Hà Nội: Thêm 3 ca tử vong do sốt xuất huyết, hầu hết là người trẻ
Hà Nội đã có 6 ca tử vong do sốt xuất huyết, trong đó 3 ca mới, hầu hết là người trẻ, trong lúc xuất hiện lo ngại về thiếu thuốc, dịch truyền.
PGS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tính đến hiện tại, Hà Nội đã ghi nhận 6 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Như vậy là thêm 3 ca so với bản tin trên PLO 10 ngày trước.
Bác sĩ Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: TT
Một điểm chung của các ca tử vong là đều nhập viện muộn, có dấu hiệu cảnh báo nặng, sốc, suy đa nội tạng, chảy máu và diễn biến bệnh rất nhanh. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp ở độ tuổi 30-35 tuổi, thậm chí rất trẻ (22 tuổi), không có bệnh nền.
Độc lực virus không tăng nhưng bệnh nhân nặng ngày càng nhiều
Ngoài ra, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận một số trường hợp chuyển nặng do tuyến dưới chẩn đoán sai dẫn đến điều trị sai. Chẳng hạn lẽ ra phải truyền dịch cao phân tử thì lại cho truyền dịch bình thường, hoặc bệnh đang ở giai đoạn tái hấp thu phải ngừng truyền dịch thì vẫn tiếp tục truyền…
“Người trẻ tuổi, không bệnh nền tử vong vì sốt xuất huyết là điều khó chấp nhận. Để giảm tử vong do sốt xuất huyết, tuyến dưới cần chú ý hơn công tác phân loại bệnh nhân, cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế” – PGS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Chị Trương Hồng Nga đang chăm sóc mẹ bị sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Chị cho biết mẹ mình đã xét nghiệm ngày 1-10 khi bắt đầu sốt, tiểu cầu là 73 G/L thì ngay hôm sau tụt xuống 40, đến ngày thứ tư của bệnh, tiểu cầu hạ còn 12.6 G/L.
“Gia đình rất lo lắng vì bà tuổi cao, lại có bệnh nền cao huyết áp nên khi tiểu cầu xuống thấp quá phải đưa vào viện ngay” – chị Nga nói.
Video đang HOT
Mẹ chị Nga nằm trong số 20-30 ca sốt xuất huyết tìm tới trung tâm những ngày này. So với các bệnh có tính chất dịch, lây nhiễm khác, bệnh nhân sốt xuất huyết hiện chiếm tới 1/3 tổng số bệnh nhân của trung tâm. Đây là nguyên nhân chính khiến các phòng nội trú chật cứng người…
Theo bác sĩ Cường, dịch sốt xuất huyết năm nay ở khu vực Hà Nội tăng cả số ca bệnh nặng và số ca tử vong. Tuy nhiên chưa có bằng chứng, cơ sở về việc virus tăng độc tính.
“Điểm bất thường là năm ngoái Hà Nội đã xảy ra dịch sốt xuất huyết, năm nay lại tiếp tục bùng dịch, tức là không theo chu kỳ khoảng 5 năm như trước. Đây là điều hiếm gặp, cho thấy công tác phòng, chống dịch cần phải chủ động, tăng cường hơn” – ông Cường nhận định.
Nam bệnh nhân 19 tuổi nhập viện do sốt xuất huyết đang được thăm khám. Ảnh: TT
Thời điểm này, bị sốt cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết
Theo Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, với sốt xuất huyết, những ngày đầu có thể bị sốt cao nhưng chưa đáng lo. Tới khoảng 4-5 ngày sau, bệnh nhân hết sốt, tưởng là khỏi nhưng thực tế đang chuyển sang giai đoạn thoát huyết tương, cô đặc máu. Chưa kể có trường hợp sốt xuất huyết nhưng không sốt mà âm thầm chảy máu, chảy máu nội tạng, cô đặc máu, thoát dịch… rất khó phát hiện.
Bác sĩ Cường lưu ý các gia đình: Vào cao điểm dịch như hiện nay, khi người thân có dấu hiệu sốt cần nghĩ ngay đến khả năng sốt xuất huyết, theo dõi kỹ diễn biến. Từ ngày thứ tư trở đi, nếu thấy mệt mỏi, đau bụng, chân tay lạnh, ra máu, chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, đi ngoài ra máu, chán ăn… cần đến ngay bệnh viện để theo dõi, điều trị.
“Không phải tất cả ca bệnh sốt xuất huyết đều có thể chuyển nặng, nhưng chỉ cần 10% trong số đó thì đã áp lực rất lớn. Vì vậy, vào mùa dịch này, các cơ sở y tế cần chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng để kịp thời cứu chữa đúng phác đồ với các ca nhập viện, không diễn biến nặng hơn hoặc tử vong”, bác sĩ Cường nói.
Về công tác điều trị sốt xuất huyết, vấn đề lớn nhất lúc này là nỗi lo thiếu thuốc, vật tư, dịch truyền, dung dịch cao phân tử, các chế phẩm của máu như hồng cầu, tiểu cầu, rồi thiết bị hồi sức, kít xét nghiệm… Ngoài ra, nhân lực chuyên ngành truyền nhiễm sau hai năm chống dịch COVID-19 cũng bị mỏng đi nhiều, cần nâng cao cả về số lượng, chất lượng cũng như chế độ đãi ngộ.
Bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định nhập viện ngày càng tăng. Ảnh: TT
Còn trong điều kiện hiện tại, các cơ sở y tế cần lưu ý sốt xuất huyết khi đã chuyển nặng thì diễn biến xấu rất nhanh. Vì vậy, cần tăng cường sàng lọc, phân loại sớm bệnh nhân. Trường hợp nào có dấu hiệu mệt nặng thì đưa vào điều trị tích cực ngay. Tránh để bệnh nhân sốt xuất huyết nặng phải xếp hàng lâu đợi xét nghiệm, trả kết quả.
Dịch sốt xuất huyết chưa 'hạ nhiệt', nhiều ca trở nặng do nhầm với COVID-19
Cả nước ghi nhận gần 327.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó hơn 120 ca tử vong, dịch vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt".
Trao đổi với PV VOV.VN, BS Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô cho biết, sốt xuất huyết là bệnh theo mùa, theo dịch. Trong giai đoạn cao điểm, một ngày có 30-40 bệnh nhân vào Khoa cấp cứu thì có 7-8 người bị sốt xuất huyết.
Năm nay, người dân quan tâm đến dịch COVID-19 nhiều hơn nên chủ quan với các bệnh khác như sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị ho, sốt nhưng cho rằng mình bị COVID-19 và nghĩ rằng đã tiêm vaccine nên ngại vào bệnh viện.
"Nhiều người nhầm lẫn triệu chứng giữa COVID-19 với sốt xuất huyết và cảm cúm thông thường. Đặc biệt, người bệnh chủ quan không đi khám và tự dùng các nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt không phù hợp với sốt xuất huyết, gây biến chứng nặng hơn như gây sốt xuất huyết tiêu hóa.
Người bệnh để tình trạng quá nặng khi đã thoát mạch, tràn dịch các cơ quan, tiểu cầu hạ thấp, biến chứng lên não hoặc biến chứng tiêu hóa mới vào viện. Đa số bệnh nhân nặng vào viện trong tình trạng bắt đầu có dấu hiệu sốc", BS Khiêm cho biết.
Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết.
Theo dự báo của Bộ Y tế, thời gian tới, tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và xu hướng gia tăng. Sốt xuất huyết gây nên bởi virus Dengue với 4 tuýp là: DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, bệnh được lây truyền cho người qua vật trung gian truyền bệnh là muỗi vằn Aedes aegypi.
Các tuýp DENV2 và DENV3 làm tăng độ nặng của bệnh so với các tuýp khác, riêng tuýp DENV4 gây bệnh nhẹ hơn. Do đó, người mắc sốt xuất huyết cần được điều trị dưới sự giám sát của nhân viên y tế, để sớm phát hiện khi có diễn biến nặng; nếu không kịp phát hiện, bệnh sẽ rất dễ rơi vào sốc, thậm chí tử vong rất nhanh.
PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, Hà Nội và nhiều địa phương đang trong tình trạng lưu hành nhiều dịch bệnh truyền nhiễm như COVID-19, virus Adeno, cúm A, cúm B... với triệu chứng chồng chéo. Bệnh nhân cũng có thể đồng nhiễm nhiều bệnh, bác sĩ cũng dễ chẩn đoán nhầm, dẫn tới không điều trị đúng, kịp thời.
Trong những ngày đầu mới mắc sốt xuất huyết, người bệnh có thể chăm sóc tại nhà. Bệnh nhân cần được theo dõi nhiệt độ thường xuyên, theo dõi các dấu hiệu toàn thân khác.
"Nếu đau mỏi người, sốt cao cần được dùng thuốc hạ sốt, giảm đau nhưng nên tránh dùng nhóm thuốc như: Aspirin, ibuprofen vì thuốc có thể gây chảy máu. Đặc biệt, người dân chú ý, khi mắc sốt xuất huyết không dùng kháng sinh, không tự ý truyền dịch như đạm, albumin, truyền máu hay dung dịch cao phân tử; người bệnh cần sự theo dõi chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa", ông Cường nói.
Bác sĩ cũng khuyên cáo, người bệnh sốt xuất huyết cần uống nhiều nước như nước hoa quả hoặc oresol, bù nước đầy đủ, ăn uống nghỉ ngơi để tránh biến chứng nặng, nhanh hồi phục.
Với các trường hợp bệnh nhân bị thoát dịch hoặc cô đặc máu sẽ có các hiện tượng như: Tụt huyết áp, đau bụng vùng gan, mệt mỏi, tay chân lạnh, nôn, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài ra máu, phụ nữ có thể rong kinh, rong huyết... đây là những dấu hiệu cảnh báo cần phải nhập viện ngay.
Đặc biệt, hiện là thời điểm cao điểm của dịch sốt xuất huyết, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên chủ quan trong việc phòng dịch; cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, nhất là diệt muỗi truyền bệnh và phòng muỗi đốt để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết.
Khi có dấu hiệu bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Bình Định tăng gấp 3 lần năm ngoái Bình Định ghi nhận hơn 4.300 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 3.200 ca so với cùng kỳ năm 2021, trong đó 2 huyện nhiều ca nhất là Tây Sơn và Hoài Ân. Tại tỉnh Bình Định đang tồn tại cả 2 loài véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là Ae.aegypti và Aedes albopictus, làm tăng khả năng lây truyền...