Hà Tĩnh chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2 và lớp 6
Hơn 370 trường Tiểu học và THCS ở Hà Tĩnh đã hoàn tất công tác lựa chọn đội ngũ và hiện đang khuyến khích, hỗ trợ giáo viên tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2 và lớp 6.
Lựa chọn hơn 3.000 giáo viên
Xác định yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công khi triển khai chương trình mới là đội ngũ giáo viên nên ngay từ đầu năm học 2020-2021, các trường học ở Hà Tĩnh đã chủ động lựa chọn giáo viên đáp ứng yêu cầu..
Việc triển khai nhuần nhuyễn chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 đã tạo niềm tin cho Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) trong công tác chuẩn bị điều kiện để thực hiện chương trình ở lớp 2. Ảnh tư liệu.
Cô Ngô Thị Quế Loan, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Vĩnh Yên (Can Lộc) cho biết: “Sau ổn định việc dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1, chúng tôi tiếp tục lựa chọn 10 giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 2 vào năm học 2021 – 2022. Đội ngũ giáo viên được lựa chọn là những nhân tố điển hình trong phong trào đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin”.
Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại 37 trường tiểu học, THCS, thời gian qua, Phòng GD&ĐT Hương Sơn cũng đã chỉ đạo các trường hoàn tất công tác chuẩn bị đội ngũ.
Giáo viên trường Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà) triển khai tiết dạy thử nghiệm dạy thử nghiệm theo chương trình đổi mới.
Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng Phòng GD&ĐT Hương Sơn cho biết: “Qua lựa chọn và báo cáo của các nhà trường, chúng tôi đã hoàn thiện danh sách giáo viên dự kiến đảm nhiệm việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới trong năm học 2021-2022. Toàn huyện có gần 700 giáo viên được lựa chọn đi tập huấn để đáp ứng việc dạy học cho 52 lớp 6 và 66 lớp 2″.
Theo số liệu từ Sở GD&ĐT, đến thời điểm hiện tại, hơn 370 trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh đã lựa chọn hơn 3.000 giáo viên chuẩn bị cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm thứ 2 ở lớp 2 và lớp 6. Danh sách đội ngũ giáo viên này đã được ngành cập nhật gửi Bộ GD&ĐT.
Từng bước tiếp cận chương trình mới
Ngay sau khi hoàn thành việc lựa chọn đội ngũ, Sở GD&ĐT cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn cho các giáo viên một số chuyên đề về đổi mới phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Theo đó, thời gian này, giáo viên ở các trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Tĩnh thực hiện song song 2 nhiệm vụ, vừa giảng dạy vừa tập trung nghiên cứu chương trình năm học mới.
Những giờ học Tiếng Anh ở Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà) trở nên hấp dẫn hơn bởi sự đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên
Tại Trường THCS Tân Vịnh (Lộc Hà), việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy được thảo luận kỹ càng trong từng tổ chuyên môn và trong các tiết dạy thí điểm để làm quen, rút kinh nghiệm.
Cô Hoàng Thị Mỹ Dung – Tổ trưởng tổ chuyên môn Tiếng Anh, Trường THCS Tân Vịnh cho biết: “Tiếp cận các chương trình đổi mới từ đầu năm nay, chúng tôi đã tổ chức những tiết dạy theo hình thức đổi mới. Việc đổi mới từ cách soạn giáo án, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh tăng cường hoạt động nhóm trong các giờ học, đến phương pháp dự giờ theo hướng chú trọng quan sát các hoạt động, năng lực, sự hiểu biết của học sinh trong mỗi giờ học”.
Từ đầu tháng 1/2021, Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà) đã mời chuyên viên Sở GD&ĐT tập huấn chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học cho giáo viên toàn trường.
Việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo chương trình sách giáo khoa 2018 cũng đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi đối với hầu hết giáo viên tất cả các nhà trường. Nhiều trường học đã mời chuyên viên Sở GD&ĐT trực tiếp về tập huấn đổi mới phương pháp giảng dạy cho giáo viên.
Thầy Đặng Hữu Tường – Hiệu trưởng Trường THCS Thụ Hậu cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức một số giờ dạy thử nghiệm để giáo viên toàn trường dự giờ và góp ý. Qua đó, các giáo viên có thêm cơ hội làm quen với phương pháp dạy học mới, đồng thời tích lũy kinh nghiệm cho chính mình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở những giai đoạn tiếp theo”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thực hiện lần đầu tiên ở lớp 1 vào năm học 2020-2021. Năm học 2021-2022, việc thay sách giáo khoa theo chương trình mới sẽ được thực hiện ở lớp 2 và lớp 6. Ngay sau khi hoàn thiện việc lựa chọn đội ngũ, ngành giáo dục sẽ tổ chức giới thiệu để các trường học lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của tỉnh.
Phó Trưởng phòng Giáo dục Phổ thông Sở GD&ĐT Phan Duy Nghĩa
Huyện vùng biển Hà Tĩnh chủ động thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới
Thành công từ việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào lớp 1 năm học 2020-2021 là động lực để Lộc Hà (Hà Tĩnh) chủ động chuẩn bị triển khai chương trình ở lớp 2 và lớp 6 trong năm học tiếp theo.
Tập trung đầu tư cơ sở vật chất
Đến thời điểm hiện tại, 100% lớp học ở Trường THCS Mỵ Châu (Lộc Hà) đã được đầu tư máy chiếu để phục vụ cho việc áp dụng công nghệ thông tin vào giờ học.
Máy chiếu được "phủ sóng" tại 100% lớp học ở Trường THCS Mỵ Châu (Lộc Hà)
Việc đầu tư các phương tiện dạy học hiện đại không chỉ tạo sự hấp dẫn, dễ hiểu cho học sinh trong mỗi giờ học mà cũng là sự đón đầu của trường trong việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Ngô Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS Mỵ Châu cho biết: "Không chỉ các lớp học mà các phòng bộ môn cũng đã được chúng tôi trang bị máy chiếu để phục vụ cho việc dạy học. Đây cũng là hoạt động đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 6 trong năm học tới. Bởi chương trình mới, việc dạy học chủ yếu sẽ được khai thác qua các học liệu điện tử".
Nhà đa năng và các công trình phụ trợ ở Trường THCS Mỵ Châu được đầu tư khoảng 8 tỷ đồng
Củng cố cơ sở vật chất, phục vụ cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp theo hướng phát huy năng lực của người học, Trường THCS Mỵ Châu đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng nhà học đa chức năng và các công trình phụ trợ.
Hiện tại, sân bóng đá nhân tạo trên 800 triệu đồng cũng đang trong giai đoạn thực hiện để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thể lực của học sinh. "Đây là nguồn huy động từ các dự án và xã hội hóa của các doanh nghiệp ở địa phương", thầy Sơn cho biết thêm.
Nhiều trường học được đầu tư, lắp đặt trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học
Không riêng ở Trường THCS Mỵ Châu, việc tăng cường cơ sở vật chất, phục vụ cho đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa đang được các trường học ở vùng biển Lộc Hà hưởng ứng tích cực.
Từ nhiều nguồn, trong đó có phần đóng góp của phụ huynh học sinh, hầu hết các lớp học đã được "phủ sóng" tivi smart, máy chiếu. Các đường truyền kết nối mạng đến từng lớp học cũng đã và đang được lắp đặt.
Video: Thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà nói về việc các trường học chủ động cơ sở vật chất
Thầy Phan Thanh Dân - Trưởng phòng GD&ĐT Lộc Hà cho biết: "Chủ động về cơ sở vật chất để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục mới, thời gian qua, Phòng GD&ĐT đã tích cực tham mưu với huyện trong việc huy động các nguồn lực đầu tư. Theo đó, HĐND đã phê duyệt nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cho giáo dục Lộc Hà trong năm 2021 hơn 70 tỷ đồng".
Lựa chọn hơn 100 giáo viên đứng lớp
Dự kiến, năm học 2021-2022, toàn huyện sẽ có trên 100 lớp 6 và lớp 2 thay sách giáo khoa, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Để chuẩn bị hành trang cho đội ngũ giáo viên, thời gian qua, Phòng GD&ĐT huyện đã giao các trường lựa chọn hơn 100 giáo viên đứng lớp để tham gia các lớp tập huấn do sở triển khai.
Trường THCS Thụ Hậu (Lộc Hà) là trường đầu tiên của huyện mời chuyên viên Sở GD&ĐT tập huấn về dạy học, phát triển năng lực học sinh cho tất cả giáo viên
Thầy Đặng Hữu Tường - Hiệu trưởng Trường THCS Thụ Hậu cho biết: "Đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng quyết định thành công của chương trình. Chính vì thế, để chuẩn bị cho năm đầu tiên triển khai chương trình ở bậc THCS, chúng tôi đã lựa chọn kỹ càng đội ngũ giáo viên đứng lớp gửi tham gia tập huấn. Đây là những giáo viên năng động, luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của trường".
Ngay sau tập huấn tại Sở GD&ĐT, Trường THCS Thụ Hậu đã triển khai một số giờ dạy thử nghiệm để giáo viên toàn trường dự giờ, tham gia góp ý. Trường đã mời chuyên viên của sở về trực tiếp tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên toàn trường. Đây cũng là trường đầu tiên ở Lộc Hà thực hiện việc tập huấn cho đội ngũ giáo viên một cách bài bản.
Các tiết dạy thể nghiệm được giáo viên Trường THCS Thụ Hậu thực hiện ngay sau tập huấn
Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức cá nhân trong việc đầu tư cơ sở vật chất, các trường học ở Lộc Hà cũng đang áp dụng phương pháp đổi mới trong từng giờ học để sẵn sàng cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới giai đoạn tiếp theo.
Triển khai chương trình mới ở lớp 2, lớp 6: Không để bị động đội ngũ giáo viên Hàng loạt công việc liên quan đến chuẩn bị đội ngũ giáo viên (GV) để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở lớp 2, lớp 6 đã được địa phương thực hiện. HS Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng - Phú Thọ Tinh thần là không bị động về đội ngũ, chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho chương...