Hạn chế kiểm tra những nội dung quá khó với học sinh trung học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa yêu cầu các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông tiếp tục quan tâm đến việc đổi mới kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh, nhằm bảo đảm thực chất, góp phần nâng cao chất lượng.
Ảnh minh họa
Nhà trường, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với kế hoạch của từng môn học, hạn chế kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập quá khó so với mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Bên cạnh đó, các nhà trường cần tăng cường thực hiện đánh giá quá trình, đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kiểm tra, đánh giá trực tuyến bảo đảm chất lượng, chính xác, công bằng, khách quan và trung thực, phản ánh đúng năng lực của học sinh.
Xin Bộ trưởng hãy cứu các giáo viên dạy môn tích hợp bên "bờ vực chứng chỉ"
Dù còn rất yêu nghề, yêu học sinh, yêu mái trường mà mình đã nhiều năm gắn bó, nhưng có đôi lúc bản thân tôi rất muốn bỏ cuộc, bỏ nghề mình yêu thích.
Tôi hiện nay là một giáo viên Vật lý đang công tác tại một trường trung học cơ sở.
Thông qua Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam hôm nay xin được mạnh dạn viết một bức tâm thư kính gửi thầy Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để bày tỏ nỗi lòng, rất mong thầy và các cấp các ngành xem xét lại việc đào tạo, cấp chứng chỉ 2 môn tích hợp và việc chúng tôi có thể phải tốn một lượng tiền quá lớn so với thu nhập còn eo hẹp hiện nay của chúng tôi hiện nay để đi học chứng chỉ này cho "đủ điều kiện tối thiểu để dạy" môn tích hợp.
Chúng tôi hiểu, ở cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, thầy là người đứng mũi chịu sào và phải chịu nhiều áp lực, đồng thời cũng nhận được rất nhiều kỳ vọng, gửi gắm của đội ngũ nhà giáo cũng như nhân dân, tuy nhiên bản thân tôi rất tin tưởng với kiến thức, bản lĩnh và kinh nghiệm thầy sẽ từng bước đưa giáo dục đi đúng hướng, loại bỏ bớt những bất cập, tiến đến giáo dục thực chất.
Video đang HOT
(Ảnh minh hoạ: Baochinhphu.vn)
Kính thưa thầy!
Bản thân tôi từ nhỏ đã yêu thích làm giáo viên, bắt đầu học từ cấp trung học cơ sở tôi đã rất yêu thích môn Vật lý vì nó giải thích rất nhiều điều liên quan đến thế giới, từ đó đam mê và thi vào trường cao đẳng sư phạm Vật lý và được trúng tuyển đi dạy tại một trường trung học cơ sở, được phân công dạy Vật lý - môn đã được đào tạo.
Ra trường đi dạy vào năm 2003, đồng lương ít ỏi với hệ số 1.78 nhân với mức lương cơ sở 290.000 đồng, cuộc sống khó khăn, sau một thời gian công tác, vay mượn tôi cũng đã hoàn chỉnh khóa học cử nhân Vật lý để vừa nâng cao chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nâng chuẩn trình độ đào tạo.
Từ khi công tác đến nay cũng gần 20 năm trong nghề, mức thu nhập từ nghề tuy vẫn còn thấp nhưng chưa bao giờ bản thân không ngừng cố gắng học hỏi, không ngừng cố gắng, bản thân cũng nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, nhiều lần đạt danh hiệu giáo viên giỏi, nhiều thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật lý cấp huyện, cấp tỉnh,... tình yêu nghề, yêu môn Vật lý chưa bao giờ nguội lạnh.
Nhưng khi chương trình mới ban hành, tôi đã vô cùng lo lắng, băn khoăn với việc "tích hợp" 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học thành một môn mới - môn Khoa học tự nhiên, có nghĩa là trong tương lai gần, có thể chỉ 4 năm nữa sẽ không còn tồn tại 03 môn cũ, vậy đội ngũ nhà giáo giảng dạy 03 môn này sẽ đi đâu, về đâu khi tổng biên chế 3 môn cũ giảm 2/3, chỉ còn 1/3 dạy môn mới?
Đến nay chúng tôi chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể nào về việc này. Nếu vẫn để 03 giáo viên (Vật lý, Sinh học, Hóa học) cùng dạy 01 môn Khoa học tự nhiên hay 02 giáo viên (Lịch sử, Địa lý) cùng dạy 01 môn Lịch sử và Địa lý thì tích hợp làm gì, và phân công nhiệm vụ, kiểm tra đánh giá, vào điểm ra sao? Thật là có muôn vàn câu hỏi không biết hỏi ai.
Dù biết là sẽ rất khó, rất vất vả cho bản thân tôi và các giáo viên các môn Sinh học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý trong thời gian tới tuy nhiên bản thân vẫn cố gắng học hỏi, tìm hiểu chương trình mới và hy vọng được ngành tạo điều kiện cho chúng tôi được đi học, được đào tạo hợp lý để chúng tôi có thể dạy được môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Thưa Bộ trưởng, nhưng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở thì bức xúc tăng lên cao rất nhiều.
Về phần kinh phí học bồi dưỡng, 02 quyết định này quy định hẳn hoi từ 3 nguồn:
Từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương;
Từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng;
Do người học tự đóng góp.
Rõ ràng trong 2 quyết định trên, cơ quan tham mưu cho Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký ban hành đã để ngỏ khả năng giáo viên có thể phải đóng tiền một phần hoặc toàn bộ kinh phí học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp trên cho các trường sư phạm.
Thu nhập từ lương và phụ cấp giáo viên hiện nay so với mặt bằng xã hội tôi thấy còn thấp, bản thân tôi đi dạy 20 năm, thu nhập còn thiếu để trang trải kinh phí cho bản thân, gia đình, tôi phải vay ngân hàng để trang trải cuộc sống hàng ngày, cuộc sống vẫn còn khó khăn, chứ đừng nói có dư để dành khi đau ốm, bệnh tật,...
Giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục mới sẽ được học miễn phí kinh phí nâng chuẩn, thì không có lý gì chúng tôi phải có thể đóng tiền khi học bồi dưỡng chứng chỉ môn tích hợp. Xin Bộ trưởng xem xét.
Dù biết, việc quy định việc giáo viên chỉ có thể đóng tiền khi học bồi dưỡng các môn tích hợp chỉ là 01 trong 03 lựa chọn, tuy nhiên, khi Bộ đưa phương án giáo viên có thể phải đóng tiền học chứng chỉ môn tích hợp trong một Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây bức xúc, hoang mang trong lực lượng giáo viên chúng tôi.
02 Quyết định của Bộ không đưa ra lộ trình bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo sẽ dạy 02 môn tích hợp (bắt đầu từ năm học 2021-2022 với lớp 6, có nghĩa là chưa đầy 01 tháng nữa), nhưng lại quy định thế này:
" Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí ".
Trước khi Bộ ban hành 02 quyết định này đã có trường sư phạm nhanh chân thông báo chiêu sinh lớp chứng chỉ 02 môn tích hợp với nội dung, số tín chỉ y chang 02 quyết định của Bộ với học phí giáo viên phải nộp dự kiến từ 3 đến hơn 5 triệu đồng (chưa kể chi phí đi lại, ăn ở, in sao tài liệu, quỹ lớp, bồi dưỡng giảng viên...như những chứng chỉ chúng tôi phải học trước đây).
Kính thưa Bộ trưởng, hiện nay chúng tôi hoang mang lắm vì ở giữa ngã ba đường, nếu không đi bồi dưỡng thì chúng tôi sẽ không đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới, nói đúng hơn là không thể đi dạy và cũng không thể bố trí làm việc gì khác, giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý trong tương lai nếu không học có chứng chỉ tích hợp gần như chắc chắn sẽ bị đào thải, mất việc.
Còn nếu đi học thì chúng tôi cả hàng chục ngàn giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý không biết sẽ sắp xếp ra sao thưa Bộ trưởng.
Bản thân tôi thấy còn những giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý chỉ có bằng cao đẳng sư phạm (chưa đạt chuẩn mới hiện nay), thì những giáo viên này sẽ học hoàn chỉnh đại học, học bồi dưỡng môn tích hợp như thế nào?
Việc tập huấn cho đội ngũ nhà giáo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới chúng tôi được biết ngân sách đã đảm bảo, nhưng với 02 Quyết định này có thể các nhà giáo chúng tôi lại mất thêm một khoản không nhỏ tiền mồ hôi, nước mắt để học chứng chỉ, khi mà hiệu quả đào tạo thì chưa được kiểm chứng.
Hơn nữa, các giáo viên 05 môn cũ chúng tôi chuẩn bị dạy 02 môn mới sẽ bố trí thời gian đi học như thế nào khi vừa đi dạy đáp ứng yêu cầu quy định về định mức giảng dạy (19 tiết/tuần), cộng với việc bồi dưỡng thường xuyên 9 mô-đun bồi dưỡng chương trình mới, rồi tập huấn phương pháp, chương trình mới, sách giáo khoa, đồ dùng dạy học, rồi ra đề mới, soạn giáo án mới, chấm bài, báo cáo, các hội thi, phong trào,... chúng tôi phải làm sao đáp ứng được?
Chúng tôi đã lớn tuổi rồi, còn gia đình, con cái nữa việc đi học xa trong một thời gian dài sẽ khó khăn cho chúng tôi lắm. Rồi biết đâu có cả những rủi ro dọc đường...
Hiện nay tôi và nhiều giáo viên hoang mang lắm, chúng tôi đã đi dạy nhiều năm, chấp hành tốt chủ trương đường lối của nhà nước, của Bộ Giáo dục, tuy nhiên về vấn đề học môn tích hợp này chúng tôi bức xúc thật sự, thấy nản lòng quá.
Khi viết những dòng này gửi Bộ trưởng nước mắt tôi đã rơi.
Bản thân tôi vẫn còn rất yêu nghề, rất muốn tiếp tục cống hiến. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước đã cho chúng tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay, tôi rất kính trọng và tin tưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những quyết sách đúng đắn về vấn đề trên để mọi người yên tâm công tác, cống hiến tiến đến nền giáo dục tốt đẹp như Bộ trưởng mong muốn trong bức thư của Bộ trưởng gửi giáo viên ngành giáo dục khi Bộ trưởng vừa nhậm chức.
Cuối thư, xin được kính chúc thầy Bộ trưởng và các thầy, cô công tác ở Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn dồi dào sức khỏe, sẽ có những chính sách giáo dục tốt nhất cho giáo dục nước nhà, toàn thể nhân dân cả nước và ngành giáo dục đang rất kỳ vọng vào sự quyết liệt, sáng suốt của Bộ trưởng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Dạy thật, học thật, thi thật vẫn là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục Khi mọi người cùng chung tay, biết nhìn thẳng vào thực tế giáo dục, nhìn vào những hạn chế, bất cập để khắc phục thì chất lượng giáo dục mới có thể thay đổi được. Chưa bao giờ chủ đề dạy thật, học thật được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều như thời gian gần đây. Học sinh...