi đó, nhìn nhận về việc chuyển đổi hình thức hướng nghiệp sang hình thức trực tuyến, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) khẳng định: “Nếu không thay đổi, chính học sinh sẽ thiệt thòi”!
Hiệu trường này cho rằng khi dạy và học bằng hình thức trực tuyến, các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng cần phải thay đổi theo. Thậm chí còn phải làm cho sinh động, mới lạ hơn để tạo “sức hút”, thu hút học sinh trên môi trường mạng.
“Cái khó khi tổ chức hướng nghiệp trực tuyến là làm thế nào phải thực sự đổi mới cách tiếp cận. Không thể nào bê nguyên xi những khuôn mẫu khi hướng nghiệp trực tiếp để đưa vào trực tuyến. Nếu nhà trường biết tận dụng, khai thác các nguồn tài nguyên từ con người đến công nghệ thì kết quả mang lại sinh động, hiệu quả”, thầy Huỳnh Thanh Phú nói.
Kiểm tra giữa kỳ bằng hình thức trực tuyến: Đặt niềm tin vào sự tự giác, trung thực của học sinh
Dịch bệnh khiến học sinh nhiều tỉnh, thành trên cả nước phải học tập trực tuyến từ đầu năm học 2021-2022. Vì vậy, việc tổ chức kiểm tra đánh giá giữa kỳ từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 cũng đang được thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
Việc tổ chức kỳ kiểm tra được thực hiện trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo sự thoải mái, tự tin cho học sinh Ảnh minh họa
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) tổ chức kiểm tra trực tuyến giữa kỳ I trên ứng dụng Microsoft Team. Để đảm bảo tính khách quan, nhà trường yêu cầu học sinh và giám thị đều phải mở camera trong suốt thời gian làm bài, trong đó khuyến khích học sinh sử dụng hai thiết bị, một để nhận đề, scan bài làm và một để bật camera cho giám thị quan sát. Trong quá trình làm bài, học sinh không được nhận các cuộc gọi từ bên ngoài, không tự ý rời vị trí.
Trước kỳ kiểm tra, trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn học sinh các quy định và làm quen thao tác kiểm tra trực tuyến. Sau đó, học sinh viết tay một bản cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định khi tham gia làm bài. Mẫu bản cam kết được chụp và gửi lên phần mềm thi và nhà trường sẽ lưu làm mẫu chữ viết của học sinh.
Còn tại Trường Trung học Cơ sở Cù Chính Lan (quận Bình Thạnh, TP.HCM), việc kiểm tra giữa kỳ được thực hiện từ đầu tháng 11. Thầy Phạm Thái Hồ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trường triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo tính công bằng minh bạch nhất có thể.
Cụ thể, giáo viên theo dõi học sinh làm bài trực tuyến bằng phần mềm Google Meet; học sinh nộp bài qua Google Form, Azota.vn hoặc hệ thống LMS, tùy thuộc vào phương tiện, đường truyền học sinh sử dụng. Còn bài làm viết tay học sinh sẽ lưu giữ lại để nộp giáo viên kiểm tra.
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, nhiều trường cũng linh hoạt hình thức kiểm tra giữa kỳ nhằm giảm áp lực cho học sinh. Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM) cho biết, chủ trương của trường là kiểm tra giữa kỳ theo hướng mở. Lịch kiểm tra giữa kỳ được thực hiện từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 và giáo viên sẽ quyết định hình thức thực hiện với môn của mình.
Thực tế có rất nhiều cách ra đề kiểm tra vừa đánh giá quá trình học tập của học sinh một cách khách quan cũng vừa đánh giá tính trung thực của các em. Giáo viên có thể giao dự án cho từng nhóm, có phân chia trách nhiệm rõ ràng cho từng thành viên để nhóm thực hiện; hay giao cho nhóm học sinh thực hiện một số sản phẩm gần gũi với cuộc sống có liên quan, ứng dụng kiến thức được học trên lớp.
Thầy cô có thể ra đề mở để học sinh tự tìm đọc từ các nguồn tài liệu trên Internet. Những cách ra đề này sẽ phát huy tính sáng tạo của học sinh, đồng thời rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng cần thiết chứ không đơn thuần là kiểm tra kiến thức.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM) cho rằng, trong quá trình tổ chức kiểm tra, trường không quá đặt nặng các giải pháp kỹ thuật để giám sát học sinh mà luôn đặt niềm tin vào sự tự giác, trung thực của các em.
Việc tổ chức kỳ kiểm tra cũng được thực hiện trên tinh thần nhẹ nhàng, tạo sự thoải mái, tự tin cho học sinh. Trường tổ chức kiểm tra giữa kỳ trong 2 tuần đầu tháng 11 theo hình thức trực tuyến, qua hệ thống LMS, bằng hình thức trắc nghiệm và tự luận tùy từng môn.
Về việc thực hiện kế hoạch giáo dục trực tuyến, đầu năm học Sở GD&ĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường xây dựng, bổ sung tiêu chí, hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh khi học trực tuyến vào quy chế kiểm tra, đánh giá của trường.
Khi thực hiện kiểm tra định kỳ bằng hình thức trực tuyến, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định lựa chọn hình thức kiểm tra, đánh giá bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực. Nhà trường cần xây dựng thành quy trình và đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Học sinh TP.HCM dự kiến trở lại trường trong tháng 12: Thích nghi với bình thường mới Trước thông tin học sinh TP.HCM có thể trở lại trường vào tháng 12 tới, cả giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong chờ, chuẩn bị sẵn các tình huống nếu được đi học trực tiếp. Không thể kéo dài học trực tuyến mãi! Với đề xuất mà Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng cho học sinh (HS) đi học trực tiếp...