Hà Nội dự kiến chấm thi tốt nghiệp THPT xong trước ngày 24.8
Dù số lượng bài thi lớn nhất cả nước nhưng công tác chấm thi của Hà Nội đang diễn ra khá thuận lợi do đáp án, hướng dẫn tường minh, phần mềm chấm thi thông minh, độ bảo mật cao hơn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ (đứng thứ hai từ trái sang) kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội – ẢNH TUỆ NGUYỄN
Chiều nay, 14.8, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội.
Là địa phương có số lượng bài thi lớn nhất cả nước, gần 80.000 thí sinh, Hà Nội huy động số lượng giám khảo chấm thi tự luận và trang thiết bị chấm môn trắc nghiệm gấp cả chục lần so với nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Đáp án và hướng dẫn chấm thi tường minh, dễ vận dụng
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết thành phố thành lập 2 ban chấm tự luận và trắc nghiệm. Ban chấm thi tự luận gồm 7 lãnh đạo, 516 cán bộ chấm thi, 15 ủy viên (an ninh, bảo vệ, phục vụ); 1 tổ chấm kiểm tra bao gồm 17 cán bộ chấm thi. Dự kiến ngày 24.8, Hà Nội sẽ hoàn tất chấm thi.
Ban chấm thi trắc nghiệm do Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang trực tiếp làm trưởng ban với 52 thành viên ban chấm thi và 15 ủy viên thuộc an ninh, bảo vệ, phục vụ.
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng Ban chấm thi tự luận, cho biết việc chấm thi tự luận của Hà Nội đảm bảo 2 vòng độc lập với 24 tổ chấm, 12 phòng thống nhất điểm, 1 phòng chấm kiểm tra, 1 phòng đối thoại và phòng khớp điểm…
Ngoài ra, do dịch Covid-19 nên ban chấm thi bố trí 1 phòng cách ly y tế để sử dụng trong trường hợp cán bộ làm nhiệm vụ chấm thi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Toàn bộ khu vực chấm thi đều có camera giám sát 24/24.
Theo ông Minh, sáng 13.8, Hà Nội bắt đầu tổ chức cho toàn bộ cán bộ chấm thi học tập quy chế, sau đó là nghiên cứu, thảo luận về biểu điểm chấm thi của Bộ GD-ĐT tại từng tổ chấm; tiến hành chấm chung 10 bài thi bất kỳ để đi đến thống nhất về cách chấm. Ngày 14.8, các giám khảo đang chấm vòng 1 của buổi chấm đầu tiên theo đúng tiến độ dự kiến.
“Quá trình học tập quy chế và biểu điểm cũng như chấm thi đến thời điểm này không có bất cứ vấn đề gì đặc biệt”, ông Minh cho hay.
Bà Nguyễn Thu Hà, Phó trưởng Ban chấm thi tự luận, nhận xét: hướng dẫn chấm và biểu điểm môn ngữ văn của Bộ GD-ĐT năm nay rất tường minh nên khi thảo luận có sự thống nhất rất cao, không gặp phải những băn khoăn, thắc mắc của giám khảo.
“Sau khi chấm chung 10 bài, lãnh đạo ban chấm thi cũng không nhận được phản ánh việc chấm chung có vướng mắc gì, việc chấm thi nhìn chung rất thuận lợi”, bà Hà nói.
Tổ thư ký ban chấm thi tự luận của Hà Nội đang làm nhiệm vụ – ẢNH TUỆ NGUYỄN
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, việc chấm thi tự luận quan trọng nhất là phải đảm bảo nguyên tắc chấm 2 vòng độc lập, 2 giám khảo chấm 2 vòng phải ngồi ở 2 phòng chấm khác nhau để tránh những trao đổi trong quá trình chấm.
“Giám khảo chấm thi phải thực hiện theo đúng quy chế và hướng dẫn chấm thi, không làm tắt, không làm thay việc của người khác. Ví dụ, giám khảo chấm vòng 1 có thể vì muốn “gọn việc” nên lại làm thay việc cả giám khảo chấm vòng 2 là những điều tuyệt đối không để xảy ra”, ông Độ lưu ý.
Với khâu chấm kiểm tra, ông Độ cũng đề nghị cần thực hiện đúng theo yêu cầu mới đặt ra trong kỳ thi năm nay, đó là nếu sau khi chấm kiểm tra nếu thấy kết quả lệch so với 2 giám khảo chấm trước đó thì cán bộ chấm kiểm tra phải báo cáo lãnh đạo ban chấm thi để có phương án xử lý chứ không phải gặp lại giám khảo chấm bài thi đó để thảo luận trực tiếp.
Ông Độ nhấn mạnh: “Dù Hà Nội được biết đến là địa phương luôn làm thi rất chuyên nghiệp, nghiêm túc nhưng tôi đề nghị chúng ta không chủ quan. Trong hơn 500 cán bộ chấm thi, chỉ cần 1 người thiếu “ngay ngắn” là sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ hội đồng thi”.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, khẳng định Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc, không chủ quan trong suốt quá trình chấm thi. Kinh nghiệm cho thấy, có năm có giám khảo tự nguyện xin rút khỏi ban chấm thi vì tiến độ và chất lượng chấm thi không đáp ứng được yêu cầu.
“Năm nay cũng vậy, nếu trong quá trình chấm thi giám khảo nào không đạt yêu cầu, làm ảnh hưởng tới cả tập thể thì cũng cần thiết phải thay thế”, ông Quang cam kết.
1 bài thi trắc nghiệm cần chấm “đặc biệt”
Với việc chấm thi trắc nghiệm, ông Hà Xuân Nhâm, Phó trưởng Ban chấm thi trắc nghiệm, cho biết do số lượng bài thi của Hà Nội rất lớn nên ban chấm thi trắc nghiệm được trang bị tới 13 máy quét, 13 máy tính và 1 máy chủ.
Tất cả đều đảm bảo yêu cầu để quét bài và chấm bài với tốc độ cao, chính xác. Ban chấm thi trắc nghiệm đã tiến hành chạy thử phần mềm, kiểm tra việc phát hiện những lỗi thường gặp trước khi tiến hành chấm chính thức.
Ông Nhâm cho biết, phần mềm chấm thi năm nay thông minh hơn, độ an toàn, bảo mật rất cao giúp cho cán bộ chấm thi trắc nghiệm yên tâm hơn rất nhiều.
Đến thời điểm này, Hà Nội đã quét xong toàn bộ bài thi môn thứ nhất (môn toán) và quét sang môn thứ 2 được khoảng 70%. Dự kiến hết buổi sáng 16.8, sẽ hoàn thiện công đoạn quét bài và sang khâu sửa lỗi.
Ông Hà Xuân Nhâm, Phó trưởng Ban chấm thi trắc nghiệm ( (bìa phải), báo cáo với Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ về tình hình chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội – ẢNH TUỆ NGUYỄN
Ông Hà Xuân Nhâm cũng cho biết, trong số bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi Hà Nội có 1 bài thi “khá đặc biệt”. Cụ thể, có 1 trường hợp thí sinh khi làm bài thi khoa học xã hội, sau khi làm hết môn lịch sử vào phiếu trả lời trắc nghiệm nhưng đến môn địa lý thì em này khoanh đáp án trực tiếp vào đề thi như một cách làm nháp.
Tuy nhiên, sau đó em này quên không khoanh lại các đáp án đã làm ở đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi phát hiện ra thì đã hết giờ làm bài. Do vậy, giám thị và điểm thi đó đã thu cả phiếu trắc nghiệm và đề thi của thí sinh này, niêm phong riêng bài thi và tiến hành lập biên bản.
Phiếu trả lời trắc nghiệm này vẫn được tiến hành quét vì có bài làm môn lịch sử của thí sinh. Tất cả những việc này đều có báo cáo lãnh đạo ban chấm thi và có sự chứng kiến, giám sát chặt chẽ của thanh tra chấm thi.
Ông Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao cách xử lý của hội đồng coi thì và chấm thi với bài thi đặc biệt này của thí sinh và cho rằng đó là cách xử lý phù hợp, đúng với quy chế. Sau đây, ban chấm thi trắc nghiệm của Hà Nội cần lập biên bản chấm với bài thi này với xác nhận của đầy đủ các thành phần có liên quan và tiến hành chấm đúng quy định. Nếu cần thiết, hội đồng thi của Hà Nội báo cáo Bộ GD-ĐT và Bộ sẽ trả lời bằng văn bản. “Tinh thần bảo đảm quyền lợp hợp pháp của thí sinh, không làm sai quy chế thi”, ông Độ nói.
Đề nghị Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, chú ý dịch Covid-19
Đánh giá cao sự chuẩn bị cơ sở vật chất, máy móc, nhân lực… tham gia chấm thi của Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp tục phát huy truyền thống coi thi, chấm thi nghiêm túc, công bằng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ông Độ cũng đề nghị Hà Nội cần tiếp tục quan tâm công tác phòng dịch trong quá trình chấm thi; đẩy nhanh hơn tiến độ chấm thi vì với số lượng giám khảo và trang thiết bị như vậy, theo tính toán, thành phố hoàn toàn có thể kết thúc việc chấm thi vào khoảng 20.8 (thay vì dự kiến 24.8) mà vẫn hoàn toàn bảo đảm chất lượng và tuân thủ quy trình chấm.
Đáp lại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Ngọc Quang hứa sẽ cố gắng hoàn tất khâu chấm thi sớm hơn với tinh thần “nhanh nhưng không vội”. Cũng theo ông Quang, từ nay đến khi hoàn tất chấm thi, mọi công tác phòng dịch đều được tuân thủ nghiêm túc, hàng ngày giám khảo đều được bộ phận y tế đo thân nhiệt trước khi chấm thi, đảm bảo độ giãn cách và khử khuẩn đúng yêu cầu.
Thí sinh hớn hở hoàn thành kỳ thi đặc biệt giữa đại dịch Covid-19
Lo chấm lỏng, chấm chặt môn thi Ngữ văn
Nhiều thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 đang tỏ ra lo lắng việc sẽ có nơi chấm lỏng, nơi chấm chặt ở bài thi Ngữ văn, vì đáp án khá mở.
Lãnh đạo Bộ GD&T lưu ý giám khảo các địa phương phải chấm thi thật công tâm, đều tay, không bảo thủ, đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết.
Khu vực chấm thi được bảo vệ cẩn mật Ảnh: Mỹ Hà
Theo quy chế thi, với bài thi tự luận, giám khảo chấm theo hướng dẫn chấm, đáp án, thang điểm của Bộ GD&ĐT; bài thi được chấm theo thang điểm 10; điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến hai chữ số thập phân. Mỗi bài thi được chấm hai vòng độc lập bởi hai cán bộ chấm thi của hai tổ chấm thi khác nhau. Trước khi vào chấm, tổ trưởng tổ chấm thi sẽ cho chấm chung ít nhất 10 bài để thống nhất cách chấm và cán bộ chấm thi phải bốc thăm túi bài chấm thi.
Đáp án môn Ngữ văn của Bộ GD&ĐT công bố cho thấy khá mở và không đi sâu vào chi tiết từng câu hỏi. Ví dụ, ở câu 1 phần 2 làm văn, đề yêu cầu "Viết đoạn văn 200 chữ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống". Câu này 2 điểm. Đáp án cho 0,25 điểm với phần đảm bảo về hình thức; 0,25 điểm nếu chuẩn về chính tả, ngữ pháp; 0,25 điểm nếu sáng tạo; 0,25 điểm nếu thí sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận là "sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống". Đặc biệt, 1 điểm còn lại, đáp án nêu chung chung: "Thí sinh có thể lựa chọn thao tác lập luận phù hợp làm rõ sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống". Còn ở câu 5 điểm, có tới 0,5 điểm cho sáng tạo và 0,25 điểm cho chính tả và đảm bảo cấu trúc câu.
Cô N.T.H.N., giáo viên dạy Ngữ văn ở một trường THPT tại Hà Nội nhận định, đáp án năm nay quá mở. Thể hiện đầu tiên ở câu số 4, phần đọc hiểu. Đáp án không đưa ra nội dung cụ thể để cán bộ căn cứ chấm bài; thí sinh đồng ý hay không cũng được điểm, chỉ cần lý giải hợp lý. "Nếu vậy, người chấm không cần đọc, cứ cho điểm ở vùng an toàn. Ví dụ, barem là 1 điểm thì có người sẽ cho 0,5 điểm, có người sẽ cho 0,75 điểm mà không sợ kiểm tra lại. 100 người chấm sẽ có 100 quan điểm khác nhau, riêng 1 câu nhỏ đã có sự vênh nhau như vậy rồi", cô N. nói.
Cũng theo cô N., ở phần thứ 2, nghị luận xã hội, đáp án cũng không có barem về nội dung, chỉ yêu cầu thí sinh lý giải đúng về tầm quan trọng cuộc sống mỗi ngày. Không có chuẩn nào được đưa ra thì thí sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau và quan điểm người chấm cũng khác nhau về mức cho điểm, dẫn đến sẽ có chuyện vênh điểm trong từng hội đồng chấm và vênh giữa các tỉnh với nhau.
Hay ở phần sáng tạo, barem cho tối đa 0,5 điểm, nhưng thí sinh làm được những gì thì cho điểm sáng tạo tối đa cũng không được chỉ rõ. Do đó, sẽ có người chấm thi nói cứ có ý sáng tạo là cho 0,5 điểm, nhưng cũng có người khác cho rằng, sáng tạo ở mức này chỉ cho 0,25 điểm. Nhiều năm chấm thi và được giao nhiệm vụ chấm thẩm tra, cô N. nói: "Khi rút 5% số bài thi ra chấm lại mới thấy, có giám khảo chấm nguyên tắc, chặt tay nên học sinh thiệt thòi. Khi đó, tôi đề nghị chấm lại, nâng niu từng câu chữ, ý tứ của học sinh. Tuy nhiên, cũng có bài thi giám khảo chấm khá thoáng, bị yêu cầu hạ điểm".
Không gây áp lực cho người chấm
Ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, nói: "Địa phương chia tổ chấm, dự kiến hoàn thành trong khoảng 6 ngày. Tuy nhiên, Sở quán triệt miễn sao chấm kỹ, không để sai, sót bài của thí sinh. Nếu không xong, 7-8 ngày cũng không sao, giám khảo không bị áp lực về mặt thời gian". Về chấm phần tự luận, tinh thần là những gì học trò làm đúng, giám khảo chấm thi không để các em thiệt.
Về mặt quy trình, trưởng ban chấm thi tự luận cùng các tổ trưởng tổ chấm thảo luận, nghiên cứu kỹ đáp án và hướng dẫn chấm. Thảo luận những tình huống, cách thức, lập luận thí sinh có thể làm, sau đó đi đến thống nhất để có quan điểm chung. Sau đó, quán triệt toàn ban giám khảo và chấm chung để mọi người cùng thống nhất. "Đáp án có cho điểm sáng tạo khoảng 0,25 điểm ở mỗi đoạn nhưng cũng có quy định cụ thể, ví dụ như bài làm có những suy nghĩ sâu sắc, diễn đạt mới mẻ. Vì thế, giả sử có người này chấm lỏng, người khác chấm chặt khó có thể lý giải hết được. Nhưng về quy trình chấm thi 2 vòng độc lập, chấm thẩm tra như hiện nay là chặt chẽ", ông Phương khẳng định.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Tân, cho biết, sau khi làm phách hai vòng xong, mới bốc thăm giao bài cho cán bộ chấm thi đảm bảo hai vòng độc lập, không cán bộ nào chấm lại bài trước đó. Ngoài ra, địa phương lập tổ chấm thi rút ít nhất 5% số bài thi để chấm kiểm tra. Để đảm bảo tiến độ ngày 27/8 công bố điểm cho thí sinh, Thừa Thiên - Huế điều động thêm khoảng 10 cán bộ chấm thi.
Kiểm tra chấm thi tại các địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nói: "Sức ép của việc tuyển sinh vào các trường ĐH là rất lớn nên các thầy cô giáo cũng phải chịu áp lực, làm sao chấm thi phải thật công bằng, khách quan".
Thái Bình: Dự kiến 17/8 chấm thi xong các bài tốt nghiệp THPT Số bài không nhiều nên công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 17/8 tới. Ảnh minh họa/internet Ông Phan Văn Đức, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (sở GD&ĐT Thái Bình) cho biết: Thái Bình đã tiến hành khai mạc chấm thi tốt nghiệp THPT từ chiều 12/8. Nhân...