Hà Nội: Dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp
Giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, tình hình dịch tại một số xã, phường khá phức tạp.
Chăm sóc cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết . (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho thấy, tính đến hết tháng 9, toàn thành phố ghi nhận hơn 5.300 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, chưa ghi nhận ca tử vong.
Đáng chú ý, tình hình dịch tại một số địa phương đang diễn biến khá phức tạp.
Trên 400 người mắc sốt xuất huyết mỗi tuần
Theo đánh giá từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, số người mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trong hai tháng gần đây. Trong đó, vào những tuần của tháng 9, mỗi tuần đều ghi nhận trên 400 trường hợp mắc mới. Bệnh nhân có ở 465/584 xã, phường, thị trấn (chiếm 79%).
Một số xã, phường ghi nhận nhều bệnh nhân hoặc ổ dịch phức tạp kéo dài, quy mô như Tiền Phong (Thường Tín), Mễ Trì, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm), Phương Trung (Thanh Oai), Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì), Minh Khai (Bắc Từ Liêm), Ô Chợ Dừa (Đống Đa), Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy), Đại Kim (Hoàng Mai), Sơn Đồng, Kim Chung (Hoài Đức), thị trấn Phùng (Đan Phượng).
Dự báo những tháng cuối năm, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện thời tiết thất thường, số trường hợp mắc bệnh có thể tăng đúng vào chu kỳ của đỉnh dịch vào tháng Mười và Mười một.
Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh môi trường hạn chế, mật độ dân cư cao, một số khu vực thiếu nước sạch , người dân phải tích trữ nước để sinh hoạt hay khu vực có nhiều bãi đất trống… cũng tạo điều kiện cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sản và phát triển.
Phun hóa chất tại các ổ dịch chưa triệt để
Vẫn theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, tại một số xã, phường có tình hình dịch phức tạp đều ghi nhận chỉ số côn trùng cao. Nguyên nhân chính do các địa phương chưa thành lập đội xung kích hoặc đã thành lập nhưng hoạt động chưa hiệu quả, thiếu kinh phí hoạt động. Ngoài ra, việc phun hóa chất tại các ổ dịch còn chưa triệt để, tỷ lệ hộ gia đình được phun hóa chất triệt để thấp (do đi vắng hoặc không hợp tác với nhân viên y tế).
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân vệ sinh phòng bệnh. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Thêm vào đó, ý thức phòng bệnh của người dân chưa tốt. Mặc dù được tuyên truyền, hướng dẫn nhưng nhiều hộ gia đình còn thờ ơ, chưa tự thực hiện diệt bọ gậy trong nhà.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu khống chế sự gia tăng của số mắc, không để tử vong do sốt xuất huyết Dengue. Cụ thể, số mắc không quá 600 trường hợp trong 1 tuần; số mắc cả năm 2019 không quá 119 trường hợp/100.000 dân.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố yêu cầu các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã tăng cường hoạt động giám sát dịch, triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất; đảm bảo hóa chất, máy móc để đáp ứng chống dịch./.
Triệu chứng và xử lý khi bị sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa. Hiện nay đang là thời kỳ cao điểm của bệnh.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay), giai đoạn nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết thường vào ngày thứ 3-7 của bệnh. Lúc này, người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Đây chính là lý do làm cho người bệnh chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã đỡ, không tiếp tục điều trị hoặc tái khám, dẫn tới bệnh nặng và có thể tử vong.
Các biểu hiện của bệnh trong giai đoạn này có thể là đau bụng, vật vã, lừ đừ, li bì kèm theo buồn nôn. Tình trạng xuất huyết gia tăng, xuất huyết niêm mạc như ra máu chân răng, ra máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc máu, xuất huyết âm đạo hoặc đái ra máu.
Vì vậy, bác sỹ Cấp khuyến cáo, nếu bệnh nhân sốt cao trên 38,5 độ C cần thuốc hạ sốt và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, cách nhau mỗi 4-6 giờ, bù dịch bằng đường uống như nước oresol hoặc nước trái cây…
Người bệnh cần tái khám ngay khi có một trong các dấu hiệu như thấy khó chịu hơn mặc dù giảm sốt hoặc hết sốt, không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều; ra máu mũi, miệng hoặc không đi tiểu trên 6 giờ; tăng kích thích, vật vã hoặc li bì…
Theo Vietnamplus
Hà Nội: Yêu cầu sàng lọc người bệnh sốt xuất huyết để ngăn chặn dịch bệnh
Đây là nội dung văn bản khẩn của Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống và điều trị sốt xuất huyết (SXH), trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh này. Hiện tại dịch bệnh đã lan rộng khắp địa bàn.
Hà Nội: Yêu cầu sàng lọc người bệnh sốt xuất huyết để ngăn chặn dịch bệnh. Ảnh: Mecon
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố xin ý kiến các nhà khoa học về giải pháp phòng chống dịch bệnh SXH phù hợp với diễn biến dịch và tình hình thực tế tại địa bàn. Đồng thời, tăng cường làm tốt các hoạt động chuyên môn phòng chống dịch bệnh SXH và thường xuyên cảnh báo các đơn vị về nguy cơ dịch bệnh SXH.
Đối với Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã: Cần rà soát, kiện toàn lại đội xung kích và Tổ giám sát phòng chống dịch SXH, tập huấn lại chuyên môn kỹ thuật cho các thành viên. Đặc biệt, phải yêu cầu các thành viên đội xung kích vào từng hộ gia đình để hướng dẫn, trực tiếp thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy ở các dụng cụ chứa nước có bọ gậy.
Tại các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập, Sở Y tế yêu cầu rà soát, điều chỉnh các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, phân loại ca bệnh để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám và điều trị sốt xuất huyết; Tư vấn cho người bệnh điều trị đúng tuyến để giảm quá tải cho tuyến trên. "Từng đơn vị cần có kế hoạch điều chuyển, bổ sung giường bệnh để người mắc bệnh dịch sốt xuất huyết không phải nằm ghép; Chuẩn bị đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và chế phẩm máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu cho người bệnh mắc sốt xuất huyết"
Đặc biệt đối với các đơn vị khám chữa bệnh, tiếp nhận và điều trị tích cực cho người bệnh mắc SXH, có biện pháp cách ly để hạn chế lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Đối với những trường hợp bệnh nhân mắc SXH nặng, vượt quá khả năng điều trị cần xử lý tích cực và chuyển tuyến trên kịp thời.
Theo đó, để tiếp tục chủ động và nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh cho phù hợp với tình hình dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám, khám lại.
Đồng thời tư vấn, giải thích cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, hạn chế quá tải các tuyến, cố gắng sắp xếp không để người bệnh nằm ghép. Đối với người bệnh đã ổn định thì chuyển người bệnh về tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc, tránh quá tải để gây những hệ lụy không đáng có xảy ra, điển hình là lây nhiễm chéo để dịch bệnh bùng phát và khó kiểm soát.
Lương Minh
Theo congluan
Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái Ngày 21/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội cho biết, dự báo trong những ngày tới, thời tiết ở Hà Nội vẫn duy trì nhiệt độ từ 28 - 36 độ C và có mưa rải rác là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue phát triển. Lãnh đạo Sở Y tế giám sát...