Học online – Hiệu quả và bất cập
Hầu hết học sinh cả nước đã quay trở lại trường học. Trong gần 1 tháng nghỉ học, các địa phương vẫn duy trì việc học online tuy nhiên, vẫn còn những bất cập còn tồn tại.
Hải Phòng dừng dạy online với học sinh lớp 1, 2
Ngày 1/3, hầu hết các tỉnh thành phố trên cả nước đã cho học sinh đi học trở lại. Trên mạng xã hội, nhiều vị phụ huynh nói vui với nhau là bây giờ họ mới thực sự được nghỉ Tết, 1/3 là ngày giải phóng các phụ huynh. Bởi vì trẻ nghỉ đồng nghĩa bố mẹ sẽ bận bịu hơn rất nhiều, từ việc ăn việc ngủ rồi đến cả việc chơi của các con, việc nào cũng đến tay và quan trọng nhất là đồng hành cùng với con trong các giờ học online.
Dù việc học online đã từng được triển khai rộng rãi từ đợt giãn cách xã hội năm 2020 nhưng đến tận bây giờ, hiệu quả của nó vẫn còn là một vấn đề cần bàn luận.
Vì sao thành phố Hải Phòng lại tạm dừng học online với học sinh lớp 1,2 và không dạy kiến thức mới qua học online đối với học sinh lớp 3,4,5?
Qua kiểm tra, học sinh khối lớp 1, 2 chưa được học căn bản, chưa có nền tảng về công nghệ thông tin, nhiều nguy cơ chập cháy điện khi các cháu sử dụng máy mà không có bố mẹ. Ở các vùng ngoại thành, tỷ lệ học sinh không có đủ thiết bị chiếm 20-30%.
Ngoài ra, một số khó khăn khác như các cháu còn quá nhỏ, không có khả năng sử dụng các thiết bị điện thoại, máy tính hay phụ huynh bận đi làm không ai kiểm soát được việc học của con cái.
Hải Phòng đã quyết định dừng việc dạy học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 và không dạy kiến thức mới bằng hình thức này với học sinh khối 3, 4, 5.
Có phụ huynh cho rằng quyết định này phù hợp và rất đúng đắn bởi thấu hiểu được điều kiện, hoàn cảnh của các bậc phụ huynh, nhất là những người phải đi làm không có điều kiện kèm cặp và hướng dẫn con.
Lãnh đạo Sở giáo dục đào tạo Hải Phòng khăng định không học online không có nghĩa là dừng hẳn việc học.
Thay vào đó, đối với lứa tuổi lớp 1, lớp 2, các thầy cô gửi bài tập, clip cho phụ huynh, bố mẹ lựa thời điểm thích hợp nhất của từng gia đình để hướng dẫn con và bố mẹ trả bài giúp các con qua zalo, facebook, email. Đối với học sinh lớp 3,4, 5, các em được cấp tài khoản và mở các lớp ôn tập trực tuyến theo thời khóa biểu các cô giáo đã thống nhất với các bậc phụ huynh. Một số phụ huynh không có điều kiện về công nghệ thông tin thì đến trường nhận bài và trả bài tại trường.
Quan điểm của ngành giáo dục Hải Phòng là hết sức bình tĩnh, tránh cách làm không hiệu quả.
Nhiều trường còn cứng nhắc khi dạy học online
Với một địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội phát triển như Hải Phòng mà phụ huynh, học sinh còn gặp các vấn đề về kết nối, trang thiết bị… thì ở các địa phương còn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có lẽ cô trò còn vất vả hơn rất nhiều.
Vậy ngoài lý do về kỹ thuật, độ tuổi học sinh còn lý do nào khác khiến cho những giờ học online chưa thực sự hiệu quả? Theo chuyên gia giáo dục, PGS, TS Chu Cẩm Thơ, nhiều trường học, thầy cô cho biết họ đã rất chủ động cho việc thay đổi nhưng phải chờ các hướng dẫn, phê duyệt chương trình từ cấp trên.
Có những trường khi dạy học online, ngay cả với học sinh lớp 1 vẫn giữ nguyên thời khóa biểu và giờ học như bình thường với quan điểm phải giữ nguyên để các em chấp nhận việc học trong mọi hoàn cảnh.
Những thay đổi để học online hiệu quả
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học online chưa thực sự hiệu quả, thậm chí còn gây áp lực đối với thầy cô giáo và học sinh, phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân có lẽ không phải do một cá nhân nào bởi chỉ riêng cách thức học online nó đã mang những hạn chế. Trong đó, hạn chế nhất là cô trò không thể tương tác trực tiếp với nhau, không có nhiều thời gian dành cho nhau.
Nhưng cũng chính từ những khó khăn thử thách ấy, chúng ta sẽ càng phải cố gắng hơn, có những sự đổi mới, sáng tạo cho phù hợp với tình hình thực tế.
Học online là giải pháp tối ưu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sự chủ động thích ứng của các nhà trường, giáo viên sẽ biến những mệt mỏi, nhược điểm của việc học qua những chiếc máy tính trở nên vui vẻ, hào hứng.
Mặc dù hầu hết học sinh đã quay trở lại trường học, nhưng câu chuyện học online vẫn là đề tài cần bàn tới. Bởi khi dịch bệnh còn chưa được khống chế hoàn toàn, rất có thể, một lúc nào đó, các trường học sẽ lại tiếp tục hình thức học này, dù đó là điều không ai mong muốn. Những kết quả tốt và cả những bất cập trong các đợt học online vừa rồi sẽ là những kinh nghiệm quý giá để các trường học tổ chức việc học online hiệu quả hơn.
Đằng sau 'điều kì diệu' về học online ở Việt Nam
Còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để dạy học trực tuyến trở thành phương thức giáo dục chính thức và phát huy được thế mạnh của nó. Trong đó, thách thức lớn nhất chính là chuyển đổi "kĩ năng số" cho giáo viên, nhà quản lý...
Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch Covid-19 xảy ra lần thứ nhất, hầu hết trường phổ thông ở Việt Nam đã tiến hành dạy học trực tuyến.
Đây là một điều kì diệu được thực hiện trong một thời gian ngắn. Nó chứng tỏ giáo viên và cộng đồng xã hội Việt Nam rất nhanh thích ứng với công nghệ.
Một nhóm đồng nghiệp của tôi công bố kết quả nghiên cứu thực tiễn dạy học online ở mùa Covid năm 2020 cho thấy, không ít các nhà trường bê chương trình, nội dung dạy trực tiếp lên dạy học trực tuyến.
Ví dụ với môn thể dục, không nhiều giờ học được hướng dẫn hoặc nhà trường bảo đảm rằng "thể dục" là cần thiết. Các giáo viên chưa biến đổi "nội dung" cho phù hợp với không gian nhỏ, hạn chế tiếng ồn và dụng cụ học tập. Trong khi có rất nhiều hình thức, bài tập, tài nguyên hướng dẫn vận động hữu ích trên mạng internet.
Chúng tôi cũng thấy không nhiều giáo viên lịch sử, địa lí, sinh học, ... biết sưu tầm những bảo tàng "ảo" để cho giờ học trở nên hấp dẫn ...
Sự thay đổi của người dạy, người học
Dạy học trực tuyến có thể được hiểu: "... là việc sử dụng công nghệ, internet để tạo ra trải nghiệm học tập". Các nghiên cứu cho thấy ba lĩnh vực được coi là thay đổi khi các khóa học được đưa lên mạng: (1) hỗ trợ giảng dạy và tinh thần cho học sinh, (2) những kỳ vọng liên quan đến việc biên soạn các khóa học trực tuyến trong khi vẫn duy trì khối lượng giảng dạy đầy đủ, (3) yêu cầu cung cấp hỗ trợ công nghệ thường xuyên cho học sinh và phụ huynh.
Chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho chương trình, nội dung dạy học trực tuyến cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực "số" để thực thi?
Môi trường học trực tuyến khác với lớp học truyền thống. Trong giáo dục trực tuyến, sự tương tác giữa học sinh và giáo viên đã được thay đổi từ hướng dẫn đồng bộ trực tiếp sang một cộng đồng ảo không đồng bộ.
Người học trực tuyến phải có trách nhiệm hơn, tự chủ, tự học hơn để thích nghi với môi trường mới, thích nghi với bối cảnh mới, biết tổng hợp ý tưởng, biết cách tham gia, tổng hợp ý tưởng, áp dụng ý tưởng hoặc khái niệm, và kích thích sự tò mò của bản thân, nên "trung thực"; nên sẵn sàng chịu "trách nhiệm" đối với việc hình thành cộng đồng trực tuyến; và nên sẵn sàng làm việc "cộng tác".
Công nghệ, với tư cách là phương tiện trung gian hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy, vì vậy giáo viên phải được đào tạo "không chỉ để sử dụng công nghệ mà còn phải thay đổi cách thức tổ chức và cung cấp tài liệu".
Vì thế, sự chuẩn bị của giáo viên cho dạy học trực tuyến không hề được xem nhẹ, nó còn đòi hỏi sự nghiên cứu rất công phu để chuyển thể nội dung trực tuyến và đặc điểm người học - những thứ rất khó trong điều kiện thiếu vắng những giao tiếp trực tiếp.
Không thể dùng bài giảng truyền thống để dạy online
Chúng ta chưa có sự đầu tư thích đáng cho chương trình, nội dung dạy học trực tuyến cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực "số" để thực thi.
Một khảo sát của chúng tôi cho thấy: các giáo viên tham gia dạy học trực tuyến cho biết chưa thực sự hài lòng với chất lượng giảng dạy của mình. Hầu hết giáo viên đã soạn bài giảng ở file word và trình chiếu trực tiếp file word này trong khi dạy hoặc người soạn dạng văn bản kết hợp chuyển sang power point, không nhiều người biết người sử dụng phần mềm chuyên sâu để tăng sự tương tác, minh họa cho bài học.
Không có giáo viên nào xây dựng bài giảng dạng chương trình hóa, phân hóa. Một số ít giáo viên sử dụng được các phần mềm test nhanh để kiểm tra học sinh. Họ cho biết: Chưa có phần mềm hỗ trợ chuyển hóa nội dung, quản lí việc học, việc dạy của giáo viên và học sinh; Chưa có yêu cầu, hướng dẫn về tiêu chí nội dung nên giáo viên chưa có căn cứ thực hiện; Các giáo viên cũng cho biết, họ đang cố gắng học cách sử dụng một phần mềm dạy học trực tuyến vì thấy rằng mình chưa thành thạo kĩ năng dạy học này.
Họ cho rằng, cần thiết có phần mềm hỗ trợ chuyển hóa bài giảng từ dạng truyền thống sang trực tuyến, vì không thể sử dụng 100% bài tập, câu hỏi truyền thống cho dạy học trực tuyến.
Dạy học trực tuyến cần có câu hỏi trắc nghiệm (đa dạng chứ không phải chỉ có dạng 4 phương án, có một phương án đúng), cần có tích hợp phần mềm để người học thể hiện kĩ năng toán học như vẽ đồ thị, vẽ hình,... Các giáo viên đồng ý rằng nếu có phần mềm giúp tương tác, quản lí được việc học từ đánh giá chẩn đoán đến hướng dẫn học, đánh giá quá trình thì mới đảm bảo được chất lượng học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó, thời khóa biểu cho học trực tuyến cũng chưa phù hợp. Việc thiếu tự chủ trong điều chỉnh kế hoạch dạy học của các nhà trường là một thực tiễn. Dẫn đến, học sinh phải học trực tuyến quá nhiều, có những trường giữ nguyên thời lượng 4- 5 tiết/ buổi mà không có sự sắp xếp hợp lí để đảm bảo sức khỏe thể chất và thư giãn cho người học.
Thách thức chuyển đổi "kỹ năng số"
Cần đầu tư để xây dựng hệ sinh thái số, mà nội dung, chương trình học tập số như là một hạ tầng thiết yếu.
Các nghiên cứu khoa học đều khuyến nghị rằng các nội dung dạy học trực tuyến cần được thiết kế theo định hướng chương trình hóa, mà tốt nhất là chương trình phân nhánh, có sự phân hóa tốt đối với khả năng tiếp thu, phong cách học tập của người học. Bên cạnh đó, nội dung trong một liều kiến thức cũng cần có dung lượng phù hợp. Tùy vào đối tượng học tập mà dung lượng này được thay đổi.
Tuy nhiên, không nên quá 15 phút tương tác trên máy đối với một liều và quá 90 phút cho một buổi học trực tuyến. Đối với nội dung dạy học trực tuyến, cần thiết có phần mềm chuyển hóa nội dung từ trực tiếp sang trực tuyến, để đảm bảo rằng không có tình trạng nội dung học trực tuyến giống nội dung học trực tiếp.
Phần mềm cũng giúp minh họa nội dung học, hướng dẫn học, đánh giá chẩn đoán, đánh giá quá trình học cũng như tăng sự tương tác trong học tập, giúp học tập linh hoạt theo không gian và thời gian.
Như vậy, còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để dạy học trực tuyến trở thành phương thức giáo dục chính thức và phát huy được thế mạnh của nó.
Trong đó, thách thức lớn nhất chính là chuyển đổi "kĩ năng số" cho những người thực thi bao gồm cả nhà quản lí, giáo viên, ... Cùng đó, chúng ta cần đầu tư để xây dựng hệ sinh thái số, mà nội dung, chương trình học tập số như là một hạ tầng thiết yếu, để người dạy và người học có thể khai thác cơ bản cho việc học tập.
Về kĩ thuật, cần đảm bảo rằng cơ sở vật chất, hạ tầng thiết bị và đường truyền internet, phần mềm học tập được trang bị, hỗ trợ đầy đủ, ổn định.
Về chuyên môn, giáo viên cần được tập huấn về dạy học chương trình hóa, phân hóa trong thiết kế nội dung, đồng thời tương thích với phần mềm dạy học, cung cấp, khai thác, tích hợp với tài nguyên trên mạng internet hợp lí.
Về quản lí, cần có phần mềm quản lí hệ thống tích hợp với phần mềm môn học để có thể đánh giá quá trình học tập, quản lí giảng dạy. Giúp việc học có thể được triển khai theo nhiều cấp độ: học với máy, học có hướng dẫn của giáo viên, học trong xã hội học tập, ...
Chỉ khi có sự chuẩn bị tốt, nội dung dạy học đạt được những yêu cầu thì dạy học trực tuyến mới đảm bảo chất lượng, hiệu quả học tập; đồng thời đó là điều kiện để xác thực, chính thức hóa việc học tập này.
Học sinh Hà Nội: Đến trường rất vui, nhưng nghỉ lâu "lỡ" quên tên vài bạn Ngày đầu tiên đến lớp sau "kỳ nghỉ Tết dài gần 30 ngày" của học sinh Hà Nội, tất cả thầy và trò đều tỏ ra hào hứng khi gặp lại nhau sau thời gian dài xa cách. Sáng ngày 2.3 trời trở lạnh, gần 2 triệu học sinh Hà Nội mặc áo ấm, đội mũ trở lại trường sau gần 30 ngày...