Hải Dương: Nông dân ở đây nuôi con gì mà phải cho ăn cám thảo dược, “bỏ túi” hàng trăm triệu?
Đó là mô hình nuôi chim bồ câu Pháp theo hướng hữu cơ kết hợp cho chim cám thảo dược của Hợp tác xã chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát tại xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương).
Với mô hình này, nông dân ở đây thu hàng trăm triệu mỗi năm.
Nuôi chim bồ câu hữu cơ-Chi phí thấp, hiệu quả kinh tế cao
Trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1975, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi hữu cơ Thủy Phát ( HTX Thủy Phát) cho biết, với phương pháp nuôi chim bồ câu thảo dược vừa có đầu ra ổn định, được giá vì sản phẩm thơm ngon, an toàn.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho ăn cám thảo dược vừa giảm được chi phí do tiết kiệm được tiền thuốc kháng sinh. Từ đó, mô hình nuôi chim của HTX Thủy Phát mang lại hiệu quả kinh tế cao so với cách nuôi chim theo phương pháp thông thường.
Trang trại nuôi chim bồ câu hữu cơ nhà anh Nguyễn Văn Bình tại xã Hà Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Thi Ngọc
Chim bồ câu mà gia đình anh Bình đang nuôi là loại bồ câu Pháp. Đây là giống chim khá dễ nuôi, ít bị bệnh tật và trọng lượng lớn nên cho hiệu quả kinh tế cao. Với 1000 cặp chim bố mẹ, mỗi tháng sẽ cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, mỗi năm tầm 350 triệu đồng.
Tuy nhiên, quy trình chăn nuôi chim bồ câu hữu cơ cũng hết sức chặt chẽ, công phu từ nguồn thực phẩm, nguồn nước uống cho đến nhiệt độ chuồng trại…
Với công thức, cứ 1 tạ cám anh Bình trộn khoảng 5 lạng thảo dược cho chim bồ câu ăn quanh năm. Cám được sản xuất từ ngô, mạch, cám gạo trộn với men tiêu hóa, khoáng mứt. Thảo dược gồm các loại lá, rễ cây như đinh lăng, xạ đen, cam thảo, hồng ngọc, tỏi…Các loại thảo dược được điều tiết theo từng mùa cho phù hợp để tăng sức đề kháng tự nhiên cho chim bồ câu.
Cây đinh lăng được tròng trong vườn nhà anh Bình để lấy lá làm cám thảo dược cho chim bồ câu. Ảnh: Thi Ngọc
“Chim bồ câu nhà tôi cả năm gần như không phải dùng đến kháng sinh. Các loại thảo dược được điều tiết theo từng mùa để tăng sức đề kháng cho chim bồ câu. Chính vì thế mà thịt chim rất thơm ngon, an toàn, không bị dư lượng thuốc kháng sinh”, anh Bình phấn khởi cho hay.
Video đang HOT
Theo anh Bình, nhiệt độ chuồng nuôi chim bồ câu cũng hết sức quan trọng. Chim bồ câu nuôi theo hướng hữu cơ phải tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên sẵn có.
Để đảm bảo nhiệt độ phù hợp cho chuồng trại, anh Bình không sử dụng điều hòa trong chuồng kín như nuôi một số loại gia cầm ngắn ngày mà anh bố trí máy cảm biến tự động vận hành tải nước trên mái chuồng. Cứ nhiệt độ trên 35 độ C là máy tự phun nước làm mát chuồng trại.
Bên cạnh đó, cửa chuồng được thiết kế có thể kéo lên xuống được để mở ra đóng vào khi cần thiết và tận dụng được không khí tự nhiên (khí tươi) cho chim.
Trại nuôi chim bồ câu để lâu dài cần có cửa kéo lên xuống để đóng mở, không dùng trại kín có điều hòa. Bởi, có không khí tự nhiên thì con chim mới khỏe. Dự kiến mỗi con chim bồ câu khai thác tới 7 đến 10 năm nên bắt buộc chim phải thích nghi với môi trường tự nhiên sẽ tốt hơn”, anh Bình cho biết thêm.
Nguồn nước uống cho chim cũng được anh Bình rất chú trọng. Trước kia, khi chưa có kinh nghiệm, anh nghĩ nước máy là sạch nên cho chim uống, nhưng sau đó chim hay bị hen vì trong nước máy có chất clo.
Sau một thời gian tìm tòi, học hỏi anh đã tìm được giải pháp hiệu quả bằng cách ngăn ao sau đó thả bèo, dùng chế phẩm sinh học AM để xử lý rồi thả bã mía xuống để nước trong sạch. Không chỉ có thế, anh Bình còn dùng 2 quả lọc bằng đá thạch anh và than hoạt tính trước khi nước được đưa vào cho chim uống.
Anh Nguyễn Văn Bình và hệ thống máy móc chế biến cám thảo dược cho chim bồ câu ăn. Ảnh: Thi Ngọc
Quy trình nuôi chim bồ câu Pháp của HTX Thủy Phát đảm bảo sạch hoàn toàn, khép kín. Từ khi nhân giống chim đã được dùng vaccine từ nhỏ, tẩy giun sán (3 tháng 1 lần), tẩy chuồng trại bằng các chế phẩm sinh học AM..
Cảm xúc của chim bồ câu có nét giống con người
Trải lòng với PV, anh Bình tiết lộ, anh từng có 7 năm làm việc bên Đài Loan. Ban đầu anh sang đó làm thợ cơ khí. Sau đó anh được làm trong một trang trại nông nghiệp và được người Đài Loan quý mến nên hướng dẫn cho nghề nuôi chim bồ câu Pháp theo phương pháp thảo dược.
Về Việt Nam, sau một thời gian tìm hiểu, anh Bình thấy chim bồ câu là loại thực phẩm có giá khá ổn định trong thời gian dài, chi phí đầu tư thấp. Trong khi đó, dinh dưỡng theo anh tìm hiểu thì chim bồ câu cao gấp 9 lần thịt bò.
Đôi chim bồ câu rất “tình cảm” tại trang trại của HTX Thủy Phát. Ảnh: Thi Ngọc
Ngoài ra, việc nuôi chim bồ câu cũng khá thú vị. Con chim cũng có tâm hồn, cảm xúc giống như con người vậy.
“Trong các cặp chim, nếu không may có 1 con bị chết, chúng tôi bắt buộc phải ghép con khác vào. Tuy nhiên, có những con chịu chấp nhận con mới, có những con nhất định không chịu nên suốt ngày đánh nhau. Tôi lại phải sắp xếp cho chúng chấp nhận nhau. Cũng có con nhất định không chấp nhận bất cứ con chim nào khác thay thế con đã chết. Nói chung có khá nhiều câu chuyện cảm động về cái tình của chim bồ câu”, anh Bình vừa cười vừa kể.
Anh Bình nhớ lại, đầu năm 2018, anh quyết định đầu tư chuồng trại một cách bài bản, chuồng nuôi nhốt được lắp đặt đồng bộ, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống làm mát…
“Lúc ấy, tôi chỉ dám mua hơn 100 cặp chim bồ câu Pháp dòng bố mẹ về nuôi. Sau đó, thấy hiệu quả tôi nhân giống dần lên. Nếu mình tự nhân có lợi thế là chim được nhỏ vaccine từ bé phòng bệnh thủy đậu…Đến nay, tôi đã gây dựng được khoảng 1500 cặp chim bồ câu. Tôi chủ động tẩy giun sán 3 tháng 1 lần. Sau 3 tháng tách mỗi lồng 1 con đực, 1 con cái”- anh Bình hào hứng chia sẻ.
Được biết, mỗi cặp chim này sau khoảng 5 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi đợt sẽ sinh cho 2 quả trứng. Sau đó chim bố và chim mẹ sẽ tiến hành ấp trứng. Gần 20 ngày sau là có chim con nếu trứng ấp thuận lợi.
Anh Bình cho biết, tỷ lệ ấp đậu nếu nuôi tốt đạt 90% còn có thể cũng chỉ đạt 70%. Để đạt hiệu quả cao, anh phải áp dụng bán công nghiệp.
Vì trứng chim cho ấp bằng máy sẽ rút ngắn ngày khoảng 13-14 ngày (trước kia khoảng 17 ngày). Tuy nhiên, nếu ấp máy thì chim mẹ sẽ không tự tiết ra được sữa diều, nên trong thời gian trứng được ấp máy, chủ trang trại phải cho chim bố mẹ ấp trứng giả thì chim mẹ mới tự tiết ra được sữa diều và cung cấp cho chim con khi mới chào đời.
Sau khi chim con từ lò ấp nở sẽ đưa vào lồng cho chim bố mẹ nuôi. Trong 5 ngày đầu, chim con uống hoàn toàn sữa diều, sau đó cho tập ăn thức ăn nghiền sẵn. Tầm 25 – 28 ngày là có thể bán thương phẩm được.
Thịt chim bồ câu thảo dược-Sản phẩm an toàn, tiện lợi, dễ sử dụng
Được biết, anh Bình là một trong những người đi đầu trong việc nuôi chim bồ câu thảo dược tại Hải Dương. Anh rất tâm đắc với công việc hiện tại và tự tin bao tiêu đầu ra cho HTX.
Sản phẩm chim bồ cầu thương phẩm của HTX Thủy Phát sau khi được chế biến chuẩn bị bảo quản lạnh để giao cho khách hàng. Ảnh: Thi Ngọc
Anh Bình luôn đặt mình ở vị trí khách hàng để biết họ cần gì và mong muốn gì ở mình. Chính vì vậy anh đã chọn cách sơ chế chim thương phẩm dưới 2 dạng là chim nguyên con và chim xay.
Chim thương phẩm sau khi được làm sạch sẽ, sẽ được sấy cho hết nước, sau đó hút chân không và đóng gói, dán tem mác…,bảo quản ở nhiệt độ dưới -26 độ C. Như thế sẽ giữ được dinh dưỡng và an toàn khi vận chuyển đi xa. Đặc biệt, giúp người tiêu dùng dễ sử dụng.
“Người Việt Nam có thói quen ăn tươi, không thích ăn đồ cấp đông vì nghĩ là sẽ bị bở. Tuy nhiên, với cách bảo quản ở nhiệt độ đúng quy định, sản phẩm vẫn giữ được dinh dưỡng và độ ngon. Khi rã đông có thể dùng nước lạnh, nếu muốn nhanh thì có thể cho một chút muối, vắt 1 lát chanh, cho thêm chút đường sẽ giảm được 50% thời gian mà vẫn cho chất lượng thịt tươi ngon”, anh Bình tận tình chia sẻ.
Được biết, HTX Thủy Phát hiện tại có 7 hộ tham gia nuôi chim bồ câu với tổng số khoảng 10 nghìn cặp chim bố mẹ.
Các hộ nằm rải rác trên các xã trong huyện. Sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO quy trình nuôi và đạt tiêu chuẩn Vietgap về an toàn trong chăn nuôi.
Hiện, mỗi ngày, HTX Thủy Phát xuất bán khoảng 300 con chim bồ câu thương phẩm. Thị trường phân phối chính là hệ thống các siêu thị trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Học sinh thành phố Hải Dương đi học trực tiếp từ ngày 6/12
Thành phố Hải Dương vừa ra quyết định cho phép học sinh các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đi học trực tiếp trở lại từ ngày 6/12. Học sinh mầm non tiếp tục nghỉ học cho đến khi có thông báo mới.
Trường trung học phổ thông Hồng Quang (thành phố Hải Dương).
Riêng các cơ sở giáo dục trên địa bàn phường Cẩm Thượng và xã Liên Hồng tiếp tục dạy, học trực tuyến.
UBND thành phố Hải Dương đã báo cáo đánh giá tình hình dịch bệnh và đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho phép học sinh các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố cùng trở lại trường học vào ngày 6/12.
Các trường chỉ được phép cho học sinh trở lại trường học trực tiếp khi bảo đảm điều kiện phòng chống dịch không tổ chức ăn bán trú.
Thành phố cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh, thành phố và các ngành chức năng luôn theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Đồng thời, khẩn trương ổn định nền nếp dạy học, chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, bảo đảm hoàn thành chương trình học kỳ I năm học 2021-2022 đúng quy định.
4 mẹ con cùng mắc COVID-19, Hải Dương phong tỏa khẩn cấp 1 xóm trong đêm Sáng nay, tại huyện Ninh Giang (Hải Dương) ghi nhận chùm ca bệnh với 4 trường hợp sống trong một gia đình có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Họ đến từ TP. Hải Phòng về địa phương và đã được cách ly tại nhà từ trước. Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống vào trưa nay (5/12), ông Lê...