Hi hữu ca cắt u gan nhưng bị “cấm” truyền máu
Bệnh nhi bị khối u lớn ở gan phát triển nhanh với hệ thống nhiều mạch máu nuôi, gia đình đồng ý phẫu thuật nhưng “cấm” truyền máu của người khác. Với sự hỗ trợ của hệ thống truyền máu hoàn hồi, các bác sĩ đã cắt thành công u gan cứu bệnh nhi.
Các bác sĩ ngần ngại trước yêu cầu không được truyền máu của người khác cho bệnh nhi
Trường hợp hy hữu trên là ca bệnh của bé Nguyễn G.B. (11 tuổi, ngụ tại quận 6, TPHCM). Khoảng 6 tháng trước, sức khỏe có biểu hiện khác thường nên G.B. được gia đình đưa đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, chẩn đoán hình ảnh bác sĩ xác định G.B. bị khối u lớn ở gan nên chỉ định phẫu thuật.
Lo lắng cho sức khỏe của con, gia đình bệnh nhi đồng ý cho bé bước vào cuộc mổ. Tuy nhiên, vì lý do riêng của tôn giáo, gia đình đang theo nên phụ huynh chỉ chấp thuận thực hiện cuộc mổ với điều kiện bác sĩ không được truyền máu của người khác kể cả cha hoặc mẹ và anh em trong gia đình cho bệnh nhi.
Yêu cầu của gia đình đã gây khó cho bác sĩ, vì thế nhiều bệnh viện đã “lắc đầu” trước nguy cơ mất máu nhưng không được truyền bổ sung sẽ đe dọa sinh mạng bệnh nhi ngay trên bàn mổ.
Ca phẫu thuật được thực hiện nhờ hệ thống truyền máu hoàn hồi
Sau 6 tháng đi nhiều bệnh viện nhưng không thể phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi diễn tiến ngày càng xấu. G.B. được chuyển đến một bệnh viện tư trên địa bàn TPHCM điều trị. Qua hình ảnh kiểm tra, bác sĩ phát hiện khối u gan của bệnh nhi phát triển nhanh từ 7cm lên 10cm với hệ thống nhiều mạch máu nuôi.
Video đang HOT
Phía bệnh viện đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa, tìm giải pháp cứu chữa bệnh nhi. Với sự hỗ trợ của hệ thống truyền máu hoàn hồi, bệnh viện đã đồng ý với yêu cầu “không truyền máu của người khác, kể cả máu của thân nhân bệnh nhân” cho bệnh nhi và chỉ định thực hiện phẫu thuật.
Bác sĩ cho biết, trước ca mổ bệnh nhi được uống thuốc để kích hồng cầu phát triển. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhi được truyền các dịch truyền thay thế máu để bảo đảm sức khỏe suốt quá trình mổ. Để bảo đảm sức khỏe của bé, bệnh viện chủ động sử dụng máy truyền máu hoàn hồi (Cell Saver) dùng chính máu của người bệnh truyền trả lại cho bệnh nhân.
Phương pháp này đặc biệt hữu ích vì có thể hoàn hồi đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể, hạn chế tối đa nhu cầu truyền máu, tránh được những biến chứng nguy hiểm của phương cách truyền máu đồng nhóm cổ điển, giúp giảm áp lực thiếu máu cho bệnh viện cũng như cho ngành y nói chung.
Khối u có kích thước lên tới 10cm được bác sĩ cắt thành công khỏi gan bệnh nhi
Ngày 5/9, bệnh nhi bước vào cuộc mổ, tê kíp phẫu thuật đã hạ huyết áp của bé xuống để giảm chảy máu khi cắt gan. Lượng máu bị mất trong quá trình mổ (khoảng 200ml) được hệ thống truyền máu hoàn hồi hút ra, đưa qua thiết bị lọc rồi bơm trả lại cho cơ thể bệnh nhi. Các bác sĩ đã khống chế mạch máu lớn nuôi khối u gan và cắt thành công khối u (có chứa túi mật) kích thước lên tới 10cm chiếm 15% thể tích gan.
Hơn 1 tuần sau cuộc mổ, sức khỏe bệnh nhân nhanh chóng bình phục. Hiện cậu bé đã có thể đi lại, ăn uống bình thường.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Nuốt phải pin cúc áo nguy hiểm như thế nào
Pin cúc áo làm thủng thực quản trong vòng hai giờ nếu em bé không may nuốt phải, hậu quả nặng nề dù bác sĩ nhanh chóng lấy ra.
Năm 2013, Summer Steer (Australia) 4 tuổi qua đời vì mất máu nghiêm trọng sau vài ngày nuốt phải một cục pin cúc áo. Trước đó, cô bé giấu với gia đình nên không ai biết Summer đã ăn thứ gì. Summer được đưa đến bệnh viện khi có các đợt xuất huyết nặng. Đến lúc cô bé qua đời, đội ngũ y tế tìm thấy cục pin cúc áo mắc lại thực quản bệnh nhi.
Bé Summer Steer qua đời khi mới 4 tuổi do nuốt phải pin cúc áo. Ảnh: Sunshine Coast Daily.
Cái chết của Summer dấy lên nhiều câu hỏi về việc sử dụng pin cúc áo tại các gia đình có con nhỏ. Theo The Conversation, tai nạn ở trẻ em liên quan đến pin cúc áo xuất hiện từ những năm 1970, ngày nay càng trở nên phổ biến và nghiêm trọng do lượng sản phẩm sử dụng loại pin này tăng lên (như đèn pin, điều khiển từ xa, chìa khóa ôtô, đồ trang trí, nến nhân tạo). Những cái chết thương tâm xảy ra do trẻ nuốt phải các loại pin 3V với chiều rộng tầm 20 mm. Các loại pin nhỏ hơn cũng có thể gây ra những vết thương rất nặng.
Pin cúc áo có thể gây tổn thương như thế nào
Khi một viên pin tròn tầm 1,2 V trở lên khi lọt vào môi trường ẩm bên trong cơ thể người (thường là tai, mũi hoặc thực quản), dòng điện sẽ được sản sinh ra. Nó phá vỡ các phân tử nước, sinh ra hydroxide và khí hydro.
Các phân tử ion hydroxide ăn mòn mô và gây ra hiện tượng "hoại tử nước". Các loại pin lithium tuổi thọ lên tới 10 năm và có thể sản sinh ra dòng điện đủ lớn để giết người kể cả khi không còn hoạt động. Khác với các loại pin tròn, pin trụ thường khó nuốt hơn, hai đầu pin cũng xa nhau và nếu lỡ nuốt thì có thể trôi qua các cơ quan mà không mắc lại.
Pin cúc áo trẻ con dễ nuốt phải nên rất nguy hiểm. Ảnh: Kezi.
Hầu hết tai nạn liên quan đến pin cúc áo do pin mắc lại thực quản và ăn mòn động mạch chủ hoặc các mạch máu chính khác, gây xuất huyết nghiêm trọng. Nhiều trẻ tử vong, một số khác tuy còn sống nhưng cũng chịu nhiều chấn thương nặng nề.
Pin cúc áo có thể làm thủng thực quản trong vòng hai giờ nên dù nhanh chóng được bác sĩ lấy ra vẫn để lại hậu quả. Trẻ nuốt pin cúc áo thường phải điều trị lâu dài, thậm chí phải mổ.
Làm gì khi trẻ nuốt phải pin cúc áo
Cố gắng giữ pin cúc áo khỏi tầm tay trẻ em. Hạn chế mua sản phẩm sử dụng loại pin này hoặc nếu bắt buộc phải mua thì chọn loại tuổi thọ cao đồng thời giữ pin cẩn thận.
Khó phát hiện khi trẻ nuốt hay nhét pin vào người do các triệu chứng giống với một số bệnh thường gặp khác. Vì thế, cần để ý xem bé có ho mạnh tăng dần, chảy nước dãi, nôn, bỏ ăn, nôn ra máu (bãi nôn màu đỏ hoặc đen), chảy mủ từ mắt, tai, mũi hoặc bị sốt hay không. Nếu có, hãy nhanh chóng đưa con đến bệnh viện.
Ngọc Khuê
Theo Vnexpress
Ung thư: Nguy cơ bị thổi phồng thành nỗi sợ hãi Ung thư đã và đang trở thành đề tài rất nóng bỏng trên báo chí, truyền hình và trên mạng xã hội. Thông tin lan truyền về căn bệnh này đã làm cho nhiều người cảm thấy hoang mang, lo lắng. Cá nhân người viết cũng có những người thân quen đang mắc bệnh ung thư và đang đồng hành, động viên cho...