Hoa trong ẩm thực Việt Nam
Hoa bí
Bông bí (Ảnh: google)
Bông bí dùng để ăn là bông bí đực của cây bí rợ, không thể đậu trái. Bông bí lớn, màu vàng, được cắt chừa cuống dài, bó thành bó nhỏ đem ra chợ bán, nhưng không có nhiều, chỉ có theo mùa. Thông thường bông bí đem về được rửa sạch, sau đó luộc chấm nước kho cá, kho thịt hay chấm nước tương dầm ớt. Bông bí luộc có vị ngọt, hơi nhân nhẫn, phần tiếp giáp giữa cuống và bông hơi dai dai, ăn rất ngon. Bông bí còn dùng để nấu canh, xào tỏi, xào thịt bò, xào nghêu…xào bông bí phải canh cho vừa chín mới còn dòn. Món đặc sắc nhất của bông bí là “bông bí dồn thịt chiên” hay còn gọi là chả bông bí.
Chả bông bí (Ảnh: simplevietnam.com)
Hoa chuối
Hoa chuối (Ảnh: Google)
Video đang HOT
Người miền Bắc gọi là hoa chuối, người miền Nam lại gọi là bắp chuối. Thường buồng chuối trổ đủ nải rồi, người ta cắt bớt đi các bắp chuối. Bắp chuối có màu tím, ngon nhất là bắp chuối hột. Bắp chuối được chế biến thành nhiều món ăn như: trộn gỏi, nấu canh, ăn ghém và chiên làm đồ chay…
Nộm hoa chuối (Ảnh: Google)
Hoa điên điển
Hoa điên điển (Ảnh: Google)
Mỗi năm, khoảng một tháng sau khi nước lên theo mùa, ở vùng châu thổ sông Cửu Long, bông điên điển trổ đầy cành những cánh hoa vàng rực rỡ, trên những cánh đồng ngút ngàn. Người nông dân thường chống xuồng ba lá đi hái bông điên điển tươi làm dưa, hay nấu cháo với bông… Bông điên điển lặt, rửa sạch, ngâm với giá sống trong nước muối có độ mặn vừa phải, chừng 3 ngày thì chua, thành dưa điên điển, dùng chấm nước kho cá, kho thịt, nấu canh với cá rô.
Lẩu cá linh nấu bông điên điển (Ảnh: xemnhanh.vn)
Mùa điên điển ra bông cũng là mùa cá linh từ Biển Hồ trôi giạt xuống vùng sông Tiền, sông Hậu. Vì vậy, món canh chua bông điên điển nấu với cá linh được xem là đặc sản của miền Tây Nam Bộ.
Hoa hẹ
Bông hẹ xào thịt bò (Ảnh: Google)
Bông hẹ màu trắng, được dùng để nấu canh với đậu hủ tươi ăn giải nhiệt hay xào với lòng gà (tim, gan,mề) ăn rất ngon.
Hoa sen
Trong ẩm thực, các phần của cây sen được sử dụng như: gương sen phơi khô đem đun thay củi; lá sen gói cơm, xôi, quà bánh giữ được hương vị rất lâu; lá sen non nấu cháo trị chứng giữ nước, phù thủng…Hột sen tươi hay khô được xỏ xâu dùng nấu chè , làm bánh, làm mứt, tiềm vịt, tiềm gà… Ngó sen làm gỏi, củ sen làm mứt, luộc, chiên bột, hầm canh… cho đến trà ướp hương sen.
Vịt hấp hoa sen (Ảnh: yeucon24h.com)
Hoa so đũa
Hoa so đũa (Ảnh: Google)
Cây so đũa thon cao, thẳng, vỏ nham nhám, xù xì, nứt nẻ. Trái so đũa nhỏ dài , hình dáng như chiếc đũa. Bông so đũa mọc ở trên cao, kết thành từng chùm, có 2 màu: trắng và tím, có vị nhân nhẫn đắng, nhưng ngọt hậu. Đầu tháng 10 âm lịch trở đi , cây so đũa đồng loạt ra hoa, cùng lúc với mùa cá linh để cho ra đời món ăn nức tiếng là cá linh nấu canh chua bông so đũa. Bông so đũa lặt cuống, rửa sạch. Nấu nước sôi, dầm me, thả cá linh, nêm vừa miệng, hớt bọt, cho bông so đũa vào là nhấc xuống liền, để bông còn giòn mới ngon. Trên mặt bỏ ngò gai, rau om xắt nhỏ, thêm một chút tỏi phi, vài lát ớt tươi. Bông so đũa còn dùng luộc, xào, đặc biệt là món cá lóc bọc bằng bông so đũa hấp, chấm nước mắm dầm ớt rất hấp dẫn.
Canh chua cá linh nấu bông so đũa (Ảnh: Google)
Hoa thiên lý
Thiên lý xào thịt (Ảnh: Tiếp thị gia đình)
Cây thiên lý là một loại dây leo, dài hàng mét, thân non có lông, lá mọc đối. Hoa mọc thành chùm màu vàng chanh hay trắng ngà. Ban đêm hoa tỏa hương thơm ngát, nên còn được gọi là Dạ lai hương. Hoa thiên lý còn có vị ngon ngọt, tánh mát, được dùng nấu canh hay xào với thịt bò, có ướp chút gừng và nước tương cho thấm. Ngày nay, người ta dùng hoa thiên lý như một loại rau sống, nhúng với lẩu các loại.
Theo PNO