Hà Nội tăng cường biện pháp phòng chống bệnh dại, tay chân miệng, sốt xuất huyết
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà mới có Công văn số 1354/UBND-KGVX chỉ đạo các đơn vị chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chủ động phân tích tình hình dịch và đánh giá nguy cơ đề xuất, triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, kịp thời.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao.
Cụ thể, đối với bệnh dại, UBND TP yêu cầu đảm bảo đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tăng cường sự phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn, hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời.
Đối với Bệnh sốt xuất huyết, các đơn vị cần thực hiện mạnh mẽ chiến dịch truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và các hoạt động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 14 (ngày 15/6/2024).
Muỗi Aedes aegypti đôi khi mang cả hai virus sốt xuất huyết và Chikungunya. Nguồn: SKĐS.
Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống sốt xuất huyết. Tuyên truyền để người dân hưởng ứng tích cực các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải chứa nước đọng, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín nắp và thả cá vào bể, các dụng cụ chứa nước sinh hoạt. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo quy định của Bộ Y tế.
UBND TP cũng yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tay chân miệng;, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.
Đối với các Bệnh được dự phòng bằng vaccine (sởi, ho gà, bạch hầu…), cần đẩy mạnh triển khai kế hoạch tiêm chủng năm 2024, thực hiện tốt tiêm chủng thường xuyên cho các đối tượng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ.
Tăng cường hoạt động giám sát, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh và vận động các gia đình đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch, đủ mũi tiêm.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, kịp thời điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong và thực hiện tốt kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi, khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật.
Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo phòng bệnh cho người dân. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở để khuyến cáo, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi để bảo vệ sức khỏe.
Video đang HOT
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch…
Triệu chứng của sốt xuất huyết Dengue
Theo SKĐS, khi bị sốt xuất huyết Dengue, sau thời kỳ ủ bệnh, người bệnh thường trải qua ba giai đoạn:
- Giai đoạn đầu tiên là sốt (thường là sốt cao) dẫn tới mất nước, cơ thể mệt mỏi, rã rời, bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ và một vài trường hợp bị xuất huyết gây chảy máu cam hoặc chảy máu chân răng…
- Giai đoạn thứ hai: biểu hiện là sốt giảm dần, có thể là hết sốt nhưng các nốt ban lại mọc dày thêm, hiện tượng ngứa, khó chịu xuất hiện và cơ thể mệt mỏi nặng hơn, một số người có thể rơi vào trạng thái li bì, không muốn ăn uống. Những trường hợp nặng hơn có thể vẫn tiếp tục chảy máu cam, thậm chí cả tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (phụ nữ). Lúc này, nếu không được khắc phục kịp thời, có thể rơi vào tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dạ dày, viêm gan, viêm cơ tim,… và nguy hiểm nhất là có thể sốc sốt xuất huyết Dengue.
- Giai đoạn thứ ba: cơ thể hồi phục dần, lúc này, các nốt ban sẽ không nổi thêm nữa và vết cũ mờ dần đi, sự khó chịu theo đó cũng giảm, cơ thể bớt mệt mỏi và cảm giác muốn ăn, thèm ăn, ăn thấy ngon miệng.
Nên làm gì để hạn chế sốc xuất huyết Dengue?
Khi bị sốt xuất huyết Dengue, người bệnh có thể trải qua nhiều giai đoạn với những triệu chứng, dấu hiệu riêng. Trong đó, có những giai đoạn các triệu chứng lâm sàng thoái lui nhưng tiểu cầu bắt đầu giảm một cách âm thầm, khiến người bệnh hoặc người nhà người bệnh tưởng rằng đã khỏi bệnh, dẫn đến chủ quan. Vì thế, không ít người vẫn hoang mang tự hỏi sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi lại trở nặng, thậm chí tử vong.
Thực ra, hiện tượng sốt xuất huyết vì sao khỏe rồi lại có thể trở nặng là do sự giảm sút nhiều của tiểu cầu cũng như sự thoát nhiều huyết tương làm cho bệnh nặng thêm và có thể tử vong nếu không phát hiện kịp thời và chữa trị tích cực. Ở giai đoạn này, tiểu cầu của bệnh nhân bắt đầu giảm dần một cách âm thầm nhưng không biểu hiện ra ngoài nên người bệnh và người nhà người bệnh không thể phát hiện được mà phải xét nghiệm máu mới có thể biết được.
Vì vậy để phòng sốc sốt xuất huyết Dengue thì sau khi hết sốt, cần theo dõi chặt chẽ thêm khoảng 1 tuần và lưu ý tới tất cả các dấu hiệu không bình thường khác có thể diễn ra với cơ thể như: hiện tượng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam vẫn còn hay đã hết, với những phụ nữ đến tháng, có thể gặp tình trạng rong kinh, rong huyết, băng kinh,…. thậm chí ra máu kinh khi chưa đến kỳ…. Chú ý xem có đau bụng hoặc đi ngoài phân vàng hay có màu đen…
Hãy chú ý xem người bệnh có hiện tượng li bì hoặc có khó thở hoặc mất ý thức hay có hiện tượng co giật hay không? Nếu thấy có những dấu hiệu bất thường nào cần đưa bệnh nhân đến viện ngay để được chữa trị kịp thời.
Cảnh giác với những dịch bệnh dễ bùng phát thời điểm này
Miền Bắc đang trong những ngày nồm ẩm, miền Nam vẫn nắng, có nơi nắng nóng là điều kiện thuận lợi phát triển các loại nấm mốc, virus gây bệnh.
Thêm vào đó, việc tiêm chủng bị gián đoạn trong thời gian ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến nhiều loại dịch bệnh có nguy cơ gia tăng số ca mắc...
Nguy cơ bùng phát dịch sởi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, gần đây đơn vị này đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu của WHO, tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng trên 30 lần so với năm 2022. Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023.
Tại Việt Nam, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thời gian qua và việc gián đoạn cung ứng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng năm 2023 đã tác động đến tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em trên toàn quốc. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh bao gồm sởi.
Bộ Y tế cho biết, theo dữ liệu của hệ thống báo cáo bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay ghi nhận rải rác 42 trường hợp mắc bệnh sởi và sốt phát ban nghi sởi tại 13 tỉnh, thành phố; không ghi nhận ổ dịch tập trung.
Để giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi trong thời gian tới, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện trường hợp mắc bệnh
Bệnh tay chân miệng
Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết trong tuần qua (từ ngày 11/3 đến 17/3), TP HCM ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,8% so với trung bình 4 tuần trước. Với số ca ghi nhận mới này, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng tại TP HCM từ đầu năm 2024 đến tuần qua là 1.495 ca. Trong đó quận 6, quận 8 và huyện Nhà Bè là những địa phương trên 100.000 dân có ca mắc.
Nếu so với tuần thứ 10, TP HCM chỉ ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 7,9% so với trung bình 4 tuần trước, thì số ca mắc tay chân miệng tuần thứ 11 (từ ngày 11/3 đến 17/3) tăng gần gấp đôi.
Trước đó, như tuần thứ 9, TP HCM chỉ ghi nhận 75 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, giảm 13% so với trung bình 4 tuần trước.
Tại TP Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tính từ đầu năm đến hết ngày 8/3, toàn thành phố có 151 ca mắc tay chân miệng tại 26/30 quận, huyện, con số này tăng hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Hiện nay đã ghi nhận hai ổ dịch tại phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) và xã Cự Khê (huyện Thanh Oai). Dự báo trong thời gian tới, số người mắc tay chân miệng có thể tiếp tục gia tăng.
Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TP HCM khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Bệnh ho gà ở trẻ em
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, thống kê lũy tích từ đầu năm đến ngày 18/3/2024, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 17 ca mắc bệnh ho gà.
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 40 bệnh nhân mắc bệnh ho gà đều có những biến chứng viêm phổi nặng. Các ca bệnh đã được điều trị thành công, hiện còn 10 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Trong số 40 bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, các bệnh nhân chủ yếu đều dưới 3 tháng tuổi và đến lịch tiêm phòng. Tuy nhiên, vì lý do nào đó, trẻ chưa được tiêm phòng.
Bệnh ho gà là bệnh lý truyền nhiễm thường gặp vào mùa đông xuân. Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây nên, thường ủ bệnh từ khoảng 7-20 ngày. Bệnh thường khởi phát bởi triệu chứng ho nhiều, chảy nước mũi và có thể có sốt nhẹ. Sau đó, ho một loạt các cơn ho liên tục, trẻ ho rũ rượi, ho từng cơn, ho kéo dài dẫn tới việc trẻ nôn ọe, không ăn được, mệt mỏi, chảy nước mắt, nước mũi, kiệt sức. Cơn ho dai dẳng khiến cho trẻ đỏ bừng mặt hay tím tái cả người. Sau cơn ho, bệnh nhân xuất hiện thở rít nên người ta gọi là ho gà. Cơn ho khiến trẻ khó chịu, mất ngủ về đêm, kém ăn, bỏ ăn, gây suy dinh dưỡng và các bệnh lý khác...
Bệnh ho gà có thể gây biến chứng nghiêm trọng, do ho dai dẳng, kéo dài làm cho trẻ bị kiệt sức dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, viêm não...
Bệnh ho gà rất dễ lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có và khả năng lây truyền rất cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian như hộ gia đình, trường học... Để chủ động phòng chống, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch:
Mũi thứ 1: Tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất 1 tháng.
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai 1 tháng.
Mũi thứ 4: Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
Bệnh sốt xuất huyết, thủy đậu
Bên cạnh đó, trong tuần từ ngày 1 đến 8/3, Hà Nội cũng ghi nhận 32 trường hợp mắc thủy đậu (tăng 5 ca so với tuần trước), trong đó huyện Mê Linh có nhiều ca bệnh nhất với 15 ca, tiếp đến huyện Chương Mỹ có 8 ca. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố có 179 trường hợp mắc thủy đậu, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhưng theo quy luật, từ tháng 3 đến tháng 5 hàng năm sẽ ghi nhận số lượng người mắc bệnh tăng cao. Ngoài ra đây cũng là khoảng thời điểm cuối xuân đầu hè, có độ ẩm không khí cao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát tán và lây lan.
Về bệnh sốt xuất huyết, CDC Hà Nội cho biết gần đây, thành phố ghi nhận rải rác nhiều ca sốt xuất huyết trong khi bệnh này thường xảy ra từ tháng 7 đến tháng 11 hằng năm. Số mắc trung bình từ 17 đến 24 ca mỗi tuần. Quận, huyện có nhiều ca mắc nhất là Đống Đa với 81 ca, Hà Đông 58, Hoàng Mai 43, Hai Bà Trưng 32,...
Như vậy, từ đầu năm đến nay, thủ đô Hà Nội ghi nhận 513 người mắc sốt xuất huyết, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có 5 ổ dịch.
Bệnh dại
Theo Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay bệnh dại có xu hướng gia tăng, nhiều tỉnh, thành phố ghi nhận số ca tử vong do dại cao như Gia Lai 14 ca, Nghệ An 7 ca, Bình Phước 7 ca, Điện Biên 6 ca, Bến Tre 5 ca, Đắk Lắk và Bình Thuận 4 ca.
Năm 2024, tình hình bệnh dại tiếp tục gia tăng đột biến, chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận 22 trường hợp tử vong, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp).
Khu vực Tây Nguyên vẫn là điểm nóng về dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (Đắk Lắk 4 ca, Gia Lai 01 ca).
Đặc biệt gần đây xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.
Cảnh báo dịch sốt xuất huyết bùng phát tại thời điểm giao mùa Sốt xuất huyết là một căn bệnh do virus sốt xuất huyết gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, đặc biệt là muỗi Aedes aegypti. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về bệnh sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết là bệnh gì? Sốt xuất huyết là bệnh...