Hạnh phúc, hành trình nhiều cảm xúc
Xây dựng trường học hạnh phúc được nhiều cơ sở giáo dục tại Nghệ An thực hiện với quan điểm coi người học là mục tiêu cao nhất.
Hoạt động CLB tại Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn, Nghệ An.
Để làm được điều này, rất cần ở mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tình yêu trường lớp, yêu nghề, tâm huyết với trò. Qua đó, tạo môi trường giáo dục an toàn, tôn trọng, phát triển toàn diện học sinh, giúp hình thành hệ giá trị, nhân cách cho các em phù hợp với xã hội hiện đại.
Đổi thay từ người thầy
Những năm qua, tiết sinh hoạt lớp của cô Thái Thị Vũ Anh (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) trở thành buổi trò chuyện cởi mở không khoảng cách với học sinh. Cô trò có thể trao đổi với nhau về tình bạn, tình yêu học trò, định hướng tương lai, nghề nghiệp yêu thích… Có được điều này là cả sự thay đổi, dám vượt lên chính mình của cô giáo trẻ.
Cô Vũ Anh vì mong muốn học sinh của mình đạt thành tích tốt trong học tập, rèn luyện đã từng ép bản thân nghiêm khắc, áp đặt với các em. “Với cách quản lý này, học sinh có thể làm theo cô giáo chủ nhiệm nhưng đằng sau lại âm thầm đối kháng. Qua thời gian, tôi cũng nhận ra sự cứng nhắc của mình và bắt đầu điều chỉnh, ứng xử với học sinh như “bạn với bạn”. Khi việc thực hiện nền nếp của lớp không tốt, tôi chỉ nhắc chung. Sau đó, gặp riêng từng em vi phạm để tìm hiểu lý do và giải quyết”, cô Vũ Anh nói.
Khi tiếp nhận khóa học sinh mới, cô tìm hiểu kỹ hoàn cảnh, nắm bắt sở thích, năng khiếu và nguyện vọng riêng của các em. Một lớp với 50 học sinh sẽ có 50 cá tính, thế mạnh, điểm yếu riêng. Các em có thể “cá biệt” nhưng không có nghĩa là “học sinh hư”. Và kể cả các bạn cá biệt cũng cần được tôn trọng, tiếp cận một cách phù hợp bởi đang ở lứa tuổi có nhiều bất ổn tâm sinh lý, dễ tổn thương, cần tâm sự, khích lệ nhiều hơn.
Thực tế học sinh ở thành phố, tại trường có bề dày truyền thống như Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, gặp không ít áp lực về thành tích học tập từ gia đình và bản thân các em. Giáo viên chủ nhiệm cần là người đồng hành cùng tham gia với các em trong mọi hoạt động. Sẵn sàng chia sẻ với các em những tâm sự không dám nói với bố mẹ. Để các em có được môi trường giáo dục yêu thương, an toàn ở trường, từ mỗi thầy cô.
Thầy Nguyễn Sỹ Bằng là người đặc biệt ở Trường THCS Tân Dân, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Bởi ngoài là giáo viên Mỹ thuật, học sinh còn gắn bó với thầy ở công tác Tổng phụ trách Đội.
Với nhiều giáo viên, Tổng phụ trách chỉ là vai trò kiêm nhiệm trong một thời gian ngắn của sự nghiệp dạy học. Nhưng thầy Bằng đã gắn bó với công tác này hơn 10 năm, và “luôn suy nghĩ làm thế nào để sáng tạo, làm thế nào để hoạt động Đội của trường có điểm nhấn, cuốn hút học sinh tham gia”. Theo thầy Bằng, xuyên suốt các hoạt động bám vào “5 điều Bác Hồ dạy”. Nếu tất cả phong trào đi theo guồng này sẽ hình thành cho học sinh ý thức và thói quen tốt như biết xếp hàng, nhường nhịn, kỷ luật… Qua đó góp phần hình thành tư cách và phẩm chất học sinh.
Trường THCS Tân Dân – ngôi trường vùng nông thôn, còn khiêm tốn cả về quy mô và cơ sở vật chất. Nhưng nơi đây có câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, phong trào dân ca, dân vũ sôi nổi. Ngôi trường này cũng đón rất nhiều giáo viên, đại diện các trường học khắp mọi miền đất nước đến thăm, tìm hiểu về hoạt động công tác Đội.
Cô Lê Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Dân cho biết: Vui vẻ, an toàn, tôn trọng, yêu thương, phát huy năng lực học trò… là quan điểm mà Trường THCS Tân Dân đang thực hiện, hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc. Nhà trường phải là một “hệ sinh thái” mà ở đó tất cả thành viên đều được hạnh phúc (giáo viên, học sinh và phụ huynh)… Để thực sự có “trường học hạnh phúc”, đội ngũ cán bộ, giáo viên rất quan trọng. Trước hết phải yêu trò, yêu trường, yêu công việc của mình để góp phần kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, thân thiện.
Video đang HOT
Cô Thái Thị Vũ Anh (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, TP Vinh, Nghệ An) cùng học trò.
Để học sinh hạnh phúc khi đến trường
Bùi Thảo Nguyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, huyện Thanh Chương, Nghệ An là chủ nhân duy nhất của điểm 10 môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tỉnh Nghệ An năm 2020. Nữ sinh có thành tích ấn tượng này lại có xuất phát điểm không phải ở trường chuyên, lớp chọn, mà từ Trường THCS Thanh Yên – thuộc xã nông thôn nhiều khó khăn, vất vả. Thảo Nguyên chia sẻ: “Văn là môn học yêu thích nên em không mang áp lực phải đạt được thành tích, điểm số cao. Và điều may mắn, em luôn được thầy cô khích lệ, phát huy năng lực bản thân, nhưng không quá áp lực. Để đạt điểm cao môn Văn, em học kiến thức trên lớp, đọc nhiều sách, trau dồi vốn từ ngữ, học cách diễn đạt phong phú”.
Không chỉ giỏi văn, Thảo Nguyên còn học đều các môn và từng đạt học sinh giỏi cấp huyện ở 2 môn Hóa học, Sinh học. Dù có điểm tuyển sinh vào lớp 10 cao, nhưng Thảo Nguyên tiếp tục lựa chọn trường THPT gần nhà, cũng ở một vùng nông thôn. Bởi quan trọng nhất là môi trường học tập cho em cảm thấy thoải mái, vui vẻ, được quan tâm, phát huy năng lực của mình.
Thầy Bùi Xuân Trung – Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Yên cho hay: Nhiều học sinh của trường đạt điểm cao, giành vị trí thủ khoa, á khoa vào cấp THPT. Kết quả đó trước hết đó là sự nỗ lực học tập của các em. Nhưng phía nhà trường luôn quán triệt giáo viên quan tâm, dõi theo sát sao học trò. Từ khi các em vào lớp 6, tìm kiếm, phát hiện thế mạnh để có biện pháp bồi dưỡng nâng cao hoặc phụ đạo mặt yếu kém. Ở vùng nông thôn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, giáo dục không chỉ dạy kiến thức. Thầy cô còn phải có vai trò truyền cảm hứng, để các em biết đặt mục tiêu với việc học để đạt ước mơ cho tương lai.
Cùng quan điểm, thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3 huyện Diễn Châu, Nghệ An chia sẻ: Nhà trường đã xây dựng tiêu chí trường học hạnh phúc phù hợp với đặc điểm học sinh và giáo viên. Trong đó, người thầy phải yêu trường, yêu lớp, yêu nghề, yêu học sinh mới có trách nhiệm và đam mê cống hiến. Cán bộ quản lý, giáo viên có thể luân chuyển, thay đổi vị trí công việc, nhưng giữ phẩm chất sư phạm, tâm huyết với nghề, với trò, thì đi tới đâu cũng có thể xây dựng được trường học hạnh phúc.
Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, xây dựng mô hình trường học hạnh phúc có ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, vận hành mô hình này cần sự nỗ lực của thầy và trò, bắt đầu từ những việc đơn giản, cụ thể nhất. Trước hết, các cơ sở giáo dục phải xây dựng cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh. Xây dựng mối tương tác thầy – trò thân thiện, tôn trọng. Nghệ An là vùng đất hiếu học, nhiều giáo viên bằng tâm huyết, tình cảm, trí tuệ đã cảm hóa học trò. Vì vậy, xây dựng trường học hạnh phúc đã có nền tảng từ truyến thống và sẽ được phát huy với nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh 6 lưu ý với giáo dục Bạc Liêu
Sáng 2/12, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì kiểm tra trực tuyến tình hình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với Sở Giáo dục - Khoa học và công nghệ Bạc Liêu.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại buổi kiểm tra.
Tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục thuộc Bộ. Các điểm cầu tại Bạc Liêu có 2 phó giám đốc Sở; lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn thuộc Sở; các phòng Giáo dục và Đào tạo và trường phổ thông của tỉnh.
Triển khai với thuận lợi, khó khăn đan xen
Ông Dương Hồng Tân, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Bạc Liêu cho biết: Trong thời gian qua, công tác chuẩn bị cho triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được chuẩn bị khá tốt và đạt được một số kết quả.
Theo đó, mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục được sắp xếp, bố trí phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vừa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới của ngành. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố, bảo đảm cơ cấu các khối công trình phù hợp cho từng cấp học, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện hoạt động giáo dục đồng bộ.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán được quan tâm thực hiện. Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy các lớp 1, lớp 2 và lớp 6 cơ bản đủ về số lượng, bảo đảm về cơ cấu.
Các nhà trường thực hiện khá tốt việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch dạy học các môn học và hoạt động giáo dục. Đặc biệt ở lớp 6, các trường linh động thực hiện kế hoạch giáo dục (không nhất thiết dạy các môn học/hoạt động giáo dục ở tất cả các tuần, không chia đều số tiết/tuần mà chỉ đảm bảo tổng số tiết/học kỳ theo chương trình) để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Đối với một số môn học/hoạt động giáo dục mới (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương), các trường bố trí nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi giáo viên dạy theo các chủ đề, phân môn phù hợp với chuyên môn được đào tạo và tham gia bồi dưỡng.
Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6 được tổ chức giảng dạy theo logic tuyến tính của chương trình. Mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề dạy học và nếu tuần nào thầy cô có nhiều tiết dạy Khoa học tự nhiên lớp 6 thì nhà trường điều chỉnh giảm số tiết dạy các lớp 7, 8, 9 để không gây áp lực cho giáo viên.
Ngành Giáo dục đã phối hợp tốt với ngành Y tế trong việc triển khai thực hiện kế hoạch tiêm vaccine phòng dịch cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh. Đến 30/11/2021, toàn ngành đã có 9.831 người được tiêm vaccine mũi 1 (tỷ lệ 98,03%), 9.385 người được tiêm vaccine mũi 2 (tỷ lệ 93,58%). Số còn lại chủ yếu là do kháng thuốc, đang nuôi con bằng sữa mẹ, đang mang thai, dị ứng kháng nguyên và sốc phản vệ, huyết áp cao,... Với học sinh, địa phương đã có 59.518 học sinh được tiêm vaccine mũi 1.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì kiểm tra trực tuyến tình hình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với Sở Giáo dục - Khoa học và công nghệ Bạc Liêu.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Dương Hồng Tân cũng cho biết, quá trình triển khai thực hiện còn gặp không ít khó khăn.
Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đến nay học sinh các cấp học vẫn chưa được tới lớp học trực tiếp.
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số giáo viên chưa nắm chắc mục tiêu, yêu cầu của Chương trình, chưa kịp thời đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Một số nhà trường còn thực hiện theo cách cũ nên việc xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học/hoạt động giáo dục chưa đảm bảo yêu cầu.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng chuyên môn còn gặp khó khăn, nhất là việc bồi dưỡng trực tuyến, trên mạng internet;... Việc đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 triển khai còn chậm.
Sĩ số học sinh lớp 1 ở một số trường ở địa bàn trung tâm huyện, thị xã, thành phố vượt cao so với quy định (có lớp tới 49 học sinh). Nguyên nhân chủ yếu là do di dân cơ học, người dân sinh sống, làm ăn tập trung tại khu đô thị, chợ...; mặt khác, một số đơn vị chưa thực hiện tốt việc phân luồng học sinh trên cùng địa bàn.
Do thiếu giáo viên nên phần lớn các trường chưa tổ chức cho học sinh lớp 1 được làm quen với tiếng Anh ở năm học này. Việc tổ chức dạy môn Tin học đối với điểm lẻ của trường có cấp tiểu học rất khó tổ chức thực hiện (vì không bảo đảm máy móc, thiết bị dạy học cũng như công tác bảo quản)...
Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tình hình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông với Sở Giáo dục - Khoa học và công nghệ Bạc Liêu theo hình thức trực tuyến.
Kiên trì mục tiêu chất lượng
Tại buổi kiểm tra, cùng với báo cáo của lãnh đạo Sở, các đơn vị, cơ sở giáo dục tại Bạc Liêu đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, nội dung còn vướng mắc băn khoăn trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục. Từng nội dung đều được Thứ trưởng và đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ trực tiếp trao đổi, làm rõ.
Ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của tỉnh cũng như ngành Giáo dục Bạc Liêu trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tại buổi làm việc Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc lại mục tiêu bảo đảm an toàn phòng chống dịch, hoàn thành chương trình theo kế hoạch và kiên trì mục tiêu chất lượng; đồng thời lưu ý 6 nội dung quan trọng cần triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, việc đầu tiên là cần nhận thức sâu sắc trách nhiệm của ngành trong triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; tạo điều kiện thuận lợi nhất để cả thầy và trò dạy tốt, học tốt. Triển khai chương trình mới cần trên tinh thần chủ động, tâm thế sẵn sàng, kiên trì mục tiêu chất lượng ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Cùng với đó, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, toàn ngành cần nghiêm túc quán triệt thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch; thực hiện 5K và tiêm chủng cho học sinh. Trong mọi trường hợp phải đặt sức khỏe của học sinh lên trên hết. Phải xây dựng các phương án dạy học trong điều kiện mới, cố gắng để trường trong vùng an toàn, học sinh được học trực tiếp.
Nhấn mạnh cần thực hiện tốt chương trình 2006 và chương trình 2018 với lớp 1, lớp 2, lớp 6, Thứ trưởng đồng thời yêu cầu chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai chương trình mới với lớp 3, lớp 7, lớp 10 từ năm học sau. Việc cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu kĩ để nắm thật chắc, hiểu thật sâu về chương trình và rõ được những khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành là vô cùng quan trọng để thầy cô luôn trong tâm thế sẵn sàng, không lúng túng, bị động. Trong triển khai chương trình mới, Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý quan tâm nhiều đến dạy học môn Khoa học tự nhiên; nội dung giáo dục địa phương; tăng cường bồi dưỡng giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên Ngoại ngữ, Tin học trong năm tới với tiểu học; nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến...
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ, đặc biệt qua triển khai hiệu quả công tác bồi dưỡng, tập huấn, Thứ trưởng đồng thời nhấn mạnh cần chú trọng hơn nữa công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; không để thiết bị đến trường mà không ra lớp, bảo đảm hiệu quả sau đầu tư. Nếu không có thiết dạy học, giáo viên phải dạy chay thì khó có thể phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Cuối cùng xây dựng văn hóa chất lượng và công tác quản lý trong nhà trường. Thứ trưởng cho rằng, quản lý trong nhà trường cần chuyển từ quản lý theo mệnh lệnh, theo chỉ đạo sang quản lý bằng cộng tác, tạo động lực cho đội ngũ; chuyển từ quản lý kết quả đầu ra sang quản lý quá trình, hướng tới xây dựng văn hóa chất lượng trong nhà trường.
Phú Thọ: Cô giáo Hà Thị Tuyết Minh tỏa sáng dạy tốt môn tiếng Anh Với lòng yêu nghề, cô giáo Hà Thị Tuyết Minh - Giáo viên Trường Tiểu học Thọ Sơn - thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ đã luôn nỗ lực, sáng tạo trong giảng dạy và đã có nhiều giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm góp phần nâng cao chất lượng dạy môn tiếng Anh. Cô giáo Hà Thị Tuyết Minh (đứng hàng...