Hai điểm sáng trong mối quan hệ Malaysia – Việt Nam
Quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư và du lịch là những điểm sáng trong mối quan hệ chiến lược Malaysia – Việt Nam, trong khi ngoại giao nhân dân và trao đổi văn hóa đang ngày càng được hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.
Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội, trường Đại học Malaya (Malaysia).
Đây là đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Awang Azman Awang Pawi, nhà phân tích chính trị xã hội thuộc Đại học Malaya (Malaysia) trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur.
Theo Giáo sư Awang, Việt Nam là một trong số các nước thành viên của ASEAN mà Malaysia có mối quan hệ lâu dài và đã phát triển thành quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2015. Trụ cột chính của mối quan hệ Malaysia – Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Anwar Ibrahim là quan hệ đối tác kinh tế. Thương mại song phương giữa hai quốc gia đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, với khối lượng thương mại đạt gần 10 tỷ USD chỉ trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng đột biến trong trao đổi thương mại là minh chứng cho cam kết của cả hai quốc gia trong việc thúc đẩy quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và mở rộng danh mục đầu tư thương mại giữa hai nước.
Một trong những lĩnh vực mà Malaysia và Việt Nam đặc biệt mong muốn hợp tác là công nghệ cao và đổi mới kỹ thuật số. Khi Malaysia bắt đầu hành trình trở thành trung tâm kinh tế kỹ thuật số, thành phố Putrajaya của nước này coi Việt Nam là đối tác có giá trị trong việc chia sẻ công nghệ và chuyên môn. Những tiến bộ nhanh chóng của Việt Nam trong công nghệ và số hóa khiến nước này trở thành đối tác lý tưởng của Malaysia trong lĩnh vực trên, nơi cả hai quốc gia có thể cùng hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ và liên doanh.
Tiến sĩ Awang đánh giá đầu tư giữa hai nước cũng sẽ tăng trưởng. Chuyên môn của Malaysia về phát triển cơ sở hạ tầng, chứng nhận ngành công nghiệp Halal và năng lượng tái tạo mang đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các đối tác Malaysia. Một bước phát triển đáng kể về vấn đề này là mối quan tâm của Việt Nam trong việc mở rộng ngành công nghiệp Halal của mình với việc Malaysia cung cấp chuyên môn của mình về Halal. Điều này có thể mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường halal toàn cầu, ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Du lịch là một lĩnh vực hợp tác kinh tế quan trọng khác. Malaysia đã nổi lên là nguồn khách du lịch ASEAN lớn thứ 2 đến Việt Nam với hơn 360.000 người Malaysia đến thăm Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024. Dòng khách du lịch Malaysia này làm nổi bật sự giao lưu nhân dân ngày càng tăng giữa 2 nước, góp phần vào việc tăng cường quan hệ văn hóa và sự hiểu biết lẫn nhau. Đối với Malaysia, ngành du lịch đại diện cho một con đường quan trọng cho cả tăng trưởng kinh tế và ngoại giao công chúng, củng cố mối quan hệ song phương vượt ra ngoài các tương tác của chính phủ.
Video đang HOT
Đề cập đến mối quan hệ giữa người dân hai nước và giao lưu văn hóa, Giáo sư Awang cho rằng ngoài hợp tác kinh tế và chiến lược, giao lưu nhân dân là một thành phần thiết yếu của mối quan hệ Malaysia – Việt Nam. Lượng khách du lịch ngày càng tăng giữa hai nước là dấu hiệu rõ ràng về sự giao lưu văn hóa ngày càng sâu sắc. Mối quan hệ này củng cố thêm thông qua các hoạt động hợp tác giáo dục và trao đổi sinh viên, với nhiều sinh viên Việt Nam đang theo học tại các cơ sở giáo dục của Malaysia và ngược lại.
Chính phủ của Thủ tướng Ibrahim đã nhận ra tầm quan trọng của việc thúc đẩy các mối liên hệ văn hóa và xã hội này để tạo nền tảng cho quan hệ song phương lâu dài. Theo nghĩa này, ngoại giao nhân dân không chỉ giúp nâng cao hình ảnh của Malaysia ở nước ngoài mà còn để xây dựng thiện chí và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người Malaysia và người Việt Nam.
Dự báo về triển vọng quan hệ hai nước trong tương lai khi năm 2025 Malaysia sẽ đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Giáo sư Awang cho rằng đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Thủ tướng Ibrahim để tăng cường hơn nữa quan hệ Malaysia – Việt Nam trong bối cảnh khu vực rộng lớn hơn. Khi Malaysia đảm nhiệm vai trò lãnh đạo này, hai nước sẽ tập trung vào các vấn đề chính như đổi mới kỹ thuật số, tính bao trùm và tính bền vững, vốn là những lĩnh vực mà sự hợp tác của Việt Nam sẽ trở nên rất quan trọng.
Tầm nhìn của Thủ tườn Ibrahim đối với ASEAN nhấn mạnh đến sự thống nhất, thịnh vượng chung và khả năng phục hồi của khu vực. Quan hệ đối tác của Malaysia với Việt Nam, đặc biệt là trong việc giải quyết các thách thức chung như an ninh lương thực và an ninh năng lượng, sẽ rất quan trọng để đạt được các mục tiêu này. Cả hai quốc gia đều sẵn sàng đóng vai trò dẫn đầu trong việc định hình tương lai của ASEAN, đảm bảo rằng khu vực vẫn là thành trì của hòa bình, ổn định và tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá một cách tổng thể về mối quan hệ Malaysia – Việt Nam, Giáo sư Awang cho biết dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Ibrahim, quan hệ Malaysia – Việt Nam đã đạt đến tầm cao mới với điểm sáng đặc trưng là quan hệ kinh tế mạnh mẽ, hợp tác chiến lược và cam kết chung trong việc giải quyết các thách thức của khu vực. Quan hệ đối tác giữa hai thành viên ASEAN này phản ánh tầm nhìn rộng hơn về sự thống nhất và khả năng phục hồi của khu vực, trong đó sự hợp tác, đổi mới và hỗ trợ lẫn nhau là chìa khóa để đạt được các mục tiêu chung. Trong năm 2025 khi Malaysia đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, mối quan hệ Malaysia – Việt Nam sẽ rất quan trọng đối với mục tiêu thúc đẩy một tương lai thịnh vượng và bền vững cho toàn khu vực.
Dấu mốc mới trong quan hệ giáo dục và trao đổi văn hóa Thái Lan - Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, trường Đại học Srinakharinwirot đã tổ chức "Cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học tại Thái Lan" nhằm cổ vũ và lan tỏa tiếng Việt tại đất nước Chùa Vàng.
Đại sứ Phạm Việt Hùng trao giải đặc biệt cho sinh viên Sirirak Narinuon, trường Đại học Srinakharinwirot, với bài giới thiệu xuất sắc về Chùa Núi Vàng (Wat Saket) ở thủ đô Bangkok. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Sau 3 tuần phát động, chiều 20/11, vòng chung kết cuộc thi đã diễn ra tại Khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot, thu hút sự quan tâm đông đảo của sinh viên Thái Lan và những người yêu văn hóa Việt Nam.
Phát biểu khai mạc vòng thi chung kết, Trưởng Khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot , PGS.TS Anchalee Chansem bày tỏ niềm vinh dự được đón tiếp các vị khách quý, các thày cô giáo giảng viên và các thí sinh tới dự cuộc thi nói tiếng Việt lần đầu tiên được tổ chức giữa 5 trường đại học ở Thái Lan.
Bà Anchalee nhấn mạnh rằng, diễn ra trong bối cảnh quan hệ Thái Lan - Việt Nam đang phát triển nồng ấm, sự kiện này mang đến cho các em sinh viên Thái Lan cơ hội quý giá để thể hiện khả năng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa và sự tôn trọng lẫn nhau. PGS.TS Anchalee cũng biểu dương các sinh viên vì nỗ lực học tập và trưởng thành, tin tưởng cuộc thi nói tiếng Việt là dấu mốc mới trong quan hệ hợp tác giáo dục và trao đổi văn hóa giữa Thái Lan và Việt Nam.
Đại sứ Phạm Việt Hùng và PGS.TS Anchalee Chansem, Trưởng khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot, trao giải thưởng cho 2 thí sinh đạt giải ba tại cuộc thi. Ảnh: Đỗ Sinh/Pv TTXVN tại Thái Lan
Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Tham tán Công sứ Bùi Thị Huệ nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Thái Lan đang phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược tăng cường. Hai nước không chỉ là láng giềng thân thiện, mà còn là đối tác kinh tế quan trọng của nhau. Việc học tiếng Việt tại Thái Lan sẽ góp phần quan trọng vào việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho các sinh viên.
Với chủ đề "Hướng dẫn viên du lịch tiềm năng xin mời quý quan khách Việt đến với Thái Lan chúng tôi", vòng chung kết cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học tại Thái Lan được tổ chức với hình thức trực tiếp. Theo đó, 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết lần lượt lên sân khấu giới thiệu bằng tiếng Việt về một địa điểm tại Thái Lan mà bản thân yêu thích, trên nền đoạn clip đã thực hiện từ vòng loại. Sau đó, các thí sinh sẽ trả lời các câu hỏi bằng tiếng Việt mà Ban giám khảo đưa ra liên quan đến nội dung đoạn video đã thể hiện.
Các sinh viên Thái Lan hào hứng với cuộc thi nói tiếng Việt. Ảnh: Huy Tiến/Pv TTXVN tại Thái Lan
Có thể nói, dù học tiếng Việt chưa lâu song hầu hết 15 thí sinh lọt vào vòng chung kết đã thể hiện tốt bài thi của mình. Với vốn tiếng Việt khá phong phú và khả năng biểu đạt truyền cảm, các thí sinh đã "hóa thân" thành những hướng dẫn viên du lịch tiếng Việt thực thụ, đưa khán giả tới những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, chùa chiền, bảo tàng, công viên, các khu chợ sôi động ở khắp các vùng miền trên đất nước Thái Lan. Không chỉ thể hiện tài năng nói tiếng Việt, nhiều thí sinh cũng chứng tỏ sự hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa Việt Nam khi thể hiện phần thi của mình trong trang phục áo dài Việt, đội nón lá, trình diễn các điệu nhạc cổ Việt Nam bằng đàn tranh, đàn thập lục...
Là một trong các thí sinh lọt vào vòng chung kết, bạn Kathira Phaosung, sinh viên năm 3, Khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot, cho biết bạn đã học tiếng Việt được một năm vì rất thích món ăn Việt Nam và thấy tiếng Việt rất thú vị.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Thị Chiêm, Khoa Nhân văn, trường Đại học Srinakharinwirot cho biết mong muốn của nhà trường khi tổ chức cuộc thi này là tạo sân chơi ý nghĩa và động lực để cho các sinh viên Thái Lan đang theo học tiếng Việt có mục tiêu cụ thể để học tiếng Việt, có một diễn đàn để thể hiện kết quả học tập cũng như tài năng nói tiếng Việt của mình với mọi người.
Cuộc thi tạo sân chơi trí tuệ bổ ích, góp phần thúc đẩy việc học tiếng Việt và tăng cường hiểu biết về văn hóa Việt Nam tại Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh /Pv TTXVN tại Thái Lan
Kết thúc cuộc thi, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng và PGS.TS Anchalee đã trao giải thưởng cho các thí sinh có màn thể hiện xuất sắc nhất. Theo đó, giải đặc biệt thuộc về bạn Sirirak Narinuon, sinh viên trường Đại học Srinakharinwirot, với bài giới thiệu xuất sắc về ngôi Chùa Núi Vàng (Wat Saket) ở thủ đô Bangkok. Giải nhất thuộc về bạn Pitchaya Ditson, cũng thuộc trường Đại học Srinakharinwirot với bài giới thiệu về Chợ Chatuchak, điểm đến du lịch cuối tuần nổi tiếng ở Bangkok. Hai giải nhì và hai giải ba, cùng 9 giải khuyến khích được trao cho các bạn sinh viên thuộc các trường Đại học Srinakharinwirot, Đại học Udon Thani Rajabaht và Đại học Thammasat.
Lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam khẳng định thông qua cuộc thi này, các em sinh viên không những nâng cao trình độ tiếng Việt của mình mà còn có cơ hội cơ hội tuyệt vời để giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm giữa các sinh viên với nhau. Cuộc thi đã tạo sân chơi trí tuệ bổ ích, góp phần thúc đẩy việc học tiếng Việt và tăng cường hiểu biết về văn hóa Việt Nam tại Thái Lan.
Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng nhà trường trong việc phát triển chương trình giảng dạy tiếng Việt trong thời gian tới.
"Cơn sốt" giá cau và ngành công nghiệp sản xuất tỷ USD của Trung Quốc Đằng sau "cơn sốt" giá cau gần đây là một ngành sản xuất cau trị giá hàng tỷ USD từ trồng trọt, chế biến đến công nghiệp phụ trợ của Trung Quốc. Cơn sốt giá cau Cây cau phù hợp với khí hậu nhiệt đới, vốn có nguồn gốc Đông Nam Á nhưng hiện được trồng ở nhiều nước như Ấn Độ, Indonesia,...